“Lính mới” Cortana đọ sức mạnh cùng Siri và Google Now

Cú Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 07/04/2014

Xuất phát chậm nhưng tăng tốc nhanh, liệu Microsoft có bắt kịp những gì Apple và Google đang sở hữu với Cortana?

Với sự có mặt của tính năng “trợ lý ảo” trên hai hệ điều hành di động phổ biến là iOSAndroid, khả năng này đã gần như trở thành một tính năng tiêu chuẩn trên smartphone hiện đại. Tuy nhiên, Microsoft chỉ vừa mới nhón chân vào cuộc chơi này mới đây khi công bố sản phẩm Cortana trong khuôn khổ sự kiện BUILD 2014. Dẫu vậy, có vẻ như ông lớn vùng Redmond đang chơi nước bài chậm mà chắc khi Cortana tuy đi sau nhưng được giới chuyên môn đánh giá rất cao ngay tại thời điểm ra mắt.

1. Khả năng nhận diện giọng nói


Cortana:
Windows Phone 8.1, Cortana sẽ khả dụng dưới dạng một ô Live Tile trên màn hình Start. Người dùng có thể truy xuất Cortana bằng cách nhấn vào Live Tile này hoặc đơn giản nhấn vào nút tìm kiếm trên thiết bị. Bắt đầu từ đây, Cortana sẽ sẵn sàng đón nhận những câu lệnh hoặc câu hỏi của người dùng. Microsoft cho hay Cortana sẽ “trả lời theo từng câu đầy đủ và thậm chí kèm theo cả yếu tố giao tiếp tự nhiên”.

Google Now: Google Now hiện hỗ trợ một phạm vi rộng lớn các câu lệnh cùng khả năng nhận diện giọng nói khá hoàn thiện. Để truy xuất trợ lý ảo này, người dùng cần chạm vào biểu tượng chiếc microphone và nói “OK Google”. Lúc này, Google Now sẽ sẵn sàng đón nhận câu hỏi từ phía người dùng và mang lại các thông tin liên quan dưới dạng phản hồi giọng nói hoặc thẻ thông tin. Ở các thiết bị như Moto X hoặc Nexus 5 chạy Android 4.4, người dùng thậm chí chỉ cần nói “OK Google” để kích hoạt Google Now mà không cần bất cứ thao tác chạm thêm nào khác.

Siri: Bắt đầu từ iPhone 4S, người dùng có thể “gọi” Siri bằng cách nhấn giữ phím Home. Sau khi nhận lệnh từ người dùng, Siri sẽ mang đến kết quả liên quan từ những cỗ máy tìm kiếm như Wolfram Alpha hay Bing hoặc tương tác với các ứng dụng được cài trên thiết bị. Với việc sở hữu khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên tinh tế, Apple nói bạn có thể trò chuyện với Siri tương tự như với một con người thực tế.

2. Nhập lệnh bằng phương thức gõ ký tự


Cortana:
Khi sử dụng Cortana, người dùng có thể hỏi trợ lý ảo này bằng hai cách: giọng nói hoặc gõ ký tự. Gõ ký tự đặc biệt tỏ ra hữu ích khi bạn muốn tìm kiếm thông tin ở những nơi đông người. Được biết, Cortana sẽ “nói” nhỏ hơn khi bạn tìm kiếm bằng phương thức nhập ký tự.

Google Now: Tương tự, bên cạnh tìm kiếm bằng giọng nói, người dùng Google Now có thể trực tiếp gõ ký tự vào ô trống bên cạnh biểu tượng microphone để bắt đầu tìm kiếm.

Siri: Siri là trợ lý ảo duy nhất trong số ba ứng dụng chúng ta đang bàn đến không hỗ trợ tìm kiếm bằng phương thức nhập ký tự.

3. Sức mạnh tìm kiếm


Cortana: Dĩ nhiên Cortana được vận hành bởi bộ máy tìm kiếm "chính chủ" Microsoft là Bing. Bên cạnh đó, trợ lý ảo này cũng sẽ sử dụng dữ liệu đến từ một số ứng dụng có liên quan. Ví dụ, khi người dùng yêu cầu Cortana tìm một nhà hàng, nó sẽ truy xuất các nhận xét, phản hồi về các nhà hàng trong khu vực trên ứng dụng Yelp để mang lại cho người dùng kết quả tốt nhất.

Khi được hỏi những câu tương tự như “lượng calories chứa trong chuối”, bên cạnh mang lại các thông tin về dinh dưỡng đơn thuần, Cortana sẽ tự động thêm thông tin này vào ứng dụng theo dõi sức khỏe hay ăn uống mà bạn đang sử dụng.

Microsoft còn khẳng định Cortana sẽ ghi nhớ những gì người dùng hỏi trước đó để tiến hành xâu chuỗi lại và mang đến các kết quả tìm kiếm ngày càng hợp lý và tự nhiên hơn sau một thời gian sử dụng.

Google Now: Cốt lõi sức mạnh tìm kiếm của Google Now nằm ở công cụ tìm kiếm số một hiện nay, Google Search. Google Now hoạt động dựa theo nguyên tắc theo dõi hành vi tìm kiếm của bạn để thu thập các thông tin cần thiết và phục vụ người dùng tốt hơn. Đặc biệt, Google còn có một công nghệ mang tên Knowledge Graph, giúp mang đến các kết quả tìm kiếm chi tiết hơn bằng cách phân tích sâu ý nghĩa và sự kết nối của các từ khóa.

Siri: Sức mạnh tìm kiếm của Siri là tổng hòa khả năng tìm kiếm của Wolfram Alpha, Wikipedia, Bing và một vài dịch vụ khác. Apple khẳng định Siri hoạt động theo nguyên tắc “chủ động”. Điều này có nghĩa là hệ thống thậm chí sẽ liên tục hỏi lại người dùng các câu hỏi cho đến khi dựa vào đó tìm được câu trả lời hợp lý và vừa ý người dùng nhất.

4. Tìm hiểu về người dùng


Cortana:
 Kể từ lúc kích hoạt Cortana lần đầu, tính năng này sẽ bắt đầu tìm hiểu các yếu tố liên quan đến người dùng. Trợ lý ảo này sẽ ghi nhớ tên cùng cách phát âm của tên bạn và bắt đầu hỏi về các sở thích hay mối quan tâm cá nhân. Các thông tin mà Cortana muốn tìm hiểu thậm chí còn chi tiết như quãng đường bạn đi làm để mang đến các thông tin giao thông về sau.

Cortana có một tính năng gọi là Notebook. Tại đây, nó sẽ ghi lại tất cả các thông tin theo dõi được từ người dùng. Được biết, người dùng có thể tùy ý thêm vào hoặc bỏ đi các thông tin tùy theo ý muốn của mình thông qua Notebook.

Google Now: Google Now tìm hiểu về người dùng bằng cách theo dõi, ghi nhớ và hiểu về những hành vi lặp đi lặp lại của bạn khi tìm kiếm. Do đó, trợ lý của Google cần một khoảng thời gian "âm thầm" theo dõi người dùng để có thể hoạt động hiệu quả nhất.

Siri: Siri cũng có độ chính xác được cải thiện tỉ lệ thuận với thời gian bạn sử dụng nó. Trong thực tế, Siri sẽ bắt đầu quá trình tìm hiểu về người dùng ngay sau khi được kích hoạt lần đầu tiên bằng cách ghi nhớ giọng nói của bạn.

Trợ lý ảo này cũng sẽ “lục lọi” các thông tin từ danh bạ, kho nhạc, lịch năm và nhắc nhở của chủ nhân để có thể mang đến các kết quả chính xác hơn.

5. Liên kết với ứng dụng Lịch (Calendar), Báo thức (Alarm) và Nhắc nhở (Reminders)


Cortana:
Cortana có thể thêm các thông tin vào ứng dụng lịch đồng thời đặt lịch hẹn cho người dùng theo yêu cầu. Theo Microsoft, Cortana còn có khả năng tự động lướt qua email của người dùng và tự động lưu lại các thông tin liên quan đến ngày tháng ví dụ như kế hoạch du lịch hay các cuộc hẹn. Người dùng cũng có thể ra lệnh cho Cortana đặt báo thức.

Nhắc đến ứng dụng Nhắc nhở, Cortana có một tính năng thú vị liên quan đến nhắc nhở về con người. Ví dụ, có một người nợ tiền bạn, hãy lưu thông tin này vào Cortana và lần tới khi người đó gọi điện thoại, Cortana sẽ nhắc bạn về... khoản nợ.

Google Now: Tương tự Cortana, Google Now cũng có thể thêm các thông tin vào ứng dụng lịch, đặt lịch hẹn và thêm vào các nhắc nhở theo yêu cầu. Trợ lý ảo của Google cũng có khả năng thâm nhập vào rất nhiều ứng dụng để mang đến các thông tin hữu ích cho người dùng.

Siri: Không tỏ ra thua kém, Siri cũng có thể thay người dùng đặt lịch hẹn và thêm nhắc nhở. Nhìn chung, Siri vận hành hoàn hảo với các ứng dụng gốc của iOS.

6. Điện thoại, danh bạ và SMS


Cortana: Bên cạnh việc có thể yêu cầu Cortana khởi tạo một cuộc gọi bình thường, trợ lý ảo này còn được tích hợp sâu hơn thế. Cụ thể, ứng dụng Skype cho Windows Phone 8.1 được tích hợp kèm ứng dụng gọi điện thoại thường. Điều này có nghĩa là khi đang trong một cuộc gọi thoại, bạn hoàn toàn có thể chuyển sang cuộc gọi video bằng Skype mà không cần gác máy. Tác vụ này có thể được thực hiện thông qua Cortana.

Ngoài ra, Cortana còn có thể soạn tin nhắn cho người dùng. Được biết, trợ lý ảo này còn có một tính năng quản lý danh bạ thông minh có tên “inner circle”.

Google Now: Google Now cũng có thể gọi thoại, nhắn tin hoặc email đến bất kì ai người dùng muốn. Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là nó chưa được tích hợp hoàn thiện vào Hangouts do đó bạn không thể ra lệnh cho Google Now khi muốn trò chuyện Hangouts cùng người khác.

Siri: Về phía Siri, trợ lý ảo này cũng có thể khởi động các cuộc gọi thoại, FaceTime, nhắn tin và email.

7. Thời tiết


Cortana: Người dùng có thể hỏi Cortana về thông tin dự báo thời tiết hoặc đơn giản bạn có thể vào màn hình Cortana Home để xem thông tin này.

Google Now: Cũng giống như Cortana, bạn có thể hỏi Google Now về thời tiết ở bất kì nơi nào. Thông tin về thời tiết nơi bạn đang sống cũng sẽ khả dụng dưới dạng thẻ thông tin trong Google Now của bạn.

Siri: Như đã đề cập đến bên trên, Siri hoạt động hoàn hảo với các ứng dụng gốc của iOS và Weather không phải một ngoại lệ.

8. Âm nhạc


Cortana:
Bên cạnh khả năng “nhận lệnh” chơi nhạc, Cortana còn có tính năng nhận diện bài hát.

Google Now: Khi được người dùng yêu cầu phát nhạc, Google Now sẽ tự động mở Google Play Music và chơi bất kì bài hát nào bạn muốn. Ứng dụng này cũng có thể mua nhạc cho người dùng và chơi sau đó.

Siri: Siri cũng có thể mở nhạc cho người dùng.

9. Các ứng dụng bên thứ ba


Cortana:
 Microsoft khẳng định Cortana có thể tương tác với các ứng dụng bên thứ ba được cài trên thiết bị, ví dụ như người dùng có thể ra lệnh cho Cortana mở News Feed Facebook hoặc gửi một dòng tweet lên Twitter.

Google Now: Mới đây Google Now cũng đã nhận được gói cập nhật cho phép tích hợp kết quả tìm kiếm với ứng dụng từ bên thứ ba. Điều này có nghĩa là khi kết quả tìm kiếm được trả về, một nút bấm mới sẽ có tên “open in app” (mở trong ứng dụng) sẽ xuất hiện nếu máy đã cài sẵn ứng dụng đó và có liên quan đến kết quả tìm kiếm.

Siri: Hiện Siri chưa thể tương tác với nhiều ứng dụng bên thứ ba, tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ sớm thay đổi khi Apple được cho là đang hoàn thiện khả năng này trong thời gian ngắn trước mắt.

10. Tính cách


Cortana:
Theo chia sẻ của ông lớn vùng Redmond, Cortana không phải một cỗ máy “hỏi và trả lời”. Theo đó, cô nàng trợ lý ảo này có một chút nét tính cách của riêng mình.

Google Now: Google Now thực sự là một cỗ máy tìm kiếm với khả năng mang lại các kết quả hiệu quả nhất. Nếu bạn kể chuyện cười với Google Now, thay vì đáp trả, nó sẽ... tìm kiếm câu chuyện cười đó cho bạn.

Siri: Người dùng Siri có lẽ đã không ít lần bắt gặp các câu thoại vô cùng ngộ nghĩnh và thông minh của trợ lý ảo này. Siri cũng được cho là có “tính cách” chứ không khô khan như Google Now.

Tạm kết

Chỉ vừa mới xuất hiện, Cortana đến từ Microsoft đã thực sự trở thành minh chứng cho việc hãng này đang theo sát Apple và Google ở mảng trợ lý ảo. Thậm chí tính năng Cortana còn được đánh giá cao hơn Google Now và Siri ở độ linh hoạt mang đến cho người dùng. Tuy nhiên, Apple và Google chắc chắn cũng sẽ không chịu ngồi yên, do đó còn quá sớm để khẳng định đâu là trợ lý ảo hiệu quả nhất. Sau cùng, với tất cả những cải thiện và cạnh tranh này, người dùng là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất bởi công nghệ đang ngày càng được phát triển theo chiều hướng hoàn thiện và tích cực hơn.