SOPA: Lợi chẳng thấy đâu, hại ngay trước mắt

Quỳnh Trang, Theo 00:01 21/01/2012

Làng công nghệ đang sôi sục với dự luật chống vi phạm bản quyền trên mạng này.

Bên ủng hộ dự luật chống vi phạm bản quyền trực tuyến như Apple, Microsoft hay Hội điện ảnh Hoa Kỳ hy vọng SOPA có thể giúp ngăn chặn việc đánh cắp tài sản trí tuệ của họ. Song thực tế, SOPA chỉ khiến những người dùng ngây thơ phải rời xa internet, trong khi nhóm lợi ích nhờ làm ăn phi pháp lâu nay càng lộng hành hơn. Chúng mình hãy cùng theo dõi bài viết trên trang Mashable nhằm hiểu rõ hơn vấn đề này.

Nguyên nhân thực sự
 
Lý do ủng hộ SOPA tập trung vào quan điểm rằng vi phạm bản quyền trên mạng sẽ đẩy hàng loạt ngành công nghiệp tới tình cảnh khốn cùng. Nhiều nghệ sỹ và dân kinh doanh cho biết họ thường cảm thấy phiền lòng, bởi tác phẩm của mình bị người khác sử dụng mà chẳng tốn một xu. Những ca sỹ phản đối việc bản thu còn chưa được công bố thì đã sẵn sàng trên mạng để tải về. Hay nhà làm phim phẫn nộ khi tiêu tốn biết bao mồ hôi và tiền bạc, song đành bất lực nhìn vô số trang web chia sẻ tự do. Dĩ nhiên, họ đều muốn chấm dứt tình trạng ấy.
 
 
 
Giới ủng hộ SOPA tin rằng các nhà cung cấp dịch vụ internet, công cụ tìm kiếm và máy chủ web phải chịu trách nhiệm chấm dứt hành vi xâm phạm. Thực sự, suy nghĩ trên cực kỳ thiển cận.
 
Cần phải rõ ràng ngay, có hẳn một đế chế kinh doanh ngầm với lợi nhuận khổng lồ thu được từ hành vi xâm phạm bản quyền. Trong đó, hầu hết cơ sở tham gia đều không hề online. Tại nhiều khu vực như châu Á, thật khó khăn nếu bạn muốn tìm thấy sản phẩm không vi phạm. Bản sao hoàn hảo của phim ảnh, chương trình truyền hình, âm nhạc và phần mềm được bán dưới lớp vỏ bọc hoàn hảo, ngay đến nhân viên chính hãng cũng chẳng thể phân biệt nổi.  
 
Những bộ phim "bom tấn" được bày bán trên đường phố trước thời điểm chiếu rạp tại Mỹ. Điều ấy đã diễn ra hàng thập kỷ và chưa thấy dấu hiệu dừng lại. Chắc chắn, đế chế sẽ không biến mất bởi SOPA. Những chuyên gia sao chép nội dung sẽ không bị ảnh hưởng, bởi họ thừa tiền, thừa công nghệ và thừa kỹ năng để thu được nội dung gốc hay trình chiếu chúng.
 
 
Hơn nữa, những quốc gia giữ lợi ích từ hoạt động vi phạm bản quyền không cần tuân theo luật pháp Hoa Kỳ. Điển hình như AllofMP3.com - website lợi dụng lỗ hổng bản quyền đã kinh doanh các bản thu với giá 0,1 USD (khoảng 2.000 đồng) cho chính người Mỹ. Dưới áp lực ngoại giao, trang web đã phải đóng cửa song giới chức Nga tuyên bố AllofMP3.com không phạm luật.
 
SOPA có thể ngăn chặn cá nhân ngây thơ khỏi việc sử dụng tác phẩm "lậu", song với người dùng có kỹ năng và dân buôn - đối tượng có lợi ích và khát khao thực sự, chuyện này hoàn toàn không thể.
 
Hãy dành tiền cho giải pháp thay vì quy định
 
Hiển nhiên, vấn đề vi phạm bản quyền cần được giải quyết, nhưng SOPA không phải đối sách phù hợp. Hẳn bạn cũng từng download bài hát trên mạng, thậm chí chất lượng của hàng vi phạm còn "ngon" hơn bản gốc. Song, vẫn nhiều người sẵn sàng bỏ tiền mua DVD xịn bởi phần bổ sung phong phú, hoặc chất lượng ổn định hơn. Đôi khi, chúng còn xuất phát từ tình cảm dành cho nghệ sỹ, thần tượng...
 
 
Tại sao họ trả tiền cho nội dung trên iTunes, Hulu và nhiều trang khác? Câu trả lời là chúng giúp họ có được điều mình muốn nhanh chóng, thay vì phải tìm kiếm trên mạng với bất cập như công sức, thời gian, chất lượng và mối đe dọa từ virus, mã độc... Đúng vậy, giải pháp tập trung nâng cao kỹ thuật, phổ biến công cụ hiện đại giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với nội dung bản quyền sẽ trở nên hợp lý hơn việc cấm đoán.
 
"Hãy dừng tìm cách buộc tội tất cả người dùng internet, hãy coi họ là khách hàng tiềm năng" - nhiều chuyên gia đã thốt lên như vậy khi nói về SOPA. Dự luật trên không thể hoàn thành nhiệm vụ chấm dứt vi phạm bản quyền trên mạng. Những kẻ làm ăn phi pháp vẫn đứng vững, trong khi tự do trực tuyến không còn.