20 tuổi, cô gái tranh thủ làm sếp trong lúc gap year: Bà hàng xóm không rảnh để follow và nói về tôi mãi

Ái Lê - Ảnh: Hải Ô - Thiết kết: Huyền Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 28/03/2021

Cùng kết nối với Vy để hiểu thêm những suy nghĩ của Gen Z trong việc lựa chọn hướng đi cho tương lai, lẫn bản lĩnh đối diện với những luận bàn của thế giới xung quanh nhé!

Những ngày qua, trên MXH xuất hiện chia sẻ về một cô gái 20 tuổi đang trong giai đoạn gap year nhưng đã lên chức trưởng phòng kinh doanh của một công ty. Nếu ví việc học và sự nghiệp như những nấc thang, thì cú "hack thang" của cô bạn Gen Z này đang nhận về nhiều luồng ý kiến, cả bất ngờ ngưỡng mộ xen lẫn hoài nghi.

Khi có dịp ngồi lại với nhân vật chính trong câu chuyện ấy - Đặng Thuỵ Thảo Vy, mới thấy cô bạn đang đi làm với tâm thế học, một Gen Z có phong cách sống và vẫn miệt mài tìm kiếm những trải nghiệm thú vị trong hành trình tìm hiểu "tôi là ai?".

nCùng kết nối với Vy để hiểu thêm những suy nghĩ của Gen Z trong việc lựa chọn hướng đi cho tương lai lẫn bản lĩnh đối diện với những luận bàn của thế giới xung quanh nhé!

Đặng Thuỵ Thảo Vy

Sinh năm 2000
Sống tại Sài Gòn, cựu học sinh THPT Chuyên Lê Hồng Phong

  • Tài năng trẻ TP.HCM 2018.

  • Top 3 dự án đại diện Việt Nam tham dự Cuộc thi Thử thách thương mại Quốc tế 2018 tại Singapore.

  • Giải Nhất - Cuộc thi khoa học, kĩ thuật cấp Quốc gia cho học sinh trung học năm học 2017 - 2018.

  • Giải Nhất - Kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn Địa lý - Thành viên đội tuyển tham dự Kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia năm học 2017 - 2018.

  • Đạt giải Nhất - Cuộc thi Dấn thân vào Khoa học - Trường hè Khoa học Sài Gòn 2018.

  • Top 10 học sinh giỏi Nhất lớp 12CV2 trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong năm học 2017 - 2018 (GPA 9,3/10).

  • Đạt học bổng Odon Vallet 2018 và học bổng tham gia nhiều khóa học ngắn hạn trong nước.

  • Trưởng ban Truyền Thông CLB Hướng Nghiệp - trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong nhiệm kỳ 2016 - 2017.

  • Công dân đại diện tham quan tàu Hải quân Canada HMCS Vancouver - Tổng Lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Top 8 cuộc thi Én Vàng Học Đường - Đài truyền hình TP.HCM.

  • Tuyển thẳng Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn.

  • Năm 2019 - 2020, Vy mở Yoga studio, quán trà sữa và cho thuê căn hộ AirBnB.

  • Tháng 3/2020, Vy vào công ty FWD, khoảng 1 năm sau Vy trở thành trưởng phòng kinh doanh trẻ nhất.

1. Hiểu về bản thân

"Tôi mơ hồ về bản thân, cũng không biết mình thực sự giỏi gì hay thích gì. Trong tập thể có rất nhiều người giỏi, điều gì làm tôi khác biệt, nếu cũng chỉ học giỏi và luyện thi điểm cao như các bạn? Tôi bắt đầu tìm hiểu mình là ai từ thời điểm học cấp 3 và những năm sau đó".

Thảo Vy (sinh năm 2000, sống tại Sài Gòn), tốt nghiệp trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong năm 2018. Sau khi tốt nghiệp, Vy quyết định tạm hoãn việc vào đại học vì muốn học hỏi nhiều hơn về thế giới xung quanh và đặc biệt là tìm hiểu về bản thân. Thời điểm đó, Vy khá mơ hồ về chính mình nếu phải trả lời câu hỏi: Mình thực sự giỏi cái gì? Thích gì? Điều gì làm mình cảm thấy vui mỗi ngày?

Năm đầu tiên gap year, Vy tham gia khá nhiều cuộc thi và các khoá học ngắn hạn để mở mang kiến thức và thử thách bản thân. Đến năm thứ 2, Vy đã có ý định đăng ký học lại đại học, song khi đứng trước những cơ hội kinh doanh cô muốn nắm lấy cơ hội.

Hiện tại, ở tuổi 20 - Vy đang là trưởng phòng kinh doanh trẻ nhất của công ty thuộc tập đoàn đầu tư tài chính - viễn thông - bất động sản, có trụ sở tại Sài Gòn. Dưới Vy có 30 nhân viên.

Vy từng có ý định du học nhưng ở thời điểm đó Vy không biết chính xác mình muốn học ngành gì. Còn bây giờ, nếu đi du học, cô nghĩ mình muốn học về tài chính, kinh doanh.

Vy biết mình còn trẻ và có rất nhiều điều để làm, những thành quả ở hiện tại chưa khẳng định được gì vì phía trước hãy còn là một hành trình rất dài cần đến nhiều nỗ lực.

Thảo Vy sở hữu suy nghĩ và vẻ ngoài trưởng thành hơn tuổi 20

2. Bà hàng xóm

“Bà hàng xóm là một ví von đại diện cho rất nhiều những quan niệm của người khác đặt lên mình. Tất cả mọi người đều có quyền nói lên quan điểm và phản ứng riêng của họ. Ai tích cực thì mình lấy đó là động lực phấn đấu, còn ai đưa ra những ý kiến tiêu cực, tôi sẽ lắng nghe và cẩn trọng với những cảnh báo của họ. Nhưng mỗi người có một con đường riêng, tôi muốn tập trung vào cuộc sống của mình và trở thành một phiên bản tốt hơn chứ không phải để làm hài lòng tất cả. Không ai có đủ thời gian để mãi dõi theo hành trình của tôi. Bà hàng xóm hay ai khác cũng đều có cuộc sống riêng của mình”.

Vy nghĩ mình là một người may mắn. May mắn khi từ ngày học cấp 1, cô đã được ba mẹ cho tự quyết định mọi thứ thuộc về mình. Lên cấp 2, khi muốn học thêm môn gì Vy chỉ cần báo với ba mẹ số tiền phải đóng và lịch học là được. Ông Ngoại là người đưa đón Vy đến các lớp học kể cả lớp Yoga. Năm cấp 3, khi hầu hết phụ huynh lẫn con cái của họ căng như dây đàn vì chuyện chọn trường, Vy thong dong vì chuyện đó cô cũng tự quyết nốt. Thậm chí, đến lúc Vy nộp đơn vào Lê Hồng Phong và thi đậu, ba mẹ mới biết: “À, đậu rồi hả. Chúc mừng con!”.

20 tuổi, cô gái tranh thủ làm sếp trong lúc gap year: Bà hàng xóm không rảnh để follow và nói về tôi mãi - Ảnh 3.

Vy nghĩ mình là một người may mắn vì trong việc học, cô được ba mẹ trao cho toàn quyền quyết định

Tôn trọng và tin tưởng là 2 thứ Vy nhận được từ ba mẹ. Nhưng để có được điều đó, cô nàng luôn phải nỗ lực chứng minh cho gia đình thấy mình có thể làm được. Từ cấp 1 đến cấp 3, Vy luôn có thành tích học tập tốt.

Cô gái 20 tuổi không muốn nhìn nhận cuộc sống này theo một chuẩn mực nào. Bạn này có đẹp không, bạn kia có thành công không, những khái niệm ấy vốn dĩ đã rất khác nhau ở mỗi người. Và cả việc phải làm gì để được bà hàng xóm xem là “con nhà người ta”, Vy không xác đinh được cái chuẩn đó. Vì chuẩn thì chuẩn so với cái gì?

3. Thất bại

“Tôi thất bại nhiều thứ. Khi đứng trước cơ hội có quyền say no, tôi lại sẵn sàng say yes bởi vì tại sao không thử? Mỗi thất bại là một bài học”.

Bạn nghĩ sau khi gap year thì Vy sẽ bon bon trên con đường tìm hiểu bản thân mình và thành công ngọt ngào sẽ đến ư? Bạn sai rồi. Vy nhận về một chuỗi thất bại.

Năm 2019, Vy được mẹ tặng cho một khoá học để trở thành HLV Yoga Quốc tế trong thời gian gap year. Tại đây, cô bạn tình cờ quen với một người chị đang có ý định mở phòng Yoga để kinh doanh. Họ bắt tay nhau. Vy bỏ công sức, người kia đầu tư tiền. Đó là dự án kinh doanh đầu tiên của Vy. Nửa đầu năm 2020, Vy còn cùng đối tác mở ra một số mô hình kinh doanh khác (quán trà sữa, căn hộ cho thuê…) nhưng tất cả đều phải dừng lại vì yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Mỗi lần thất bại là sẽ có một bài học. Xâu chuỗi lại tất cả những điều đã trải qua, Vy thấy bài học lớn nhất chính là: Có thất bại thì mới đạt được thứ mình muốn.

20 tuổi, cô gái tranh thủ làm sếp trong lúc gap year: Bà hàng xóm không rảnh để follow và nói về tôi mãi - Ảnh 4.

Thảo Vy xem thất bại là đường đi tới thành công

Mổ xẻ câu chuyện mở quán trà sữa. Vy không biết gì về trà sữa cũng không biết pha chế. Khi kinh doanh, cô buộc phải thuê người có khả năng nấu ra món đó. Đó là cái sai lầm lớn nhất. Khi để cho người ta đi chợ và tự mua nguyên liệu, Vy sẽ không kiểm soát được giá thành, thành phần… Bên cạnh đó, cô cũng không thể can thiệp vào công thức mà chỉ có thể nếm thử và góp ý. Rõ ràng, Vy đang kinh doanh một lĩnh vực mà mình không hề có chuyện môn, phải phụ thuộc vào người khác. Nếu một ngày nào đó, có người trả cho họ lương cao hơn hoặc là họ tích luỹ đủ vốn để ra mở riêng, thì coi như Vy thua trắng.

Còn đối với dự án Yoga hay căn hộ cho thuê. Câu chuyện mặt bằng rất quan trọng. Để tìm được mặt bằng vừa ý đã khó, việc giải quyết những yêu cầu về hợp đồng lại còn khó hơn. Đó là một trải nghiệm đáng học. Vy nhận ra mình không có kinh nghiệm về việc soạn thảo hợp đồng, đã có rất nhiều trục trặc xảy ra trong quá trình follow các điều khoản trong hợp đồng chứ chưa nói đến chuyện dịch vụ mở ra không có khách hàng. Nó là một chuỗi thất bại, từ khâu tổ chức vận hành chứ không phải chỉ riêng việc ế ẩm vì Covid.

Từng thất bại nhỏ đã cho cô gái 20 tuổi biết mình cần hoàn thiện điều gì, tích luỹ kinh nghiệm gì và đến với một cơ hội mới trong tâm thế như thế nào. Tháng 9/2020, Vy quyết định đi làm công ty. Công việc chính là tư vấn. Vy có quyền “say no” nhưng khi cơ duyên đến Vy lại sẵn sàng “say yes” bởi vì “why not” (tại sao không)?

4. Đừng đổ thừa

“Nếu ai đó nói với tôi: Đừng làm cái này nha! Và tôi không làm. Sau này khi tôi cảm thấy đó là một quyết định không đúng, tôi lại tiếp tục đổ thừa: Phải chi ngày đó đừng nghe lời ai cả".

Vy nói cô luôn muốn tự mình khám phá mọi thứ. Khi có ai đó nhận định tiêu cực về một ai đó/ việc gì đó, cô luôn muốn tự mình trải nghiệm chuyện ấy. Nhờ vậy, Vy có thể khám phá ra nhiều điều thú vị mà bản thân có thể làm. Trả giá cho lối sống liều lĩnh đó cũng có. Nếu sai, Vy sẽ mất nhiều thời gian hơn và mất cả niềm tin vào bản thân.

Mỗi khi ai đó đưa ra những kinh nghiệm có nghĩa là họ đã sống đủ lâu để có những trải nghiệm đó, lời khuyên hay chỉ dẫn của họ là đáng tiếp thu - Vy nghĩ vậy.

Nhưng khi đứng trước một cơ hội, Vy lại muốn tự mình trải nghiệm nó theo cách của riêng mình. Điều cốt lõi không phải thứ mình sắp đối diện mà là liệu mình có thể phân tích kỹ, đánh giá được rủi ro và chấp nhận chúng chưa. Nếu có, hãy lên kế hoạch, bắt tay thực hiện và không đổ thừa.

Nếu có sai thì thà tự trách mình còn hơn nghe lời người khác rồi lại tiếp tục đổ thừa vì đã đưa ra những đúc kết sai.

20 tuổi, cô gái tranh thủ làm sếp trong lúc gap year: Bà hàng xóm không rảnh để follow và nói về tôi mãi - Ảnh 5.

"Tôi không muốn đổ thừa cho ai, tôi thà tự trách mình", Vy nói

5. Sống riêng

“Để ba mẹ đồng ý cho bạn ra sống riêng, không phụ thuộc vào việc bạn đã nói gì lúc đưa ra đề nghị ấy. Mà nó là một hành trình mình cho ba mẹ thấy mình là con người như thế nào. Mình muốn ở riêng, vậy mình đã có những kỹ năng tự chăm sóc cho bản thân tốt chưa, đã độc lập về tài chính chưa. Nếu ba mẹ đã an tâm, thì dù bạn có ở riêng hay làm gì thì ba mẹ cũng sẽ ủng hộ. Không phải cứ đứng cãi to tiếng: Con lớn rồi, con muốn riêng, là sẽ được ở riêng".

Vy thuê 1 phòng trong căn nhà phố ở quận Bình Thạnh và bắt đầu sống riêng. Ba cô đã kịch liệt phản đối quyết định này.

Thời điểm đó, cô chưa chứng minh được mình có thể sống ổn. Mặt khác, ba là tuýp người truyền thống, rất thương con nên khi thấy con gái đã không vào đại học nay lại còn muốn ra ở riêng - ông lo sợ con sẽ lêu lổng, hình thành những thói quen xấu.

Hiện tại, Vy đã có công việc mang lại thu nhập tốt để tự lo cho mình và những người xung quanh, nên ba rất tin tưởng, ủng hộ. Dù đã chứng minh được cho ba thấy sống riêng ở tuổi 20 không phải là quyết định xốc nổi, song đó là cả một quá trình thử thách đầy gian nan.

Vy bảo, sống riêng không phải là cách để Gen Z chứng minh mình đã lớn trong mắt ba mẹ. Mà nó là một lựa chọn có cả được và mất:

Khi ở riêng, Gen Z sẽ có không gian riêng tự do mà mình có thể làm việc với sự tập trung tối đa. Bạn có thể học được cách quản lý tốt tài chính của mình, học được kỹ năng chăm sóc tốt cho bản thân, nấu nướng thế nào, chăm chút nhà cửa ra làm sao.

Nhưng ra riêng sẽ khiến bạn không thể tiết kiệm tiền nhà như khi ở chung với ba mẹ, cũng không còn được yêu thương chăm sóc từng li từng tí.

Độc lập nhưng không cô lập. Vy vẫn thường về nhà thăm ba mẹ mỗi tuần. Vy cũng nhận ra khi mình lớn, mình tự động thích gần gũi người thân hơn dù không nhất thiết phải sống gần họ.

“Tôi muốn một ngày của năm 70 tuổi, có thể thức dậy trong cơ thể của cô gái 20, là tôi của hiện tại, để được làm nhiều điều mình thích hơn”, Vy nói.