8 bước "đơn giản" để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền

EricVo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/09/2017

Trong thời điểm hiện tại, các hãng phim của Hollywood đang tranh nhau tạo ra những Vũ trụ Điện ảnh riêng biệt để kiếm tiền nhưng không phải ai cũng thành công như Marvel/Disney. Dưới đây là 8 bước để bạn có thể tạo ra một Vũ trụ Điện ảnh cho riêng mình.

Kể từ thời điểm Disney/Marvel chính thức cho ra mắt Vũ trụ Điện ảnh Marvel, hay MCU, thì Hollywood bắt đầu rơi vào thời kỳ chạy đua vũ trang giữa các ông lớn trong ngành điện ảnh. Mục tiêu của họ, nhưng hãng phim tên tuổi, là xây dựng nên một thế giới chung của riêng mình, và quan trọng là phải hốt bạc.

Tất nhiên, các khán giả xem rạp đã chứng kiến kha khá những thất bại, không ít lần các hãng phim nếm trái đắng khi cố gắng bắt chước thành công của MCU, và chắc chắn rằng họ sẽ còn cố rất nhiều lần nữa. Cái kỳ quặc là MCU đã tương đối vẽ ra một kiểu mẫu của việc nên làm gì nếu muốn tự tạo vũ trụ điện ảnh cho mình, vậy tại sao cho đến giờ Disney/Marvel vẫn nắm ngôi vương?

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 1.

Sau đây là 8 bước (giả thuyết) đơn giản để dựng nên vũ trụ điện ảnh chung, được đúc kết từ những thất bại, và thành công nhất định, từ phía những hãng phim. Tất nhiên, về mặt lý thuyết có vẻ đơn giản, nhưng nếu muốn thực hiện sẽ cần có sự quyết tâm, động lực, tài năng, vốn và lòng kiên trì từ các phía.

8. Thất bại một lần, đừng cố níu kéo

Nghe có vẻ phũ phàng, nhưng sự thật là vậy. Cứ nhìn thất bại của Universal với dòng phim quái vật của họ: Năm 2013, hãng ra mắt Dracula: Untold Story như bàn đạp để bành trướng vũ trụ quái vật của họ. Phim thất bại lẫn doanh thu và phê bình, thế là tham vọng của Universal tạm vứt xó. Cho đến khi họ giả vờ quên đi thất bại này, và quá cố với dự án The Mummy, bộ phim mở đầu cho Vũ Trụ Hắc Ám mới toe. Mỉa mai thay, The Mummy còn bị ăn gạch đá nhiều hơn cả Dracula. Thế mà Universal vẫn không chừa, vẫn cương quyết bật đèn xanh cho những dự án phim quái vật tiếp theo.

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 2.

"Dracular: Untold Story" của Universal

Cách làm này của họ là bằng chứng cho thấy ông lớn Universal không hề để tâm tới mảng sáng tạo nghệ thuật của một bộ phim, không chịu rút kinh nghiệm và nhìn ra thương hiệu cổ lỗ sĩ sẽ khó tạo ra sức hút, chỉ chăm chăm bắt chước Marvel/DC mà thôi. Đáng lẽ họ nên để những con quái vật của họ chìm vào dĩ vãng sau lần đầu mới phải.

7. Đừng cố gắng kết nối mọi thứ

Dù nằm trong một vũ trụ chung, các hãng cũng không cần thiết gắn kết hết mọi tình tiết với nhau, vì như thế chỉ tổ rối rắm trong cách kể chuyện của phim. Bạn có thích không nếu đi xem một phim chỉ suốt ngày đưa ra những tình tiết nhắn nhủ rằng "chúng tôi thuộc một vũ trụ to lớn hơn", thay vì tập trung vào những điểm đặc sắc của riêng phim đó.

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 3.

Cảnh cuối trong "X-Men: Days of Future Past", với dòng thời gian lộn tùng phèo

Một ví dụ điển hình của việc cố gắng kết nối đủ mọi thứ chính là thương hiệu X-Men: Từ phần kế tiếp, tiền truyện, quá khứ, hiện tại, tương lai, phần phim riêng. X-Men của Fox vô tình tạo ra dòng thời gian vô cùng lộn xộn và khá khó hiểu.

Dự án Logan của họ thành công vang dội là nhờ việc gần như tách ra hoàn toàn dòng thời gian phức tạp này, và tạo ra điểm nhấn cho mình, chứ không đè ra nhồi vào những "khung hình" buộc người xem liên tưởng đến những phần trước.

Đứng thứ hai ở vụ kết nối rối rắm chính là Marvel, với việc dòng thời gian các phim siêu anh hùng của họ đang bắt đầu rối như tơ vò. Thứ ba chắc chắn là Batman V Superman với trường đoạn Knightmare Batman, nhắn nhủ khán giả là chúng tôi kết nối với rất nhiều thứ chưa thực hiện trong tương lai, trong khi lại không tập trung vào những tình tiết chính mà khán giả muốn xem.

6. Đừng làm khán giả thân yêu bấn loạn

Vâng, mục 7 này "kết nối" với mục 8 ở phía trên. Chúng ta tạm không động tới X-Men nữa, mà chuyển hướng sang một dự án gần đây khác: Joker tiền truyện của DC. Ngay khi vừa thông báo về dự án này, WB/DC khiến cho dân tình một phen gãi đầu gãi tai vì chả hiểu chuyện gì đang xảy ra: Joker này sẽ do một diễn viên trẻ đóng, tồn tại ngoài dòng thời gian của DC; trong khi đó họ lại bảo Joker của Jared Leto sẽ xuất hiện trong Suicide Squad 2 và có thêm một phim riêng nữa với Harley Quinn. Vậy là sao? 2 Joker nằm ở 2 dòng thời gian khác nhau của cùng một thương hiệu phim à?

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 4.

Dự án Venom hiện đang bị trì hoãn vì "nhiều lý do".

Tương tự, chúng ta có dự án Venom của Sony. Ngay sau khi gỡ gạc được danh tiếng nhờ Homecoming, Sony tuyên bố thực hiện phim về nhân vật phản anh hùng Venom. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như hãng phim không tuyên bố rằng dự án Venom sẽ "nằm trong mà cũng không nằm trong" thế giới MCU.

Rất nhiều fan vô cùng bấn loạn trước thông tin này: Venom là một phần của thương hiệu Người Nhện, và Nhện hiện giờ đang ở bên MCU, tại sao Venom lại không? Buồn cười hơn là Sony đưa ra hàng loạt những dự án khác tập trung về những nhân vật phản diện của loạt truyện Người Nhện, nhưng lại không muốn chung đụng gì tới MCU. Và rồi người ta lại thắc mắc tại sao Người Nhện nhà các anh (Sony) tụm năm tụm ba bên Marvel, trong khi đó các anh lại toàn đi làm phim riêng về các nhân vật phản diện CỦA NGƯỜI NHỆN mà lại không cho đi chơi chung với nhau.

Rõ là các hãng chẳng cần phức tạp hóa mọi chuyện bằng cách lập ra những dự án độc lập theo kiểu không giống ai thế này, nhưng các hãng vẫn cứ thích làm.

5. Hãy chắc rằng khán giả sẽ xem phim của mình

Bất kỳ ông lớn điện ảnh nào cũng có thể dõng dạc và tự tin nói rằng tôi sẽ thực hiện một Vũ trụ Điện ảnh. Tuy nhiên, người cầm trịch quyết định thành bại của tham vọng đó là chúng ta, những người đi xem rạp, từ bình dân học vụ cho đến các vị đánh giá bình luận chuyên nghiệp. Và nếu chúng ta không thích hay không có hứng thú trước dự án phim đó, thì cứ xem như cái Vũ trụ Điện ảnh rộng lớn đó đã đặt trước một chân vào quan tài.

Trước khi King Arthur: Legend of the Sword ra rạp, hãng phim cho báo giới biết rằng sẽ còn 6 phim nữa kể về những hiệp sĩ của Hội Bàn Tròn, và kết thúc sẽ là một bom tấn kiểu Avengers thời trung cổ. Kết quả, phim ra rạp, không đến nỗi tệ, nhưng người xem không thích kiểu lịch sử giả tưởng đậm chất CGI này, thế là thương hiệu Arthur mãi mãi ra đi.

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 5.

Arthur của Richie đã sinh không gặp thời

Dark Towers cũng là một ví dụ khác của việc "thành bại tại ý người (xem)". Bộ phim sẽ là khởi điểm của một loạt những dự án tiếp nối, trải dài từ phim truyền hình đến truyện tranh. Mỗi tội phim thì dở, không lột tả đủ nội dung của sách, còn đi học đòi cải biên thêm. Người xem nhất nhất quay lưng lại với Dark Towes, và đến giờ phim còn chưa thu về được 100 triệu đô nữa là.

Hay như thương hiệu Transfomers; sau năm phần phim (3 trong số đó là thảm họa), những khán giả, thậm chí là fan, cũng dần ngán ngẩm những màn "Robot đánh nhau làm nền, con người đóng tuồng là chính". Cho nên The Last Knight không chỉ bị chê tồi tệ nhất, mà còn có doanh thu thấp nhất so với những phần trước.

Bài học ở đây là không thể cứ mặc nhiên tạo ra Vũ trụ Điện ảnh gì đó, và ngồi đó cầu mong rằng khán giả sẽ chịu đi xem phim của mình. Các vị phải làm ra phim mà khán giả muốn xem, từ đó mới có thể có được lòng tin và số lượng fan trung thành nhất định để có thể thiết lập một thương hiệu phim hoàn chỉnh. Còn không thì đây chỉ là màn quăng tiền qua cửa sổ của các đại gia điện ảnh mà thôi.

4. Hãy cứ chậm mà chắc

Chìa khóa để phát triển một Vũ trụ Điện ảnh nằm ở việc để nó từ từ lớn mạnh. Các hãng phim nên cho phép nhân vật và cốt truyện tổng thể của một thương hiệu lớn được phát triển chậm nhưng chắc chắn. Nó sẽ giúp khản giả tiếp thu và có được tình cảm nhất định, thay vì cứ nhồi nhét và mở rộng liên tục một cách gượng ép như hiện tại.

Nói đến việc "cứ từ từ" thì Marvel hiện tại vẫn đang đứng đầu. Họ chấp nhận bỏ ra gần 10 năm xây dựng nên cả một thế giới chung, giới thiệu từng nhân vật chủ chốt qua những phim riêng biệt, để người xem hiểu rõ năng lực cũng như tính cách từng người thay đổi thế nào qua thời gian, để rồi tụ họp tất cả trong những phần phim Avengers.

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 6.

Marvel, chậm mà chắc

Một ví dụ đối nghịch khác lại từ phía WB/DC. Sở hữu dàn siêu anh hùng không thua kém ai, nhưng mãi đến khi kình địch Marvel xưng hùng xưng bá bằng Avengers thì WB/DC mới vắt chân lên cổ mà chạy đua theo.

Kết quả là họ đưa ra những nước đi sai lầm nhất định, như việc nhồi nhét hầm bà lằng nhiều thứ trong Batman v Superman: Dawn of Justice, khi mà khán giả vẫn chưa nắm rõ được tầm nhìn và lý tưởng của Người Dơi và Siêu Nhân. Sau đó, họ vội vã tung ra Suicide Squad thiếu điểm nhấn để làm đối trọng với Guardians of the Galaxy. May mắn thay, nữ anh hùng Wonder Woman gần như cứu vãn toàn bộ vũ trụ non trẻ này, nhưng DC/WB vẫn chưa rút ra được bài học khi tung ra quá nhiều dự án siêu anh hùng mới như hiện tại.

Hai ví dụ trên cho thấy rằng cái quan trọng ở đây chính là đi những nước chắc chắn trong kế hoạch của mình, hãy chấp nhận tốn thời gian để tạo mối liên kết giữa phim và khán giả. Đừng bao giờ gấp gáp vì dục tốc thì bất đạt mà thôi.

3. Đừng nhồi nhét quá nhiều khi vẫn còn quá sớm

Thật sự có lỗi với fan của DC, nhưng người viết buộc phải đụng chạm tới Batman v Superman một lần nữa. Đơn giản vì đây là điển hình của việc mong muốn phát triển vũ trụ riêng trong thời gian ngắn nhất, cố tình đẩy nhanh tình tiết và nhồi nhét quá nhiều khi chỉ vừa bắt đầu (chẳng hạn như Parademon, Flash tương lai, Aquaman, Doomday và Darkseid), gây bấn loạn mạch phim và cách dẫn truyện. Cuối cùng phim là khiến khán giả, những người lần đầu chạm ngõ thể loại siêu anh hùng, phải tự hỏi thầm trong lòng: "Phim siêu anh hùng sao rối rắm thế này?".

The Mummy của Universal cũng đi theo vết xe đổ trên: Thay vì chỉ là một phim phiêu lưu, kinh dị mang dáng dấp của các phần Mummy trước, thì phiên bản mới này phải chịu áp lực là phim đầu tiên của cả Dark Universe, bị đưa vào quá nhiều tình tiết dự đoán trước những gì sẽ xảy ra trong thế giới của Thần và Quái Vật, mà mất đi tính giải trí và chất riêng của phim. Lẽ ra Russell Crowe nên vận một cái áo với dòng chữ "còn nhiều phim nữa sắp ra mắt" và nhảy múa trước màn hình, chứ không cần phải vào vai nhân vật "dùng thuốc đúng giờ" Dr. Jerkyll đâu.

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 7.

Nhân vật của Russel Crowde bị xem là người thừa của dòng họ

Nhiệm vụ tiên quyết là thực hiện một phim thật hay, hoặc chí ít là đủ hấp dẫn để người dân chấp nhận ra rạp xem phần tiếp theo. Đừng cố sức thêm thắt những cảnh dự báo trước hay giới thiệu trước, vì chắc gì phim của các vị đủ thành công để được làm tiếp cơ chứ.

2. Người đứng mũi chịu sào phải có định hướng sáng tạo rõ ràng

Hễ nhắc đến Marvel, người ta lập tức nghĩ ngay đến Kevin Feige. Đúng là những đạo diễn thực hiện phim của Marvel đều có quyền tự do sáng tạo nhất định. Có điều người đưa ra quyết định chỉ đạo cuối cùng vẫn là Kevin. Ông nắm rõ đường đi nước bước trên bản kế hoạch của mình, và biết phải thực hiện như thế nào. Từ lúc bắt đầu triều đại MCU cho đến lúc này, vẫn luôn như vậy.

DCEU cũng có nhân tài đứng sau nó, với Zack Snyder là người lèo lái. Tuy nhiên, định hướng sáng tạo của DCEU bị chuyển dịch quá nhiều. Tiêu biểu là đã bắt đầu nhen nhóm việc dịch chuyển từ việc xây dựng một thế giới âm u, bi thương và chân thật sang một thế giới tương đối vui tươi, hồn nhiên và không ai chết cho giống MCU.

Kế là những lần các đạo diễn thực hiện phim bị vô cớ chen ngang, ép uổng, khiến cho cả một dự án lụn bại (vâng, mình đang nói tới Suicide Squad của David Ayer). Về sau Geoff Johns và John Berg gia nhập guồng máy DCEU, và mọi chuyện có vẻ khởi sắc hơn sau thành công của Wonder Woman.

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 8.

Geoff Johns và Kevin Feige

Sony lại là một đại diện tiêu cực. Sau thành công của Fox trong mảng siêu anh hùng 18+(Deadpool và Logan), Sony quyết chí thực hiện những dự án phim siêu anh hùng dành cho người lớn của họ, và đưa ra hàng loạt những dự án toàn tập trung vào phản diện hoặc anh hùng ta cộp mác "không dành cho con nít". Tất nhiên, người ngoài khi nhìn vào hoàn toàn không thấy được một chút gì của việc có định hướng rõ ràng.

Akiva Goldsman là người đứng sau rất nhiều thương hiệu phim lớn, mỗi tội những thương hiệu phim có Akiva làm giám chế đều có xu hướng đi xuống. Alex Kurtzman hiện cũng đang trong vị thế tương tự, sau thất bại nghiệt ngã của The Mummy. Một nước đi sai chiến thuật, và giờ 7 dự án khác nằm trong Vũ Trụ Hắc Ám có nguy cơ trở thành dự án treo.

Một thương hiệu lớn được lập nên từ những mắt xích nhỏ bẻ nhất, và một thay đổi nhỏ ở hậu trường cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi của nó. Cái chúng ta cần ở đây là mọi người đều đồng lòng và nhất quán trước hướng đi của thương hiệu và định hướng sáng tạo được vạch sẵn. Nghe có vẻ độc tài, nhưng quá nhiều ý kiến đối nghịch với nhau thường chỉ dẫn đến sự thỏa hiệp tạm bợ, thay vì sự nhất quán cần thiết.

1. Làm thật tốt từng phim một

Bỏ qua vài phần phim yếu kém, MCU vẫn giữ được cho mình phong độ ổn định, với những bộ phim đạt chất lượng. 16 phim siêu anh hùng với điểm trung bình Rotten Tomatoes ở mức 7.0 và lượng đánh giá tích cực đạt 80%. Khán giả luôn kỳ vọng vào chất lượng từ những phim của Marvel và họ gần như luôn được thỏa mãn. Thế nên MCU này mới thành công đến vậy.

Trong khi đó, thế giới người máy biến hình Transformers đã và vẫn luôn hứng búa rìu của các nhà phê bình. Điều này sẽ khiến khán giả nghĩ rằng mình không nên phí tiền cho thương hiệu phim này nữa, khi mà quanh đi quẩn lại là cảnh những người máy vô hồn đấm đá, còn nhân vật con người thì cứ nói nhảm. The Mummy thì nát ngay từ đầu, và cả thương hiệu Vũ Trụ Hắc Ám đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn nhằm giành lại lòng tin từ phía khán giả.

Còn ở DC, sau màn nhồi nhét vô tiền khoáng hậu của Batman v Superman: Dawn of Justice, và chiêu trò ăn theo không thành của Suicide Squad, khán giả lẫn hãng phim đều thở phào nhẹ nhõm trước thành công của Wonder Woman. Cái quan trọng ở đây là Wonder Woman thắng lớn nhờ tự khai thác thế mạnh riêng biệt của vị nữ siêu anh hùng, và chỉ kết nối với DCEU bằng 2 tình tiết nhỏ xíu ở đầu và cuối phim.

8 bước đơn giản để xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh hái ra tiền - Ảnh 9.

Đoạn tung hoành giữa chốn ba quân như chỗ không người của "Wonder Woman"

Thường thì câu hỏi khó khăn nhất lại luôn có đáp án đơn giản nhất. Yếu tố quan trọng nhất của việc kiến tạo Vũ trụ Điện ảnh nằm ở việc tập trung thực hiện một bộ phim cho tốt, cho hay trước khi tính tới những phần tiếp theo. Hãy đảm bảo khán giả sẽ tiếp tục ra rạp để xem những phần mới, tạo hiệu ứng truyền miệng tích cực để có động lực phát triển tiếp, chứ đừng bất chấp và hấp tấp.