Bác sĩ cấp cứu Mỹ trải qua 'những ngày căng thẳng nhất sự nghiệp' vì dịch Covid-19, một phần do áp lực gia đình mà chẳng ai thấu hiểu

Jayden, Theo Báo dân sinh 11:36 20/03/2020

Y bác sĩ nói chung phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, bác sĩ cấp cứu còn tiếp xúc với hàng loạt bệnh nhân khác nhau, đôi khi việc xét nghiệm Covid-19 đành gác lại để xử lý các vết thương nghiêm trọng hơn. Virus corona chính vì vậy có thể xâm nhập, trở thành một "kẻ thù vô hình" gây ám ảnh.

Sau ca trực ở khoa cấp cứu, một nữ bác sĩ tại Utah cởi đồ bảo hộ, lao thẳng đến phòng tắm để "cố gắng không mang mầm bệnh về nhà". Tại bang Oregon, một bác sĩ kể khi đang cúi xuống kiểm tra vết thương cho cậu thiếu niên say xỉn, anh nhận thấy có cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, vì bệnh nhân đang ho và sốt. Cùng lúc ở Washington, một bác sĩ khác gặp ác mộng, cô thấy mình bị vây giữa những bệnh nhân ho không dứt.

"Hầu hết các bác sĩ chưa từng trải qua nỗi lo lắng và căng thẳng đến vậy trong sự nghiệp của mình" - theo nhận định của Stephen Anderson, vị bác sĩ kỳ cựu suốt 35 năm công tác tại khoa cấp cứu ở ngoại ô Seattle.

Seattle là một trong những ổ dịch bùng phát nhanh nhất nước Mỹ, khiến các bác sĩ chịu áp lực đè nén. "Tôi thấy như mình đang bị gia đình ái ngại và xa lánh. Mỗi ngày, tôi như lún sâu vào bãi lầy không lối thoát" - bác sĩ Anderson nói.

Bác sĩ cấp cứu Mỹ trải qua những ngày căng thẳng nhất sự nghiệp vì dịch Covid-19, một phần do áp lực gia đình mà chẳng ai thấu hiểu - Ảnh 1.

Bác sĩ cấp cứu lão luyện Stephen Anderson (Ảnh: NY Times)

Dịch Covid-19 đã lan rộng khắp 50 tiểu bang Mỹ, khiến cho hơn 9000 người nhiễm bệnh và ít nhất 150 người tử vong. Các nhân viên khoa cấp cứu đang chứng kiến dòng người xếp hàng đông hơn bao giờ hết, một số có triệu chứng bệnh. Tình thế đó buộc y bác sĩ phải đưa ra những quyết định tức thời để cứu lấy sinh mạng của bệnh nhân và của chính mình.

Bầu không khí căng thẳng bắt đầu bao trùm từ ngày 15/3, sau khi có 2 bác sĩ khoa cấp cứu ở New Jersey và Washington phải nhập viện trong tình trạng nặng vì nhiễm Covid-19. "Hiện giờ chúng ta đã thấy những người ở tuyến đầu được đặt máy thở, tình hình thật sự nghiêm trọng".

Bác sĩ cấp cứu Mỹ trải qua những ngày căng thẳng nhất sự nghiệp vì dịch Covid-19, một phần do áp lực gia đình mà chẳng ai thấu hiểu - Ảnh 2.

Y bác sĩ nói chung phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, nếu các bác sĩ ở phòng ICU (điều trị tích cực) biết họ phải cảnh giác cao độ, thì tại khoa cấp cứu mọi chuyện hỗn loạn hơn. Những bệnh nhân xếp hàng ở đây chẳng biết họ có nhiễm virus hay không, còn bác sĩ cấp cứu phải phản ứng nhanh với nhiều loại bệnh khác nhau.

Ví dụ một bệnh nhân có vết thương lở loét cần được ưu tiên xử lý trước, sau đó, mới quan tâm đến triệu chứng sốt, ho... để xem có cần làm xét nghiệm Covid-19 hay không. Ngoài ra, quy trình chẩn đoán Covid-19 ở Mỹ cũng đang thay đổi liên tục chỉ sau... vài giờ!

"Đa số chúng tôi đều được đào tạo để phản ứng trong thảm họa, ví dụ như bệnh Ebola hay siêu bão. Tuy nhiên Covid-19 là một vấn đề khác, xét trên quy mô và khả năng lây nhiễm nhanh của nó" - trưởng khoa cấp cứu Adam Brown tại một cơ sở Envision Healthcare cho biết.

Bác sĩ cấp cứu Mỹ trải qua những ngày căng thẳng nhất sự nghiệp vì dịch Covid-19, một phần do áp lực gia đình mà chẳng ai thấu hiểu - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Getty)

Tuy nhiên, nỗi lo lắng của mỗi người giảm xuống khi virus corona không còn là chuyện của riêng ai, nó đã lan rộng khắp nước Mỹ. "Tất cả chúng ta đều stress nhưng mọi người đang liên tục động viên nhau. Điều đó sẽ giúp ta trụ vững" - bác sĩ cấp cứu Kay Moody ở Washington chia sẻ với 22.000 đồng nghiệp trên group Facebook.

Dù vậy, nỗi lo lắng vẫn luôn hiện diện với các bác sĩ Mỹ. Một số người đã dọn ra thuê trọ để hạn chế lây nhiễm cho vợ chồng, con cái. Một số khác đã chuẩn bị các loại giấy tờ, mật khẩu tài khoản và hợp đồng bảo hiểm để nhờ người thân lo liệu nếu chẳng may phải điều trị ở phòng ICU. Bác sĩ Moody kể rằng, cô biết có một bác sĩ bị người hôn phối cũ đe dọa sẽ lấy lại quyền nuôi con nếu cứ tiếp tục làm việc.

Ngoài ra, rất nhiều bác sĩ cấp cứu ký hợp đồng chứ không phải là nhân viên chính thức, vì vậy, bệnh viện không nhất thiết phải trả lương cho họ nếu bị cách ly. "Điều này còn gây mệt mỏi hơn cả nỗi lo về sức khỏe" - bác sĩ Moody nói.

(Theo NY Times)

Bác sĩ cấp cứu Mỹ trải qua những ngày căng thẳng nhất sự nghiệp vì dịch Covid-19, một phần do áp lực gia đình mà chẳng ai thấu hiểu - Ảnh 5.