"Lạ kì" cách học bằng… game

Lumie, Theo 00:00 25/12/2011

Đã bao giờ bạn nghe thấy cụm từ “học bằng game” chưa? Nếu chưa, hãy cùng khám phá xem cách học này như thế nào nhé. Nghe có vẻ lạ vậy thôi nhưng đạt hiệu quả rất cao đấy.

Những bài giảng lý thuyết trên lớp đôi khi không thu hút được sự chú ý của học sinh. Từ đó dẫn đến tình trạng mất tập trung, không khí lớp học nhàm chán hay không có hứng thú học. Để khắc phục tình trạng này, rất nhiều cái đầu thông thái đã nghĩ ra cách học vô cùng mới lạ và thú vị: học bằng game.

Học bằng game là như thế nào???

Rất nhiều trò chơi được thầy cô vận dụng vào trong giờ học. Chẳng hạn như Chiếc nón kì diệu, Ai là triệu phú, Đấu trường 100 hay thậm chí cả gameshow Đuổi hình bắt chữ.

T.Huyền (THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ: “Mình rất sợ mấy môn học thuộc lòng. Mọi người trong lớp cũng vậy. Cứ đến giờ Sử hay Địa là bọn mình lại thấy buồn ngủ kinh khủng. Để giải quyết những cái ngáp ngắn, ngáp dài của chúng mình, cô giáo đã nghĩ ra cách học mới. Thay vì phải đọc sách, nghe giảng và chép một cách chán ngán thì cô lấy những thông tin quan trọng trong bài rồi tổng hợp lại thành từng câu hỏi nhỏ. Từ khóa quan trọng sẽ là ô chữ. Để đoán ra ô chữ này cô sẽ đưa ra lần lượt các thông tin liên quan. Ai giải được ô chữ sẽ có thưởng điểm. Cách học này rất thú vị. Cả lớp vừa không phải học nhiều lại vui vẻ. Chưa kể, những dữ liệu kèm theo câu hỏi chính là phần phải học. Vậy là không cần phải ghi chép nhiều mà kiến thức cũng được nạp vào đầu một cách thoải mái”.


Nếu biết kết hợp với cách học này, bạn sẽ tránh được áp lực rất nhiều đấy! 

Tương tự như Huyền, lớp của T.Tùng (THPT Đống Đa, Hà Nội) cũng sử dụng cách học như trên. “Trong giờ tiếng Anh, cô hay chia lớp ra làm 2 nhóm rồi chọn chủ đề để 2 đội ganh đua với nhau. Cách học này rất thú vị. Mấy đứa trong lớp hiếu chiến nên lúc nào cũng phải cố hết sức để giành chiến thắng. Vui mà hiệu quả lại cao” – Tùng nói.

Hầu hết hiện nay các trường đều được trang bị máy chiếu và dần được sử dụng nhiều trong các giờ học. Các thầy cô cũng tận dụng nó để khiến cho bài học trở nên thú vị hơn. “Giờ Văn hay Sinh học, cô hay dùng máy để chiếu các slide ảnh minh họa. Học sinh ở dưới sẽ đoán ý nghĩa của các hình ảnh này. Trò này cũng giống với Đuổi hình bắt chữ trên truyền hình. Cả lớp thi nhau đoán. Rất vui và dễ đi vào đầu” – M.Hằng nói.

Điểm cộng cho cách học này

Đã bao giờ bạn thấy lớp mình vui vẻ mà học vẫn vào như khi áp dụng cách học này chưa. Những giờ học mệt mỏi sẽ tan dần, thay vào đó là những nụ cười, sự cố gắng cũng như lượng kiến thức thu nạp được ngày càng nhiều mà không tốn công sức. Chưa kể, với cách học này, những thông tin bạn thu nạp được sẽ lưu giữ trong trí nhớ hơn rất nhiều so với việc đọc thuộc lòng, học vẹt.

Điểm trừ cho cách học này

Bên cạnh những tác dụng tích cực thì cách học này cũng ẩn chứa một số điểm trừ. Trước hết là thời gian học. Tuy rằng, học bằng game đem lại cho lớp học không khí thoải mái để tiếp nhận bài học nhưng với việc chỉ nghe và hiểu thì nhiều học sinh khó nắm được bài cũng như khó nhớ hơn việc ghi chép cẩn thận. Thêm vào đó, trong khuôn khổ trò chơi cũng bị hạn chế bởi lượng thông tin hạn hẹp, dẫn tới thiếu thời gian để học nốt những phần còn lại. Nhiều teen nghịch ngợm trong lớp cũng tận dụng luôn thời điểm này để buôn chuyện hay làm việc riêng thay vì góp sức giải câu đố hay đóng góp ý kiến vào nhóm để chiến thắng. 

Không thể áp dụng cách học này một cách thường xuyên do hạn chế về thời gian học cũng như tránh những điểm trừ nhưng hãy dành ra một vài tiết đề nghị thầy cô học theo cách này nhé. Sẽ rất vui và hiệu quả đấy. Lớp vừa đoàn kết lại xả stress sau những tiết học căng thẳng.