Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế "không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh"

Ngọc Minh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 09:10 05/09/2021

Đối với Cử nhân Điều dưỡng Bùi Kim Thư - Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (hiện đang làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19), mỗi bệnh nhân được về nhà sẽ là động lực để chị cố gắng chiến thắng "kẻ thù" SARS-CoV-2.

Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh - Ảnh 1.

Điều dưỡng Bùi Kim Thư - Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Ảnh BVCC)

Chỉ cần xao nhãng một chút có thể sẽ phải đánh đổi bằng cả tính mạng của bệnh nhân

Ngọc Minh: Chào chị Kim Thư tôi đã mong chờ cuộc trò chuyện này từ rất lâu. Vì tôi và rất nhiều người đang muốn biết công việc của một điều dưỡng chăm sóc cho một bệnh nhân mắc COVID-19.

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nặng cũng giống như bệnh nhân nặng khác phải hồi sức. Các bệnh nhân COVID-19 khi vào trung tâm điều trị đều là những bệnh nhân nặng - nguy kịch cho nên áp lực cũng rất cao.

Cũng chính vì thế mà tại trung tâm rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ và điều dưỡng, phân chia công việc thật tốt thì mới đáp ứng kịp nhu cầu chăm sóc người bệnh.

Một số bệnh nhân nặng khi vào trung tâm đòi hỏi mọi thứ phải được xử trí nhanh gọn, nhưng đảm bảo an toàn và chính xác… để có thể cứu sống cho bệnh nhân.

Hơn nữa, rất nhiều điều dưỡng không phải chuyên ngành hồi sức nên các bạn phải nỗ lực rất nhiều để trong thời gian rất ngắn có thể học hỏi, tiếp thu lượng kiến thức rất lớn, phải học chăm sóc bệnh nhân nặng, bệnh nhân thở máy và học làm quen với nhiều loại máy móc trang thiết bị mới, hiện đại cho nên rất áp lực và cần tập trung cao độ.

Ngọc Minh: Là một điều dưỡng hồi sức tích cực, hẳn rằng chị cũng thường xuyên chăm sóc cho những ca bệnh "cận tử". Tuy nhiên khi chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 có điều gì khác biệt so với các trường hợp bệnh nhân khác không?

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Đương nhiên là sẽ có nhiều điểm khác biệt rồi, môi trường làm việc khác nên nhiều thứ không như ý muốn của mình được, phải thích nghi.

Bệnh nhân nặng rất đông, nhất là giai đoạn hiện nay trung tâm mới đi vào hoạt động, nên có ngày nhận hơn 20 bệnh nhân nặng. Ở khoa Hồi sức tích cực BV ĐHYD có 30 giường, ở đây hiện tại có 60 giường bệnh nhân thở máy và hơn 110 giường bệnh thở oxy đến oxy lưu lượng cao.

Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh - Ảnh 2.

Điều dưỡng Bùi Kim Thư đang giúp vận động cho bệnh nhân mắc COVID-19

Các bệnh nhân COVID-19 thường diễn tiến nặng rất nhanh, không theo sát người bệnh thì không kịp thời cấp cứu cho họ. Ngoài ra, người bệnh COVID-19 cần được nằm sấp. Mà nhóm bệnh nặng - nguy kịch lại là nhóm nặng cân và béo phì. Nên mỗi ngày đổi tư thế cho người bệnh lật sấp hoặc ngửa cũng gặp rất nhiều khó khăn, cần nhiều người hỗ trợ để đảm bảo an toàn.

Đây là khu vực dành cho bệnh nhân nặng nên người bệnh nào cũng cần làm nhiều thủ thuật xâm lấn, điều dưỡng cũng có rất nhiều việc để làm.

Dù bệnh nặng, bệnh nhân đông, các công việc chuyên môn của điều dưỡng, các quy trình chăm sóc người bệnh nặng cũng phải được đảm bảo, ví dụ như vệ sinh răng miệng, phòng ngừa viêm phổi liên quan thở máy, xoay trở thường xuyên để phòng ngừa loét...

Và cuối cùng, quan trọng nhất là làm việc trong điều kiện mặc bộ trang phục phòng hộ cá nhân gây khá nhiều bất tiện, rất nóng, phòng bệnh thì không được dùng máy lạnh, lại phải di chuyển liên tục: chạy lấy thuốc, chạy lấy dụng cụ trang thiết bị, chạy cấp cứu bệnh nhân,...

Nhiều lúc vừa mệt, vừa đói nhưng cố gắng vẫn phải nói chuyện để người đối diện có thể nghe thấy, nhận được thông tin chính xác.

Ngọc Minh: Đây có phải là một cuộc chiến bào mòn sức khỏe chưa từng có đối với nhân viên y tế từ trước đến nay?

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Đối với tôi và cán bộ ngành y thì đây là một cuộc chiến và ai cũng mong nó sẽ sớm qua đi.

Một ca trực của chúng tôi bắt đầu từ 8 giờ và kết thúc vào lúc 15 giờ chiều, ca chiều từ 15 giờ tới 22 giờ và ca đêm từ 22 giờ cho tới 8 giờ sáng hôm sau. Guồng quay công việc cứ liên tục cho nên tôi cứ cuốn theo. Tôi được phân công làm việc theo giờ hành chánh (hành chính - PV) nhưng có hôm tiếp nhận nhiều bệnh nhân, tôi ở trong phòng hồi sức tới 3 - 4 giờ chiều mới ra ngoài để ăn trưa.

Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh - Ảnh 3.

Bệnh nhân đông, nhiều bệnh nhân nặng nên công việc tại trung tâm rất áp lực

Do vậy, những bữa ăn trưa, bữa tối của chúng tôi cũng muộn hơn ngày thường, sẽ rơi vào khoảng sau 15 giờ và 22 giờ.

Vì khi vào ca trực muốn ra ngoài sẽ phải thay đồ bảo hộ, tắm mới ra ngoài được. Nếu cứ ra ra vào vào nhiều sẽ rất tốn bộ đồ bảo hộ. Trong khi đó, cuộc chiến này không biết kéo dài tới khi nào mới kết thúc, cho nên chúng tôi phải tiết kiệm từng bộ đồ bảo hộ. Nó rất quý đối với nhân viên y tế.

Đối với tôi, công việc dù có vất vả nhưng được làm việc thì mình cảm thấy không bị thừa trong giai đoạn thành phố cần ngành y nhất. Nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên từng ngày đã tiếp thêm năng lượng sống giúp tôi và đồng nghiệp cố gắng hơn.

Ngọc Minh: Chăm sóc bệnh nhân COVID-19, điều gì làm cho chị cảm thấy sợ?

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Các trường hợp bệnh nhân khi đã được đưa vào Trung tâm Hồi sức là bệnh đã rất nặng, cũng giống như các bệnh nặng cần hồi sức khác. Nhưng đối với COVID-19 thì diễn biến bệnh rất nhanh, khi chăm sóc cho bệnh nhân trong ca trực phải theo sát 24/24. Chỉ cần xao nhãng một chút có thể sẽ phải đánh đổi bằng cả tính mạng của bệnh nhân.

Có những trường hợp khi vào viện vẫn nói chuyện vui vẻ, thở tốt nhưng chỉ một khoảng thời gian sau đó bệnh nhân đã rơi vào nguy kịch khiến cho tôi khá bất ngờ. Tuy nhiên, tôi cũng tự động viên bản thân và đồng đội không được nản lòng, cần cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng người bệnh và người nhà bệnh nhân trông cậy và tin tưởng nơi mình.

Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh - Ảnh 4.

Tại Trung tâm Hồi sức, guồng quay công việc là liên tục (Ảnh BVCC)

Dịch kết thúc, tôi sẽ trở về gia đình

Ngọc Minh: Làm việc trong môi trường nguy cơ cao trở thành F0, có giây phút nào chị lo sợ chính mình có thể trở thành F0?

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, khi tôi đang chăm sóc cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì nhận được cuộc điện thoại của lãnh đạo khoa: "Tối nay vô (vào - PV) hỗ trợ bệnh nhân COVID-19!". Tôi đã đồng ý ngay, bàn giao công việc cho các bạn trong khoa về thu dọn đồ đạc để "lao vào" cuộc chiến với "kẻ thù" SARS-CoV-2.

Trong lòng tôi cũng có lo sợ nhất định. Nhưng những nỗi sợ hãi đó đã dần tan biến khi trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tôi đã chuẩn bị tâm lý khi tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19, rằng có thể trở thành F0 bất cứ khi nào. Nhưng tôi không sợ vì bên cạnh tôi có các đồng đội. Nếu tôi trở thành F0 họ sẽ chăm sóc cho tôi cơ mà (chị Thư cười).

Bên trong căn phòng không bệnh nhân COVID-19 nào muốn vào, nhân viên y tế không dám xao nhãng vì sợ đổi bằng tính mạng người bệnh - Ảnh 5.

Điều dưỡng Bùi Kim Thư

Ngọc Minh: Điều dưỡng là người rất gần gũi với bệnh nhân, biết được vui buồn của bệnh nhân, chắc hẳn chị sẽ có nhiều câu chuyện muốn nói về bệnh nhân của mình.

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Đương nhiên là có rồi, đó sự hồi phục rất "thần kỳ" của sản phụ khiến cho tôi và các anh chị trong trung tâm cảm thấy phấn khởi có thêm năng lượng để giúp được cho thật nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Ngày hôm đó, sau khi sinh con, sản phụ đã nhanh chóng rơi vào ARDS (nguy kịch hô hấp cấp). Bệnh nhân đã phải đặt ống thở mà thở máy không lên, đành phải bóp bóng. Đồng nghiệp ở bệnh viện bạn gọi hỗ trợ, lúc này chúng tôi nghĩ bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nhưng vẫn cố gắng hết sức. Bệnh nhân cũng quá là kiên cường, qua nhiều ngày với sự hợp tác giữa trung tâm của chúng tôi và bệnh viện bạn thì chị sản phụ cũng dần phục hồi, rút được ống thở sau đó thở oxy mũi liều thấp. Gần đây bệnh nhân được cai thở máy, được xuất viện về nhà khiến tôi rất vui, có thêm động lực để chiến đấu.

Ngọc Minh: Con gái theo ngành y đã vất vả, ngành điều dưỡng còn vất vả hơn rất nhiều, có lý do đặc biệt gì khiến chị lựa chọn ngành này hay không?

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Tôi nhớ hồi nhỏ có lần tôi bị ốm phải vào bệnh viện nằm. Khi đó cứ nhìn thấy các cô mặc áo trắng đi qua đi lại chăm sóc cho bệnh nhân tự dưng tôi lại thấy thích ngành điều dưỡng và quyết định sau này lớn sẽ thi vào ngành y để làm như các cô đã từng chăm sóc cho mình.

Khi học xong rồi ra trường đi làm, tôi mới thấy vất vả. Tuy nhiên, cũng có niềm vui nên tôi không hối hận khi đã chọn ngành điều dưỡng.

Trong đợt COVID-19 này, chúng tôi không chỉ chăm sóc bệnh nhân mà đã trở thành người thân của bệnh nhân. Có một số bệnh nhân lớn tuổi khi vào viện rất lo lắng và hoang mang vì không có con cháu bên cạnh, tôi biết vậy nên cũng cố động viên bệnh nhân. Một số bệnh nhân khi xuất viện đã rất quyến luyến và hẹn tôi: "Hết dịch rồi con phải đến nhà cô ăn nhé", "Hết dịch phải đến nhà cô chơi"… Những điều nhỏ nhỏ vậy thôi nhưng tôi rất vui.

Ngọc Minh: Sau khi kết thúc dịch chị muốn làm gì nhất?

Điều dưỡng Bùi Kim Thư: Cuộc chiến dịch bệnh này đã có những hi sinh mất mát, nhưng trên tất cả vẫn là tình người mà mọi người dành cho nhau. Mọi người từ không quen biết đã trở thành người thân trong một gia đình, yêu thương đùm bọc nhau, từ nhân viên y tế cho tới bệnh nhân.

Sau khi dịch kết thúc, tôi sẽ trở về gia đình và sau đó đi du lịch ở đâu đó.

Ngọc Minh: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện, chúc chị có nhiều sức khoẻ, bình an trong cuộc chiến dịch bệnh này!