Bên trong trại cai nghiện cho các "môn đồ" chơi game ở Mỹ: Dành cả thanh xuân để đánh mất rồi tìm lại bản thân

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 11/09/2018

Hầu hết những thành viên tham gia đăng ký cai nghiện đều có tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí độ tuổi đã được mở rộng lên từ 13 để hỗ trợ giúp đỡ thêm nhiều trường hợp lạc lối khác.

Trong một căn nhà rộng rãi ở ngoại ô Seattle (Mỹ), khá nhiều thanh thiếu niên trẻ tuổi đang sinh hoạt và chơi đùa cùng nhau đầy thoải mái và thư giãn, không khí chan hòa và tuyệt vời nhất là có cả một vườn cây mát mẻ bao trùm xung quanh khuôn viên. Nhiều người sẽ nghĩ đây là một tụ điểm sinh thái nghỉ dưỡng lý tưởng, trốn khỏi những bộn bề và căng thẳng nơi thành phố đông đúc ngột ngạt - nhưng sự thực thì không phải như vậy. Đây chính xác là một cơ sở cai nghiện game cho những tâm hồn từng bị khóa chặt trong không gian số đầy mê hoặc đó.

Những thanh niên này thuộc chế độ chăm sóc của chương trình "reSTART", được lập ra để chữa trị tâm lý cho những bệnh nhân có dấu hiệu nghiện game hoặc cuộc sống bị đảo lộn vì quá sa đà vào game. Hầu hết những gương mặt trên đều sống ở rất xa Seattle, có những nơi thuộc cả nửa kia của nước Mỹ, nhưng rồi cũng tụ họp về đây để tìm kiếm một phương thuốc cứu rỗi cuộc đời mình.

Bên trong trại cai nghiện cho các môn đồ chơi game ở Mỹ: Dành cả thanh xuân để đánh mất rồi tìm lại bản thân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Khởi nguồn của ý tưởng

Tiến sỹ Hilarie Cash từ lâu đã trăn trở một mối lo cho riêng mình, khi cô cảm thấy có nhiều người ngoài kia vẫn đang ngày đêm đối mặt với một chứng bệnh tâm lý khó dứt liên quan đến máy tính, game, Internet và hằng hà sa số những thiết bị điện tử như vậy. Cash đã theo dõi tình trạng đó của xã hội từ những năm 90 đến tận bây giờ, và cô quyết định phải làm gì đó để tạo ra một bước thay đổi.

Vì biết đến Cash có chuyên môn là một nhà tâm lý trị liệu, đã có khá nhiều người tìm đến cô từ sớm để chủ động hỏi xin cách thoát khỏi tình thế hiện tại của bản thân khi đang bị trói chặt bởi game. "Ngày càng có nhiều người hơn tìm đến tôi, tất cả đều có điểm chung là thích công nghệ và những thứ gắn liền đến Internet," chia sẻ bởi Cash. Lúc bấy giờ, cô nhận ra rằng chưa hề có một nơi nào tồn tại để thực hiện mục đích giúp đỡ những con người này, để rồi cuối cùng đã tìm cách lập nên reSTART vào năm 2009 - một trung tâm chuyên điều trị những bệnh nhân tâm lý ảnh hưởng bởi game và Internet.

Đầu năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công nhận chứng nghiện game hay các dấu hiệu rối loạn tâm lý vì game nói chung là một bệnh chính thức. Đây cũng chính là động lực để phấn đấu và tư tưởng mà Cash muốn lan truyền, cảnh báo mọi người về mức độ đáng báo động của nó, cũng như vai trò và ý nghĩa của reSTART khi cô lập nên cơ sở này. "Mọi người thường nghĩ rằng việc thích chơi game không nghiêm trọng đến thế, nhưng đó là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm. Game có thể tạo ra những tác động tâm lý gây nghiện y như thuốc phiện," Cash nhận định.

Bên trong trại cai nghiện cho các môn đồ chơi game ở Mỹ: Dành cả thanh xuân để đánh mất rồi tìm lại bản thân - Ảnh 2.

Hilarie Cash bên cạnh một căn nhà trong khuôn viên reSTART.

reSTART - Cơ sở tâm lý cai nghiện game "trọn gói" ở Mỹ

Rối loạn tâm lý vì game: Chứng nghiện tưởng đơn giản mà cực kỳ cấp thiết

Chỉ mới năm ngoái thôi, Cash đã tìm hiểu và ước tính khoảng dưới 13% dân số Mỹ bị tác động tâm lý bởi Internet, và phần đó chiếm tận 20% tổng số người thuộc độ tuổi trẻ ở nước này. Cô cũng cho biết nhiều nghiên cứu cùng chỉ ra những bằng chứng xác thực về hậu quả mạnh mẽ lên não bộ của game, vì thế không thể coi nhẹ nó như cách mà nhiều người thờ ơ.

"Cờ bạc là một trong những thứ gây nghiện đầu tiên được công nhận mà lại gây tranh cãi, vì đối tượng gây nghiện ở đây là một hành vi, chứ không phải một chất như chúng ta thường biết," Cash liên hệ về những thông tin trước đó, đồng thời nhắn nhủ rằng chứng nghiện game giờ đây cũng vậy, không có quá nhiều sự khác biệt so với cờ bạc khi nó gây ra cảm giác cuốn hút một cách thái quá, vượt lên nhận thức của một người mà không thể dừng lại. "Cách não bộ của những người nghiện game bị kích thích bởi sự hứng thú khi chơi game có thể bóp méo ý chí tự kiểm soát bản thân, tương tự như thuốc phiện."

Một điều khiến Cash quan ngại nhất là việc người lớn, phụ huynh không hiểu được tầm ảnh hưởng to lớn đó đến con em của mình, đến sự phát triển về cả thể chất và tinh thần, đặc biệt là các kỹ năng tương tác xã hội. Không khó hiểu khi cô cảm thấy nóng lòng lập nên reSTART, góp phần tạo ra một môi trường "detox" cơn nghiện game cho các bệnh nhân tâm lý, đưa họ trở lại cuộc sống bình thường. "Chúng tôi sẽ có liệu trình cách ly hoàn toàn khỏi Internet trong suốt quá trình cai nghiện game, sau đó dần dần mới cho họ tiếp xúc trở lại, nhưng sẽ vẫn kiểm soát chặt chẽ và theo dõi các tác nhân có tính chất tiêu cực hoặc có rủi ro gây tái nghiện."

Bên trong trại cai nghiện cho các môn đồ chơi game ở Mỹ: Dành cả thanh xuân để đánh mất rồi tìm lại bản thân - Ảnh 4.

Và những mảnh đời được cứu rỗi...

Dọc theo phía đông của trung tâm reSTART, nơi có một con đường mòn nhỏ bằng đất đi xuyên qua cánh rừng, 6 thanh niên trẻ đang ngồi quanh một căn nhà gỗ nhỏ với những thảm rêu mọc loang lổ trên đất và trò chuyện với nhau. Đó cũng chính là một tụ điểm học tập kỹ năng tương tác của reSTART dành cho những học viên đến đây tham gia điều trị.

Như một thói quen thường lệ, Cash tới và hướng dẫn cho họ một số thao tác, cách thức để giao tiếp với người bên cạnh. Philip - 22 tuổi - đứng dậy và tiến vào trung tâm của nhóm. Thời điểm đó, anh đã đến đây được 3 tuần, rời chương trình học Đại học Duke chỉ vì nghiện game Dota 2. Trong lúc thử hỏi han Adam - một thanh niên khác mới đến đây được 4 ngày - trông vẻ mặt Philip lộ rõ vẻ lúng túng, dù đó mới chỉ là một lời mời cùng nhau đứng dậy và nhìn đối diện nhau. Sau đó là Kevin đang ở tuần thứ 4 của quá trình trị liệu tâm lý, được Cash thiết kế riêng cho một khóa học cố vấn, với mục đích định hướng cảm xúc và xây dựng nội dung tương tác với mọi người.

Đến phiên thực hành, Philip đã thử nói ra được điều mình nghĩ, rằng anh khuyên Adam nên điều hòa chế độ ăn của mình vì dạo này anh ấy tăng cân. Dù vậy, Adam trông có vẻ như muốn nói gì đó mà không thể, miệng cứ lắp bắp, đôi khi lầm bầm gì đó nhưng mãi không thành tiếng. Cash cho biết Adam đang mắc chứng mất tập trung, chưa quen với không khí giao tiếp giữa nhiều người.

Bên trong trại cai nghiện cho các môn đồ chơi game ở Mỹ: Dành cả thanh xuân để đánh mất rồi tìm lại bản thân - Ảnh 5.

Những người còn lại gồm có Stephen cứ nhìn ngửa mặt lên trời, hết ngáp rồi lại thở dài, sau đó lại tỏ ra chán nản và có phần bực mình. Alex (20 tuổi) thấy vậy liền tới thử một số cách bắt chuyện tích cực hơn, đồng thời chia sẻ về quá khứ những ngày đầu mới đến của mình cũng "chập chững" y như vậy, chẳng có nhiều biến chuyển...

Sau một hồi tập luyện, Cash liền dẫn họ vào trong căn nhà gỗ để dọn dẹp và dần chuẩn bị bữa trưa. Trong căn nhà, bóng dáng của một món đồ công nghệ sẽ không bao giờ được tìm thấy, thậm chí những nội dung trưng bày hoặc truyền tải thông tin như sách vở cũng hiếm khi nhắc đến khái niệm đó. Nếu muốn nói chuyện với gia đình, họ có thể dùng điện thoại bàn mà thôi. Trong nhà còn một số vật dụng giải trí như đàn piano, trống, thú cưng như chó...

Một ngày của họ phần lớn là làm các công việc nhà, chăm sóc bản thân, khuôn viên xung quanh và học nấu ăn cùng nhau. Tối đến, 9h là thời điểm muộn nhất để đi ngủ,, sau đó lại bắt đầu một ngày mới với những hoạt động mới, địa điểm mới và phương pháp điều trị mới. Cơ sở vật chất của reSTART cũng được đầu tư rất kỹ lưỡng, với một phòng gym tiện nghi, khu cắm trại, vườn cây tự trồng và nhiều khu vực thiết kế khác để phục vụ đời sống tinh thần cho các thành viên tại đây.

Một số những hình ảnh khác tại reSTART.

Hiện tại, reSTART vẫn duy trì 2 chương trình chính: một cho độ tuổi 13-17 và một cho những người lớn hơn từ 18-28 tuổi. Mỗi chương trình chỉ nhận duy nhất một nhóm gồm 6 người cho giai đoạn chăm sóc và ăn ở trọn gói, đến khi nào có những tiến triển đồng đều nhất định mới dần thay phiên và mở một nhóm mới.

Dù vậy, cái giá để trả cho việc lấy lại được cuộc sống bình thường, cách xa tâm lý nghiện game ngày trước cũng không hề rẻ. Giai đoạn đầu tiên - cách ly hoàn toàn mọi sự hiện diện của thế giới bên ngoài, chỉ ở trong cơ sở để theo dõi điều trị - thường kéo dài 2 tháng và tốn 30.000 USD cho mỗi người. Giao đoạn tiếp theo sẽ đưa các thành viên đến sống cùng nhau để thực hành các hoạt động xã hội và tập thể trong các căn nhà riêng thực thụ, tương đương khoảng 7000 USD. Cash cho biết khóa trị liệu của mình luôn hiệu quả, và số người nằm trong danh sách chờ đến lượt đăng ký thành công cũng cứ thế mà ngày một nhiều hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày