Bị bắt phải chép bài hộ, bôi mực bút bi và bút xóa lên mặt mỗi ngày đi học, nạn nhân nhìn thẳng ám ảnh sau 11 năm

Loan Tô, Theo Phụ Nữ Mới 00:00 29/03/2024

Bị bắt phải chép bài hộ, bôi mực bút bi và bút xóa lên mặt mỗi ngày đi học, nạn nhân nhìn thẳng ám ảnh sau 11 năm.

“Lần nào bị bắt nạt cũng đều rất kinh khủng”

Kiều Tú Anh (sinh năm 1999) - cô nàng TikToker với 520,8 nghìn người theo dõi, luôn được cư dân mạng biết đến là một cô gái xinh đẹp, cá tính, mạnh mẽ… nhưng không phải ai cũng biết Tú Anh từng có quá khứ rất buồn khi đi học.

“Mình đã bị bắt nạt từ cấp 1 khoảng năm lớp 3. Sau đó chuyển lên cấp 2 thì mình vẫn học cùng một số bạn cũ từ cấp 1, chính những người bạn này đã lôi kéo và bêu xấu mình để các bạn mới ở cấp 2 tiếp tục bắt nạt cùng”, Tú Anh nhớ rất rõ thời điểm mọi thứ tồi tệ bắt đầu xảy đến với mình.

Bị bắt phải chép bài hộ, bôi mực bút bi và bút xóa lên mặt mỗi ngày đi học, nạn nhân nhìn thẳng ám ảnh sau 11 năm - Ảnh 1.

TikToker Kiều Tú Anh.

Tú Anh nói sâu vào chi tiết: “Ban đầu các bạn mới chỉ đùa cợt, chế giễu thôi nhưng mọi chuyện bắt đầu kinh khủng khi có một bạn nữ đổ oan rằng mình đã nói xấu các bạn trong lớp. Chắc có lẽ đây là sự kiện ‘hợp thức hóa’ cho việc bắt nạt mình của các bạn học cùng lớp.

Thật ra đối với mình thì lần nào bị bắt nạt cũng đều rất kinh khủng. Còn nhớ, mình đã bị bắt phải chép bài hộ, bị đánh vô cớ, các bạn bôi mực bút bi và bút xóa lên mặt mình mỗi ngày khiến cho mình rất sợ việc phải tới trường. Thậm chí ở độ tuổi mới chỉ 12, mình đã nghĩ đến cách tiêu cực nhất để không phải đối diện với những điều đó nữa…”

Kẻ bạo lực không cần có lý do

Tú Anh chia sẻ rằng khi đó cô đã nghĩ là do mình xấu xí, học không giỏi nên không được chơi cùng. Tuy nhiên, sau này Tú Anh nhận ra rằng: “Những kẻ bắt nạt chỉ để thỏa mãn cảm xúc cá nhân, không hề có một lý do chính đáng và cũng không một lý do gì được xem là chính đáng cho hành vi này”. Đừng cố gắng tìm cớ cho những kẻ bắt nạt!

Khi bị bắt nạt, đừng nên nghĩ quá nhiều về lý do. Chuyện suy tìm lý do chỉ làm mình dễ thỏa hiệp với hành vi sai trái của người khác. Khi tìm được lý do, mình sẽ nghĩ là lỗi do mình một phần, mình dễ chấp nhận và cam chịu để bị bắt nạt.

“Giờ nghĩ lại, mình chỉ thấy lý do là mình đã không mạnh mẽ hơn… May mắn là lúc đó mình vẫn cố tìm kiếm những động lực khác để có thể tiếp tục đến lớp. Mình nghĩ đến những bạn đồng trang lứa khác không có đủ điều kiện đến trường và tự an ủi mình rằng hãy cố thêm chút nữa, dù sao bản thân vẫn đang được đi học, mặc dù mỗi ngày trôi qua ở lớp rất tệ. Mình bắt đầu làm quen với một số bạn khác cũng gặp trường hợp giống mình trong lớp, trong khối, để chơi với nhau, tâm sự mọi chuyện, để cảm thấy xung quanh có người đứng về phía mình dù trong thinh lặng cũng được rồi”, Tú Anh chia sẻ về cách mà cô vượt qua ngày tháng bị bắt nạt ở trường.

Bị bắt phải chép bài hộ, bôi mực bút bi và bút xóa lên mặt mỗi ngày đi học, nạn nhân nhìn thẳng ám ảnh sau 11 năm - Ảnh 2.

Tú Anh nói không có lý do chính đáng nào cho hành vi bắt nạt học đường.

Đừng im lặng chịu trận và biến mình thành kẻ yếu theo “tiêu chuẩn”

Hiện tại cô bạn đã tự mình xây dựng kênh TikTok hơn nửa triệu người theo dõi, có 17,1 triệu lượt thích. Phần lớn Tú Anh sẽ đặt máy quay và nhìn thẳng vào ống kính, trực tiếp trò chuyện, bày tỏ quan điểm, tương tác với người theo dõi. Trong các video, giọng điệu và phong thái của Tú Anh khá cứng rắn, bạn thẳng thắn nói lên ý kiến, rành mạch chia sẻ trải nghiệm cá nhân… khiến nhiều cư dân mạng cảm nhận đây là một cô nàng mạnh mẽ, cá tính. Có thể thấy Tú Anh đã tự tin hơn xưa rất nhiều.

Một số bạn trẻ cũng follow Tú Anh để học hỏi quá trình giảm cân hơn 10kg của cô nàng, và bí quyết mà Tú Anh lặp đi lặp lại trong các video là “yêu bản thân". So với hình ảnh ngày trước mà Tú Anh đăng tải, bạn đã thay đổi tích cực từ thần thái đến ngoại hình, phong cách ăn mặc, make up.

Tú Anh hiện tại rất thoải mái chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm của cá nhân.

Để vượt qua tâm lý muốn khép mình với tất cả sau thời gian dài bị bắt nạt và trở nên cởi mở như hiện tại, Tú Anh cho biết: “ Vết thương tâm lý thì vẫn ở đó nhưng mình sẽ không để nó làm ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của mình. Mình xây dựng kênh, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của bản thân với mọi người cũng là một cách để mọi người hiểu mình hơn và giúp mình hoà nhập tốt hơn.

Hơi ngược ngạo, theo một hướng tích cực thì việc bị bắt nạt đã dạy cho mình biết cách mạnh mẽ. Thay vì ngồi im để bị bắt nạt như xưa thì mình đã biết đứng lên, nói ra, phản kháng lại để bảo vệ mình và cả những người khác. Từ dám nói và dám đối đầu, mình mới trở nên tự tin, mình cũng không quá để tâm những gì người khác nghĩ về mình nữa.”

Bị bắt phải chép bài hộ, bôi mực bút bi và bút xóa lên mặt mỗi ngày đi học, nạn nhân nhìn thẳng ám ảnh sau 11 năm - Ảnh 4.

Tú Anh hiện tại vừa tự tin vừa hoạt bát.

Bị bắt phải chép bài hộ, bôi mực bút bi và bút xóa lên mặt mỗi ngày đi học, nạn nhân nhìn thẳng ám ảnh sau 11 năm - Ảnh 5.

Khi đọc những tin tức bạo lực học đường xảy ra gần đây, Tú Anh vô cùng đồng cảm và đau lòng. Tú Anh nghĩ rằng: “Các bạn nên báo với thầy cô và gia đình để xử lý đầu tiên. Trong khi đó là tự bản thân phải mạnh mẽ đứng lên, phản kháng ngay lập tức để dập tắt việc bắt nạt ngay từ khi mới nhen nhóm.

Thường những bạn bị chọn để bắt nạt như mình cũng sẽ có ‘tiêu chuẩn’ cả đó, ví dụ như mình không có anh chị lớn hay bất cứ người bạn mạnh mẽ nào xung quanh, ít nói, lành tính và không dám chia sẻ với thầy cô.

Vì vậy nếu cam chịu và thể hiện mình là một người yếu thế, những kẻ bắt nạt sẽ cho rằng mình có đủ yếu tố phù hợp để làm nạn nhân, cứ thế phải chịu trận lâu dài.”

Bạo lực học đường có thể để lại những hậu quả gì cho nạn nhân?

Theo Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh - Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) bạo lực học đường gây ra những hậu quả lớn cho nạn nhân. Đầu tiên là việc tổn thương cơ thể. Có nhiều bạn trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường bị khuyết tật cơ thể cả đời dẫn đến khó khăn nặng nề trong học tập và cuộc sống, chưa kể đến nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ hai là vấn đề khủng hoảng tâm lý kéo dài. Nếu nạn nhân trong tuổi dậy thì bị bạo lực học đường có thể dẫn đến sự tổn thương tâm lý nặng nề tác động lên cảm xúc và suy nghĩ, thường xuyên có những cơn hoảng sợ, ám ảnh trường học hay suy nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc tiêu cực về thế giới. Nặng nề hơn sẽ dẫn đến các vấn đề của sức khỏe tâm thần như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tâm thần phân liệt…

Họ cũng sẽ mất đi cảm giác an toàn với môi trường sống, một cá nhân bị bạo lực sẽ xuất hiện trạng thái hoài nghi với các mối quan hệ xã hội trong quá trình trưởng thành các bạn sẽ khó thích nghi với những biến động bất thường, sợ hãi, tự ti không dám thể hiện hay bộc lộ bản thân với người khác gây cản trở đến sự thành công trong học tập và công việc.