Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt

Lệ - Thiết kế: Thủy Tiên, Theo Trí Thức Trẻ 23:59 09/03/2021

Bố Già không phải một thước phim hoàn hảo tuyệt đối về mặt chuyên môn lẫn cảm xúc. Nhưng vẫn có hơn một lý do khiến khán giả ra rạp và ở lại với Bố Già.

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một số tình tiết (không phải twist chính) trong phim!

Phụ tử chẳng phải câu chuyện quá xa lạ trên màn ảnh Việt, gà trống nuôi con hay khoảng cách thế hệ cũng không. Thế nhưng Trấn Thành và Bố Già lại biết cách để dẫn dắt và chơi đùa với cảm xúc của khán giả.

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 1.

Một câu chuyện bình dị, không có drama nặng nề hay những mảng miếng hài được gọi là “nhảm nhí” để thu hút khán giả mùa Tết, Bố Già vừa đủ mang đến cả một xã hội thu nhỏ, nơi có cả người nhà, họ hàng lẫn người ngoài.

“Tao nhớ bố quá…” - Dòng tin nhắn của một người bạn vừa bước ra khỏi rạp sau khi xem Bố Già, dòng tin nhắn của người con gái không còn bố.

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 2.
Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 3.

Bạn còn nhớ lần cuối chụp hình với bố là khi nào không? - câu hỏi khắc khoải ở một trong số những phân đoạn cảm xúc nhất phim Bố Già. Quắn (Tuấn Trần) thương bố, điều này chẳng ai có thể phủ nhận nhưng chỉ thương thôi thì liệu có đủ cho một thứ tình cảm tưởng chừng như nghiễm nhiên nhưng lại có thể bị ngăn cách bởi quá nhiều thứ vụn vặt. Vì việc tưởng chừng đó mà Quắn đã tự cho phép bản thân trở nên vô tâm, cho phép bản thân chọn điều tốt đẹp với mình và mặc định rằng điều đó với bố cũng là tốt đẹp.

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 4.

Một căn chung cư rộng rãi, thoáng đẹp, không lo những tháng ngày ngập nước, một chiếc áo đắt tiền bóng bẩy, những khoản tiền lớn mà bố mẹ phải chắt chiu từng ngày mới có được,... đó là điều mà Quắn cho bố, nhưng phần nhiều để thỏa mãn sự ích kỷ của chính mình. Trong mắt cậu trai trẻ luôn có bố nhưng lại chưa bao giờ thực sự hiểu người bố bao đồng, ồn ào và gàn dở kia thực sự muốn gì.

Quắn không sai, bố lại càng không sai. Nhìn vào Quắn hẳn là nhiều khán giả sẽ thấy chính bản thân mình trong đó. Bố mẹ đôi khi là những người thật tham lam, họ cần nhiều hơn một căn nhà to đẹp, một món tiền rủng rỉnh bởi thứ họ cần là cả cuộc đời cho con…

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 5.

Ông Ba Sang trong phim là một kiểu cha mẹ điển hình ngoài xã hội, kiểu cha mẹ “tham lam” nhưng lại thích cho hơn nhận. Tình yêu của ông là sự cho đi, cho miệt mài đến độ quên mất chính những gì mà mình đã từng dạy con. 

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 6.

Vị sư thầy trong phim đã nói: “Cha mẹ dạy con phải biết báo hiếu nhưng đến khi con đủ điều kiện để báo hiếu thì lại bỏ trốn, dạy con phải biết hi sinh đến lúc con trưởng thành thì lại giành giật luôn sự hi sinh đó.” Cuộc đời dường như là những cuộc giành giật, đến cả cha mẹ - con cái cũng giành giật nhau nhưng lại là một cuộc giành giật của tình yêu thương. Ông Ba Sang và Quắn trong phim giống như vậy, họ giành giật quyền được hi sinh cho đối phương, được là kẻ yêu thương và cho đi nhiều hơn để thỏa mãn cảm xúc cá nhân. 

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 7.

“Có những nỗi đau phải xảy ra để tạo tiền đề cho sự tốt đẹp”, có những cuộc giành giật mà cha mẹ phải nhường phần thắng lại cho con để chúng được sống với đúng tư cách của “con cái”. Quắn cuối cùng cũng thắng bố mình, một lần thắng cuộc rạng rỡ và bi thương mà có lẽ hãy để tự mỗi khán giả xem phim và cảm nhận.

Sau tất cả, thứ Quắn nhận được là sự mở nút trong tâm can mình.

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 8.
Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 9.

Không chỉ dừng lại ở chuyện ba mẹ - con cái, con hẻm nhỏ ngập nước của Bố Già còn nhiều hơn như thế. Hẳn là xem phim, nhiều người sẽ phải gật gù vì tất cả các nhân vật, những mảnh đời hiện hữu trong phim đều thấy đâu đó có mình, có người thân của mình ở trong đó.

Quắn đã phân định rạch ròi rằng họ chỉ là họ hàng, là những người có vui thì tới, có buồn thì trốn. Những con người trong Bố Già ai cũng ích kỷ với nỗi niềm riêng của mình. Đó là một chị cả Giàu (NSND Ngọc Giàu) dù có thương em đến quặn thắt tâm can thì cũng đặt gia đình riêng của mình lên trên tất cả. Là chú thím Phú, nơi người vợ phải gồng mình, phải trở nên vụ lợi, tham lam để chống trả sự đời thay ông chồng nhu nhược, không tiếng nói. Là chú út Quý - thất bại, hèn kém trong mắt mọi người nhưng luôn luôn khắc khoải một nỗi niềm rằng muốn được gia đình thừa nhận, được coi như một con người. Họ xấu xí, gàn dở trong mắt người ngoài, thậm chí là cả người nhà bởi họ có nhiều hơn một mối bận tâm, một người cần để hi sinh.

Xem cách Ba Sang lo cho anh em của mình, sự lo lắng không cần được đáp trả, hẳn là nhiều khán giả phải thảng thốt vì đó chính là bố mình, chồng mình, một người trụ cột bao đồng và thích “nuông chiều” những đòi hỏi đôi khi là vô lý của họ hàng.

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 10.

Trên đời có nhiều hơn một Quắn, phát sốt vì sự hi sinh nhìn ngoài thì rõ ràng là công cốc của cha mẹ dành cho họ hàng và cũng có rất nhiều người vợ hẳn là sẽ chạnh lòng khi xem Bố Già vì nghĩ tới cảnh một ông chồng đông anh, nhiều em.

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 11.

Bà Giàu, ông Phú, thằng Quý sai với Ba Sang không? Câu trả lời có lẽ là không. Ba Sang sai với Quắn không? Câu trả lời có lẽ cũng là không!

Chỉ đơn giản vì đời mà, ai chẳng có những ích kỉ của riêng mình.

Và hệ quả là gì? Là những cuộc cãi vã triền miên, những lời xin lỗi vụng về, những cuộc họp bàn mà họ hàng - người thân bị phân biệt rạch ròi, mà nhìn đâu khán giả cũng thấy như thể mình bị “déjà vu” khi có quá nhiều cảnh tượng mình đã từng trải nghiệm.

Cảm xúc trong Bố Già phải nói là đôi khi đứt đoạn với những cao trào đang đẩy lên lại đột ngột được đưa vào điểm rơi của hài hước. Có lẽ đó là “bí thuật” mà Trấn Thành muốn sử dụng để chơi đùa với ranh giới cười - khóc của người xem. Bởi ở một thước phim không quá nặng nề ấy, có một con hẻm ngập nước ồn ào với một nhóm người mỗi kẻ mỗi tính cách lại vô tình đụng chạm vào cuộc đời của vô số khán giả. 

“Ơ kìa, là chuyện của mình mà!”...

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 12.
Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 13.

Phải dành thêm một lời khen cho những lời thoại “ứa tâm can” của Bố Già và đây là một lời thoại như vậy. Mộc mạc, đơn giản nhưng đủ để thấm thía. Cuộc đời có hai từ cơ bản nhưng không phải ai cũng có thể mở miệng ra để nói được, đó là “cảm ơn” và “xin lỗi”. Với người thân, những người mặc định rằng là phải đối tốt, phải yêu thương, phải hi sinh cho nhau thì hai từ đó lại càng nặng nề và xa xỉ tới độ phải để một kẻ mang danh nghĩa người ngoài như cô Lệ (Lê Giang) lên tiếng nhắc nhở. 

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 14.

Lại nói thêm về cô Lệ - “người ngoài” duy nhất trong câu chuyện của Bố Già, lại là một người nữa khiến một cơ số khán giả nhìn thấy bản thân mình trong đó. Quắn được hi sinh nhưng là hi sinh trong phạm vi và giành giật, họ hàng có hi sinh nhưng là hi sinh chọn đối tượng. Riêng cô Lệ là thèm được hi sinh nhưng dùng quá nửa đời người vẫn chưa được phép. Quanh đi quẩn lại cô Lệ lại là người khốn khổ nhất, đứng ngoài nhìn thấu tâm can cả thiên hạ nhưng không được phép can thiệp, đụng chạm vì lý do của ông Sang “tôi thương bà nhưng không muốn bà khổ”.

Cuộc đời có nhiều người như cô Lệ, những người ngoài thấu tình đạt lý, nói câu nào thấm câu đó bởi họ đủ quan sát nhưng thiếu trải nghiệm của người trong cuộc, đủ quan tâm nhưng thiếu sự bận lòng. Dường như đây là nhân vật tội nghiệp nhất, khuyên cha con người ta xin lỗi nhau nhưng có phải ông Sang cũng nợ cô Lệ một lời xin lỗi “dễ thương lắm luôn” vì đã để lỡ quá nhiều thời gian?

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 15.
Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 16.

Hẳn đây sẽ là cảm xúc chung của không ít khán giả sau khi xem Bố Già. Rồi sẽ đến một thời điểm trong đời, còn được gọi “bố mẹ ơi” là một điều xa xỉ. Dĩ nhiên điều xa xỉ đó có xảy ra trong phim hay không, khán giả vẫn nên và có quyền tự khám phá. Chỉ là sẽ có những phân cảnh, những lời thoại đủ đau xót, đủ chua chát, đủ đời để con người ta xem xong, chỉ đơn giản là sẽ nhớ gia đình mình...

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 17.

Bố Già cũng không phải kiểu giáo điều nặng nề "hãy yêu thương cha mẹ khi còn có thể". Nó là một cuộc dạo chơi cùng cảm xúc, là những cú twist không quá bất ngờ, là một cái kết vừa đủ nhớ và là những câu chuyện mà một khán giả nào đó có thể đồng cảm được...

Bố Già - Bức tranh cảm động, xót xa về gia đình Việt - Ảnh 18.