Bóng đá Việt nhận cái kết đầy xấu xí, ai chịu trách nhiệm phá nát giấc mơ vẽ nên cùng thầy Park?

VÂN CÔN, Theo ĐỜI SỐNG & PHÁP LUẬT 21:51 27/04/2024

Chỉ qua duy nhất một trận đấu, U23 Việt Nam đã kịp cho thấy đủ những "vấn nạn" khiến HLV Troussier phải "chịu án oan", khiến bóng đá Việt Nam "đi vào ngõ cụt".

Thua U23 Iraq ở tứ kết VCK U23 châu Á không phải là cái kết quá đau xót với U23 Việt Nam, kể cả khi HLV Hoàng Anh Tuấn đang làm rất tốt công việc của mình, giúp các học trò trẻ kiếm được hai chiến thắng ở những trận ra quân để lọt vào tứ kết ngay khi vẫn còn một trận vòng bảng chưa đấu. Bởi nói một cách công bằng, lực của bóng đá Việt Nam nói chung, cũng như bóng đá trẻ Việt Nam nói riêng, chỉ đến mức ấy là "chạm ngưỡng".

Trước U23 Iraq chơi chưa đúng sức của đội bóng xếp thứ nhất bảng C, U23 Việt Nam dù đã chơi đến tận thứ tư ở giải đấu này, song vẫn còn nguyên đó những sai lầm cá nhân đầy tai hại - là nguyên nhân chính là những thất bại liên tiếp gần đây của cả đội tuyển Việt Nam lẫn bóng đá trẻ Việt Nam.

May mắn không để thua sớm khi Khuất Văn Khang có pha phá bóng tái hiện hình ảnh của Minh Trọng ngay từ phút 16 của trận đấu, giúp đối phương có cơ hội tung cú dứt điểm ở tư thế trống trải ngay trong vòng cấm địa của U23 Việt Nam, song rốt cuộc chốt chặn cuối cùng với tấm băng đội trưởng trên tay - Quan Văn Chuẩn, đã "giáng đòn chí tử" vào đội nhà với pha sai lầm cực kỳ khó tha thứ, biếu không cho đối thủ một quả phạt đền ở thời khắc đáng ra phải chơi tập trung nhất.

Bóng đá Việt nhận cái kết đầy xấu xí, ai chịu trách nhiệm phá nát giấc mơ vẽ nên cùng thầy Park? - Ảnh 1.

Pha bóng ấy, sự khó hiểu không chỉ đến từ việc hai trung vệ Việt Nam giăng ngang mà vẫn để Nihad Mohammed băng thẳng vào khu vực 5m50 chạm bóng, mà còn là phản xạ vừa chậm, vừa ngô nghê đến vô lý của Quan Văn Chuẩn. Pha bóng ấy, có đến 6 cầu thủ áo đỏ tổ chức phòng ngự trong vòng cấm địa đội nhà, ấy vậy mà để hai cầu thủ đối phương khuấy đảo đến mất phương hướng.

Nếu như pha bóng ấy phản ánh trình độ phòng ngự non kém, mất tập trung của U23 Việt Nam, thì quả phạt đền Quan Văn Chuẩn "biếu" cho đối phương là đại diện rõ ràng nhất cho sự kém cỏi về mặt tốc độ, cũng như những hành động "thừa thãi" của "cái tay hư" vốn đã cực kỳ quen thuộc ở giải vô địch quốc gia Việt Nam - V.League. Vẫn biết là giải đấu có áp dụng VAR, song những pha chơi bóng kiểu "tiểu xảo" dường như đã "ngấm vào máu" các cầu thủ trẻ Việt Nam, khiến không ít lần họ "phản xạ không điều kiện" để rồi dính lỗi tai hại.

Điển hình nhất cho hình ảnh xấu xí của "Võ League" là chiếc thẻ đỏ của Mạnh Hưng với Ali Jasim. Ở thời điểm đáng ra phải phát huy nhất sự tập trung cao độ để "gỡ gạc", thì cầu thủ 19 tuổi này chọn cách "dễ hơn", cách mà các cầu thủ Việt Nam vẫn thường chọn để "trút giận" khi thua thiệt - triệt hạ đối thủ. Những pha đạp thẳng gầm giày vào ống đồng đối phương hay vào bóng bằng cả hai chân, người ta không khó để bắt gặp ở các giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt nhận cái kết đầy xấu xí, ai chịu trách nhiệm phá nát giấc mơ vẽ nên cùng thầy Park? - Ảnh 2.

Không chỉ một lần "bán đứng" đồng đội với pha "thừa tay" dẫn đến phạt đền, Quan Văn Chuẩn còn thêm lần nữa cho thấy lỗi của mình không phải là "đột biến", mà đã trở thành "hệ thống" ở pha bóng suýt nữa phải nhận phạt đền khi trận đấu chỉ còn được tính bằng giây. Thêm lần nữa thay vì đấm bóng ngay trước cầu môn, thủ thành trẻ này lại chọn cách... đấm vào đầu đối phương. Lần này thì may mắn khi VAR đã chỉ ra rằng trước đó cầu thủ U23 Iraq đã rơi vào tư thế việt vị.

Bởi thế, dù cho trận đấu với U23 Iraq được định đoạt bởi không ít những pha bóng xấu xí lẫn lỗi lầm của U23 Việt Nam - thay vì sự xuất sắc của đối phương, thì nó cũng là bình thường khi nhìn lại những trận đấu mà HLV Troussier cố hết sức để đem về kết quả tốt nhất cho bóng đá Việt Nam, còn cái học trò thì hết dính thẻ đỏ vì nhảy vào lưng đối phương, đến kéo áo, phạm lỗi lộ liễu trong vòng cấm... cũng như ở VCK U23 châu Á lần này, hết Ngọc Thắng "báo hại" đồng đội bằng quả phạt đền được "khuyến mãi" thêm tấm thẻ đỏ, đến cú giật cùi chỏ đánh nguội của Đức Việt.

Bóng đá Việt nhận cái kết đầy xấu xí, ai chịu trách nhiệm phá nát giấc mơ vẽ nên cùng thầy Park? - Ảnh 3.

Dưới thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam nói nhiều đến giấc mơ World Cup - là chiếc vé lọt đến VCK World Cup 2026, hay tái hiện kỳ tích Thường Châu để góp mặt ở đấu trường Olympic. Vậy bây giờ thì sao?

Tất cả đều đã kết thúc trong phũ phàng. Bóng đá Việt Nam giờ đang phải hướng về AFF Cup hay SEA Games với sự lo lắng tột cùng khi vẫn còn đó một Thái Lan "ông kễnh", thêm vào đó là một Indonesia đã sẵn sàng thách thức ngôi đầu Đông Nam Á, với 3 trận thắng liên tiếp ở cấp độ đội tuyển quốc gia, cùng đội U23 hừng hực khí thế ở bán kết U23 châu Á. Không khó để thấy ở cả hai cấp độ, bóng đá Việt Nam đều đang kém khá xa so với đối thủ này.

Dưới thời HLV Park Hang-seo, dường như ông thầy người Hàn Quốc luôn "tận dụng" mọi nguồn lực từ lứa cầu thủ "thế hệ vàng" để tận hưởng thành tích, để lứa cầu thủ trẻ hiện tại dính phải một "khoảng hẫng" đáng kể.

Ở VCK U23 châu Á lần này, V.League đã phải dừng để "nhường sân chơi" cho các cầu thủ trẻ. Thoạt trông, nó phản ánh việc các cầu thủ U23 có giá trị nhất định với các đội bóng chủ quản ở V.League. Song thực tế chỉ ra không phải như thế, chẳng qua nó cũng lại là chiêu "gặt thành tích" đã quá quen thuộc dưới thời HLV Park Hang-seo.

Điều quan trọng nhất phải làm để "tái cơ cấu" bóng đá Việt Nam khi tương lai đang "vào ngõ cụt" là cải tạo mạnh mẽ V.League, đồng thời có sự đầu tư bài bản cho những lứa cầu thủ trẻ tiếp theo hiện tại, vẫn chỉ đang là những "cái bánh vẽ" trong tay những nhà quản lý cấp cao của bóng đá Việt Nam. Một chặng lịch sử nữa của bóng đá nước nhà đang đi vào hồi kết?