Bức tranh khiến Đường Bá Hổ bị mắng là tục tĩu, vô liêm sỉ: Mang nỗi oan trăm năm vì người đời không biết chữ!

TAMMY, Theo Pháp luật & Bạn đọc 19:11 14/09/2021

Khán giả Việt thường biết tới Đường Bá Hổ qua bộ phim "Đường Bá Hổ điểm Thu Hương" của vua hài Châu Tinh Trì. Vậy Đường Bá Hổ trong lịch sử thì sao?

Đường Bá Hổ là cái tên quen thuộc được nhiều thế hệ khán giả Việt biết tới qua bộ phim hài "Đường Bá Hổ điểm Thu Hương" của vua hài Châu Tinh Trì. Đường Bá Hổ trong phim được khắc họa bằng phong cách phóng đại nhí nhố đặc trưng nhưng vẫn toát ra vẻ tài hoa, phong lưu của nguyên mẫu lịch sử.

Sử sách ghi chép, Đường Bá Hổ (1470 - 1524) hay Đường Dần là một nhân vật có thật sống dưới thời đại nhà Minh. Ông được biết tới như một danh họa tài năng nhưng do bất mãn với thời cuộc mà nổi loạn, làm nghệ thuật không gò bó phép tắc, thậm chí còn thường xuyên lui tới mua vui ở chốn lầu xanh.

Suốt quãng đời đắm đuối bên các má hồng, Đường Bá Hổ sáng tác lượng lớn thơ và tranh liên quan tới nữ sắc, sự hưởng thụ và tình dục. Cũng từ đây cuộc đời và nghệ thuật của thi nhân họ Đường khiến người đời bàn tới bằng cả điều tốt lẫn điều xấu.

 Bức tranh khiến Đường Bá Hổ bị mắng là tục tĩu, vô liêm sỉ: Mang nỗi oan trăm năm vì người đời không biết chữ! - Ảnh 1.

Bức họa "Nhũ cô đồ" của Đường Bá Hổ từng gây ra rất nhiều tranh cãi (Ảnh: Net Ease)

Một trong những tác phẩm hội họa gây tranh cãi dữ dội nhất của Đường Bá Hổ chính là bức "Nhũ cô đồ" với niên đại hơn 500 năm.

Bức tranh diễn tả cảnh người mẹ trẻ đang ôm một người già vào lòng và cho bú sữa trong khi đứa trẻ dưới chân kéo áo gọi mẹ. Trong suốt thời đại nhà Minh, nhiều người đã buông lời chỉ trích bức tranh vẽ cảnh tục tĩu khiến họ ngại ngùng, song đây hoàn toàn là một sự hiểu lầm!

"Nhũ cô đồ" thực chất là bức tranh về lòng hiếu thảo lay động lòng người, đi kèm với một đoạn thư pháp bên trên. Song do hầu hết người dân đương thời chỉ xem tranh mà không biết chữ nên đã hiểu sai ý tác giả.

Sự thật về bức tranh của Đường Bá Hổ

Theo dòng đề từ của "Nhũ cô đồ", bức tranh này được Đường Bá Hổ lấy cảm hứng từ truyện ngắn trong cuốn "Nhị thập tứ hiếu" (24 tấm gương hiếu thảo) do văn sĩ Quách Cư Nghiệp biên soạn.

Truyện kể dưới thời Đường có một gia đình nhà họ Thôi, cụ bà trong nhà tuổi đã rất cao, răng rụng hết nên chẳng ăn uống được gì. Thấy bà cụ ngày một ốm yếu, cô cháu dâu mới sinh con đã dùng chính sữa mẹ để nuôi nấng bà cụ suốt nhiều năm. Nhờ vậy mà bà cụ khỏe mạnh, nhà họ Thôi thừa hưởng dòng máu hiếu thuận, nhiều đời đỗ đạt làm quan.

 Bức tranh khiến Đường Bá Hổ bị mắng là tục tĩu, vô liêm sỉ: Mang nỗi oan trăm năm vì người đời không biết chữ! - Ảnh 2.

Đường Bá Hổ đã giải thích ý nghĩa bức họa trong dòng đề từ nhưng người đương thời đa phần không biết chữ nên đã hiểu sai (Ảnh: Sohu)

Trong bức tranh của Đường Bá Hổ, ông còn sáng tạo thêm chi tiết cậu con trai bám váy mẹ đòi uống sữa. Chi tiết này được đưa vào để cảm hóa người xem, nhắc nhở người đời đừng vì bận bịu chăm sóc con cái mình mà quên đi cha mẹ, ông bà cũng cần tình yêu thương và sự chăm sóc. Đây quả thực là một tác phẩm ý nghĩa, sáng tạo!

Tuy nhiên, chính vì không thể đọc được dòng đề từ của Đường Bá Hổ mà nhiều người đã nghĩ bà lão trong tranh là một ông cụ, khiến tác giả phải nhận về nhiều lời trách móc oan uổng.

 Bức tranh khiến Đường Bá Hổ bị mắng là tục tĩu, vô liêm sỉ: Mang nỗi oan trăm năm vì người đời không biết chữ! - Ảnh 3.

Câu chuyện hiếu nghĩa trong "Nhị thập tứ hiếu" được thể hiện bởi một bức tranh cổ khác (Ảnh: Net Ease)

Lại nói về danh họa Đường Bá Hổ, tuổi thơ ông vốn gắn bó với mẹ do cha bận rộn với cuộc sống mưu sinh. Không may khi Đường Bá Hổ chỉ mới 24 tuổi, gia đình ông gặp bi kịch lớn và cả cha lẫn mẹ lần lượt qua đời.

Sự chia ly quá sớm đã khiến chàng trai trẻ tài hoa chịu nhiều tổn thương. Có lẽ chính vì vậy mà chủ đề người mẹ đã nhiều lần xuất hiện trong tác phẩm của ông. Đường Bá Hổ cũng đưa vào trong tranh nỗi niềm đau đáu vì cha mẹ mất sớm, chưa thể báo hiếu cho bậc sinh thành.

Thành công và được lưu danh song có rất ít tác phẩm của Đường Bá Hổ được hậu thế lưu truyền. Tranh Đường Bá Hổ đang lưu hành tại Trung Quốc thực tế là do hậu thế chép lại, không phải tranh gốc nên giá trị giảm sút rất nhiều.