Cảnh báo tin giả: Đoạn clip "người dân Vũ Hán gào khóc kêu cứu vì bị nhốt trong nhà giữa tâm dịch virus corona" là tin thất thiệt

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 16:38 12/02/2020

Clip này ghi lại cảnh dân Vũ Hán cùng nhau hô khẩu hiệu để nâng cao tinh thần của tất cả mọi người, không có chuyện kêu khóc xin giúp đỡ như những dòng caption trên MXH Twitter.

Dịch viêm phổi do virus corona Covid-19 gây ra hiện đang có diễn biến phức tạp trên thế giới, khi mỗi ngày trôi qua lại có thêm người chết, thêm nhiều ca xác nhận nhiễm bệnh. Dù đã xuất hiện nhiều tia sáng cho thấy hy vọng dịch bệnh phần nào được khống chế, nhưng tựu chung virus corona chủng mới vẫn đang khiến cả thế giới phải hoang mang.

Một trong những lý do khiến nhiều người hoang mang còn xuất phát từ các tin, ảnh và video thiếu tính xác thực lan truyền trên mạng xã hội. Như những ngày gần đây, một đoạn video như vậy đã xuất hiện, với nội dung cho rằng người dân tại một tòa chung cư ở thành phố Vũ Hán - nơi khởi phát dịch bệnh - đồng loạt gào khóc xin cứu mạng vì bị nhốt trong nhà, không có nhu yếu phẩm.

Thực hư video người Vũ Hán kêu khóc vì bị nhốt trong nhà?

Cụ thể, đoạn video được chia sẻ từ Twitter của một nhà báo Ấn Độ tên Brajesh Misra. Người này đăng tải video kèm theo dòng chú thích: Người dân Vũ Hán kêu gọi giúp đỡ vì bị nhốt trong chính ngôi nhà của mình, thay vì được cung cấp trang thiết bị y tế.

"Những người tại thành phố Vũ Hán gào khóc từ cửa sổ, cầu xin được sống. Thay vì được chữa trị, giúp đỡ, họ bị nhốt trong chính ngôi nhà của mình. Những tiếng kêu của người Trung Quốc sẽ ám ảnh cộng đồng trong nhiều thế kỷ. Virus corona đang ở mức báo động. Ấn Độ cần chuẩn bị kỹ càng ngay lúc này."

Cảnh báo tin giả: Đoạn clip người dân Vũ Hán gào khóc kêu cứu vì bị nhốt trong nhà giữa tâm dịch virus corona là tin thất thiệt - Ảnh 2.

Đoạn chia sẻ của Brajesh Misra

Bài tweet của ông nhận được hàng ngàn lượt thích và retweet, được vô số người chia sẻ lên cả mạng xã hội. Thông điệp đọc qua cũng rất ý nghĩa, chỉ tiếc là sự thật không phải như vậy.

Theo trang Times of India, đoạn video dù quả thực được quay tại Vũ Hán, nhưng nội dung được chia sẻ thì hoàn toàn sai sự thật. Đoạn video bắt nguồn từ trang SCMP đăng tải vào ngày 28/1, nhưng nội dung là người Vũ Hán cùng nhau hô khẩu hiệu để nâng cao tinh thần của tất cả mọi người, chứ không có chuyện kêu khóc xin giúp đỡ.

Cụ thể theo bài viết của SCMP, người dân tại Vũ Hán đã cùng nhau hét qua cửa sổ, hát vang quốc ca để nâng cao tinh thần trong bối cảnh thành phố bị phong tỏa từ ngày 23/1 vì dịch virus corona Covid-19. Nó được đăng lại qua nhiều kênh mạng xã hội, nhưng dần dần nội dung bị biến tướng và trở thành tin đồn sai sự thật như những gì được chia sẻ thời gian gần đây.

Tóm lại, đoạn video người Vũ Hán kêu khóc xin được sống là không đúng sự thật. Trong bối cảnh tin tức giả ngập tràn, chúng ta chỉ nên tin vào những nguồn tin xác thực, và phải thật cẩn trọng với những gì được chia sẻ không rõ nguồn gốc.

Tham khảo: SCMP, Times of India, The Quint 

Cảnh báo tin giả: Đoạn clip người dân Vũ Hán gào khóc kêu cứu vì bị nhốt trong nhà giữa tâm dịch virus corona là tin thất thiệt - Ảnh 5.