Cảnh tượng kinh dị: Điều gì giúp rết hạ gục đối thủ lớn gấp 15 lần cơ thể chỉ trong vòng 30 giây

Ken, Theo Helino 11:27 24/01/2018

"Nhỏ nhưng có võ" chắc hẳn là điều mà ai cũng nhận ra trong cuộc chiến không cân sức giữa rết và đối thủ lớn gấp 15 lần này.

Thử tưởng tượng xem, nếu đặt một chú rết với chuột bên cạnh nhau, bạn nghĩ con nào sẽ thắng? Bạn nên nhớ, chú chuột có thể to gấp 15 lần chú rết đó nhé! 

Nhưng câu trả lời là chú rết chiến thắng. Đặc biệt là loài rết đầu vàng phân bố chủ yếu ở Trung Quốc và Hawaii này. 

Cảnh tượng kinh dị: Điều gì giúp rết hạ gục đối thủ lớn gấp 15 lần cơ thể chỉ trong vòng 30 giây - Ảnh 1.

Vì sao ư? Đó là bởi mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Hunter và Trung tâm Cao học thuộc ĐH New York (Mỹ) đã phát hiện ra 1 điều kỳ thú, chỉ 1 lượng nọc rất nhỏ của rết đầu vàng cũng có thể hạ gục được con mồi lớn hơn nó 15 lần. Và đặc biệt hơn, thời gian để hạ gục đối thủ chỉ có 30 giây...

Tìm hiểu về lượng nọc độc kinh dị này, nhà nghiên cứu Mandë Holford thuộc ĐH Hunter và Shilong Yang - Viện Động vật học Côn Minh (Trung Quốc) vô cùng ngỡ ngàng. Họ cho hay, loại độc tố này là 1 chất độc mới, vô cùng đặc biệt, có tên là Ssm Spooky Toxin. 

Nghiên cứu sâu hơn, nhóm nghiên cứu nhận thấy chất độc Ssm Spooky Toxin có cơ chế chặn 1 loạt cơ cấu thuộc tế bào gọi là kênh KCNQ - sử dụng để "nhập" - "xuất" kali vào tế bào.

Cảnh tượng kinh dị: Điều gì giúp rết hạ gục đối thủ lớn gấp 15 lần cơ thể chỉ trong vòng 30 giây - Ảnh 3.

Các tế bào khỏe mạnh sẽ đẩy ion kali qua màng của chúng, thông thường mỗi tế bào dùng ion kali để kiểm soát sự co cơ và hơi thở. Khi Ssm Spooky Toxin xâm nhập, chúng sẽ ngăn chặn sự trao đổi, ngưng dòng máu tới tim, từ đó phá vỡ hệ thống tim mạch, hô hấp, cơ bắp và thần kinh của đối thủ - khiến đối thủ tử vong.

Ông Yang chia sẻ: "Chiến lược phân tử này không tìm thấy ở các loài động vật có độc khác".

Từ phát hiện này, nhóm của Shilong Yang đã tìm ra 1 loại thuốc chữa động kinh mang tên retigabine giúp đối phó với nọc độc của rết. 

Cảnh tượng kinh dị: Điều gì giúp rết hạ gục đối thủ lớn gấp 15 lần cơ thể chỉ trong vòng 30 giây - Ảnh 4.

Chỉ khoảng 30 giây sau, chú chuột đã "gục".

Qua thử nghiệm ban đầu, kết quả rất hứa hẹn. Vì thế, nhóm nghiên cứu muốn thử nghiệm thêm ở những nạn nhân không may bị rết cắn. 

Mặc dù số trường hợp ghi nhận tử vong ở rết khá hiếm. Tính đến năm 2006, trong báo cáo Tạp chí Y học thì chỉ có 3 trường hợp ghi nhận người đã chết do rết cắn. Các vết cắn không gây tử vong ngay lập tức cho người nhưng có thể khiến nạn nhân vô cùng khó chịu và nếu không cấp cứu kịp cũng gây nguy hại cho cơ thể.

Các chuyên gia hi vọng rằng, phát hiện này sẽ giúp họ mở ra nhiều hướng nghiên cứu về thuốc mới trong tương lai.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Nguồn: ScienceAlert