Chân bị phồng rộp ai cũng muốn chọc vỡ, nhưng đây là lý do bạn không nên làm như vậy

K., Theo Helino 13:13 24/11/2018

Ai bị rộp da chân cũng muốn chọc vỡ chúng, nhưng đó lại là một sai lầm.

Những ai từng phải đi lại trên một đôi giày quá chật, hoặc người thường xuyên phải lao động nặng nhọc sẽ chẳng xa lạ gì với các vết phồng trên bề mặt da. Chúng được gọi là vết rộp, bên trong chứa dịch lỏng, nhìn hết sức... nhức mắt.

Chân bị phồng rộp ai cũng muốn chọc vỡ, nhưng đây là lý do bạn không nên làm như vậy - Ảnh 1.

Và nếu là bạn khi gặp các vết rộp trông vừa xấu xí, vừa dễ gây đau khi vô tình cạ trúng thì bạn sẽ làm gì? Chọc thủng để chúng xẹp xuống ư? Đó là cách mà nhiều người đã chọn. Chỉ có điều, nó không hay ho chút nào.

Tại sao chọc thủng vết rộp lại dễ gây nhiễm trùng?

Vết rộp được hình thành khi da tại một vùng nào đó trên cơ thể bị cọ xát liên tục trong thời gian dài, hoặc có thể do nguyên nhân khác như phỏng nhiệt. Tác động đó tạo nên sự chia tách giữa lớp biểu bì phía trên và lớp chân bì phía dưới, kích thích cảm giác nóng rát tại vị trí tổn thương.

Hai lớp này tách ra sẽ tạo nên các khoang rỗng, rồi dịch lỏng gồm huyết tương mủ, thậm chí là máu sẽ được bơm vào đó. Chúng sẽ nhanh chóng căng phồng và trồi lên bề mặt da thành các vết phồng rộp như chúng ta thường thấy.

Chân bị phồng rộp ai cũng muốn chọc vỡ, nhưng đây là lý do bạn không nên làm như vậy - Ảnh 2.

Khi bị rộp, thông thường các vết rộp sẽ không tự vỡ, trừ khi bị tác động mạnh từ bên ngoài. Còn nếu bạn cố tình muốn chọc thủng vết rộp, điều đó cũng đồng nghĩa với việc để các mầm bệnh như vi khuẩn, virus xâm nhập vào lớp chân bì nhạy cảm nằm sâu dưới da.

Vậy phải làm gì nhỉ?

Lời khuyên tốt nhất khi gặp phải các vết rộp trên da là hãy để chúng yên. Bởi dù nhìn chẳng thẩm mỹ tí nào, chúng lại có tác dụng bảo vệ cho lớp da mềm nhạy cảm nằm bên dưới không bị nhiễm trùng.

Khi được để yên, lớp da mới sẽ được hình thành dưới vết rộp trong vòng khoảng 5 ngày, và chất lỏng sẽ được hấp thu ngược trở lại bởi lớp biểu bì mới. Từ đó, vết rộp sẽ tự động biến mất mà không để lại bất kỳ trở ngại nào.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ với các vận động viên chơi thể thao. Đây là các đối tượng thường xuyên phải trải nghiệm cảm giác rộp da, và cũng vì phải vận động với cường độ cao mà các vết rộp rất dễ bị vỡ.

Vì thế thay vì để mặc, tốt hơn họ có thể rút hết dịch lỏng trong vết rộp thông qua một vết rạch nhỏ bằng một cây kim vô trùng.

Chân bị phồng rộp ai cũng muốn chọc vỡ, nhưng đây là lý do bạn không nên làm như vậy - Ảnh 3.

Tiếp đến, không được "táy máy" mà bóc lớp da phía trên vết rộp sau khi đã bị xì ra. Bởi dù không còn kín như ban đầu nữa thì lớp da thừa này vẫn còn tác dụng che chở cho lớp chân bì phía dưới trong quá trình hồi phục da mới.

Và cuối cùng cần nhắc lại rằng, nếu không phải nằm trong trường hợp bất khả kháng thì tốt nhất bạn hãy cứ để cơ thể mình tự hồi phục theo cách của chính nó.

Nguồn: Science Insider