Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội!

Diệp Nguyễn; Thuỳ Dung; Ảnh: Mai Lân; Clip: King Pro, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 20/08/2017

Năm nay sẽ là một năm đáng nhớ với học sinh Việt Đức và cả thầy Bình, khi mà chỉ còn vỏn vẹn vài tháng nữa, người thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội sẽ nghỉ hưu, để lại rất nhiều những kỷ niệm và câu chuyện về sự quan tâm, gần gũi của thầy với rất nhiều thế hệ học sinh trong trường.

Thầy Nguyễn Quốc Bình là một người thầy đặc biệt.

Không phải thầy đặc biệt vì thầy là hiệu trưởng của trường Việt Đức - một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất Hà Nội, mà còn bởi người ta nhớ đến thầy với hình ảnh một người thầy giáo vui vẻ, thân thiện và... xì tin, đang đứng trên sân khấu ngày khai giảng, mặc một chiếc áo thun màu vàng, khoác ngoài là sơ mi kẻ. Thầy đứng đó và… nhảy hiphop theo các học sinh của mình, một cách “chuyên nghiệp" và đầy hào hứng.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 1.

Trong suốt vài năm trở lại đây, thầy Bình đã trở thành “hiện tượng", khi mà mỗi clip thầy nhảy trước trường lại được viral khắp mọi ngóc ngách trên mạng xã hội. Thầy Bình là người có thể đứng lên sân khấu nhảy hiphop để cùng vui với các học sinh trong những dịp lễ lớn, cũng có thể là người luôn để mở cửa phòng mình và lắng nghe học sinh nói về cái… nhà WC bị hỏng, cho đến những băn khoăn về tình cảm, về chuyện học hành, chuyện bất đồng với một giáo viên và cả những thắc mắc, trăn trở đầu đời về giới tính.

Năm nay sẽ là một năm đáng nhớ với học sinh Việt Đức và cả thầy Bình, khi mà chỉ còn vỏn vẹn vài tháng nữa, người thầy cao gầy và có nụ cười rạng ngời ấy sẽ nghỉ hưu. Đối với thầy Bình, những giờ phút còn lại này thầy muốn làm cho nó đáng nhớ hơn, với nhiều kỷ niệm hơn. Thầy cũng mất ngủ trong đêm trước ngày quay lại trường học, cũng mong chờ đến sáng để có thể gặp lại những gương mặt học sinh quen thuộc của mình, hay háo hức chờ đón lứa học sinh mới. Những cảm xúc thật đặc biệt khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, người thầy mà rất nhiều thế hệ học sinh Việt Đức đã kính trọng, yêu thương như người thân thiết trong gia đình - sẽ không còn làm việc ở ngôi trường này nữa.

Và, thật may mắn khi cuối cùng chúng tôi cũng đã xin được thầy một cái hẹn, để có thể ngồi trò chuyện về thầy, về trường Việt Đức, về những câu chuyện và suy nghĩ của thầy trong suốt quá trình làm việc, làm thầy và làm gia đình, làm bạn với rất nhiều thế hệ học sinh ở ngôi trường này.

Nhiều người gọi thầy là “thầy hiệu trưởng lắm chiêu", vậy thầy có thấy mình… lắm chiêu thật không?

Nói là chiêu thì không đúng lắm, nhưng đó là kinh nghiệm ứng xử thôi chứ không có gì. Thời điểm đó, trường Việt Đức yêu cầu các em không đi xe máy, tôi cũng đóng vai người khách đến các điểm trông xe và khi thấy các em gửi xe, tôi vỗ vai và bảo thôi nhé, thầy biết các em gửi ở đây rồi, lần sau còn để thầy bắt được thì không được đâu. Lần sau tôi đứng ở xa và quan sát, lúc đó tôi không nhắc nhở nữa và đến trường, gặp học sinh đó tôi cũng vỗ vai: Lại gửi xe ở chỗ khác nhé, hôm nay thầy biết. Em học sinh bảo làm sao thầy biết được? Yên tâm, thầy có đầy đủ những chứng cứ nói rằng em có đi xe và gửi ở bãi khác.

Rồi có cả những câu chuyện khác nữa, những cái đó tôi nghĩ là kinh nghiệm ứng xử để các em thấy rằng những việc làm đó không đúng, không phù hợp với nội quy thì những người quản lý, những người làm công tác giáo dục như thầy Bình sẽ biết đấy.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 4.

Rất nổi tiếng trên mạng xã hội vì những clip nhảy hip hop, vậy thầy học nhảy lúc nào vậy, và ý tưởng cho những màn nhảy này trước toàn bộ học sinh của trường đến từ đâu?

Cũng rất tình cờ, các em học sinh lớp 10 mới vào trường tập văn nghệ. Tôi vô tình đến xem các em tập thì các em nói: Thầy ơi, năm nay thầy tham gia với chúng em. Tôi bảo thầy hát không được, các em bảo hay thầy nhảy? Thầy không biết có nhảy được không, các em mới nói để hướng dẫn thầy các động tác. Tôi bảo thôi bây giờ mình bí mật nhé! Các em đồng ý và bảo thầy phải thay trang phục khác, kiểu nào trẻ trung, phù hợp với học sinh. Tôi tự lựa chọn trang phục và được khen là phù hợp đấy.

Tôi cũng rất vui khi các em hưởng ứng, không chỉ các em, các thầy cô giáo ở trường khác, cả những người làm quản lý giáo dục cũng chia sẻ với tôi về việc có lẽ ít người làm, cũng lôi kéo được sự quan tâm của các em học sinh với người thầy, làm lễ khai giảng vui hơn. Nếu trước kia vẫn nặng nề về những bài phát biểu, thì bây giờ tôi nghĩ nó cũng ý nghĩa hơn. Quả thật, ở trường Việt Đức phần lễ thường ngắn gọn, để cái ngày lễ nó thật sự mang đến cho các em học sinh niềm vui. Đến đấy, họ thấy như là 1 cái mốc bắt đầu cho năm học. Cái mốc ấy cũng phải có những kỷ niệm chứ, chứ năm nào cũng vẫn như thế, cũng giống nhau thì có lẽ không ai nhớ.

Trong suốt những năm làm việc ở Việt Đức, hẳn thầy đã có rất nhiều kỷ niệm với các học trò của mình?

Trường Việt Đức nếu mà nói kỷ niệm thì có rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm với học trò, với các thế hệ học sinh đã rời khỏi ngôi trường này. Khi mà họ trở lại trường, họ nói những tình cảm của mình đối với ngôi trường mà họ đã học, kỷ niệm với bạn bè, với thầy cô, cả với những người dân ở xung quanh nữa. Tôi thấy là có những kỷ niệm quá đẹp, khó có thể quên.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 5.

Tuy nhiên, một trong những kỷ niệm mà tôi thấy sâu sắc nhất đấy là khi có những em học sinh đã mạnh dạn đến gặp tôi, đề nghị những việc mà thầy cần làm cho nhà trường. Ví dụ như chúng em đề nghị sửa chữa cái nhà vệ sinh cũ không đảm bảo, vậy thì nhà trường cũng cần có kế hoạch để chúng em không lo lắng, sợ hãi khi đến đấy nữa. Các em cũng đề nghị nhà trường trang bị cho các em bộ loa đài, để trong sinh hoạt ngoại khoá khi cất tiếng hát lên, các bạn hứng thú hơn, khi làm chương trình, các em cũng yên tâm.

Có những trường hợp, có những em học sinh có những thay đổi khác biệt về giới tính. Cũng có những thầy cô giáo cũng chưa thể thông cảm và chia sẻ với các em về những vấn đề tế nhị như thế. Các em cũng mạnh dạn lên gặp tôi, chia sẻ với tôi về những cái khó khăn của mình trong cuộc sống, không chỉ với bạn bè mà còn với thầy cô. Sau đấy, tôi cũng đã gặp thầy cô giáo của các em và cũng đã nói chuyện, và trong những buổi sinh hoạt chung, chúng tôi đề nghị đoàn thanh niên trao đổi về vấn đề giới tính. Các em học sinh lúc nào cũng cần sự thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ, không tạo ra rào cản mà cần trao đổi với nhau, giúp đỡ nhau.

Chắc hẳn là đã và sẽ có rất nhiều những câu chuyện như vậy, bởi học sinh Việt Đức từ trước đến nay luôn nổi tiếng là rất cá tính và cởi mở, không ngại thể hiện bản thân mình. Thầy làm thế nào để có thể tạo được sự tin tưởng và dìu dắt các học sinh với nhiều màu sắc cá tính đến thế?

Tôi nghĩ là, đã làm nghề dạy học thì phải có tình yêu nghề nghiệp và tình yêu thương con người, và phải có sự bao dung, sự chia sẻ. Nhất là với nghề nghiệp mình làm, mình phải tự điều chỉnh mình, phải tìm hiểu và đặc biệt là phải có kiến thức về tâm lý, về việc giáo dục cho học sinh. Cái giáo dục ở đây rất rộng, có những vấn đề rất nhỏ thôi, nếu chúng ta bỏ qua thì cũng sẽ gây nên những tổn thương rất lớn cho học sinh.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 6.

Tôi ví dụ như, có những em học sinh bị stress, em ấy rạch tay, cứ buồn chán là lại rạch tay. Nếu những người không biết thì cho đấy là học sinh hư, thế nhưng qua tìm hiểu thì tôi biết, đấy là một cái bệnh lý của những học sinh tuổi mới lớn có thể gặp phải. Vậy thì, nếu như mỗi một con người, đặc biệt là người thầy, người cô mà không có sự yêu thương, chia sẻ, và đặc biệt là không tự nâng mình lên trong kiến thức, không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn cả những kiến thức xã hội, nếu như không có thì khó có thể đồng cảm, chia sẻ với khó khăn tuổi mới lớn - cái tuổi nó có lắm những điều bất thường. Hay ví dụ như quan niệm về sử dụng chất kích thích: shisha hay bóng cười, vẫn có những em coi đó là chuyện hết sức bình thường, rồi làm sao sử dụng mạng xã hội, Facebook cho hiệu quả. Nếu như người thầy không biết thì làm thế nào giáo dục định hướng cho các em.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 7.

Mình cũng phải đặt mình vào các em chứ! Tôi cũng nói với các thầy các cô: Đôi lúc chúng ta cần đặt mình vào cái tuổi 15-16, xem lúc đấy ta muốn gì, ta thích gì và tại sao giữa ta và cha mẹ và những người xung quanh, lại cứ không gặp được nhau ở điểm nào đó. Các thầy cô bây giờ đôi lúc cũng cần tự ngẫm lại, mình hãy trở về cái tuổi đấy thì mình giải quyết công việc mới được. Tôi nghĩ là, mình cũng phải gần gũi các em, có thương yêu, có bao dung, chia sẻ thì mới gần gũi được. Chính sự gần gũi ấy, giữa khoảng cách, giữa người thầy và trò nó ngắn lại. Tôi vẫn cứ nghĩ là mình không phải chỉ là người thầy, mình phải đóng vai người cha, người anh và là người bạn thì mới được.

Có những hiện tượng mà các thầy cô giáo cũng cho rằng học sinh này quá hư, thế nhưng khi tôi gặp, tôi thấy em đó cũng chia sẻ thẳng thắn, tôi cũng rất nhẹ nhàng thôi: “Thôi, thầy trò mình là đàn ông với nhau, mình cũng cần biết tha thứ. Nếu như có việc đó thì thôi chúng ta hãy bỏ qua, thầy rất tin ở em và nếu như có thể thay đổi được thì hãy thay đổi từ bây giờ.” Thế là em ấy rất vui vẻ, chúng tôi gặp lại nhau mà không cần phải kỷ luật, làm cái gì nặng nề.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 8.

Lúc nào cũng là một người bạn lớn của các học sinh, vậy thầy tìm đâu được niềm cảm hứng để có thể luôn giữ được tinh thần trẻ trung và gần gũi, thân thương ấy?

Cái niềm vui của tôi là: Mỗi một lần mà được gặp các em, tôi thấy các em là những con người đang rất cần những sự giáo dục, những sự chia sẻ, đặc biệt là những học sinh cá biệt. Tôi cứ mong muốn cá nhân thôi, là mình làm sao là chỗ dựa về tinh thần cho các em những lúc khó khăn, lẫn niềm vui, và sự trưởng thành của các em, dù là rất nhỏ thôi, ví dụ như là hôm trước gặp các em, có một điều gì đó buồn buồn, tôi đến hỏi han các em. Hôm sau, tôi thấy em đó vui hơn, tôi thấy mình rất hạnh phúc. Mỗi một sự thay đổi, tích cực hay tiến bộ của các em đều đem đến cho tôi niềm vui, niềm hạnh phúc, tôi lại muốn mình làm được nhiều hơn thế nữa, để lan toả hơn được cái tình cảm của mình, cái suy nghĩ của mình tới các em học sinh. Có lẽ chính vì thế mà tôi luôn luôn mong đợi cái thời gian được đến trường, cùng với các em và thầy cô khác tham gia các hoạt động giáo dục.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 9.

Là một người ở thế hệ trước các em học sinh bây giờ rất lâu, và bản thân mỗi thế hệ học sinh đều có sự thay đổi, sự khác biệt về tính cách và suy nghĩ. Có khó khăn cho thầy không để vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ, để nhìn nhận và cởi mở hơn với các học sinh của mình?

Quá trình phát triển của một con người đến lúc nào đó, cái suy nghĩ và hành vi, việc làm, mọi thứ nó sẽ xơ cứng đi. Lâu dần, người ta sẽ muốn áp đặt cái kinh nghiệm của họ của mình lên thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, khi mình nhận biết được điều đó, mình sẽ phải tự điều chỉnh. Rõ ràng, một vấn đề của xã hội, nếu như trước kia, thời chúng tôi thì khó có thể được chấp nhận. Nhưng trong một xã hội hiện đại bây giờ, thì chuyện đó lại hết sức bình thường. Và các em phải có kiến thức. Ví dụ, tôi nói về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, nếu như trước kia chúng ta nói đến chuyện sử dụng bao cao su, nó ghê gớm lắm và rất xa lạ với thế hệ chúng tôi, nhắc đến thì như là một cái gì đó xấu xa. Nhưng rõ ràng, bây giờ chúng tôi vẫn có thể trao đổi trực tiếp với các em về vấn đề làm sao để bảo vệ cho mình, cũng chính là bảo vệ cho gia đình mình, cho tương lai nữa.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 10.

Tất nhiên là sẽ có những vấn đề mà với một người có nhiều trải nghiệm, thầy sẽ thấy nó không ổn và không thể lúc nào cũng giữ hình ảnh một người thầy hiền hậu và nhẹ nhàng trong những trường hợp như thế. Vậy, làm sao để thầy có thể cân bằng, để vừa giữ được sự nghiêm khắc của một người thầy giáo, vừa vẫn có thể trở thành người bạn thân của học sinh?

Cái này, thực ra cũng rất là khó, tuy nhiên cá nhân tôi thấy, tôi và các em vẫn có những sự nghiêm túc trong ứng xử. Phong cách ứng xử của mình là trẻ trung, gần gũi nhưng không thô lỗ, không quá suồng sã, hay hành động quá giới hạn cho phép giữa thầy và trò thì các em sẽ tôn trọng mình, nhưng vẫn gần gũi, chia sẻ và có thể lắng nghe.

Với thầy, làm một người thầy nghiêm khắc thì khó hơn hay làm một người bạn của học sinh thì khó hơn?

Làm 1 người thầy nghiêm khắc không khó lắm, nhưng để làm 1 người bạn của học sinh thì khó hơn nhiều. Đôi lúc mình phải xem lại lời nói, việc làm, hành vi của mình xem có gì quá hay không, khi tiếp cận với các em học sinh ở lứa tuổi như con, cháu mình phải nắm bắt được suy nghĩ, mong muốn thế hệ này đang cần cái gì? Nếu như không có sự hiểu biết về cái đó, chắc chắn không thể có sự gần gũi, là bạn của các em được. Vì là bạn thì phải tin cậy.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 11.

Có lần nào khiến thầy nhớ nhất khi các em học sinh gõ cửa phòng thầy tìm sự chia sẻ không?

Có rất nhiều em tìm đến và chia sẻ với tôi về khó khăn trong học tập, tình cảm, mối quan hệ bạn bè, khó khăn giữa học trò và thầy cô giáo, cũng có học sinh trao đổi với tôi về quan hệ với cô giáo, có sự chưa hiểu nhau rất căng thẳng, em đó kiên quyết chuyển sang lớp khác. Tôi cũng thấy sự chia sẻ đó hết sức chân thành. Tôi biết rằng cô giáo không phải người như em ấy hiểu, vì cô thẳng thắn, kinh nghiệm giáo dục chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay. Nếu như ngày xưa, đưa khuyết điểm của học sinh ra nói trước lớp sẽ là áp lực để em tốt hơn, thì bây giờ lại ngược lại, cái tôi của các em bị xâm phạm. Tôi cũng đã gặp cô giáo, trao đổi với cô, cô cũng đã nhận ra và có thay đổi. Thực sự, cô giáo ấy đã được rất nhiều học sinh quý mến, dù cô là giáo viên dạy Toán, thế nên cách ứng xử hơi khô khan, nhưng khi học sinh hiểu ra, cô và trò đã trở về mối quan hệ bình thường.

Vậy trong suốt quá trình làm việc và công tác ở trường Việt Đức, điều khiến thầy tự hào nhất là gì?

Tôi tự hào nhất là học sinh của mình ngày càng giỏi giang hơn, có nhân cách tốt hơn, các em ý thức được trách nhiệm của mình với cá nhân, cộng đồng. Với mỗi khoá ra trường đều có sự tiến bộ. Cá nhân tôi rất tự hào khi được các em học sinh quý mến.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 12.

Học sinh bây giờ thường có rất nhiều những mối quan tâm bên ngoài trường học. Không chỉ là chuyện giải trí, yêu đương,... mà còn là những mối quan tâm dành cho các vấn đề xã hội và cuộc sống. Vậy thầy làm thế nào để định hướng được các em tới những hoạt động tích cực và phát triển khả năng của chính mình?

Có những ngôi trường mùa hè thường đóng cổng, nhưng trường Việt Đức luôn luôn mở để các em học sinh kể cả ngoài trường có thể đến tham gia các hoạt động văn nghệ, chơi bóng rổ, đặc biệt là tổ chức các chương trình - nhà trường luôn ưu ái cho các em mượn sân trường để tổ chức các hoạt động ý nghĩa.

Chỉ còn 1 năm cuối ở Việt Đức nữa thôi, thầy Bình sẽ luôn được học sinh nhớ đến là thầy hiệu trưởng vui vẻ nhất Hà Nội! - Ảnh 13.

Thật ra trước kia mình cứ lo các em không làm được, quả thực các em rất hiểu biết, có năng lực, nhưng chúng ta là những người quản lý có tạo ra được sân chơi đó cho các em thể hiện không, hay lại để các em tự do tham gia vào các hoạt động không tích cực ngoài xã hội,

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tin vào thế hệ trẻ, và phải tin vào các em, sẵn sàng giao cho các em những việc ta cứ nghĩ chỉ có người lớn mới làm được. Tại sao cứ nghĩ chỉ có mình mới đủ kinh nghiệm, kiến thức làm các việc đó? Không phải như vậy, bởi nếu như thế, chúng ta cứ luôn tạo ra khoảng cách rất lớn với thế hệ trẻ, nên không thể tiếp cận được.

Cảm ơn thầy về buổi trò chuyện ngày hôm nay, và chúc thầy luôn có sức khoẻ để theo đuổi những dự định mới trong cuộc sống của mình.