Chó, mèo nuôi ở nhà có thể mang virus lây bệnh Covid-19 hay không và giải đáp của chuyên gia

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 09:59 10/10/2021

Hiện nay có những bài báo, thông tin nói rằng "vật nuôi như chó, mèo bị lây nhiễm SARS-CoV-2 rồi truyền qua con người", nhưng trên thực tế chưa có bằng chứng đầy đủ để khẳng định Covid-19 lây qua vật nuôi.

Ngày 28/8, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chăm sóc người bệnh mắc Covid-19 tại nhà.

Theo đó, Bộ Y tế cảnh báo người mắc Covid-19 và người nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi vì "đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật". Ngoài ra, không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.

"Theo CDC Mỹ, đến nay, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ động vật là thấp. Tuy nhiên, con người có thể truyền virus trên sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần. Thế giới cũng đã có các báo cáo về vật nuôi hoặc động vật nói chung mắc Covid-19. Hầu hết các con vật nhiễm bệnh sau khi ở gần chủ, người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2", Bộ Y tế cảnh báo.

Trao đổi với chúng tôi sáng 10/10, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, có những bài báo, thông tin cho rằng "vật nuôi như chó, mèo bị lây nhiễm SARS-CoV-2 rồi truyền qua con người", nhưng trên thực tế chưa có bằng chứng đầy đủ để khẳng định Covid-19 lây qua vật nuôi và nếu có nguy cơ cũng là rất thấp.

Tuy nhiên, ông Phu cảnh báo, chó mèo có thể được xem là "vật dụng" trung gian truyền nhiễm nếu như người nhiễm bệnh ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chúng. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi, lây dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi.

Từ đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và lây nhiễm Covid-19; hoặc lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.

"Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người tiếp xúc gần. Chó, mèo, vật nuôi khác có thể giống như 'vật dụng' lây dính virus khác và lây nhiễm qua người khác khi sờ, nắm phải", ông Phu nói.

Vị chuyên gia này khuyến cáo mọi người, đặc biệt là F0 không nên ôm ấp chó, mèo, tránh dùng chung các đồ vật khác với người nhà nếu cách ly tại nhà.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn F0 tự điều trị, cách ly tại nhà phải tuân thủ các lời khuyên như: Cách ly người nhiễm khỏi những người khác; Vệ sinh tay thường xuyên; Đeo khẩu trang, sử dụng găng tay đúng cách; Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm; Vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ; Xử lý đồ vải và vật dụng đúng quy định; Quản lý chất thải và dịch tiết đúng cách.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, loại virus gây bệnh Covid-19 trên con người và động vật là hoàn toàn khác nhau. Trong đó, con người thường chỉ bị bệnh do human coronavirus, có 4 chủng virus cũ và 3 chủng mới. 

Còn con vật bị bệnh do animal coronavirus, số lượng chủng virus này nhiều hơn, động vật càng hoang dã, nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn. Khi thực hiện một xét nghiệm ở thú cưng thấy dương tính với Covid-19 thì rất có thể do nhiễm animal coronavirus nào đó. 

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, virus gây Covid-19 ở người và động vật không lây nhiễm qua lại, nhưng do người tiếp xúc quá nhiều động vật hoang dã hay một F0 trực tiếp ôm hôn, khạc nhổ… vào lông, da, móng thú cưng rồi người khác chạm vào, ve vuốt, tiếp xúc trực tiếp thì nguy cơ mắc Covid-19 là chắc chắn.

Một lãnh đạo Phòng Y tế huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sáng 10/10 cho biết, chính quyền địa phương đã tiêu hủy 15 con chó của vợ chồng ông Phạm Minh Hùng (49 tuổi) về từ Long An. Huyện đã yêu cầu xã Khánh Hưng gửi báo cáo vụ việc.

Được biết, vợ chồng ông Hùng đều dương tính với SARS-CoV-2, đã được chuyển cách ly và điều trị. Trưởng trạm y tế xã Khánh Hưng (bà K.C) cũng gặp phải nhiều sự phản ứng của cộng đồng mạng, nằm một chỗ và tăng huyết áp sau tất cả sự việc xảy ra.

Clip: Bộ Y tế hướng dẫn F0, F1 cách ly tại nhà, cảnh báo người mắc Covid-19 và người nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi (Nguồn: Bộ Y tế)