Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:01 14/08/2016

Không người thân, không nơi nương tựa, ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Mai đã được bà con lối xóm trong hẻm nhỏ ở quận 3 cưu mang, thay nhau chăm sóc đến cuối cuộc đời.

"Con ơi, mang thuốc cho cố đi con, tới giờ uống thuốc rồi!", là câu nói của một người dân trong hẻm nhỏ trên đường Lý Thái Tổ (phường 2, quận 3, TP. HCM) khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi đến đây. Giọng nói ấy là của cô Bảy, đang nhận "nhiệm vụ" cho cụ bà Nguyễn Thị Mai (86 tuổi) uống thuốc vào mỗi ngày. Hôm nay, cô Bảy vội đi công việc nên gọi cháu ngoại ra đưa thuốc cho cụ Mai uống.

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 1.

Con hẻm nơi cụ Mai được mọi người thay nhau chăm sóc.

Cụ Mai tuy đang ở tuổi gần đất xa trời nhưng chốn nương thân tử tế vẫn không có. Hiện tại cụ không còn nhà cửa, người thân thích nên phải sống tạm tại con hẻm này và được người dân nơi đây chung tay chăm sóc. Chiếc gường xếp cũ gồm có chăn, gối và tấm bạt che mưa nắng được dựng một bên con hẻm là "ngôi nhà" của cụ Mai.

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 2.

Cụ Mai bên "ngôi nhà" của mình tại con hẻm nhỏ.

"Chỗ này là người dân trong hẻm thương tình sắp xếp cho tôi nằm đó. Lúc tôi không còn đi mưu sinh được nữa, chỉ nằm một chỗ, bà con thương tình nên muốn đưa vào trong nhà ở cho tiện chăm sóc nhưng tôi thấy phiền lòng lắm, ở ngoài đây cho thoải mái, đỡ bức bối ngột ngạt", cụ Mai chia sẻ.

Nói xong, cụ Mai lại chỉ tay vào chiếc radio cũ được mọi người tặng, cụ khoe: "Nhờ có cái đài radio đây mà cũng đỡ buồn. Mặc dù đã 86 tuổi rồi nhưng được trời thương nên tôi còn nghe rõ tiếng đài phát ra".

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 3.

Cháu ngoại của cô Bảy cho cụ Mai uống thuốc vì cụ đang bị bệnh tim.

Cả cuộc đời cụ Mai giống như một bản nhạc buồn với nỗi bất hạnh đeo bám từ thời ấu thơ. Vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, nên năm lên 9 tuổi cụ rời quê hương xứ Huế theo chân người ta vào Phú Yên để ở đợ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, nuôi em nhỏ.

Đến năm 15 tuổi cụ trở về quê nhưng lúc đó mẹ của cụ đã mất. Cuộc sống càng thêm túng quẫn, cụ khăn gói vào Sài Gòn với mong muốn đổi đời. "Lúc đó tôi đi một mình vào Sài Gòn và tới giờ này luôn. Vào đây cũng đi ở đợ, giúp việc cho người ta đến khi lấy chồng chứ cũng không biết làm gì", cụ Mai nói.

Cả tuổi thơ của cụ đều gắn bó với công việc làm giúp việc nhà cho người ta, mãi đến khi hơn 20 tuổi cụ lấy chồng rồi mới chuyển sang làm gánh nước mướn. Đến sau năm 1975, cụ lại chuyển sang đủ thứ nghề thịnh hành thời đó, ai kêu đâu làm nấy.

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 4.

Buổi chiều, cụ hay ngồi nhìn ra đường trầm ngâm nghĩ về những thăng trầm mình đã trải qua.

Năm con trai duy nhất của cụ qua đời ở tuổi ngoài 40 khiến cụ suy sụp về tinh thần, sau đó con dâu cũng tìm được bến bờ hạnh phúc mới, cháu nội lập gia đình. Còn một mình cụ nên thời gian sau đó, cụ đi đến Đồng Nai để thay đổi cuộc sống.

Cụ Mai chia sẻ: "Lúc trước tôi cũng có nhà nhưng trước khi đi Đồng Nai mới lại bán. Vì ở vùng kinh tế mới làm ăn khó khăn nên tôi trở về lại Sài Gòn và trở thành người vô gia cư. Sau đó tôi mới tiếp tục đi làm mướn cho người ta để kiếm sống qua ngày. Cuộc đời tôi cứ long đong, lận đận miết thôi".

Theo cụ Mai, khi về Sài Gòn làm mướn, kiếm được chút vốn nhỏ cụ lại đầu tư đi bán dạo, từ bán thức ăn đến bán vé số ở khắp các con hẻm trong thành phố. Đến năm 80 tuổi, cụ Mai không thể bước đi được nổi vì bệnh tật bủa vây. Thương tình cụ già neo đơn không nơi nương tựa, người dân trong con hẻm này mới cưu mang cụ Mai trong vài năm nay.

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 5.

Gương mặt khắc khổ của cụ Mai khi đến cuối đời phải sống trong cảnh không nhà, không người thân thích.

Mỗi ngày từng người dân trong hẻm lại thay nhau chăm sóc cụ, người tắm rửa thay quần áo, người nấu ăn, giặt giũ, người cho cụ ăn, uống thuốc... tất cả đều chung tay với mong muốn cụ Mai sống vui, không phải vất vả ở tuổi xế chiều.

Cô Bảy, người chăm sóc cụ Mai hơn 4 tháng trong bệnh viện khi bệnh tim của cụ tái phát, chia sẻ: "Tôi bán nước ngoài đầu hẻm cũng không khá giả gì nhưng thấy cụ Mai không nơi nương tựa nên rất thương. Hàng ngày người dân trong xóm cũng thay phiên nhau chăm sóc cụ. Tội nghiệp lắm khi ở độ tuổi xế chiều mà chỉ lủi thủi có một mình. Cụ muốn vào viện dưỡng lão lắm nhưng lại sợ vào đó thì buồn, không thoải mái như cuộc sống bên ngoài".

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 6.

Tình người trong con hẻm nhỏ ấy cũng khiến cụ yên lòng phần nào.

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 7.

Cụ sắp xếp lại chăn gối cho ngay ngắn trong túp lều tạm bợ - nơi trú ngụ của cụ đến cuối đời.

Theo cô Bảy, người dân trong hẻm cũng định đưa cụ vào nhà ngủ cùng nhưng cụ Mai nhất quyết không chịu. Thấy thế, người dân quyết định làm thêm một tấm bạt cạnh tường để cụ che mưa nắng. Dạo gần đây trời Sài Gòn cứ mưa bất chợt khiến nơi trú ngụ của cụ Mai cũng thỉnh thoảng bị ướt vì không kịp che bạt.

"Thấy cụ neo đơn nên một số mạnh thường quân cũng thường xuyên đến hỏi thăm cho quà. Đặc biệt, mới đây một nhà từ thiện có tặng một chiếc xe lăn để cụ đi đây đi đó cho thư thái. Buổi sáng có cô bán vé số tới đẩy cụ đi bán vé số cùng, đến trưa về ăn cơm rồi nghỉ ngơi", cô Bảy cho hay.

Chuyện một cụ bà không nhà được người dân trong con hẻm nhỏ Sài Gòn cưu mang - Ảnh 8.

Trời chiều tối, cơn mưa đổ xuống túp lều tạm và đâu ai ngờ được sau túp lều ấy nơi sinh sống của một cụ già neo đơn gần đất xa trời.

Và có lẽ tình nghĩa nơi con hẻm nhỏ ấy dành cho cụ Mai luôn đong đầy nên cụ cũng không muốn đi đâu cả. "Sống ở đây cũng quen rồi cháu ạ, bây giờ mà đưa đi đâu hay vào viện dưỡng lão chắc tôi không chịu được cũng phải về đây thôi", cụ Mai tâm sự.

Về trường hợp của cụ Mai, đại diện của phường 2 (quận 3) cho biết cũng đã xuống thăm hỏi thường xuyên, động viên cụ cố gắng giữ sức khỏe. Đại diện phường cho biết cũng muốn đưa cụ vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn nhưng vì cụ Mai cũng gắn bó với con hẻm này nhiều năm nên mọi người chiều theo ý cụ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày