Người Châu Á vui mừng tại Cannes 2010

Cobain P (Tổng hợp), Theo 13:29 27/05/2010

Hơn 10 năm qua, chưa có một bộ phim của Châu Á nào, chứ đừng nói đến khu vực Đông Nam Á, đứng trên bục cao nhất tại LHP Cannes. Vậy mà trong năm 2010, bộ phim "Uncle Boonme Who Can Recall His Past" đã làm được điều này.

Cùng với Venice, Berlin, Cannes là một trong những Liên hoan phim (LHP) lớn, quan trọng và hào nhoáng nhất trong năm. Không lâu đời như Venice, nhưng Cannes lại là nơi mà mọi nhà làm phim, từ thế hệ trẻ cho đến những bậc lão làng trên thế giới đều ước ao được một lần trong đời tham dự. Sau 2 tuần diễn ra với vô số các hoạt động điện ảnh nhộn nhịp, LHP Cannes 2010 khép lại với những giải thưởng đã tìm được chủ nhân xứng đáng (ít ra là Ban Giám Khảo thấy xứng đáng ^^).


Đạo diễn Apichatpong Weerasethakul.

Khi đạo diễn Tim Burton, chủ tịch Ban giám khảo LHP Cannes năm nay, công bố giải Cành Cọ Vàng, chắc chắn đã có không ít khán giả và ngay cả những nhà làm phim Châu Á đều cảm thấy tự hào. Hơn 10 năm qua, chưa có một bộ phim của Châu Á nào, chứ đừng nói đến khu vực Đông Nam Á, đứng trên bục cao nhất tại LHP Cannes. Tác phẩm gần đây nhất đoạt giải Cành Cọ Vàng chính là bộ đội Taste of Cherry (Iran) và Unagi (Nhật) hồi năm 1997. Mặc dù khu vực Đông Nam Á không thiếu những đạo diễn tài năng được thế giới biết đến như Roystan Tan (Singapore), Rithy Panh (Campuchia), Tan Chui Mui (Malaysia) nhưng không phải ai cũng có duyên với giải thưởng quốc tế như Apichatpong Weerasethakul.



Trong suốt gần 17 năm trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Apichatpong đã từng đoạt Giải thưởng lớn tại LHP Cannes với bộ phim Sud pralat (2004), giải Un Certain Regard tại LHP Cannes, giải KNF tại LHP Rotterdam với Sud Sanaeha (2002)... Và đến năm nay, Uncle Boonme Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn người Thái này đã đoạt giải Cành Cọ Vàng - một thành tích rất đáng tự hào cho bất cứ nhà làm nào trên thế giới.


Đạo diễn Apichatpong vui mừng với giải thưởng danh giá.

Từ hơn một thập kỷ qua, Châu Âu và một phần nào đó là nước Mỹ (Elephent, Fahrenheit 9/11) đã độc chiếm giải Cành Cọ Vàng tại Cannes. Châu Á, với những cường quốc về điện ảnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Iran mới chỉ dành được những giải "nhì, ba" như Giải thưởng lớn, Giải của Ban giám khảo mà thôi. Vượt qua 18 đối thủ khác, trong đó có những tác phẩm nặng ký như Biutiful của Alejandro Inárritu, Another Year của Mike Leigh, Rout Irish của Ken Loach, Poetry của Lee Chang Dong và đặc biệt là Of God and Men của Xavier Beauvois, tác phẩm hài mang đầy tính kỳ ảo Uncle Boonme Who Can Recall His Past Lives của Apichatpong đã thuyết phục được các thành viên trong Ban giám khảo. Trùng hợp thay khi Tim Burton - chủ tịch ban giám khảo LHP Cannes 2010, lại là một trong những đạo diễn hàng đầu trên thế giới ở thể loại phim Fantasy (kỳ ảo).


Một cảnh trong phim Uncle Boonme Who Can Recall His Past Lives.

Điều đáng tiếc là ở hạng mục tranh giải chính thức năm nay không quy tụ được nhiều tên tuổi so với năm ngoái (do có hàng loạt tác phẩm không kịp hoàn thành). Tuy nhiên, khi nhìn vào danh sách đề cử, ta vẫn có thể nhận ra một vài đạo diễn rất quen mặt tại Cannes. Đầu tiên không thể không nhắc tới bộ đôi lão làng người Anh Mike Leigh (từng 3 lần đề cử giải Cành Cọ Vàng, đoạt 1 giải với Secrets and Lies) và Ken Loach (từng 9 lần được đề cử, đoạt 1 giải với The Wind the Shakes the Barley). Vừa qua, cả hai ông đều mang tới Pháp hai tác phẩm mới với hy vọng có thể gặt hái được thành tích vẻ vang trong quá khứ. Tiếp theo là Abbas Kiarostami đến từ Iran (3 lần đề cử, đoạt 1) với tác phẩm Certified Copy, Nikita Mikhalkov mang theo Burn by the Sun hay Outrage của đạo diễn người Nhật Takeshi Kitano. Bên cạnh Thái Lan, Iran và Nhật Bản, Châu Á còn có 3 đại diện khác đến từ Hàn Quốc (Poetry của Lee Chang Dong, The Housemaid của Im Sang-soo, Ha Ha Ha của Hong Sang Soo), Trung Quốc (Chongqing Blues của đạo diễn Vương Tiểu Soái).


Phim Poetry của Lee Chang Dong đoạt giải Kịch bản xuất sắc.

Trước đêm trao giải, Of God and Men của đạo diễn nước chủ nhà Xavier Beauvois được coi là ứng cử viên nặng ký nhất cho Cành Cọ Vàng. Nhưng rốt cuộc, bộ phim đã phải nhường bước trước Uncle Boonme Who Can Recall His Past Lives của Apichatpong. Of God and Men chỉ đoạt Giải Thưởng Lớn. Nếu như điện ảnh Thái được vinh danh trên bục cao nhất thì điện ảnh Hàn Quốc cũng lĩnh trọn hai giải thưởng khá quan trọng là Kịch bản xuất sắc nhất cho Lee Chang Dong và giải Un Certain Regard (dành cho những tác phẩm mang tính thử nghiệm cao) cho Ha Ha Ha của đạo diễn Hong Sang Soo

Phim Ha Ha Ha.

Ở hạng mục diễn viên, Juliette Binoche rất xứng đáng với giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (vai Elle trong Certified Copy). Mặc dù Juliette Binoche đã từng được đề cử và chiến thắng hàng loạt giải thưởng danh giá khác trong quá khứ như Oscar, César, BAFTA, Berlin, Quả cầu vàng... nhưng đây mới là lần đầu tiên cô được công nhận tại LHP tổ chức ngay tại quê nhà. Giải nam diễn viên chính được chia cho Javier Bardem (vai Uxbal trong Biutiful), Elio Germano (vai Claudio trong La Nostra Vita). Việc trao giải diễn viên xuất sắc nhất cho 2 người không phải là điều gì quá mới mẻ tại LHP Cannes. Còn nhớ cách đây 4 năm, cả dàn diễn viên nữ gồm 6 người trong bộ phim Volver (đạo diễn Pedro Almodovar) đã từng bước lên bục nhận giải thưởng. 


Javier Bardem và Elio Germano đoạt cùng một giải.


Juliette Binoche.

Ở tất cả các giải quan trọng trong hạng mục chính như như diễn viên, kịch bản đều không gây được sự bất ngờ thì riêng giải đạo diễn xuất sắc nhất lại có điều khá thú vị. Tuy đã từng ngồi trên ghế đạo diễn nhưng Mathieu Amalric lại được biết đến nhiều hơn qua vai trò diễn viên (Quantum of Solace). Với bộ phim Tournée, anh vừa tham gia làm đạo diễn vừa đóng vai chính. Rốt cuộc Ban giám khảo đã trao cho Mathieu giải đạo diễn xuất sắc nhất.


Toàn cảnh lễ trao giải của LHP Cannes 2010.

Bên cạnh việc ít tên tuổi lớn tham gia so với các năm trước đây, ở các hạng mục không tranh giải chính thức, nhiều bộ phim được trình chiếu đã bị chê thảm hại. Trong đó có Robin Hood của Ridley Scott, Wall Street, Money Never Sleeps do Oliver Stone thực hiện, thậm chí cả You Will Meet a Tall Dark Stranger của huyền thoại Woody Allen cũng bị “thất sủng”.