Những "bí mật ngầm" trong phim Việt Nam dính mác 16+

Lady Đêkhi, Theo 00:10 15/03/2011

Nhân dịp bộ phim đậm tính nghệ thuật "Bi, Đừng sợ" ra mắt khán giả Việt Nam, hãy cùng khám phá những nét chung về thế giới "ngầm ẩn" bên trong nó nhé!<img src='/Images/EmoticonOng/25.png'>

Năm 2010 là năm thành công của Bi, đừng sợ! khi chinh phục khán giả quốc tế bằng các giải thưởng như giải SACD ACID/CCAS của Tuần phê bình quốc tế (Liên hoan phim Cannes năm 2010), giải Special Mention ở liên hoan phim quốc tế Vancouver 2010 và Liên hoan phim London năm 2010, giải Tài năng mới tại liên hoan phim châu Á Hồng Kông năm 2010, giải Phim đầu tay xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Stockholm Thụy Điển 2010. Sau bao tháng “chu du” thiên hạ, cuối cùng thì bộ phim này cũng đã được về Việt Nam.





Bi, đừng sợ! xoay quanh cuộc sống gia đình cậu bé Bi trong những ngày hè oi ả ở Hà Nội. Chuyện phim không nhiều cao trào, kịch tính hay thắt nút mà đi sâu vào chiều sâu nội tâm con người. Dường như, mỗi thành viên trong gia đình có một thế giới riêng mà Phan Đăng Di, bằng chất điện ảnh đặc biệt, đã khám phá những khoảng tâm hồn, những ẩn ức sâu kín trong lòng họ.





Đạo diễn Phan Đăng Di nói: “Với tôi, điện ảnh không phải là kể những câu chuyện xung quanh những nhân vật được định hình trước một cách rõ nét, mà chính là bước vào thế giới của những con người rất đỗi bình thường để khám phá những gì bình dị nhất trong cuộc sống thường ngày của họ”. Bi, đừng sợ! là câu chuyện về tình yêu, về những khát khao thầm kín, những ham muốn dục vọng, những ẩn ức và cả những nỗi đau trong mỗi con người.









Thế giới của mẹ Bi và bà Lành là thế giới của những người phụ nữ sống hy sinh và cam chịu đáng kinh ngạc. Mẹ Bi và bà Lành dành cả cuộc đời để tỉ mỉ nâng niu, chăm sóc những người đàn ông trong gia đình nhằm gìn giữ những niềm hạnh phúc nhỏ bé nhưng chính họ lại không thể giữ những người đàn ông trong ngôi nhà của mình. Những bữa cơm luôn vắng bóng người đàn ông trụ cột. Bà Lành làm vú nuôi phục vụ trong gia đình từ rất lâu nhưng bà không thể biết ông nội Bi thích ăn món gì và “dù có làm những món ngon đến mấy đi nữa cũng không thể giữ ông ấy ở nhà quá một tuần”. Sự ra đi, rời xa mái ấm gia đình cũng bắt đầu truyền sang bố của Bi.






Trong khi ấy, không ai biết bố của Bi có phải là con người mẫn cán hay là người đàn ông gặp nhiều trắc trở trong công việc khiến đôi mắt, mái tóc, dáng người luôn ánh lên vẻ mệt mỏi. Người xem chỉ biết một điều bố Bi luôn vắng bóng trong các bữa ăn, chưa một lần thấy sự đối thoại để-hiểu-nhau giữa bố Bi với ông nội, với em gái, với vợ và thậm chí cả với Bi. Có chăng, chỉ là những cuộc đối thoại ngắn ngủi thông báo tình hình gia đình từ vợ và cuộc đối thoại giao hoan miễn cưỡng chiều lòng vợ của bố Bi. Thế giới của anh ta ở một nơi khác. Bố của Bi chưa bao giờ tỉnh táo khi về nhà, anh ta thoái thác mọi trách nhiệm gia đình, kể cả việc cúng lễ cho cha mình, báo hiệu nguy cơ tan vỡ các mối dây liên kết với gia đình bởi sự hờ hững của mỗi cá nhân.





Thế giới của cậu bé Bi lại hoàn toàn khác: trong sáng, ngây thơ đối lập với thế giới ngập hơi bia nhớp nháp của người bố, khác với thế giới có phần cam chịu của mẹ, của bà vú nuôi và đối lập với thế giới nhiều đam mê dục vọng khốn khổ của người cô. Khi thể hiện thế giới của Bi, Phan Đăng Di dùng chủ yếu những gam màu tươi sáng và bằng những hình ảnh đẹp: những chùm bong bóng xà phòng in hình bầu trời, những vùng cỏ lau bạt ngàn cao quá đầu người, hay những hình ảnh đặc biệt bến sông, cách Bi lưu giữ bí mật tuổi thơ, cách Bi chơi đùa với lũ trẻ…






Tất cả những khuôn hình mang đậm chất thơ ấy đều là những hình ảnh của tuổi thơ đầy trong sáng mà bất cứ ai cũng có thể tìm lại chính mình trong những trò chơi thơ bé của Bi. Thế giới của cậu bé Bi là thế giới đơn giản, đầy những thứ đẹp đẽ đang chờ nó khám phá và như lời Phan Đăng Di: Bi không cần biết đến những điều phức tạp, “đáng sợ” là của thế giới người lớn. Nó chỉ vô tư chơi đùa, nó được mẹ yêu thương, che chở. Vì thế nó chẳng có gì phải sợ. “Bi, đừng sợ!” thực ra là câu mà người lớn đang tự nói với chính mình, như một cách tự trấn an”.




Bi, đừng sợ! mượn đôi mắt nhìn của cậu bé con 6 tuổi để miêu tả về thế giới người lớn cùng những phức tạp của nó không phải là điều mới. Song, việc dùng hình ảnh viên đá lạnh buốt mang nhiều tính biểu tượng để lột tả những ước muốn, khát vọng và những ẩn ức không thể kìm chế lại là cách thể hiện thế giới quan đặc biệt của Phan Đăng Di. Bi, đừng sợ thực chất là 90 phút soi chiếu những khoảng tâm hồn con người: vừa bi quan, vừa mệt mỏi, vừa là những ức chế muốn vượt thoát vừa là những mảng màu tươi sáng hướng về sự hòa nhập hài hòa với thiên nhiên.

Đạo diễn Phan Đăng Di chỉ đạo diễn xuất trong một cảnh quay


Bộ phim Bi, Đừng sợ sẽ được chính thức công chiếu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18/3 tới.