Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản

Skye; Design: Kwon Bi, Theo Thời Đại 11:00 20/07/2012

Tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x không có iPhone, iPad nhưng vẫn đủ đầy, trọn vẹn. Những cuốn truyện tranh Nhật Bản mang tụi nhỏ đi xa, ước mơ về một thế giới thần tiên, đầy nhiệm màu với bao câu chuyện bài học cuộc đời chẳng bao giờ quên.

Với lớp trẻ thế hệ 8x, 9x, những cuốn truyện tranh Nhật Bản đã trở thành một mảnh ghép không thể tách rời. Tuổi thơ không có iPhone, iPad, chúng tôi tìm niềm vui nơi những trang giấy vàng ố, ngả màu với những câu chuyện chất chứa nhiều bài học cuộc sống. Là tình bạn thiêng liêng của Doraemon, là lẽ phải sẽ chiến thắng cái ác trong Conan; rồi sự đồng cam cộng khổ, cùng nhau vượt qua khó khăn trong Ngọn lửa Recca, Hiệp Sĩ Giấy, Once Piece, Naruto... 

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 1.

Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi, có một bầu trời mơ ước mang tên những cuốn manga Nhật Bản. Trong tâm thức của lũ trẻ, ai cũng mong một lần được tới Nhật Bản để có thể đắm mình vào thế giới manga thật sự.

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 2.

Dù manga hiện đại xuất hiện cách đây chỉ khoảng gần 100 năm và bắt đầu phát triển từ giai đoạn giữa năm 1945 và 1952, những trang vẽ mang phong cách truyện tranh đã nhen nhóm tại Nhật Bản từ vài thế kỷ trước. Người ta tin rằng, cuốn truyện tranh manga đầu tiên xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 12 hoặc 13 với tựa đề Choju-giga. 

Đến thời kỳ Edo (1603 - 1967), một dạng sách vẽ với tên gọi Toba Ehon xuất hiện, manh nha phong cách của manga hiện đại. Cái tên manga được sử dụng sử dụng một cách thông dụng vào thế kỷ thứ 18 như các tác phẩm truyện hình tên Shiji no yukikai (1798) của Santō Kyōden và trong đầu thế kỷ 19 với những tác phẩm Manga hyakujo (năm 1814) của Aikawa Minwa

Trong tiếng Nhật, thuật ngữ "manga", ghép từ hai từ "man" (chuyển động) và "ga" (hình ảnh), bao hàm tất cả các loại hoạt hình, truyện tranh. Tuy nhiên bên ngoài nước Nhật, người ta sử dụng manga phần lớn cho truyện tranh còn thuật ngữ "anime" dùng cho phim hoạt hình. 

Kể từ khi xuất hiện, manga đã trở thành một nền công nghiệp tỷ đô cho Nhật Bản. Số lượng truyện tranh bán ra (khoảng 2 tỷ cuốn mỗi năm) chiếm 40% tổng lượng sách và tạp chí tại Nhật Bản với doanh thu khoảng 10 tỷ USD/năm. Hiện tại ở Nhật Bản, có khoảng 40,000 nghệ sĩ, biên tập, nhà viết kịch, nhân viên truyền thông... làm việc trong ngành công nghiệp manga. Chỉ tính riêng các họa sĩ truyện tranh đã có khoảng 4,000 người và họ được gọi bằng cái tên Mangaka - công việc trong mơ của nhiều họa sĩ tại Nhật Bản. Đi liền với đó là những tên tuổi nhà xuất bản nổi tiếng như Kodansha Ltd, Shueisha Inc và Kadokawa Group Publishing Co. Manga đã tạo thành một làn sóng văn hóa khi từ các tác phẩm manga nổi tiếng, nó sẽ được chuyển thể thành phim hoạt hình, trò chơi điện tử và cả phim điện ảnh. 

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 3.

Những tạp chí manga hàng tuần nổi tiếng như Shonen Jump, xuất bản lần đầu kể từ năm 1983, và Shonen Magazine, được bán tới 6 triệu bản/một số trong những tháng cao điểm. Tuy nhiên, doanh thu của các tạp chí manga cũng chứng kiến những đợt suy giảm khi công nghệ phát triển, kéo theo xu hướng đọc manga trên các ấn bản số. Từ năm 1998 đến năm 2007, tạp chí Shukan Shonen Jump đã chứng kiến lượng độc giả suy giảm từ 3,8 triệu ấn bản xuống 1,9 triệu.

Một trong những điểm khác biệt giữa tạp chí manga Nhật Bản và sách truyện tranh của Mỹ là việc nghệ sĩ vẽ tạp chí được tự do hơn với các thể nghiệm của mình. Chuyên gia manga Frederick Schodt chia sẻ:

"Phần lớn các nghệ sĩ người Mỹ bị hạn chế với khoảng 30 trang/tháng. Như vậy rất khó để phát triển những câu chuyện dài với tuyến nhân vật phức tạp".

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 4.

Từ những năm 1980, truyện tranh Nhật Bản đã bắt đầu lan ra toàn cầu và nhanh chóng "thống trị" làng truyện tranh thế giới. Thậm chí, vì sự phát triển toàn cầu của manga và anime, nhiều học giả văn hóa còn cho rằng Nhật Bản có thể được coi như một trung tâm của toàn cầu hóa. Vì khoảng cách địa lý gần, Manga lan dần xuống Hàn Quốc, Trung Quốc trước khi xâm nhập vào thị trường Âu Mỹ. 

Các tác phẩm truyện tranh Nhật Bản nguyên gốc được đọc theo trình tự từ phải sang trái. Tuy nhiên, để phù hợp với thói quen đọc sách của các nước khác nhau, nhiều cuốn truyện đã được chuyển ngược theo trình tự trái sang phải. Nhiều họa sĩ truyện tranh ban đầu không chấp nhận thay đổi này nhưng cuối cùng cũng đồng ý để tác phẩm của mình có cơ hội lan ra toàn cầu.

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 5.

Thị trường châu Âu mở cửa cho những tác phẩm manga từ những năm 1970. Với văn hóa truyện tranh từng tồn tại tại nhiều nước như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, thị trường này nhanh chóng chấp nhận manga và trở thành món ăn tinh thần khoái khẩu của giới trẻ châu Âu. Tại thị trường này, 50% số lượng truyện tranh xuất bản tại Pháp và manga Nhật Bản chiếm 40% truyện tranh tại quốc gia này.

Tại Việt Nam, bộ manga đầu tiên được mua bản quyền là Doraemon năm 1996. Sau đó là tới bộ manga Thám tử lừng danh Conan năm 2000 - bộ truyện tranh vẫn còn xuất bản tới tận bây giờ với  kỷ lục số lượng bản in mỗi tập lớn nhất - khoảng 100,000 bản in mỗi tập.

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 6.

Đó là vào một buổi trưa hè năm 2002, khi tôi chuẩn bị bước sang lớp 4, ba mẹ đi vắng để tôi một mình ở nhà. Nắng hè vàng ươm trên tán cây ổi sân sau khiến tôi chẳng muốn bỏ phí một buổi chiều như vậy. Khều khều con lợn tiết kiệm được 5 nghìn, tôi đót vào túi rồi trèo qua cây ổi ra ngoài đường. Ra được ngoài ngõ rồi, tôi bần thần không biết làm gì với 5 nghìn giờ: ra hàng thuê truyện hay đi mua một cuốn truyện mới?

Thuở ấy, đám trẻ nghèo mê đọc truyện tranh ít khi biết được mùi giấy mới. Chúng tôi hay ngồi lì ở những hàng thuê truyện 5 trăm/cuốn hay dạo qua mấy hàng truyện cũ vỉa hè, mưa nắng cũng xếp truyện đầy lên bạt, chỉ 1,2 nghìn/cuốn thôi. Với 5 nghìn mà co kéo khéo là tôi cũng có được 3,4 cuốn truyện rồi. Suốt những năm tiểu học, tuần nào tôi cũng bêu nắng từ nhà qua phố gặp mấy cô bán truyện tranh. Không có chúng tôi, giờ chẳng biết những người bán truyện cũ đi về đâu.

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 7.

Đi qua những năm tháng thơ ấu, tôi giật mình nhận ra rằng: những cuốn truyện tranh đã hun đúc tính cách, dạy cho lũ trẻ nhiều bài học cuộc sống, từ giản dị cho đến lớn lao. Lũ trẻ chúng tôi hay mở mỗi cuốn truyện tranh và chơi trò phân vai: đứa nào tốt bụng, thật thà nhưng hơi vụng về sẽ làm Nobita, thông minh học giỏi sẽ làm Dekhi, dũng cảm, gan dạ sẽ trở thành Recca chân chính... Những câu chuyện giản dị khiến đứa trẻ nào cũng muốn trở thành siêu anh hùng cứu thế giới. Mỗi câu chuyện mở ra một cánh cửa dẫn tới những bài học cuộc sống: tình bạn chân thành cùng nhau vượt qua bao khó khăn như những cậu nhóc trong Ninja loạn thị, lòng can đảm, nghĩa hiệp của lãng khách Kenshin... Kinh điển nhất, đứa trẻ nào đọc Doraemon cũng nhớ những phút giây tưởng chừng như gục ngã của đám trẻ Tokyo. Mà rồi, bình minh lại đến, và niềm tin lại cháy rực rỡ trong tim.

Có lẽ, điều kỳ diệu nhất của những cuốn truyện tranh là hướng đến những điều tốt đẹp, giúp lũ trẻ nhận ra chân lý bất biến của cuộc sống: mọi thứ cũng sẽ ổn cả thôi; nếu còn chưa ổn là còn chưa kết thúc cuộc đời. Cũng như tác phẩm truyện sẽ còn vài phần nữa. 

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 8.

Từ một quốc gia phương Đông, các tác giả truyện tranh Nhật Bản luôn nhắm tới một thông điệp vô cùng quan trọng trong mỗi tác phẩm: trân trọng gia đình. Dù có lớn khôn đến nhường nào, giá trị cuộc sống chỉ quy lại hai chữ gia đình. Dù Nobita có làm gì, cha mẹ vẫn chờ ở nhà để đón cậu về. Và có lớn khôn bao nhiêu cũng chỉ mong bé lại để xà vào lòng bà như ngày còn thơ.

Vào thời điểm những năm 2000, khi công nghệ, Internet còn là một điều gì quá mới mẻ với chúng tôi, những khóa học cuộc sống không tồn tại trong nhà trường, những cuốn truyện tranh đôi khi đóng vai trò như "giáo cụ trực quan" dạy cho lũ trẻ về bài học cuộc sống. Không phải đứa trẻ nào cũng sẵn sàng ngồi hàng giờ liền đọc hết câu chuyện cổ tích nhưng các em ngấu nghiến cuốn truyện tranh với những bài học lồng ghép khéo léo qua loạt tranh vẽ sinh động. Đôi khi, chúng ta thấy ở đó những pha đánh nhau, bạo lực nhưng điều quan trọng, hãy để con trẻ thấy được ý nghĩa của câu chuyện và giúp con nhìn nhận ra cái xấu trong mỗi tập truyện. 

Nhiều người vẫn nói, điều tuyệt vời nhất mà nhiều cuốn truyện tranh mang lại cho họ là trí tưởng tượng phong phú, rồi từ đó chắp cánh những ước mơ cho cuộc sống thực tại. Nhìn chiếc chong chóng hay cánh cửa thần kỳ của Doraemon, người ta nghĩ về một ngày có thể chu du qua bao nẻo đường để làm những điều như vậy. Đã có người từng mơ ước trở thành vận động viên thể dục dụng cụ sau khi đọc xong Fly High; cô bạn tôi từng ước mơ sẽ múa ba lê như trong "Vũ khúc thiên nga" còn cậu hàng xóm nghịch ngợm cũng muốn lớn lên thành bác sĩ thú y để trông "ngầu" như trong tác phẩm cùng tên. Cả khoảng trời mộng mơ kia như thu lại trong những trang truyện, chở chúng tôi đến tương lai trên cỗ máy thời gian. Đâu đó còn văng vẳng câu hỏi:

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 9.

Nhìn xa hơn, truyện tranh Nhật Bản cũng đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa đọc của người trẻ. Thông qua nhiều tác phẩm, vốn hiểu biết của các em về nhiều vấn đề thường thức cuộc sống như được nâng cao đáng kể. Cờ vây, kiếm đạo, đá bóng, nấu nướng... độc giả nhí dễ dàng tiếp nhận kiến thức về các lĩnh vực này thông qua nhiều manga nổi tiếng. Với nội dung không quá chuyên sâu, cách thể hiện hóm hỉnh kèm theo một câu chuyện thú vị xuyên suốt, trẻ em học hỏi, tiếp thu được nhiều thứ qua truyện tranh. Nếu cốt lõi của văn hóa đọc là giúp độc giả thu được kiến thức, bài học cuộc sống thì truyện tranh đã phần nào làm được điều đó. 

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 10.

Nhưng công bằng mà nói, không thể phủ nhận những mặt tiêu cực mà truyện tranh tác động lên trẻ nhỏ. Lối viết ngắn, câu tắt có thể ảnh hưởng đến ngôn từ của trẻ em trong giai đoạn tập viết văn; những hình ảnh bạo lực có thể khiến tâm lý trẻ bị tác động; việc tốn quá nhiều thời gian cho những cuốn truyện tranh sẽ xao nhãng việc học hành.... Tuy vậy, truyện tranh cũng như nhiều thứ khác, kể cả công nghệ hiện đại hay Facebook, đều có mặt tốt và không tốt. Sẽ không công bằng với trẻ khi chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của nó mà đánh giá cả một nét văn hóa như là thứ "đục khoét tâm hồn". Điều quan trọng là cách quản lý thói quen đọc truyện của con trẻ, chứ không phải cấm hoàn toàn. 

Có một bầu trời tuổi thơ mang tên những cuốn truyện tranh Nhật Bản - Ảnh 11.

Tôi nhớ lại một câu chuyện của bạn khi hỏi vì sao cậu ta thích truyện tranh. Ngày nhỏ, mỗi lần sắp thi học kỳ, ba mẹ đều hứa sẽ mua truyện tranh cho cậu nếu đạt được điểm cao. Cứ thế nỗ lực, cậu bạn tôi lao vào những bài học, đêm dài ôn thi để đạt được giải thưởng đầy thích thú kia. Truyện tranh không chỉ đem đến cho chúng ta những bài học cuộc sống mà đôi khi còn là nguồn động lực lớn lao để đạt thành công trong cuộc sống, từ những điều bình dị nhất. 

Khi cuộc sống ngập tràn phương tiện giải trí, trẻ em dần quên đi một điều rằng mọi thứ đều phải vất vả mới có được. Đôi khi, các em không còn biết trân trọng những điều nhỏ bé, như ngày xưa chúng tôi từng nâng niu mỗi cuốn manga Nhật Bản - một món quà mà quá khứ đã tặng cho lũ trẻ 8x, 9x.