"CO2" - con đường giá rẻ đưa người Việt trốn vào Anh Quốc: Giấc mơ đổi đời ngột ngạt và đầy chết chóc

J.D, Theo Helino 14:00 04/11/2019

"CO2" là tên gọi dịch vụ đưa người vào Anh Quốc theo gói "giá rẻ". Một chuyến đi quá nhiều rủi ro, với hệ quả nhãn tiền là 39 thi thể trong container vừa qua.

Những thông tin mới nhất về vụ 39 thi thể trong xe container tại Anh vẫn đang được tiếp tục cập nhật, với những nguồn tin cho rằng có các nạn nhân là người Việt Nam. Và đó chỉ là những con số khởi đầu, khi mới đây tờ NY Times đã có một bài viết cho rằng hiện có hàng ngàn người đang được "chuyển lậu" tới châu Âu mỗi năm trong những chuyến đi ngập tràn bạo lực và vất vả.

CO2 - con đường đổi đời "giá rẻ" đưa người Việt vào châu Âu

Những kẻ trong đường dây buôn người có một thuật ngữ mang tên "con đường CO2". Cụm từ này nhằm ám chỉ gói dịch vụ "thấp" của chúng, khi người nhập cư được di chuyển trên những xe container ngột ngạt, chật chội với đầy hàng hóa bên trong. Hệ thống thông gió trong thùng hoạt động rất tệ, nồng độ oxy thấp đến kinh hoàng, và họ phải trải qua con đường dài gần 10.000km từ châu Á đến được Tây Âu.

CO2 - con đường giá rẻ đưa người Việt trốn vào Anh Quốc: Giấc mơ đổi đời ngột ngạt và đầy chết chóc - Ảnh 1.

Container nơi phát hiện ra 39 thi thể tại Essex, Anh Quốc

Cái tên "CO2" được đặt ra để phân biệt với dịch vụ gói cao cấp hơn mang tên "con đường V.I.P" của chúng. Khách hàng nếu chọn gói này sẽ được nghỉ ngơi ở khách sạn (dĩ nhiên là ọp ẹp thôi), và được ngồi chung buồng lái với tài xế. Dĩ nhiên nếu để so sánh, "CO2" là con đường nguy hiểm hơn rất nhiều, và bằng chứng chính là trường hợp 39 thi thể trong xe container đang gây xôn xao vừa qua. 

Những người nhập cư theo con đường "CO2" thường sẽ phải đợi hàng tháng trời trong các khu trại tập trung ven đường phía bắc nước Pháp, tìm thời cơ để lẻn vào các thùng xe tải. Theo lời chia sẻ từ các nhóm viện trợ, luật sư và bản thân người di cư thì trong quá trình này, họ có thể bị các "Đầu rắn" (tên gọi của những kẻ trong đường dây buôn người) quát nạt, đánh đập, thậm chí là lạm dụng tình dục (với phụ nữ). Còn khi trốn được vào xe, họ co ro trong các túi ngủ, chờ đợi hàng giờ đồng hồ trong cái rét căm từ container đông lạnh nhằm giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện.

Vỡ mộng ở trời Âu, nhưng giấc mơ vẫn nối dài

Hành trình đầy vất vả này may mắn thì mất vài ngày, kém may hơn thì mất hàng tháng, thậm chí là hàng năm trời chịu đựng sự thống khổ. Nhiều người thậm chí phải bỏ mạng vì nó. Nhưng khi đến nơi, nỗi thống vẫn chưa kết thúc. Nhiều trường hợp bị đẩy vào làm móng tại các salon làm đẹp. Một số khác thì bị ép đi trồng cần sa - ngành công nghiệp phi pháp mang lại lợi nhuận hàng tỉ đô tại Anh.

Nhưng người di cư, họ vẫn đến. Mỗi năm vẫn có hàng ngàn người lén lút theo những con đường do đường dây buôn người vẽ ra để đến Anh, và phải nộp cho chúng những khoản tiền dao động từ 10.000 - 50.000 USD (hơn 200 triệu đến cả tỉ đồng), tùy vào gói "dịch vụ"  họ lựa chọn.

Tại Anh Quốc ở thời điểm hiện tại, quá trình Brexit (nước Anh rời EU) đã khiến làn sóng lao động từ Đông Âu chuyển đến giảm sút đáng kể. Những người nhập cư xem đây là cơ hội, cho rằng đất nước này trở nên khan hiếm nhân công giá rẻ. Mà quả thực, họ có thể được trả những khoản lương cao gấp 5 lần những gì có thể kiếm được ở quê hương.

CO2 - con đường giá rẻ đưa người Việt trốn vào Anh Quốc: Giấc mơ đổi đời ngột ngạt và đầy chết chóc - Ảnh 2.

Những chuyến xe nhồi nhét, để đảm bảo không bị phát hiện khi di chuyển

Những kẻ buôn người hầu hết đều đưa "khách hàng" của mình theo tuyến đường qua Pháp và Hà Lan, rồi giao cho đầu mối là người Kurd, Albania và Bắc Ireland hoàn thành nốt công việc. Theo NY Times, các báo cáo chỉ ra đa số người di cư có quốc tịch Việt Nam đến từ 2 tỉnh nghèo là Hà Tĩnh và Nghệ An. Những người ở đây khi chứng kiến các trường hợp đi Anh trở về xây được nhà, mua được xe, họ cảm thấy bị thôi thúc vì viễn cảnh đổi đời. Bởi vậy, nhiều người đã bất chấp hiểm nguy, "đầu tư" khoản tiền lớn để có thể đặt chân lên "miền đất hứa".

Nhưng khi đến Anh, mộng đẹp lại tan vỡ. Người di cư có thể rơi vào tình cảnh bấp bênh, không được chính quyền bảo vệ vì chính sách chống nhập cư rất nghiêm ngặt. Họ phải dựa dẫm vào hệ thống của những kẻ buôn người, nơi đưa ra những điều kiện sống hết sức tàn tệ và kinh khủng.

"Tôi luôn khuyên họ hãy ở lại quê hương," - cha Simon Thang Dung Nguyen, linh mục nhà thờ Công giáo ở phía đông London. "Dù ở nhà có nghèo, họ còn được tự do làm chủ cuộc sống. Ở đây thì có tiền, nhưng mạng sống cũng có thể mất."

CO2 - con đường giá rẻ đưa người Việt trốn vào Anh Quốc: Giấc mơ đổi đời ngột ngạt và đầy chết chóc - Ảnh 3.

Linh mục Simon Thang Dung Nguyen tại nhà thờ Công giáo phía Đông London (Ảnh: NY Tímes)

Ước tính có khoảng 20.000 - 35.000 người Việt di cư đến Anh, nhưng cũng cần phải nói rằng trong số này không phải ai cũng có những trải nghiệm kinh khủng. Nhiều trường hợp đã thực sự kiếm được tiền, dù phải mạo hiểm.

"Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng không phải người nhập cư nào cũng bị bóc lột, và cũng không phải ai cũng bị lừa đưa sang đây," - trích lời Tamsin Barber, giảng viên ĐH Oxford Brookes. "Mọi người đến đây vốn đã tự thỏa hiệp, chấp nhận rủi ro cao để làm việc phi pháp như trồng cần sa với mục đích kiếm nhiều tiền hơn."

Dù vậy, thực tế cho thấy tỉ lệ người Việt bị lừa đưa vào Anh vẫn tăng lên rất nhanh. So với năm 2012, tỉ lệ ấy đã tăng gấp 5 lần theo số liệu năm 2018.

Hành trình đổi đời: gian khổ và khắc nghiệt

Lại nói về những người chấp nhận trả tiền để trốn sang Anh. Theo NYTimes, sau khi lo đủ số tiền, những kẻ buôn người bắt đầu đưa họ sang Trung Quốc để "tẩy" lý lịch và lấy hộ chiếu giả. Từ đây, họ được chuyển sang Nga rồi hướng đến Tây Âu, vượt qua những khu rừng của Belarus đến biên giới Ba Lan. 

Đây là một trong những tuyến đường kinh hoàng nhất của hành trình. Theo một khảo sát vào năm 2017 về những người Việt di cư tại Pháp, một người đàn ông tên "Anh" (24 tuổi) cho biết anh cùng 5 người nữa đã liên tục bị bắt giữ tại Belarus. Nhưng bắt xong thì làm gì? Người ta trả họ về biên giới nước Nga, để rồi họ lại tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi thành công. Đến được Ba Lan, sẽ có một chiếc xe tải chờ họ ở đó.

CO2 - con đường giá rẻ đưa người Việt trốn vào Anh Quốc: Giấc mơ đổi đời ngột ngạt và đầy chết chóc - Ảnh 4.

Hình ảnh một vụ buôn người bị ngăn chặn

"Chúng tôi rét run, không được ăn gì trong suốt 2 ngày. Tất cả những gì được bỏ vào miệng là nước đun từ tuyết tan."

Một tuyến đường khác cho phép người di cư hạ cánh ở sân bay châu Âu bằng các visa giả. Để chuẩn bị tốt cho quá trình này, những kẻ buôn người thường yêu cầu người di cư đến sân bay làm thủ tục chỉ 10 phút trước khi đóng cửa, để hải quan không đủ thời gian kiểm tra.

Hành trình thường liên tục bị gián đoạn do các nạn nhân bị chính quyền bắt, hoặc do họ... hết tiền. Bởi vậy mà trên quá trình di cư, họ bị ép buộc phải lao động để lấy tiền trang trải - thường là tại các nhà máy dệt vải ở Nga, hoặc làm bồi bàn trong các nhà hàng tại châu Âu. Nhiều phụ nữ thậm chí bị ép buộc phải bán dâm. 

Những kẻ buôn người luôn giữ bí mật về địa điểm họ đang ở với các nạn nhân, nhằm đảm bảo cho quá trình kiểm soát. Như năm 2017, 16 người Việt bị bắt giữ tại Ukraine nhưng lại bảo rằng họ tưởng mình đang ở Pháp. Và nếu không nghe lời chúng, hậu quả có thể hết sức thê thảm.

CO2 - con đường giá rẻ đưa người Việt trốn vào Anh Quốc: Giấc mơ đổi đời ngột ngạt và đầy chết chóc - Ảnh 5.

Hình ảnh một căn nhà trồng cần sa tại Anh Quốc

"Họ không được phép để cảnh sát trông thấy, vậy nên phải nghe theo sự sắp xếp của chúng. Nếu cư xử không tốt, họ có thể bị đánh, còn phụ nữ sẽ có nguy cơ bị cưỡng hiếp," - cha Simon cho biết.

Khi đến Anh rồi, mọi chuyện vẫn chưa yên. Sulaiha Ali - luật sư đấu tranh vì quyền con người cho biết người di cư thường được hứa hẹn về một công việc hợp pháp trong nhà hàng, hoặc làm công nhân ở các công trường. Nhưng rốt cục, họ bị ép trở thành... nông dân trồng cần trong các căn nhà tối tăm. 

Các nạn nhân bị nhốt ở đó nhiều ngày, đôi khi lên tới 15 người trong một căn phòng siêu nhỏ và ọp ẹp. Rủi ro về sức khỏe là rất cao, kèm nguy cơ cháy nổ vì chập điện, nguy hiểm tính mạng.

Với các trường hợp được đẩy ra làm nail, chủ salon sẽ kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của nhân viên, dẫn đến các trường hợp bị bóc lột tàn tệ. Dù vậy, họ thường tự nhận mình là "cha mẹ đỡ đầu", cung cấp cho người lao động chỗ ăn ở đầy đủ.

CO2 - con đường giá rẻ đưa người Việt trốn vào Anh Quốc: Giấc mơ đổi đời ngột ngạt và đầy chết chóc - Ảnh 6.

Salon làm nail nhiều người Việt tại London

Các băng đảng buôn người thường "nắm thóp" nạn nhân bằng cách đe doạ họ sẽ bị bắt, trục xuất hoặc ngồi tù, do không có giấy tờ hợp pháp. Mà thực tế thì khi cảnh sát xuất hiện, họ sẽ bỏ qua các dấu hiệu về cưỡng bức lao động hay buôn người, chỉ đơn giản làm thủ tục trục xuất mà thôi.

"Các nạn nhân hầu hết đều mất lòng tin vào chính quyền ở đó, nhưng chủ yếu là vì những kẻ buôn người đã gieo vào đầu họ suy nghĩ: mày không có giấy tờ, sẽ bị trục xuất hoặc ngồi tù thôi," - Firoza Saiyed, luật sư về quyền con người chia sẻ.

Tham khảo: NY Times

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày