Cuộc sống với bạn cùng phòng sẽ "dễ thở" hơn nhiều nếu có những quy tắc riêng

hangcham, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 11/08/2017

Hãy trực tiếp trao đổi với bạn cùng phòng về vấn đề mà cả hai đang gặp phải để có thể cải thiện tình hình. Thẳng thắn, lắng nghe và chia sẻ luôn là phương châm đúng để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài!

Tôn trọng không gian riêng tư

Tất nhiên, sống chung một phòng bạn không thể đòi hỏi quyền riêng tư tuyệt đối như khi ở nhà. Nhưng có những không gian, tối thiểu, hãy cho nhau quyền riêng tư. Những góc tủ riêng, giá sách... đừng bao giờ tự ý lục lọi nếu bạn chưa được sự cho phép của bạn cùng phòng. Đặc biệt, hãy để ý đến những người mà bạn mời vào phòng và hỏi ý kiến của bạn cùng phòng nếu bạn định làm điều gì ảnh hưởng đến không gian riêng của họ. Bởi sẽ thật khó chịu và phiên phức nếu bạn cùng phòng đang ngủ hoặc đang gấp gáp bài vở cho kịp deadline thì bạn lại cùng những người khác trò chuyện ầm ĩ, mở nhạc inh ỏi... Những điều này sẽ gây khó chịu cho bạn cùng phòng. 

Vậy nên, hãy luôn nhớ rằng bạn đang sống tập thể, không gian phòng không chỉ của riêng bạn, đừng làm gì gây ảnh hưởng chung.

Sòng phẳng trong những khoản chi phí chung

Cuộc sống với bạn cùng phòng sẽ dễ thở hơn nhiều nếu có những quy tắc riêng - Ảnh 1.

Muốn sống với nhau lâu dài hãy luôn rõ ràng trong vấn đề tài chính, đừng để vấn đề tiền bạc trở thành những điều khó nói, gây rạn nứt. Những chi phí phát sinh liên quan đến phòng ở, phí sinh hoạt chung nếu không có sự phân chia rõ ràng có thể gây mâu thuẫn giữa bạn và những người bạn cùng phòng. 

Vì lẽ đó, hãy thống kê những chi phí chung vào một cuốn sổ, ghi rõ ràng rành mạch những thứ cần chi tiêu trong tháng để không ai phải lăn tăn về vấn đề tài chính. Ngoài ra, việc ghi chép này cũng là điều nên làm bởi bạn có thể điều chỉnh chi tiêu tháng sau nếu thấy phát sinh quá nhiều những thứ không cần thiết. Và đừng quên thảo luận để thống nhất ý kiến về mức chi phí chung của cả phòng trong mỗi tháng với bạn cùng phòng nhé!

Chia sẻ việc nhà

Khi ở nhà bạn có thể lười biếng, quần áo, đồ đạc vứt linh tinh... nhưng đừng mang điều đó vào phòng chung. Bản thân bạn khi xác định sống cùng một người khác nghĩa là bạn phải chấp nhận thay đổi và thích nghi để có thể hòa hợp với bạn cùng phòng. Bạn có thể thích nấu ăn nhưng ngại rửa bát, có thể dọn dẹp nhà cửa nhưng không hứng thú với việc giặt quần áo... Hãy nói về sở trường, sở đoản của nhau để có thể làm những công việc nhà phù hợp, chia sẻ việc nhà cho nhau mà tất cả đều cảm thấy thoải mái và công bằng. Một lời khuyên hữu ích dành cho bạn là hãy lập một thời gian biểu cho việc dọn dẹp, liệt kê những công việc cần phải làm và phân công rõ ràng trách nhiệm cho cả hai bên.

Thẳng thắn, lắng nghe và chia sẻ

Cuộc sống với bạn cùng phòng sẽ dễ thở hơn nhiều nếu có những quy tắc riêng - Ảnh 2.

Đây là vấn đề "sống còn" để có thể duy trì trạng thái ở chung lâu dài. Hầu hết những rắc rối nảy sinh giữa những người cùng phòng đều xuất phát từ việc thiếu sự giao tiếp và không thẳng thắn với nhau. Có những điều khó chịu, những điều chưa hợp lý trong khoảng thời gian sống chung, thường các bạn không thẳng thắn đối thoại cùng nhau để tìm ra giải pháp mà luôn ấm ức, hoặc nói xấu với "người thứ 3". Điều này, không những chẳng giải quyết được vấn đề mà còn khiến mọi chuyện trở nên rắc rối hơn thậm chí làm mất tình bạn. Hãy trực tiếp trao đổi với bạn cùng phòng về vấn đề mà cả hai đang gặp phải để có thể cải thiện tình hình. Thẳng thắn, lắng nghe và chia sẻ luôn là phương châm đúng để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài!