Đâu là xu hướng tất yếu của các lễ trao giải âm nhạc Việt Nam hiện nay?

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 04/01/2018

Dù nền giải trí của chúng ra chưa phát triển thành ngành công nghiệp âm nhạc như Kpop hay US-UK nhưng từ trước đến nay, số lượng các lễ trao giải được tổ chức ở Vpop không hề ít.

Đâu là xu hướng tất yếu của các lễ trao giải âm nhạc Việt Nam hiện nay? - Ảnh 1.

Từ lễ trao giải của các nhà đài như VTV Awards, HTV Awards, “đứa con’’ đầy tâm huyết của cơ quan báo chí như Mai Vàng (báo Người lao động), Cống Hiến (báo Thể thao & Văn hóa), hay “cây đại thụ” Làn Sóng Xanh, VTV – Bài hát tôi yêu cùng hàng loạt những giải thưởng khác, tất cả đã tạo nên một mùa giải thưởng cuối năm sôi động, kịch tính.

Mỗi giải thưởng đều mang đến những giá trị nhất định cho làng nhạc Việt, dù có thế sức hút ở mỗi mùa tổ chức không giống nhau. VTV – Bài hát tôi yêu từng là chương trình “tuổi thơ” của biết bao thế hệ 8x, 9x khi những ngôi sao hàng đầu lúc đó đều tham gia với quyết tâm đem đến những MV chất lượng nhất, ở vào thời điểm mà thị trường chỉ xem MV như quà tặng kèm cho khán giả.

Đâu là xu hướng tất yếu của các lễ trao giải âm nhạc Việt Nam hiện nay? - Ảnh 2.

Cống Hiến với quyết tâm trở thành “Grammy Việt Nam” vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ cùng tính hàn lâm, khắc nghiệt và cũng đầy khác biệt của mình trong việc nhận định các đề cử: thẳng thừng loại Sơn Tùng khỏi mùa giải 2016 vì lùm xùm đạo nhái, dũng cảm đưa “tân binh” Uyên Linh vào đề cử Ca sĩ của năm bên cạnh loạt tên tuổi gạo cội ở Cống Hiến 2010 bởi cô đã “tạo nên không khí sôi nổi cho đời sống âm nhạc bão hòa, đem lại cảm xúc, tình yêu âm nhạc cho khán giả”.

Dẫu vậy, nghệ sĩ và khán giả dường như bớt mặn mà với các giải thưởng Việt qua thời gian. Nếu như nghệ sĩ theo đuổi các giải thưởng quốc tế hay các danh hiệu “ông hoàng, bà chúa” thì khán giả cũng chỉ thích thú lắm là phần trình diễn của thần tượng ở lễ trao giải là cùng. Vấn đề nằm ở đâu?

Đâu là xu hướng tất yếu của các lễ trao giải âm nhạc Việt Nam hiện nay? - Ảnh 3.

Trước đây, những giải thưởng truyền thống là bàn đạp cực thuận lợi giúp nghệ sĩ vươn lên và ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Nhưng “thời thế” đã thay đổi và với sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội, thị trường nhạc số, nghệ sĩ giờ đây có thể tiếp cận với khán giả một cách dễ dàng hơn. Internet và mạng xã hội bùng nổ cũng là lúc văn hóa nghe nhạc trực tuyến phát triển rực rỡ. Bất cứ một nghệ sĩ nào cũng ra mắt sản phẩm trên các trang nhạc số để đứa con tinh thần của mình có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. Sản phẩm phát hành ra sẽ được đánh giá mức độ thành công ở lượt nghe, xem, chia sẻ, độ viral và các bản cover chứ không chỉ có một con đường duy nhất là giải thưởng cuối năm như trước kia. Phải chăng điều này dẫn đến việc một số nghệ sĩ không còn mặn mà với các giải thưởng?

Đâu là xu hướng tất yếu của các lễ trao giải âm nhạc Việt Nam hiện nay? - Ảnh 4.

Một lý do khác khiến các giải thưởng giảm đi sức hút là bởi nó đã từng làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính công bằng và minh bạch - điều quan trọng và cần phải tránh nhất để có thể khẳng định quy mô, độ tin cậy cũng như tầm ảnh hưởng trong mắt công chúng. Các lễ trao giải lớn như Cống Hiến hay Mai Vàng, Làn Sóng Xanh cũng từng dính phải những lùm xùm trong lịch sử phát triển của mình: Hồ Quỳnh Hương thắng Mỹ Tâm tại Mai Vàng 2004, Đan Trường rút tên khỏi danh sách đề cử chỉ vài giờ trước thềm trao giải Mai Vàng 2006, Hồ Ngọc Hà thắng Mỹ Tâm tại HTV Awards 2012…

Nhiều nghệ sĩ lớn như Mỹ Tâm, Đan Trường từng xin rút khỏi đề cử của một giải thưởng lớn với chung lý do: Nhường sân chơi và cơ hội cho những gương mặt trẻ, Đàm Vĩnh Hưng cáo lui vì cho rằng mình không hội tụ đủ các tiêu chí đề cử của hội đồng nghệ thuật.

Đâu là xu hướng tất yếu của các lễ trao giải âm nhạc Việt Nam hiện nay? - Ảnh 5.

Đi theo dòng chảy của thị trường, nhạc số đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu. Việc phát hành sản phẩm online trên các trang nghe nhạc trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược quảng bá sản phẩm của người nghệ sĩ. Chính ở đây, nghệ sĩ Việt sẽ có lời phản hồi nhanh nhất từ công chúng dành cho đứa con tinh thần của mình: Những con số. Điều này không chỉ phản ánh một cách chính xác độ lan toả của ca khúc mà còn giúp người nghệ sĩ cũng như khán giả dần quen với việc chuyên nghiệp hoá nền âm nhạc nước nhà.

Nhắc đến việc bắt kịp xu hướng, hãy nhìn ngay sang Hàn Quốc để thấy rõ: Bên cạnh những Golden Disk Awards, MAMA (Mnet Asian Music Awards) hay Seoul Music Awards đình đám, năm 2009 Kpop vẫn “kết nạp” thêm Melon Music Awards (MMA) - lễ trao giải thuần nhạc số, được trao giải dựa trên hệ thống BXH của trang nghe nhạc trực tuyến lớn nhất xứ kim chi - Melon. Từ đó đến nay, MMA đã cùng 3 cái tên vừa kể trên trở thành “tứ trụ” lễ trao giải có tầm ảnh hưởng nhất. Vậy mới thấy, việc Vpop cần phải có một giải thưởng chuyên về nhạc số là điều hợp lý.

Đâu là xu hướng tất yếu của các lễ trao giải âm nhạc Việt Nam hiện nay? - Ảnh 6.

Trải qua 8 mùa giải, đến nay Zing Music Awards (ZMA) đã trở thành lễ trao giải âm nhạc trực tuyến nhận được nhiều sự tin tưởng của các nghệ sĩ, khán giả và có sự cân bằng giữa yếu tố chuyên môn và thị trường nhất hiện nay. Sau khi khởi động vòng bình chọn đầu tiên, Top 10 đề cử ở những hạng mục quan trọng nhất như Nghệ sĩ của năm, Ca khúc của năm, MV của năm… cũng vừa được BTC công bố, ngày càng thu hút sự quan tâm từ dư luân.

Dựa vào hệ thống số liệu và BXH #zingchart từ Zing MP3, ZMA chính là giải thưởng tôn vinh nhạc số đầu tiên ở Việt Nam, tương tự Melon Music Awards của Hàn Quốc. Nhạc số đã trở thành một xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại hiện nay và việc Vpop có một lễ trao giải chất lượng đề cao giá trị này là điều đáng mừng biết bao!