Dị nhân Schlitzie Đầu Nhỏ: Cuộc sống của một ngôi sao chẳng có gì ngoài danh tiếng, chết đi còn không có tiền xây mộ

Jin.Q, Theo Helino 15:00 22/08/2018

Cũng như rất nhiều dị nhân khác, số phận của Schlitzie là một câu chuyện buồn với kết thúc buồn, trái ngược với tiếng tăm lẫy lừng mà ông ta gặt hái được khi còn sống.

Schlitzie còn được biết đến với biệt danh Cô Gái Khỉ hay Người Aztec Cuối Cùng. Ngoài ra ông cũng được gọi bằng cái tên đơn giản hơn là dị nhân Đầu Nhỏ. Vào những năm 1900, Schlitzie là một trong những ngôi sao sáng của đoàn xiếc quái dị, đến năm 1932, sau khi tham gia vào bộ phim điện ảnh Freaks, độ nổi tiếng của Schlitzie càng tăng lên gấp bội.

Dị nhân Schlitzie Đầu Nhỏ: Cuộc sống của một ngôi sao chẳng có gì ngoài danh tiếng, chết đi còn không có tiền xây mộ - Ảnh 1.

Schlitzie sinh vào khoảng năm 1901 tại khu Bronx, New York. Không ai rõ tên thật của ông là Simon Metz hay Shlitze Surtees vì ông đã từng bị chuyển qua nhiều gia đình khác nhau nhận nuôi, cuối cùng cơ duyên lại cho ông gắn kết cuộc đời với những show diễn quái dị.

Schlitzie bước chân vào gánh xiếc nhờ vào ngoại hình khác thường với chiếc đầu nhỏ xíu do dị tật mang tên microcephaly. Tuy đã là một thanh niên trưởng thành nhưng Schlitzie hành xử chẳng khác gì một đứa bé 4 tuổi và chỉ có thể nói được một vài câu hội thoại ngắn. 

Khi lên sân khấu biểu diễn, Schlitzie luôn mang tạo hình đặc biệt với túm tóc nhỏ được buộc trên đỉnh đầu, mặc váy hoa, chính vì vậy ông mới có tên là Cô Gái Khỉ. Cũng có người nói bản thân Schlitzie thích được mặc váy hơn vì ông không thể kiểm soát việc đi vệ sinh nên như vậy sẽ giúp người chăm sóc ông thay tã, dọn dẹp dễ dàng hơn.

Đến năm 1932, Schlitzie bỗng vụt sáng thành một tên tuổi lớn của màn bạc nhờ tham gia vào một bộ phim kể về cuộc sống tại gánh xiếc mang tên Freaks. Cho đến nay, Freaks vẫn là một bộ phim đặc biệt được nhiều người biết đến vì có sự tham gia của khá nhiều dị nhân sáng giá của rạp xiếc lúc bấy giờ.

Dị nhân Schlitzie Đầu Nhỏ: Cuộc sống của một ngôi sao chẳng có gì ngoài danh tiếng, chết đi còn không có tiền xây mộ - Ảnh 3.

Với sự vô tư hồn nhiên, lúc nào cũng cười vui vẻ như một đứa trẻ con, Schlitzie chiếm được cảm tình rất lớn từ những người xung quanh cũng như các khán giả. Sau khi đóng phim, Schlitzie lại tiếp tục rong ruổi cùng gánh xiếc, biểu diễn trong những show dị nhân nổi tiếng. Năm 1936, một người huấn luyện tinh tinh tên George Surtees đã chính thức nhận làm người bảo hộ cho Schlitzie. Ông ta hết lòng chăm sóc và thương yêu Schlitzie hệt như con trai ruột. Đến năm 1965, sau khi George Surtees qua đời, con gái ruột của ông đã tống ngay Schlitzie vào bệnh viện tâm thần ở Los Angeles.

Dị nhân Schlitzie Đầu Nhỏ: Cuộc sống của một ngôi sao chẳng có gì ngoài danh tiếng, chết đi còn không có tiền xây mộ - Ảnh 4.

Schlitzie đã phải trải qua 3 năm cô đơn, đau đớn và khổ sở ở chốn bệnh viện lạnh lẽo, chịu mọi sự đối xử tàn tệ. May mắn thay trong một lần người nuốt dao Bill Unks đến bệnh viện biểu diễn, ông ta đã nhận ra Schlitzie, sau đó hối lộ cho bệnh viện giúp ông đưa Schlitzie ra ngoài và nhận nuôi ông.

Schlitzie hạnh phúc khi được trở về gánh xiếc, trở về cuộc sống duy nhất mà ông thấy thân thuộc. Ông tiếp tục biểu diễn cùng đoàn xiếc quốc tế Dobritch trước khi trở về Los Angeles nghỉ hưu, sống cùng người bảo hộ. Thời gian này, Schlitzie trở thành hình ảnh quen thuộc trên nhiều con đường của Hollywood, vừa biểu diễn vừa bán đồ lưu niệm. Bên cạnh đó, Schlitzie vẫn thường xuyên ra công viên cho bồ câu và vịt ăn, mua vui cho mọi người qua lại. Những năm cuối đời, Schlitzie chuyển đến viện dưỡng lão sinh sống, đến năm 1971 thì qua đời.

Hình ảnh kinh điển của Schlitzie Đầu Nhỏ là “mỏ vàng” mang lại lợi nhuận khổng lồ. Nhiều công ty đã lấy hình ảnh của Schlitzie để in áo thun, làm đồ lưu niệm, mặt nạ hóa trang… Họa sĩ truyện tranh Bill Griffith cũng cho ra đời tác phẩm nổi tiếng Zippy Đầu Nhỏ, dựa trên nhân vật thật là Schlitzie. Suốt cuộc đời nổi tiếng của mình, Schlitzie chưa từng có một căn nhà, cũng chẳng có lấy một chút tài sản nào để lại. Cho đến sau khi chết, Schlitzie còn không có tiền để dựng bia mộ cho bản thân. Mãi cho đến năm 2007, một người hâm mộ ông đã đứng ra quyên góp đủ tiền để làm cho ông một tấm bia có tên tuổi đàng hoàng.

(Nguồn: allthatsinteresting, hollywoodreporter)