Điện ảnh Hàn Quốc cũng có một "kỳ tích sông Hàn"

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 11:03 30/08/2016

Phó chủ tịch tập đoàn Wanda khẳng định, ở châu Á, Hàn Quốc là nước duy nhất có thể cạnh tranh với sự thống trị của Hollywood trong lĩnh vực phim ảnh.

"Kỳ tích sông Hàn" là cụm từ chỉ sự tăng trưởng kinh tế thần tốc của Hàn Quốc sau Thế chiến thứ hai. Từ chỗ là một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, bị nước ngoài chi phối, Hàn Quốc đã nỗ lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành cường quốc châu Á. Năm 1988, cả thế giới sững sờ khi chứng kiến sự thay da đổi thịt của xứ kim chi ở Olympic Seoul. Kể từ đó, Hàn Quốc chính thức "sánh vai với các cường quốc năm châu" và được cả thế giới nể phục.

Đi sau thành tựu về kinh tế, điện ảnh Hàn Quốc cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong hai thập kỷ vừa qua. Từ chỗ phải nép mình sau hai người khổng lồ Nhật Bản - Trung Quốc, đến nay các sản phẩm của Hàn Quốc đã vang danh trên toàn châu Á và cả thế giới. Đôi mắt của những nhà làm phim xứ kim chi giờ đây đã hướng về Hollywood chứ không chỉ quẩn quanh trong khu vực nữa.

Bước ngoặt của thập niên 90

Vào đầu thập niên 90, điện ảnh Hollywood chiếm đến 80% thị phần Hàn Quốc. Phần lớn phim Hàn do nhà nước góp vốn sản xuất với tư duy lạc hậu. Năm 1994, Tổng thống Kim Young Sam ghi nhận việc tổng thu nhập từ bộ phim Jurassic Park của Mỹ còn cao hơn doanh thu của 1,5 triệu chiếc xe Huyndai, niềm tự hào của Hàn Quốc. Từ đó, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu đẩy mạnh các sản phẩm văn hóa thành "mặt hàng" để xuất khẩu.

Điện ảnh Hàn Quốc cũng có một kỳ tích sông Hàn - Ảnh 1.

Tác phẩm "Oldboy" của Park Chan Wook

Ba yếu tố chủ chốt làm nên bước tiến thần tốc của phim ảnh Hàn Quốc là nhân lực, vốn đầu tư và chính sách hỗ trợ của chính phủ. Gốc rễ của mọi sự phát triển nằm ở con người và Hàn Quốc chọn Hollywood là hình mẫu để noi theo. Nhiều tài năng triển vọng được cử sang Mỹ để học tập mô hình làm phim hiện đại nhất thế giới. Khi trở về, thế hệ này đã trở thành cột trụ của điện ảnh Hàn Quốc.

Năm 1992, bộ phim Marriage Story đánh dấu lần đầu một tập đoàn lớn của Hàn Quốc (Samsung) đầu tư vào phim ảnh. Sau đó, lần lượt Daewoo và Hyundai nối gót để cấp vốn cho các nhà làm phim. Hiện tại, ba tập đoàn CJ, Orion và Lotte giữ vai trò đỡ đầu cho các dự án. Họ thay đổi hoàn toàn cấu trúc của ngành công nghiệp điện ảnh khi tham gia vào mọi giai đoạn từ cấp vốn, sản xuất đến phát hành. Những tập đoàn này cũng sở hữu nhiều cụm rạp đảm bảo "đầu ra" cho phim. Từ năm 1999 đến 2004, số rạp tại Hàn Quốc gia tăng đột biến từ 588 lên 1451 rạp. Kinh phí lớn giúp các nhà làm phim mạnh dạn hơn với các ý tưởng.

Điện ảnh Hàn Quốc cũng có một kỳ tích sông Hàn - Ảnh 2.

Bộ phim "Miss Granny" của CJ Entertainment thắng lớn về doanh thu và có bản làm lại tại Trung Quốc và Việt Nam

Một văn phòng được Bộ trưởng Văn hóa lập ra vào thập niên 90 để phát triển truyền thông với trọng tâm là phim ảnh. Bên cạnh đó, tổ chức Korean Film Council (KOFIC) có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành công nghệ điện ảnh. Họ giúp gây quỹ, nghiên cứu và phát triển, giúp đỡ việc marketing và tổ chức các liên hoan phim.

Theo tờ The New York Times, từ năm 1998 Hàn Quốc bắt đầu hạn chế nhập khẩu các sản phẩm giải trí từ Nhật để phát triển thương hiệu nội địa. Chính sách hạn ngạch rạp chiếu cũng giúp bảo vệ các phim Hàn Quốc. Theo quy định năm 2006, mỗi phòng chiếu phải có 73 ngày chiếu phim nội trong năm (20%). Vấn đề kiểm duyệt cũng khá thông thoáng giúp nhiều tác phẩm dữ dội như Oldboy có thể ra rạp.

Thành tựu của điện ảnh Hàn Quốc

Năm 1999, bộ phim Shiri đánh dấu sự chuyển mình của điện ảnh Hàn Quốc như bom tấn đầu tiên mang phong cách Hollywood. Với nội dung về âm mưu của một gián điệp Bắc Triều Tiên, tác phẩm có doanh thu tại Hàn Quốc vượt cả các phim nước ngoài như Titanic, The Matrix và Star Wars.

Điện ảnh Hàn Quốc cũng có một kỳ tích sông Hàn - Ảnh 3.

"Shiri" là tác phẩm bước ngoặt của điện ảnh Hàn

Kỷ lục phòng vé ở Hàn Quốc liên tiếp bị xô đổ với Joint Security Area (năm 2000, 5,8 triệu vé), Friend (năm 2001, 8,1 triệu vé) hay Silmildo (năm 2003, 11 triệu vé). Hiện tại, Roaring Currents (Đại Thủy Chiến) là tác phẩm ăn khách nhất mọi thời đại ở Hàn Quốc với 17 triệu vé (trong khi cả nước chỉ có 50 triệu dân). Bộ phim lịch sử này khiến người Hàn tự hào cả về công nghệ làm phim lẫn nội dung đề cao tinh thần dân tộc (kể về người anh hùng, đô đốc Yi Sun Sin).

Điện ảnh Hàn Quốc cũng có một kỳ tích sông Hàn - Ảnh 4.

Bảng thống kê trên The Dongguk Post cho thấy lợi nhuận từ phim Hàn ngày càng tăng

Sự phát triển điện ảnh nội địa giúp người Hàn giành lại thị phần ngay trên sân nhà. Cuối năm ngoái, các nhà quan sát ngỡ ngàng khi siêu phẩm Star Wars: The Force Awakens thất bại trước bộ phim nội The Himalayas trong dịp ra mắt tại Hàn Quốc. Hay như năm nay, Captain America: Civil War cũng chịu lép vế trước hai bom tấn Hàn Quốc là A Violent Prosecutor và Train to Busan.

Thành công trong lĩnh vực điện ảnh (và cả truyền hình) của Hàn Quốc đã góp phần tạo ra "làn sóng Hallyu". Khái niệm này ám chỉ sự lan tỏa của văn hóa Hàn ở các nước châu Á. Người Nhật, Trung vốn luôn xếp mình ở "chiếu trên" với Hàn Quốc thì giờ lại thần tượng các ngôi sao xứ kim chi. Sức ảnh hưởng của ngành giải trí Hàn Quốc ở Việt Nam thì không cần phải bàn cãi. Ngoài ra, văn hóa Hàn cũng bắt đầu len lỏi tinh xảo hơn qua những bản điện ảnh làm lại như Em Là Bà Nội Của Anh.

Điện ảnh Hàn Quốc cũng có một kỳ tích sông Hàn - Ảnh 5.

"The Handmaiden", bộ phim sắc dục về đề tài đồng tính nữ của Park Chan Wook đang gây sốt gần đây

Không chỉ làm phim giải trí để thu lợi, nhiều đạo diễn Hàn Quốc còn gây tiếng vang ở các liên hoan phim quốc tế. Với những tác phẩm với nội dung nhạy cảm, khốc liệt, "dị nhân" Kim Ki Duk nổi danh là người không làm phim cho đại chúng. Ông từng giành giải Sư Tử Vàng ở Liên hoan phim Venice năm 2012 với bộ phim Pièta cùng vô số giải thưởng khác. Một gương mặt lừng lẫy nữa là Park Chan Wook với bộ ba phim báo thù, trong đó đỉnh cao là tác phẩm Oldboy giành giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes. Ngoài ra phải kể đến những cái tên như Lee Chang Dong, Kim Jee Woon, Lee Joon Ik hay Bong Joon Ho.

Đứng trên vai người khổng lồ

Bên cạnh những nội dung quen thuộc, một thập kỷ gần đây người Hàn mạnh dạn đa dạng hóa chủ đề. Trong kinh tế, Hàn Quốc từng có thời "bắt chước" Nhật Bản với các ngành mũi nhọn tương tự như điện tử, ô tô, xe máy, v.v… Còn trong điện ảnh, họ đang đi theo con đường của Mỹ. Những ý tưởng như quái vật (The Host), sử thi cổ trang (Roaring Currents) hay hậu tận thế (Snowpiercer) đã dần xuất hiện trên màn ảnh. Hollywood có gì, người Hàn bám theo sát nút. Bom tấn mới nhất là Train to Busan cũng đánh dấu cuộc thử sức của đạo diễn Yeon Sang Ho với đề tài zombie.

Điện ảnh Hàn Quốc cũng có một kỳ tích sông Hàn - Ảnh 6.

"Train to Busan" đang là phim ăn khách nhất năm ở Hàn Quốc

Tất nhiên, về quy mô sản xuất thì Hàn Quốc không thể sánh với Mỹ. Thế nhưng cái hay của người Hàn là luôn tìm được nét riêng trong từng sản phẩm. Phim của họ không phải những phiên bản ăn theo hời hợt mà là sự kết hợp giữa "công thức Hollywood" và phong cách địa phương. Trong phim Hàn, tình cảm gia đình, tự tôn dân tộc thường được đề cao cùng chất melodrama (thống thiết, đánh mạnh vào tâm lý người xem). Đây đều là những cảm xúc dễ nắm bắt, "bài tủ" để chinh phục khán giả, còn các ý tưởng khác được xây dựng trên nền tảng này.

Để làm nên thắng lợi phòng vé phải có sự kết hợp chuyên nghiệp của nhiều yếu tố như quảng bá, nhạc phim, kĩ xảo, diễn viên, nội dung. Riêng về kịch bản, điện ảnh Việt có thể học tập người Hàn với sự chặt chẽ và mạch lạc. Những phim Hàn ăn khách nhất như Roaring Currents hay năm nay là Train to Busan đều có câu chuyện đơn giản nhưng làm "ra chất" và đánh mạnh vào cảm xúc.

Năm 2016, Hàn Quốc mang ba phim đến LHP Cannes với ba phong cách khác nhau. The Wailing thuộc thể loại kinh dị, The Handmaiden là phim đồng tính nữ đậm chất tâm lý còn Train to Busan mang hơi hướng bom tấn. Cả ba phim đều được quốc tế đánh giá cao và thành công về doanh thu. Chiến dịch dài hơi của người Hàn đã thu trái ngọt sau hai thập kỷ khi tạo ra một thế hệ những nhà làm phim tài ba, và quan trọng hơn là một cộng đồng khán giả có trình độ cao, sẵn sàng thưởng thức những bộ phim đủ thể loại, miễn là có chất lượng.

Tại diễn đàn toàn cầu năm 2015 của Korean Film Council, phó chủ tịch tập đoàn Wanda là Chung Jen Feng ngả mũ khâm phục nền điện ảnh Hàn Quốc. "Tôi nghĩ Hàn Quốc là quốc gia tiến bộ nhất châu Á trong nền công nghiệp phim ảnh, đất nước duy nhất có thể cạnh tranh với thế thống trị về văn hóa của Hollywood. Tôi nghĩ Trung Quốc phải học nhiều từ Hàn Quốc, về cách đối phó với sự thống trị của Mỹ, về những biện pháp cần làm để cải thiện nền điện ảnh", ông Chung phát biểu.

Người Hàn có tư duy mở cửa và hiện đại, họ muốn hóa rồng, muốn tiến ra biển lớn như Samsung dám cạnh tranh với Apple ngay trên đất Mỹ. Ngày hôm nay là zombie, ngày mai có thể là siêu anh hùng, du hành vũ trụ hay những phim hoạt hình tinh xảo? Chẳng ai biết điện ảnh Hàn Quốc sẽ phát triển đến đâu, chỉ có điều chắc chắn rằng họ đang lao vun vút về phía trước với tinh thần dân tộc và bầu nhiệt huyết ngất trời của mình.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày