Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 09:40 07/07/2016

Điện ảnh Việt chưa có tác phẩm nào thật sự để lại ấn tượng trong sáu tháng đầu năm nay.

Cuối năm ngoái, điện ảnh Việt liên tục ghi dấu ấn với nhiều bộ phim chất lượng như Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh, 12 Chòm Sao: Vẽ Đường Cho Yêu Chạy hay Em Là Bà Nội Của Anh. Thế nhưng đáng tiếc là đà tiến đó đã không được duy trì trong nửa đầu năm nay. Năm 2016 chứng kiến sự bùng nổ về số lượng phim Việt với hơn 40 dự án, có khi mỗi tuần đều có phim Việt ra mắt, song cho đến giờ vẫn chưa có tác phẩm nào thật sự ấn tượng.

Mùa phim Tết 2016: Thua trên sân nhà

Thông thường, Tết Nguyên Đán là dịp để các phim Việt tung hoành và chiếm lĩnh thị phần. Mặc dù vậy, không có những tác phẩm tốt như Trúng Số hay Ngày Nảy Ngày Nay, các phim Tết năm nay đến rồi đi trong sự thờ ơ của công chúng.

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất - Ảnh 1.

"Tía Tui Là Cao Thủ" dẫn đầu doanh thu phim Việt

Tía Tui Là Cao Thủ dù có doanh thu khủng nhất (50 tỷ sau ba tuần) nhưng chỉ dừng ở mức bình dân, theo đúng công thức quen thuộc của Hoài Linh. Lộc Phát và Yêu Là Phải Xài Chiêu vẫn chủ yếu là hài mảng miếng để lấy tiếng cười dễ dãi. Bộ phim kinh dị Ám Ảnh công chiếu được đã là may mắn sau quá nhiều lần chỉnh sửa nên cũng không thể trông đợi gì nhiều. Trong khi đó, Siêu Trộm của đạo diễn kỳ cựu Hàm Trần có tư duy làm phim hiện đại, nhưng câu chuyện không tạo được bất ngờ, mạch phim bị gãy vụn trong 1/3 cuối.

Chính vì vậy, năm nay các phim nội địa hoàn toàn lép vế ngay trên sân nhà trước bộ ba bom tấn Deadpool, Mỹ Nhân Ngư và Tây Du Ký 2 có chất lượng vượt trội và chiếm lĩnh các suất chiếu trong suốt kỳ nghỉ Tết. Theo nhà phát hành, bộ phim của Châu Tinh Trì cán mốc 80 tỷ sau 13 ngày, Tây Du Ký cũng ăn khách nhờ yếu tố "năm khỉ", còn Deadpool thu đến 40 tỷ sau 3 ngày.

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất - Ảnh 2.

"Mỹ Nhân Ngư" là hiện tượng phòng vé ở cả Trung Quốc và Việt Nam

Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận một hiện tượng khác là sự dịch chuyển ngày ra mắt phim Việt khỏi mùa Tết. Dustin Nguyễn chọn ngày phát hành Bao Giờ Có Yêu Nhau là cuối tháng 3, còn Ngô Thanh Vân dời ngày ra mắt phim đến mùa hè. Xu thế này hứa hẹn giúp khán giả trong nước được thưởng thức phim Việt đều đặn hơn, chứ không chỉ tập trung vào vài ngày Tết cổ truyền.

Phim tử tế làm chưa tới

Ở Việt Nam có hai dạng phim. Một dạng là phim nhảm, làm vội vàng để giật tiền khán giả. Một dạng khác là những êkip có đầu tư, cố gắng thực hiện những tác phẩm chỉn chu, có thông điệp rõ ràng. Trong những tháng vừa qua không thiếu những phim "thảm họa" như Cao Thủ Ẩn Danh, Điệp Vụ Chân Dài hay Liên Minh Huyền Thoại. Thế nhưng điều đáng buồn là ngay cả những bộ phim "tử tế" của Việt Nam cũng liên tiếp gặp thất bại.

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất - Ảnh 3.

"Truy Sát" là cuộc chơi còn dang dở của Trương Ngọc Ánh

Hàm Trần, Cường Ngô, Dustin Nguyễn hay Lê Văn Kiệt đều là những đạo diễn có thực lực, từng làm ra những tác phẩm được đánh giá cao như Đoạt Hồn, Trúng Số hay Dịu Dàng, song năm nay cả bốn nhà làm phim trên đều chưa tạo được dấu ấn mới. Truy Sát và Nữ Đại Gia có kịch bản nhiều lỗi, trong khi Bao Giờ Có Yêu Nhau có ý tưởng mới lạ, song cách dựng phim chưa mạch lạc khiến người xem không thỏa mãn. Về mặt doanh thu, cả ba phim trên và Siêu Trộm đều không đạt kết quả tương xứng với kinh phí đầu tư khá lớn.

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất - Ảnh 4.

"Lật Mặt 2" được nhiều khán giả khen ngợi

Trong bối cảnh đó, khá bất ngờ khi những tác phẩm tốt nhất lại thuộc về các nhà làm phim "tay ngang" hoặc còn mới trên màn ảnh rộng. Gái Già Lắm Chiêu của Bảo Nhân và Nam Cito đi theo mô típ không mới nhưng có cách dẫn dắt thú vị cộng thêm diễn xuất tốt của Diễm My. 

Trong khi đó, Lật Mặt 2 là bộ phim "biết người biết ta" của Lý Hải khi kết hợp được hai yếu tố ăn khách là hành động và hài hước. Khán giả cười rung rạp với những pha hài của Minh Đạt, nhưng cũng phải thán phục trước các màn hành động chất lượng với biên đạo chuyên nghiệp của phim. Trong mặt bằng chung, rõ ràng Lật Mặt 2 là một nỗ lực đáng khen và đánh dấu bước tiến mới của Lý Hải trong hành trình điện ảnh.

Các danh hài vẫn là sức hút phòng vé

Có một điều nghịch lý ở Việt Nam là chưa có diễn viên điện ảnh nào đủ sức làm tên tuổi bảo chứng doanh thu, trong khi đó khán giả lại rất sẵn lòng bỏ tiền mua vé vì các danh hài "đá lấn sân". Bốn phim Việt ăn khách nhất từ đầu năm là Tía Tui Là Cao Thủ, Taxi, Em Tên Gì, Bệnh Viện Ma và Lật Mặt 2 thì ba phim đầu có mẫu số chung là được xây dựng quanh các danh hài Hoài Linh, Trường Giang và Trấn Thành.

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất - Ảnh 5.

Trường Giang và Angela Phương Trinh trong "Taxi, Em Tên Gì"

Trong số đó, Hoài Linh là cái tên lừng lẫy nhất và năm nay anh có thể góp mặt đến bốn dự án là Tía Tui Là Cao Thủ, Bảo Mẫu Siêu Quậy 2, Mặt Nạ Máu và Dạ Cổ Hoài Lang. Ngoài ra thì Trường Giang và Trấn Thành cũng đang dần chứng tỏ vị thế khi chuyển từ sân khấu lên màn ảnh. Taxi, Em Tên Gì là câu chuyện lãng mạn, hài hước theo đúng công thức của thể loại phim hành trình, còn Bệnh Viện Ma dù không xuất sắc nhưng có nội dung dễ xem và trở nên nóng hơn bao giờ hết với chuyện tình Trấn Thành - Hari Won.

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất - Ảnh 6.

Chuyện tình Trấn Thành - Hari Won gây xôn xao dư luận

Phim hài chỉ đòi hỏi kinh phí thấp, chất lượng lại phụ thuộc vào câu chuyện và diễn xuất tự thân của diễn viên nhiều hơn kỹ xảo, bối cảnh. Chính vì vậy, đây luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất để thu hồi vốn. 

Việc mời các danh hài đã có sức hút sẵn trên thị trường lại càng đảm bảo doanh thu hơn. Hệ quả là có một vài gương mặt cứ xuất hiện liên tục hết phim này qua phim khác, cũng với những chiêu trò quen thuộc. Xu thế này khó có thể thay đổi trong tương lai gần và chúng ta sẽ còn gặp Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang, Việt Hương… trong rất nhiều bộ phim sắp tới.

Nhạc phim để lại dấu ấn hơn cả phim

Nếu phải tìm một điểm sáng cho điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016 thì đó là phần nhạc phim. Một loạt các dự án gần đây rất chịu khó đầu tư cho nhạc phim và đem đến những ca khúc thú vị, càn quét các bảng xếp hạng âm nhạc. Trong số này có thể kể đến Tôi là ai trong em (ERIK St.319), Một con đường hai ngã rẽ (Tóc Tiên) của Taxi, Em Tên Gì, Ngày em xa quê (Thùy Chi) của Vòng Eo 56, Yêu và Yêu (ERIK St.319), Mẹ ơi đừng bỏ con (Bùi Hà My) của Bệnh Viện Ma.

Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2016: Thừa lượng, thiếu chất - Ảnh 7.

"Bao Giờ Có Yêu Nhau" ấn tượng nhất về phần nhạc phim

Trong đó, đặc biệt nhất là Kiếp nào có yêu nhau (Thái Thanh) của phim Bao Giờ Có Yêu Nhau. Là tác phẩm của cố nhạc sĩ lừng danh Phạm Duy, bài hát này được Dustin Nguyễn chọn vì nội dung phù hợp với chuyện phim, không chỉ nói về kiếp người, luân hồi, mà còn khắc họa câu chuyện tình bất hạnh. Qua tiếng hát đầy ma mị của Khánh Ly, ca khúc đã chạm đến trái tim của hàng ngàn khán giả và tạo nên cơn sốt hơn cả chính bộ phim.

Nhìn chung, nửa đầu năm 2016 của điện ảnh đã trôi qua khá trầm lặng, chưa thể có một cú hích lớn về doanh thu hay nghệ thuật như Em Là Bà Nội Của Anh hay Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh năm ngoái. Thể loại hài vẫn thắng thế, trong khi những nỗ lực bước lên tầm cao hơn đều chưa thành công. Chính vì thế, kỳ vọng dành cho những dự án sắp tới như Fan Cuồng, Tấm Cám hay Bạn Gái Tôi Là Sếp lại càng lớn hơn bao giờ hết. Hy vọng phim Việt sẽ có một cú "lội ngược dòng" ấn tượng trong sáu tháng sắp tới để gỡ gạc lại niềm tin từ người hâm mộ luôn mong ngóng có những tác phẩm chất lượng gắn mác "made in Vietnam".