Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 07:39 30/07/2016

Cách đây khoảng tầm chục năm, vào thời cực thịnh của thế hệ chúng tôi, gồm những đứa trẻ sinh cuối thời kỳ 8x và chớm đầu 9x, khi ấy, Internet mới bắt đầu manh nha phát triển ở Việt Nam.

Mạng miếc lúc ấy là một khái niệm không hề phổ thông, quanh đi quẩn lại chỉ có vài cái phần mềm chat và diễn đàn trực tuyến, cảm tưởng Internet vẫn chỉ là một bãi công trường hoang sơ thưa thác dăm ba khu vui chơi nghèo nàn mà thôi.

Chúng tôi, thế hệ nhạy bén với những cái mới, bằng sự tò mò cùng ham muốn khám phá dễ dàng nhìn ra Internet chính là một sân chơi tiềm năng mới. Bỏ qua những quyển truyện tranh thuê ở tiệm, các chương trình TV lặp đi lặp lại mỗi ngày, đám thế hệ chúng tôi bắt đầu trào lưu "đinet". Tầm ấy, các hàng net mọc lên như nấm chỉ để phục vụ đám thanh niên là chính. Không cấu hình mạnh, không dịch vụ đến tận răng, chỉ đơn giản là vài nghìn lẻ đưa cho cô chủ quán, bật máy lên ngồi net đến hết tiền thì đi về.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 1.

(Ảnh: Internet)

Internet hồi ấy chẳng có gì nhiều. Quanh đi quẩn lại là chat Yahoo, viết blog, sau này thì có Audition, Võ Lâm, Gun Bound làm cả một thế hệ quên học quên nghỉ, hở ra là ngồi quán net.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 2.

Những hình ảnh quen thuộc: Yahoo Messenger, Blog 360, Audition...

Thế hệ chúng tôi hồi ấy vỗ ngực tự xưng mình là thế hệ khai phá ra Internet, là thế hệ đầu tiên biết sử dụng và bắt kịp với quốc tế. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở mức "chơi" mà thôi.

Cho đến khi mạng xã hội bắt đầu phát triển và một thế hệ thanh niên mạng xã hội đời mới như bây giờ vươn lên soán ngôi thế hệ đàn anh đi trước.

Có thể nói đây là thời kỳ của mạng xã hội, của những mối quan hệ không cần gặp mặt trực tiếp, cũng là thời kỳ vàng dành cho các bạn trẻ 95, 96 đổ đi. Chủ nhân của thế giới mạng bây giờ, không ai khác chính là các em.

Những bạn trẻ giờ đây không coi mạng xã hội, hay Internet nói chung là một sân chơi nữa. Nếu để miêu tả chính xác thì mạng xã hội giờ đây đóng vai trò là một sân khấu để họ tỏa sáng, là nơi biến những bạn trẻ trở thành ngôi sao, hoặc thành triệu phú trẻ tuổi một cách dễ dàng – điều mà trước đây ở thế hệ chúng tôi gần như không có.

Bỏ qua những mẩu thông tin đầy rẫy trên các mặt báo về hệ lụy đến từ Internet, hay việc mạng xã hội đang hủy hoại chúng ta thế nào, đó chỉ là thông tin tiêu cực. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề, cái gì cũng có hai mặt của nó, mạng xã hội cũng vậy, và ngày càng nhiều người trẻ bằng việc biết sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn đã gặt hái được thành công nhiều người ao ước.

Đầu tiên, người trẻ bây giờ biết dùng mạng xã hội để thể hiện bản thân

Mạng xã hội ban cho con người quyền năng về ngôn luận, một quyền năng rất lớn. Một bài đăng trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng tới cuộc đời của cả một cá nhân. Quan trọng là dùng thế nào.

Ngày càng nhiều bạn trẻ nhận thức và biết mình có quyền được phát ngôn, được bày tỏ ý kiến, và mạng xã hội cho họ quyền được thể hiện tiếng nói của mình một cách công khai. Không phải tự nhiên mà bây giờ các chiến dịch trên mạng xã hội nhiều đến như vậy, nhất là trên Facebook.

Nói một ví dụ nhỏ thôi, đó là về anh đánh giày và chú chó mù. Không phải xuất phát điểm của câu chuyện là từ tấm ảnh chụp của một người dùng mạng trẻ đó thôi? Và cũng nhờ những bạn trẻ tích cực chia sẻ hình ảnh đó, người ta mới biết đến chuyện của hai số phận mong manh sống dựa vào nhau giữa Sài Gòn hoa lệ ấy.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 3.

Kết quả thế nào?

Câu chuyện về anh đánh giày câm và chú chó mù trở thành câu chuyện truyền cảm hứng nhất trên Facebook trong năm 2015. "Anh Ô" và cậu bạn nhỏ được vinh danh trên sân khấu của giải thưởng WeChoice và nhận được rất nhiều sự trợ giúp, đều nhờ vào mạng xã hội và người dùng trẻ cả.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 4.

"Ngưng ngược đãi" cũng là một chiến dịch có xuất phát điểm từ mạng xã hội, mang nhiệm vụ thiêng liêng nhằm chống lại nạn bắt nạt, ngược đãi, kể cả trên mạng hay ngoài đời thực. Bằng những tấm ảnh thay cho ngàn lời nói, cùng sự giúp đỡ của hàng triệu cư dân mạng trẻ, "Ngưng ngược đãi" đã đạt được những thành công nhất định trong quá trình "tiến bộ hóa tư tưởng" xã hội.

Và tất nhiên, vẫn còn rất nhiều cây bút trẻ, những nhân vật trẻ sử dụng mạng xã hội như một sân khấu để phô diễn tài năng, bởi không phải lúc nào cuộc đời cũng cho bạn những cơ hội để người ta biết đến như trên mạng!

Những cái tên đi lên từ mạng xã hội

Bạn có còn nhớ đến "Bộ ba sát thủ" An Japan, Quỳnh Anh Shyn và Mẫn Tiên, 3 cô gái nổi lên như một hiện tượng mạng vào năm 2011? Cũng xuất phát điểm từ mạng xã hội, cụ thể là từ những bức hình được chia sẻ trên mạng xã hội, cả 3 ngay lập tức trở thành từ khóa được săn đón nhiều nhất bấy giờ.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 5.

Tích cực tận dụng sức lan tỏa của truyền thông, đến nay sau 5 năm, Quỳnh Anh Shyn đã trở thành cái tên có độ phủ khá lớn trong giới trẻ. Cô bé xinh xắn ngày nào đã là cái tên hot nổi bật, thậm chí giành được một vai trong sitcom nổi tiếng "5s Online" rồi ra hẳn cuốn tự truyện có tên "Những mảnh ghép rực rỡ" do chính Quỳnh Anh là tác giả.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 6.

Salim cũng là một cô gái khác nổi lên hẳn từ Facebook. Ban đầu là vai diễn Hoài An trong "Cầu vồng tình yêu" bên cạnh hotboy Huỳnh Anh, thế nhưng người ta vẫn chẳng biết Salim là ai. Mãi cho tới tận khi trào lưu Vlog nổ ra và cô tham gia phim ngắn Valentine 13 của He Always Smile – Khôi Te, người ta mới dần dần tìm hiểu thân thế cô gái có gương mặt xinh xắn "Valentine", và đó là lúc Salim trở thành cái tên có sức hút tương đối.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 7.

Xây dựng hình ảnh trên Facebook, tích cực cập nhật về bản thân, tham gia thêm vài phim ngắn thú vị khác và cộng tác cùng nhiều Vloggers nổi tiếng như Huyme, Khôi Te, dần dần Salim đã thành cái tên rất đỗi quen thuộc, có trong tay nhiều vai diễn khác nhau, còn mở cửa hàng thời trang nữa.

Hoặc đó là Sun HT Đoàn Nhật Minh, cô bạn gái của Vlogger Phở. Được biết đến như một cô bạn gái thân thiết của hotgirl đình đám Chi Pu, Sun HT nhanh chóng tự xây dựng hình ảnh bản thân như một biểu tượng thời trang thanh lịch trẻ của thanh niên Hà Nội. Hiện tại, Sun HT đang là đại diện thương hiệu của Up to Seconds, cũng như mỗi post quảng cáo trên Facebook cá nhân của cô đều có giá lên đến hàng triệu đồng.

Cơ hội thì đầy rẫy trên mạng xã hội, nắm bắt được hay không là tùy thuộc vào khả năng của bạn. Tuy nhiên, giới trẻ Việt đang dần cho thấy, họ có, và thừa khả năng nắm bắt cơ hội phát triển chính mình bằng mạng xã hội.

Kiếm ra tiền từ mạng xã hội từ rất sớm

Khi mạng xã hội ra đời, người ta mặc định rằng đây là nơi gắn kết cộng đồng, là để xây dựng tình bạn xuyên lục địa rộng khắp toàn cầu mà không cần xin visa hay làm hộ chiếu. Thế nhưng với nhiều người trẻ bây giờ, Facebook còn là nơi để kiếm tiền, kiếm bộn tiền.

Mạng xã hội phát triển là một sự cải cách về văn hóa mua bán. Ngày nay, từ chiếc quần, cái áo cho đến một bữa ăn cũng có thể mua được trên Facebook, và người bán chúng, đa phần đều là người trẻ. Tạo ra xu hướng kinh doanh ấy cũng là người trẻ, lăng xê cách mua bán không cần ra cửa hàng, cũng là người trẻ cùng cái sự lười và óc sáng tạo của họ.

Mạng xã hội giờ đây là nơi để lăng xê xu hướng, bằng chứng là các món chè khúc bạch, bánh mỳ nướng cay, bánh crepe… đều là từ trên mạng mà ra cả. Nhân những xu hướng ra đời đó, các bạn trẻ ưa lọ mọ và ham kinh doanh đã chớp thời cơ phục vụ tận răng các khách hàng, cung cấp những món ăn hợp thời mà không cần phải xếp hàng chen chúc. Bỗng dưng mạng Facebook trở thành một thương trường, còn người trẻ là những doanh nhân không chuyên còn ngồi trên ghế nhà trường.

Và mạng xã hội sinh ra để phục vụ đủ các nhu cầu sống

Mạng xã hội bây giờ rất đa dạng phong phú, mỗi cái lại có một chức năng khác nhau. Như ngày xưa đi du lịch là chỉ nghe ngóng chỗ này đẹp, chỗ kia hay, khách sạn cũng chỉ nằm lòng vài cái người đi trước mách cho. Đến bây giờ, đi đâu thì cứ lên TripAdvisor, Airbnb, Foody, Lozi mà tìm chỗ ăn, chỗ ở, cần thiết thì có một đội "travel guru" trên Facebook sẵn sàng nhiệt tình giúp đỡ bạn.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 10.

Giờ làm gì cũng dễ dàng hơn bởi có cả đội ngũ "những người đi trước" giúp đỡ.

Trải nghiệm đi du lịch cũng nhờ thế mà trọn vẹn hơn cả. Cũng từ những mạng xã hội này, rất nhiều người trẻ đã trở thành dân "review địa điểm du lịch" chuyên nghiệp, thậm chí còn có thể được tài trợ tiền mỗi khi đi chơi xa để đánh giá địa điểm.

Điều gì xảy ra khi thế hệ trẻ không còn coi Internet và mạng xã hội là một sân chơi nữa - Ảnh 11.

(Instagram: @colerise)

Mà đi chơi thì phải chụp ảnh. Ảnh sinh ra là để lưu giữ kỷ niệm và chia sẻ với bạn bè, nhưng đợi đến khi về mới đem khoe thì không còn "nhiệt" nữa, chưa kể là quên mất trải nghiệm lúc ấy. Thế là giờ đây đi chơi người ta chụp hình rồi đăng lên Instagram, vừa để update tình hình cũng là để chia sẻ ảnh một cách thuận tiện nhất. Đã lên mạng rồi thì chả có chuyện mất ảnh được, cái chính là thế!

Rồi Snapchat, Twitter, Facebook để liên tục chia sẻ khoảnh khắc với bạn bè, Tumblr, Pinterest để kiếm hình xinh hình đẹp, để tìm nguồn cảm hứng nữa. Nói chung, mạng xã hội rõ lắm, nhu cầu của người dùng trẻ cũng nhiều. Mạng xã hội giờ đây đã thay đổi hoàn toàn cách sử dụng mạng của người trẻ Việt, theo một chiều hướng tích cực nhất.