Benjamin Leigh Smith - Hình mẫu của một nhà thám hiểm

Kachi, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 22/10/2013

Một trong những nhà thám hiểm dũng cảm nhất của thế kỷ 19 nhưng rồi 100 năm sau khi qua đời, cái tên Benjamin Leigh Smith đang dần bị lãng quên.

Sinh ngày 12/3/ 1828 tại Whatlington, East Sussex, Benjamin Leigh Smith là nhà thám hiểm người Anh đầu tiên đi tàu tới Bắc cực, nơi băng đá phủ dày, điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt. Ông chính là người đã đánh dấu điểm cực đông của một quần đảo ở Bắc Băng Dương, khoảng giữa lục địa Na Uy và Bắc Cực, đó là hòn đảo mang tên ông, Leigh-Smith, các sông băng Leighbreen và Kapp Leigh Smith.  Với những phát hiện lịch sử này, Benjamin Leigh Smith đã nhận được tặng thưởng cao nhất của Hội địa lý Hoàng gia.

Năm  1881, dẫn đầu đoàn thám hiểm tới Bắc Cực, không may tàu bị nghiền nát giữa hai tảng băng ở quần đảo Franz Josef (Nga). Benjamin Leigh Smith và đoàn thám hiểm may mắn sống sót. Họ đã trải qua 10 tháng sống trong những túp lều tạm bợ với những gì trục vớt được từ con tàu chìm, săn bắn hải mã và gấu Bắc cực để tồn tại. Benjamin Leigh Smith sau đó đã dẫn đầu hành trình vượt biển trên chiếc thuyền với với những cánh buồm được làm từ khăn trải bàn và nhờ đó họ được giải cứu.

Benjamin Leigh Smith - Hình mẫu của một nhà thám hiểm 1
Benjamin Leigh Smith là nhà thám hiểm người Anh đầu tiên đi tàu tới Bắc cực

Sinh ra trong một gia đình giàu có, người cha có thế lực chính trị nhưng lại không chính thức kết hôn với người mẹ, Benjamin Leigh Smith giống như một thành viên đứng ngoài xã hội thượng lưu. Mặc dù học luật tại Jesus College, Cambridge, ông không có một vị trí xứng đáng, không được phong tước hiệp sĩ. Tuy nhiên, từ nhỏ, cha ông, Benjamin Smith đã luôn khuyến khích các con suy nghĩ độc lập và đi du lịch tự do nếu thích.  

Không giống như nhiều người đương thời, muốn nhờ cuộc thám hiểm làm bàn đạp để trở nên nổi tiếng, Benjamin Leigh Smith rất khiêm tốn và luôn giữ kín những hành trình của mình. Ông không công bố bất cứ chi tiết nào về cuộc thám hiểm, tránh xuất hiện công khai và thường nhờ người đại diện phát ngôn thay mình. Một phần của thái độ sống khép kín là do ông có một em gái tên là Barbara, một nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng thời bấy giờ và vì thế Benjamin Leigh Smith không thích nói về những thành tích của mình. Trong gia đình của mình, nhà thám hiểm vừa đóng vai một người hùng, vừa là một nhân vật phản diện. Người hùng vì những chuyến thám hiểm can đảm của ông còn vai ác là do Benjamin Leigh Smith đã từng cực lực phản đối một cuộc hôn nhân của cô cháu gái.

Benjamin Leigh Smith - Hình mẫu của một nhà thám hiểm 2
Đoàn thám hiểm Bắc cực trên tàu Eira (Benjamin Leigh Smith đứng thứ 2 từ trái qua)

Sau khi người cha qua đời và để lại một khoản tiền lớn, Benjamin Leigh Smith bắt tay vào chuyến thám hiểm đầu tiên tới Bắc Cực với một con tàu tự thuê lấy thay vì đi theo Hải quân Hoàng gia. Ông thăm dò Bắc cực và mang về những mẫu vật khoa học cho Bảo tàng Anh và Kew, thậm chí Benjamin Leigh Smith còn mang về một chú gấu Bắc cực cho vườn thú London. Ở chuyến thám hiểm lần thứ 4 tới Bắc Cực, Benjamin Leigh Smith đã có con tàu riêng mang tên Eira. Nhiều địa điểm được ông khám phá ra được đặt theo tên những người thân trong gia đình nhà thám hiểm người Anh. Đảo Mabel được đặt tên theo một cháu gái, Amabel, túp lều 25 thủy thủ bị đắm tàu trú ngụ làm bằng gỗ lũa, đá và cột buồm của tàu thám hiểm được đặt tên là Flora Cottage theo tên người anh, Florence Nightingale.

Benjamin Leigh Smith qua đời tại Hampstead, Anh vào ngày 4/1/1913. Những người Anh yêu thích các hành trình khắc nghiệt vẫn coi ông như là một hình mẫu của những con người ưa thám hiểm: kín tiếng, trầm tĩnh, can đảm thuần Anh.