Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 12/07/2013

Như một sự sắp đặt của số phận, nhiều nhân vật chủ chốt của các ban nhạc lừng lẫy tình cờ gặp mặt, tìm được tiếng nói chung, cùng hợp tác và khởi đầu cho những kỳ tích trong âm nhạc.

Họ là ai và nắm bắt lấy cơ hội hợp tác có một không hai như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua những câu chuyện nhỏ dưới đây.

John Lennon và Paul McCartney (The Beatles )

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 1
John Lennon và Paul McCartney những ngày đầu quen nhau

Paul McCartney giáp mặt John Lennon lần đầu vào mùa hè rực rỡ năm 1957 tại nhà thờ Thánh Phêrô ở Liverpool (Anh). Lúc này, John Lennon là ca sĩ hát chính và tay chơi guitar của nhóm nhạc Quarrymen đang biểu diễn tại đây. Là một người hâm mộ, Paul McCartney thầm thán phục giọng ca và phong cách biểu diễn của thành viên xuất sắc nhất Quarrymen. Một người bạn chung của John Lennon và Paul McCartney đã giới thiệu cả hai với nhau. Paul McCartney đã thử biểu diễn 2 ca khúc Twenty Flight Rock của Eddie Cochran, Be-Bop-A-Lula của Gene Vincent và thể hiện khả năng chơi guitar điêu luyện.

Vài tuần sau đó, John Lennon chủ động gọi cho Paul McCartney và ướm hỏi rằng anh có muốn tham gia với Quarrymen hay không. Chính cuộc gặp gỡ tình cờ này đã bắt đầu tương lai của nhóm Quarrymen, sau phát triển thành The Beatles đầu những năm 1960. Đây cũng là một trong những ban nhạc nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất trong lịch sử âm nhạc đại chúng.

Stevie Nicks và Lindsey Buckingham (Fleetwood Mac)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 2
  Stevie Nicks đã bị trúng tiếng sét ái tình với tay guitar siêu hạng Lindsey Buckingham tại một bữa tiệc mừng lễ tốt nghiệp trung học

Một trong những mối tình đẹp nhất trong làng nhạc rock, Stevie Nicks và Lindsey Buckingham gặp nhau lần đầu tiên tại một bữa tiệc mừng lễ tốt nghiệp trường Trung Học Atherton thuộc California (Mỹ). Cả hai cùng song ca bản California Dreamin của The Mamas & the Papas và ngay lập tức, Stevie Nicks đã bị trúng tiếng sét ái tình với tay guitar siêu hạng.

Hai năm sau đó, họ mới có cơ hội gặp lại nhau. Lúc này, Stevie Nicks là người chủ động mời Lindsey Buckingham tham gia ban nhạc Fleetwood Mac (Hay còn gọi là Fritz) của mình. Họ trở thành tình nhân trong âm nhạc và cả đời thường. Và dù hiện nay không còn bên nhau, Stevie Nicks và Lindsey Buckingham vẫn được nhắc đến như những nhân vật chủ chốt làm nên thành công của những album bán được hàng trăm triệu bản trên khắp thế giới.

Keith Richards và Mick Jagger (Rolling Stones)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 3
Keith Richards và Mick Jagger thời trẻ

Là bạn học từ thời thơ ấu, Keith Richards và Mick Jagger tình cờ gặp lại nhau nhiều năm sau trên một chuyến tàu. Có chung tình yêu với âm nhạc, nhất là R&B, đã khiến họ xích lại gần nhau hơn. Trong lá thư gửi cho người dì tên Patty năm 18 tuổi, Keith Richards đã bày tỏ niềm phấn khởi khi tìm được môt người bạn, một đồng nghiệp tâm đầu ý hợp.

Vài tháng sau đó, Keith Richards và Mick Jagger đã trở thành những thành viên chủ chốt của Rolling Stones, Ban nhạc Rock & Roll vĩ đại nhất thế giới.

Sid Vicious và Johnny Rotten (Sex Pistols)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 4
  Hai nhân vật kỳ quái của Sex Pistols với mái tóc mang phong cách punk

John Simon Ritchie (Sid Vicious) gặp John Lydon (Johnny Rotten) tại một trường học ở London. Họ đã cùng bỏ học và dành hẳn một ngày để vui chơi ở Malcolm McLaren và Vivienne Westwood, các câu lạc bộ giới tính trong thành phố. Cuối cùng, họ ngồi xuống một vỉa hè ở khu vực Hampstead và chơi nhạc. Tất cả mọi người đều nhìn họ như những nhân vật kỳ quái với mái tóc mang phong cách punk, sau này gắn với biểu tượng của nhóm nhạc punk có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử âm nhạc, Sex Pistols.

Dave Grohl và Kurt Cobain (Nirvana)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 5
  Dave Grohl và Kurt Cobain đã góp phần làm nên thành công của ban nhạc Nirvana

Dave Grohl từng bỏ học năm 17 tuổi để rong ruổi biểu diễn cùng ban nhạc Scream. Trong một lần dừng chân ở Seattle vào năm 1990, Kurt Cobain và Krist Novoselic đã có cơ hội gặp mặt Dave Grohl. Họ đã mời Dave Grohl tham gia ban nhạc Nirvana, lúc này hãy còn non trẻ, và nhanh chóng có được thành công với thể loại nhạc punk và alternative rock. Việc Nirvana vẫn còn hiện diện trong các kênh âm nhạc của các đài phát thanh trên khắp thế giới, Kurt Cobain vẫn được gọi là “Người phát ngôn của một thế hệ” đã chứng tỏ kỳ tích tuyệt vời của cuộc gặp gỡ định mệnh.

Salt và Pepa (Salt-N-Pepa)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 6
  Hai cô gái hip hop tiên phong của ban Salt-N-Pepa

Khi Cheryl James (Salt) và Sandra Denton (Pepa) hình thành ban nhạc rap nữ cùng với Deidra Roper (DJ Spinderella) vào đầu những năm 1980, hình ảnh những nữ nghệ sĩ hip hop hãy còn khan hiếm. Salt và Pepa gặp nhau lần đầu tại trường Đại học, và sau đó cùng làm công việc tư vấn luật ở Sears, Illinois (Mỹ). Đó là khởi nguồn để ban nhạc Salt-N-Pepa ra đời, tiên phong cho việc thành lập các ban nhạc rap với các thành viên nữ, sự kiện vẫn còn mới mẻ ở Mỹ những năm 1980. Trong sự nghiệp của mình, Salt-N-Pepa cũng đã giành nhiều giải thưởng lớn tại American Music Awards, Grammy, MTV Video Music Awards…

Kim Deal và Black Francis (Pixies)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 7
  Kim Deal, Black Francis và các thành viên của ban nhạc Pixies

Chuyến đi tới Puerto Rico thời sinh viên đã thay đổi toàn bộ cuộc đời Charles Michael Kittridge Thompson IV - hay còn gọi là Black Francis. Ngay sau đó, chàng trai người Mỹ đã bỏ học để thành lập một nhóm nhạc với bạn cùng lớp là tay guitar và nhà soạn nhạc người Philippines - Mỹ, Joey Santiago. Black Francis đã đăng quảng cáo tìm một nữ nhạc công chơi bass và Kim Deal là người duy nhất đáp ứng yêu cầu. Mặc dù thời điểm ấy, cô không phải là một người chơi bass, mà chỉ là một người có sở thích với nhạc tinh tuyển Francis. Nhóm nhạc đã cố gắng vận động để chị em sinh đôi của Kim là Kelley vào chơi trống nhưng thất bại. Cuối cùng, ban nhạc Pixies ra đời và có ảnh hưởng đáng kể đến sự bùng nổ alternative rock của những năm 1990.

Thomas Bangalter và Guy-Manuel de Homem-Christo (Daft Punk)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 8
  Cuộc gặp gỡ thời trung học giữa Thomas Bangalter và Guy-Manuel de Homem-Christo đã kiến tạo nên Daft Punk

Thomas Bangalter và Guy-Manuel de Homem-Christo gặp nhau vào năm 1987 khi đang học trung học tại Paris (Pháp). Họ đã tìm được điểm tương đồng là niềm đam mê với phim ảnh và âm nhạc thập niên 60 và 70. Cùng với một người bạn học là Laurent Brancowitz, họ lập nên nhóm nhạc Darlin chủ yếu chơi guitar và hát mộc. Nhóm nhạc chỉ tồn tại được 6 tháng, với bốn bài hát và hai hợp đồng biểu diễn. Laurent Brancowitz rời nhóm và đó là tiền đề để nhóm nhạc hai thành viên Thomas Bangalter và Guy-Manuel de Homem-Christo mang tên Daft Punk ra đời. Cả hai cùng chú tâm để theo đuổi dòng nhạc dance điện tử, mặc những lời thị phi chung quanh. Cuối cùng, thành quả đã đến với hai chàng trai mạo hiểm. Họ giành được cả thảy 8 đề cử Grammy và giành chiến thắng hai hạng mục trong năm 2009.

Flavor Flav và Chuck D (Public Enemy)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 9
  Flavor Flav và Chuck D có một tình bạn đẹp và sự nghiệp lừng lẫy với Public Enemy

Vào thời điểm gặp Carlton Douglas Ridenhour (Chuck D) tại Đại học Adelphi ở Long Island, William Jonathan Drayton, Jr (Flavor Flav) đã là một thần đồng âm nhạc có thể chơi tới 15 nhạc cụ khác nhau. Là một ngôi sao của ca đoàn nhà thờ, Flavor Flav cũng đồng thời bỏ học từ rất sớm, và từng ngồi tù vì tội trộm cắp. Gặp Chuck D khi cùng thu âm cho chương trình radio của trường Đại học, hai nghệ sĩ đã sớm tìm được điểm tương đồng và cùng phụ giúp công việc cung cấp đồ nội thất cho cha Chuck D. Ban nhạc hip hop, Public Enemy ra đời và nhanh chóng trở thành ban rap nổi tiếng với những đĩa nhạc liên tiếp được xếp hạng vàng và bạch kim. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp hạng Public Enemy ở vị trí thứ 44 trong danh sách “100 nghệ sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại”.

Lou Reed và John Cale (The Velvet Underground)

Duyên kỳ ngộ giữa các bộ đôi âm nhạc lừng danh 10
Một tay guitar và một tay violin, họ đã làm nên thành công của The Velvet Underground

Hai trong số những giọng ca kiệt xuất nhất lịch sử âm nhạc thế giới, Lou Reed và John Cale gặp nhau tại một bữa tiệc vào năm 1964. Có cùng niềm đam mê với rock, họ đã hợp tác với nhau trong một dự án âm nhạc và sau đó phát triển thành ban nhạc The Velvet Underground. Nếu Lou Reed là người sáng tác các ca khúc chính cho ban nhạc, thì John Cale nổi tiếng bởi biệt tài chơi violin điện. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp ban nhạc ở vị trí số 19 trong danh sách “100 nghệ sĩ vĩ đại nhất”. The Velvet Underground cũng có tên trong Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll vào năm 1996.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày