Xì-gà – “Nàng thơ” của Mark Twain

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 14:00 31/12/2013

“Tôi bắt đầu hút thuốc khi lên 8 tuổi. Tôi bắt đầu với 100 điếu xì-gà trong một tháng và theo thời gian, đến tuổi 20, số lượng tăng lên 200. Trước tuổi 30, số lượng thuốc tôi tiêu tùng trong một tháng cán mốc 300” - Mark Twain.

Samuel Clemens, được cả thế giới biết tới với bút danh Mark Twain là cha đẻ của những kiệt tác văn chương lừng lẫy như Huckleberry Finn và Tom Sawyer. Ông cũng là một “con nghiện” xì gà nổi tiếng. “Tôi hút thuốc với tất cả sức lực và bất chấp thời gian”, ông từng nói. Nhà văn trứ danh của nước Mỹ cũng từng ngạo nghễ phát biểu: “Nếu lên thiên đàng mà không được hút xì-gà, tôi sẽ không đến đó”. Việc có gan không từ bỏ xì-gà dù sang thế giới bên kia của Mark Twain rõ ràng là có thật khi mà theo các giai thoại, ông hút tới 22 điếu xì gà mỗi ngày, thậm chí, con số này còn được người đời ước tính là lớn hơn, khoản 40 điếu và vấn đề là ông đã hút xì-gà không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời mình. 

Vốn được biết tới với tài đi bộ không ai vượt qua nổi, Mark Twain cũng đồng thời luôn cặp kè điếu xì-gà trên môi. Nhà văn, sử gia, chính khách người Mỹ William Dean Howells đồng thời là bạn thân của Mark Twain đã viết trong tiểu sử của nhà văn tài năng người Mỹ: “Ông hút thuốc từ sáng cho tới giờ đi ngủ. Thậm chí, Mark Twain luôn đi ngủ trong khi miệng vẫn ngậm điếu xì gà và đôi khi, lo sợ tình trạng cháy nổ, tôi phải lên phòng ông và lấy nó đi, trong khi vẫn đang cháy và Mark Twain vẫn đang ngủ. Tôi không biết bao nhiêu một người đàn ông hút thuốc để sống nhưng dường như Mark Twain hút thuốc nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào. Ông hút thuốc không ngừng”. Chính Mark Twain cũng thừa nhận: “Tôi hút thuốc trên giường cho tới khi chìm vào giấc ngủ. Tôi thường thức dậy trong đêm, đôi khi một lần, đôi khi hai lần, đôi khi ba lần và tôi không bao giờ phí phạm những cơ hội để hút thuốc”.

Xì-gà – “Nàng thơ” của Mark Twain  1
Nhà văn sinh năm 1935 bắt đầu “dan díu” với những điếu xì-gà khi mới chỉ là một nhóc tì ở Hannibal, Missouri

Tuy nhiên để giữ hình ảnh trước công chúng cũng như làm yên lòng người vị hôn phu, Olivia "Livy" Langdon Clemens, Mark Twain luôn quả quyết rằng mình hút thuốc một cách điều độ. Khi tới Hartford lần đầu tiên vào năm 1868, ông viết: “Tôi phải lén lút hút thuốc khi tất cả mọi người đã lên giường, để giữ danh tiếng, cho tới khi con mèo của gia chủ phát hiện ra mùi lạ”. Trong sinh nhật thứ 70 của mình, ông nói đùa: “Chỉ một điếu xì-gà cho mỗi lần hút”. Có thời điểm, Mark Twain đã cố gắng bỏ thuốc hoặc cắt giảm hút thuốc, ông quyết tâm tới mức khẳng định chắc nịch: “Bỏ thuốc là điều dễ ợt. Tôi biết rõ mình nên đã có nghìn lần thực hiện điều này”. 

Trong tác phẩm In Following the Equator (Theo đường xích đạo), Mark Twain viết: “Tôi kỷ luật bản thân chỉ hút một điếu xì-gà mỗi ngày. Tôi giữ điếu thuốc duy nhất cho tới giờ đi ngủ, đó là một khoảng thời gian thần tiên. Nhưng nỗi thèm muốn bắt bớ tôi mỗi ngày và ròng rã nhiều ngày dài. Nó thôi thúc tôi truy lùng những điếu xì-gà lớn hơn. Chỉ trong vòng một tháng, điếu xì-gà duy nhất của tôi có lẽ đã lớn tới mức tôi có thể sử dụng nó như một cái nạng”. Cuối cùng, quá bất lực, Mark Twain từ bỏ ý tưởng “cai” xì-gà, cho đó là một ý định “lố bịch và đáng ghét”. 

Xì-gà – “Nàng thơ” của Mark Twain  2
Hóa đơn mua xì-gà và tẩu của Mark Twain, 1880

Dù vậy, cuộc hôn nhân với Olivia "Livy" Langdon Clemens lại làm dấy lên nỗi niềm khó nói của Mark Twain. Khi kết hôn vào năm 1870, một lần nữa, cây bút tự trào số một nước Mỹ lại nỗ lực từ bỏ xì-gà. Tuy nhiên, chế độ kiêng khem chất nicotin lại làm thui chột hoàn toàn khả năng viết lách của Mark Twain trong năm đó. Thực tế là càng hút thuốc nhiều, Mark Twain càng viết khỏe. “Trong ba tuần, tôi chỉ viết được có 6 chương”, Mark Twain kể lại. Quá thất vọng, ông từ bỏ cuộc chiến với xì-gà, tiếp tục duy trì thói quen đốt 300 điếu xì-gà trong một tháng, đốt sạch 6 chương sách ngớ ngẩn và bắt tay viết một cuốn sách chỉ hoàn thành trong 3 tháng mà không gợn một chút ân hận. 

Ngọn nguồn thói quen hút thuốc của Mark Twain không phải chỉ mới bắt đầu khi ông bước chân vào văn chương. Nhà văn sinh năm 1935 bắt đầu “dan díu” với những điếu xì-gà khi mới chỉ là một nhóc tì ở Hannibal, Missouri. “Tôi bắt đầu hút thuốc khi lên 8 tuổi. Tôi bắt đầu với 100 điếu xì-gà trong một tháng và theo thời gian, đến tuổi 20, số lượng tăng lên 200. Trước tuổi 30, số lượng thuốc tôi tiêu tùng trong một tháng cán mốc 300”, ông viết trong một tiểu luận mang tên Smoking as Inspiration (Hút thuốc như cảm hứng) công bố năm 1883. Trước đó, khi mới 7 tuổi, Mark Twain đã cố gắng dùng thuốc lá nhai và bị sốc. Tuy nhiên, đó là một điều thường tình ở Hannibal, một khu vực chuyên nghề sản xuất xì-gà và nhất là với Mark Twain, vốn nổi tiếng biết giữ mồm giữ miệng, không ai biết về niềm đam mê trước tuổi của cậu. 

Xì-gà – “Nàng thơ” của Mark Twain  3
Trước tuổi 30, số lượng xì-gà Mark Twain tiêu tùng trong một tháng cán mốc 300 điếu

Trong cuốn tự truyện của mình, Mark Twain từng thú nhận một cách khoái trá: “Tôi từng đoạn tuyệt với thuốc lá trọn 3 tháng. Tuy nhiên, không lời nào có thể mô tả hết cảm giác ngon miệng của khói thuốc với một cậu bé sành sỏi thuốc lá từ năm lên 9 trong 2 năm đầu tiên làm quen với thuốc lá. Sau cái chết của cha tôi, tôi đã hút thuốc và cực kỳ vui vẻ”. Cây bút sành sỏi cũng thừa nhận bản thân không rành về các thương hiệu xì-gà, luôn mua xì-gà giá rẻ nhưng càng ngày càng cảm nhận tinh tế hơn về các loại thuốc ngon. 

Thuốc lá được trồng ở Missouri trong những năm 1840 và được bán với giá rất rẻ. Hơn nữa, cha của một người bạn thân của Mark Twain, ông Garth có một nhà máy sản xuất thuốc lá lớn và có cả các cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong các làng mạc. Như các cậu trai mới lớn khác, Mark Twain đổi các điếu xì-gà bằng cách làm giúp các cửa hàng các công việc lặt vặt như lấy nước từ các máy bơm của làng về. Lối sống của quê hương Hannibal đã ăn sâu vào trong huyết quản của Mark Twain, trong đó phải kể đến bản tính côn đồ, ngạo ngược thể hiện trong các trận thư hùng thời thơ ấu cũng như màn ẩu đả trên tàu hơi nước Pennsylvania vào năm 1858 khiến nhà văn tương lai bị đuổi ra khỏi tàu ở New Orleans. Thời điểm ấy, em trai của Mark Twain, Henry vẫn được giữ lại làm việc trên tàu và chết sau một vụ nổ xảy ra trên tàu ở phía nam Memphis. Mark Twain cho rằng ông từng có giấc mơ như điềm báo trước đã rất ân hận về sự việc này và cảm thấy phải có trách nhiệm về cái chết của em trai. 


Xì-gà – “Nàng thơ” của Mark Twain  4
Mark Twain vẫn kè kè điếu xì-gà khi tụ họp cùng vợ và ba con gái vào năm 1885

Xì-gà – “Nàng thơ” của Mark Twain  5
Mark Twain chơi bi-a trên căn phòng áp mái trong căn nhà ở Hartford

Từ quãng đầu tiên, tuổi trẻ của nhà văn lừng danh đã nhuốm màu của bóng đêm. Điều này thể hiện rõ ở bản tính dễ bị tổn thương của Mark Twain sau này. Ông đã luôn nỗ lực để các con của nình có một cuộc sống bình thường. Trong gia đình, nếu người vợ, Olivia lo lắng về phần thể chất, Mark Twain luôn quan tâm tới đời sống tinh thần của các con. Ông khuyến khích các con - Susy, Clara và Jane chơi nhạc, đọc sách, nuôi thú cưng. Năm 1871, sau khi kết hôn, Mark Twain đưa vợ tới định cư tại Hartford. Họ dốc 100.000 USD để dựng căn nhà lớn theo phong cách Gothic trong vòng 3 năm. Mặc dù bị mọi người chê bai, Mark Twain rất mãn nguyện với căn nhà của gia đình. Ông làm việc trên tầng áp mái, bên cạnh là một bàn bi- a, nơi nhà văn nổi tiếng mời bạn bè tụ tập mỗi tối thứ 6, chơi bi-a, hút thuốc, tán gẫu, uống Scotch nóng. Trần nhà được trang trí bằng các đường ống, gác các lô xì gà và các biểu tượng của môn bi-a. Tưởng chừng cuộc sống của Mark Twain đã yên ổn nhưng rồi tiền bạc lại làm đau đầu Mark Twain. Các khoản đầu tư vào xuất bản của ông không sinh lợi và nhà văn xuất thân nghèo khó luôn phải chật vật trả nợ lần hồi.

Năm 1895, cuộc sống gia đình Mark Twain dần đi vào ôn định. Ông được mời đi diễn thuyết khắp thế giới và trở nên giàu có nhờ bán tác quyền tác phẩm. Thậm chí, Mark Twain còn đăng ký thương hiệu bút danh của mình trên nhiều sản phẩm, bột mì, máy đánh chữ, bút máy, bourbon, bia và dĩ nhiên không thể thiếu niềm đam mê từ thuở thiếu thời,  xì-gà. 

Xì-gà – “Nàng thơ” của Mark Twain  6
Hộp xì-gà mang thương hiệu Mark Twain sản xuất ở Pennsylvania, 1913-1930

Cuộc đời của Mark Twain trải qua nhiều bi kịch khi chứng kiến cái chết của con trai Langdon vì bệnh bạch hầu vào năm 1872, cái chết của con gái Susy ở tuổi 24 do bệnh viêm màng não vào năm 1896, cái chết của người vợ, Olivia ở Florence, Ý, năm 1904, cái chết của con gái út, Jane vì suy tim vào đêm Giáng sinh năm 1909. Nhà văn khôi hài đã chua chát nói rằng “Từ một người giàu có, tôi đã trở thành một kẻ nghèo nát”. Tuy nhiên, Mark Twain đã luôn giấu nỗi buồn vào trong sâu thẳm. Ông không cho phép mình u sầu quá lâu. Ông từ bỏ những bộ quần áo màu đen, mặc mặc những bộ quần áo serge màu trắng sau này sẽ trở thành thương hiệu của mình và niềm đam mê với xì-gà vẫn không hề suy suyễn. Mark Twain thường hút thuốc với những đồng nghiệp thân thiết khi ghé thăm tư gia của họ. Một số người còn quả quyết, Mark Twain sẽ liều mua Havanas, thủ phủ của xì-gà nếu ông đủ tiền. 

Hai năm trước khi qua đời, Mark Twain thường xuyên bị những cơn đau thắt ngực tấn công. Quá lo ngại, nhà văn nổi tiếng cắt giảm xì-gà, từ 40 chỉ còn hút 4 điếu xì gà mỗi ngày. Tuy nhiên, ông mất ở tuổi 74, được xem là sống thọ thời bấy giờ và suốt cuộc đời hoàn toàn khỏe mạnh. Xì gà là “nàng thơ”, “là nguồn cảm hứng giá trị nhất”, là bạn đồng hành chung thủy nhất của Mark Twain cho đến cuối cuộc đời.