Chuyến đi "phượt" châu Âu thú vị của cô sinh viên 19 tuổi

Haltom ; Ảnh: NVCC, Theo 00:01 01/02/2012

Chị ấy đã có một chuyến đi "du lịch bụi" qua một số nước thuộc vùng biển Baltic vào kì nghỉ Giáng sinh vừa rồi đấy.

Họ và tên: Nguyễn Thu Thảo

Nickname: Haltom/TOM

Ngày sinh: 31/10/1992

Đang là sinh viên đại học Jyvaskyla University of Applied Sciences (Jyvaskyla, Phần Lan)

Sở thích: Ăn đồ ăn ngon, cà phê, ngủ nướng, buôn chuyện, Facebook... và đặc biệt là thích đi du lịch "bụi". Theo Thảo, đó là một cách để tận hưởng cuộc sống: "Du lịch bụi khiến bạn có nhiều trải nghiệm “không tưởng” hơn rất nhiều so với việc đi du lịch theo tour, mình đang cố gắng đi du lịch được càng nhiều càng tốt khi còn có thể."

Thảo đến du học tại Phần Lan vào tháng 8, sau một học kì, chị ấy được nghỉ 3 tuần (người châu Âu nghỉ Giáng sinh và năm mới rất dài). Thảo đã lên một kế hoạch tự đi "phượt" các nước vùng biển Baltic trong 10 ngày, qua 4 thành phố: Kaunas - Vilnius (Lithuania) – Riga (Latvia) – Tallinn (Estonia). Trong ngày thứ 10, Thảo sẽ đi tàu từ Tallinn về lại Helsinki và đi bus về thành phố Jyvaskyla. Lần đầu tiên đi du lịch một mình, lại là đi nhiều nước, Thảo đã có những trải nghiệm "có một không hai" muốn chia sẻ cùng các bạn.



Thu Thảo - "nhân vật chính" của cuộc hành trình. 


Chúng tớ sẽ tường thuật lại chuyến đi theo lời kể của Thu Thảo để các bạn có thể cảm nhận được sự háo hức và phấn khởi của chị ấy nhé.

Chuyến du lịch này được lên kế hoạch trước 2 tháng, tôi đặt vé máy bay giá rẻ của Ryanair - hãng hàng không “siêu siêu rẻ” tại EU này. Nói thật ra, nếu không phải đường bay mới có giá siêu siêu bèo thì tôi cũng... không có ý định đi đâu! 12,99 Euro (khoảng 360 nghìn đồng) cho vé máy bay 1 chiều bay từ Tampere (Phần Lan) đến Kaunas, đấy là một cái giá quá "sốc". 

Lần đầu du lịch và tôi hăm hở lên Couchsurfing (trang web dành riêng cho các tín đồ mê du lịch "bụi") tìm host chỉ vì nhìn thấy mấy đứa bạn đi Oslo đợt trước cũng làm thế, mặc kệ nhiều người cho rằng đó là ý kiến không thể điên hơn. Đến bố mẹ tôi khi biết cũng đã tá hỏa: “Sao lại đi những cái đất nước nó hẻo lánh như vậy! Mới xa nhà có 4 tháng đã đòi đi! Mà lại đi một mình, không thuê nhà trọ, ở nhà người lạ là sao?”. Tôi cũng đã phải thuyết phục mãi bố mẹ mới đồng ý. 

"Em vé giá bèo".


Lịch trình mà chị ấy dính trên bức tường ở nhà.

18/12/2011: 12h trưa, lặc lè, lặc lè vác cái ba lô nặng 8kg, ăn mặc như một con gấu (chính xác là thế), lết ra được đến nhà ga trung tâm của Jyvaskyla là tôi như người sắp chết đến nơi. Hành trình bắt đầu với chuyến xe lửa lên Tampere. Lên đây rồi tôi bắt xe bus đến sân bay Tampere. 

Cảnh sắc khá ảm đạm tại thành phố Tampere.


Giáng sinh sắp đến mà tuyết vẫn chưa rơi.

4h chiều, tôi đã đặt chân đến được cái Terminal 2 (terminal dành riêng cho "siêu bèo Ryanair") và... sốc khi nhìn thấy cái Terminal này chỉ mở cửa lúc 5h30 chiều vì hôm đó là chủ nhật! Ngồi mốc meo gần 2 tiếng ở Terminal 1, tôi mới vào được cái “nhà ga sân bay không khác gì nhà ga xe lửa”. Nói cho chính xác, nó chỉ đỡ hơn cái trại tị nạn tí tẹo. 8h mới check in và tôi ngồi giết thời gian với cô bạn người Nam Hàn vì thật tình cờ và bất ngờ, 2 đứa tôi đều là dân đồng môn ở JAMK cả. Chia sẻ kinh nghiệm, Ji Eun (tên cô bé này) bảo rằng ở Vilnius vào ban đêm đi ra đường cần cẩn thận.

Rồi cũng đến lúc check in lên máy bay, Vì Ryanair là hãng giá rẻ nên họ rất nghiêm về hành lý kí gửi. Mỗi người chỉ được mang tối đa 10kg hành lý xách tay, các loại dung dịch không được quá 100ml. Tôi cũng đã tận mắt thấy bao nhiêu người phải lục tung hành lý, mặc thêm đồ theo mình để cái vali bớt nặng. Chuyến bay được tiến hành sớm hơn dự kiến đến gần nửa tiếng, khi hạ cánh còn có còi tí te tí te reo hò ầm ỹ chúc mừng cái sự hạ cánh thành công, đã vậy mọi người còn vỗ tay ầm ầm nữa chứ!

Theo lịch hẹn với host (chủ nhà sẽ cho tôi ở cùng, bạn này tên là Asta và đang học làm bánh tại Kaunas), Asta rất sẵn lòng cho tôi ở nhờ 3 ngày này ở Kaunas (19 đến 21/21), thậm chí còn rất thân thiện đến độ ra sân bay đón tôi vào lúc 12h đêm trong khi nhà bạn ý cách sân bay tận 15km. Chúng tôi đi bus đến trung tâm và phải đi bộ từ đó về nhà Asta vì không có xe bus đêm. Cô bạn còn thảo hơn nữa,  đòi đeo hộ cái ba lô của tôi vì: “Nhìn ấy bé quá, đeo mãi chắc đau vai!”. Về nhà Asta và tôi thấy mình được đối xử như một vị khách quý vậy, mặc dù ở phòng khách, nhưng tôi được chuẩn bị đầy đủ đệm gối, chăn màn và cả khăn tắm. “Đêm” hôm đó (lúc về đến nhà là 2h sáng), tôi ngủ một mạch, không mơ mộng gì vì quá mệt.


“Cái ổ” của tôi tại Kaunas.


Căn phòng gọn gàng và ấm cúng, với nhiều kỉ niệm của gia đình Asta.

 
Phòng của cô bạn cùng chị và em gái.


Xinh xắn và rất dễ thương phải không?

Sáng sớm hôm sau, khi tôi tỉnh dậy, Asta đã làm bữa sáng cho cả hai, một trong những bữa sáng thịnh soạn nhất mà tôi được nếm từ khi xa nhà. Chúng tôi ăn bánh mì đen (bánh mì truyền thống của Lithuania) với bơ, trứng luộc cùng sốt mayonnaise, uống cà phê và nhâm nhi chocolate (cái này là tôi đem từ Phần Lan qua cho cô bạn) buổi sáng. Căn bếp nhỏ nhắn của Asta làm tôi thật sự thích bởi có đủ thứ màu sắc và cảm giác gia đình ấm cúng ngập tràn.

Bữa sáng "đại gia" nè.

Bánh mì mẹ Asta làm ngon lắm luôn.

Phòng bếp có phần bừa bộn nhưng như một cái tủ thần kì, mở ra cái gì cũng có.


"View" từ cửa sổ tầng 8.

Ăn sáng xong và tôi được Asta “dắt” ra trung tâm, dặn dò cẩn thận và để cho tôi tự đi khám phá thành phố nhỏ bé này bởi cô bạn cũng bận đi làm, không thể đưa tôi đi được. Phải nói thật, tôi quá chểnh mảng nên không thể định hướng cho mình nên đi những đâu, bởi có quá nhiều thứ hay ho để xem ở đây. Sau khi lượn lờ qua các bảo tàng, một sự thật phũ phàng hiện ra: hôm đó là thứ Hai, toàn bộ các bảo tàng đóng cửa!

Bảo tàng quân đội ở Kaunas.


Solidarity Square, nơi tưởng niệm các chiến sĩ Lithuania đã hy sinh giành độc lập cho Lithuania.




 


Tòa thị chính thành phố, nơi tôi tìm thấy tên của Tampere trong danh sách các "thành phố chị em" của Kaunas.


Ảnh chụp nhanh nhà hát Kaunas, đóng cửa đúng hôm đó!

 


Một vài cửa hàng bán hoa quả ven đường.

 
Bánh mặn truyền thống của Lithuania (đã gặm dở), hình dáng giống bánh gối của Việt Nam.

 

Mục tiêu thay đổi, hãy lượn lờ Old Town! Kaunas là một thành phố khá nhỏ, từng là thủ đô của Lithuania giữa 2 thế chiến, từng được mệnh danh là Paris của vùng Baltic, tuy nhiên, số người ngoại quốc ở đây chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng là lý do mà Kaunas được người dân Lithuania gọi là “thuần Lithuania” (pure Lithuania). Điều đó khiến cho một đứa “tóc đen, da vàng” như tôi lượn lờ trên phố khiến mọi người ở đây vô cùng tò mò, họ cứ nhìn nhìn khiến tôi khá "nhột nhột".

Old Town ở Kaunas nhỏ vừa phải, với những con đường lát đá và 2 bên là những toà nhà theo kiểu color block nhìn rất độc đáo. Mọi người nói, ở những nước Baltic này, kiểu nhà ấy là một nét đặc trưng. Vào bất cứ đâu bạn cũng có thể nhận ra những ngóc ngách nhỏ, ngoằn ngoèo và hơi dốc, rất thích hợp với những bộ ảnh đậm chất nghệ thuật. 




Hàng quán ở lối đi vào phố cổ.








Phố phường nhìn đậm chất nghệ thuật nhé.


City Hall của thành phố nè. 

Chính giữa trung tâm của Old Town là một cây thông Giáng sinh được tạo nên bởi vỏ chai nước ngọt! Trong đó là một cây thông thật được trang trí bởi vô vàn những mảnh gương cho mọi người ghi điều ước lên. (Chúng tớ cũng từng giới thiệu về cây thông Noel tái chế này rồi đó!) Tôi cũng xí xớn ghi lên đó mấy dòng kỉ niệm:


 



Lời chào đến Kaunas.

Cơ mà nói thật, lượn lờ một mình ở cái nơi này trong một ngày thời tiết không thể buồn hơn khiến tôi có tí oải. May mắn thay Asta thân yêu gọi điện báo tan làm và chúng tôi đã đi ăn súp ở quán súp yêu thích của cô bạn. Một bát súp chỉ có 2 Litai (đơn vị tiền tệ của Lithuania), tương đương với 0.7 Euro (khoảng 20 nghìn đồng)! Quá sốc! Thậm chí khi đó tôi còn há hốc mồm vì không ngờ nó rẻ đến vậy, so sánh với mức sống “cắt cổ” của sinh viên bọn tôi ở Phần Lan. 


Quán ăn đậm chất đồng quê.


Súp vừa ngon vừa rẻ, thích ơi là thích!

Một màn thú vị nữa là khi ăn xong, Asta dắt tôi ra đảo, một hòn đảo ở ngay bên cạnh bờ sông. Cảm giác nằm lăn ra bờ đê vào lúc trời chỉ có 0 độ, thật sự là rất rất phiêu. Asta gọi tôi là điên rồ vì thời tiết lúc ấy rất lạnh, cảm giác như gió muốn tạt bay người vậy. Chúng tôi về nhà cô bạn lúc 8h đêm, tại đây, bữa tối thứ hai của tôi bắt đầu. Gia đình Asta cực kì dễ thương, mẹ cô bạn mời tôi biết bao nhiêu là thứ: táo nhà tự trồng; nho tươi; bánh mì với mứt táo bác tự làm, bánh snack truyền thống của Lithuania (thật sự là khó nhớ tên), một loại salad hoa quả với bí ngô ngọt, nho khô, quả óc chó, mật ong, hạt hazelnut và cả kẹo chocolate do em gái Asta gửi về từ London nữa.


Bánh rán khoai và sốt là kem tươi cùng mỡ lợn xào (béo kinh khủng nhưng cũng ngon thôi rồi).


Bữa ăn “phụ” quá hoành tráng.


Đây là trà hoa Asta tự làm, ăn cùng với bánh mì mứt táo thì khỏi bàn.

Tôi “bị” mời ăn đến độ đêm hôm đó vác cái bụng lặc lè như con gấu Bắc cực đi ngủ. Thêm một điều thú vị là, khi bà hỏi tôi từ đâu đến, tôi nói tên Việt Nam và họ mừng rỡ như gặp được bạn thân lâu năm vậy. Tuyệt vời hơn nữa, bà còn bắt Asta ngồi làm thông dịch viên nghe tôi kể chuyện đất nước mình. Cảm thấy vui và hạnh phúc lạ khi những con người nơi đây cởi mở cả trái tim và ngôi nhà của họ cho tôi bước vào, yêu quý quả bản thân tôi và đất mẹ của tôi nữa... Asta có một cô em nhỏ 9 tuổi, Dominyka. Con nhóc này mới học tiếng Anh được 1 năm và rất hào hứng mong tôi dạy tiếng Anh cho nó. 


Tôi yêu nụ cười này...

 
Chắc chắn sẽ nhớ nhóc lắm đây!

Nhóc con còn định rủ tôi chơi Cờ tỉ phú, nhưng khi không nhờ được Asta dịch luật chơi ra tiếng Anh thì nó cũng lười, không chịu dùng từ điển tra từ. Nhóc con lắm mồm cứ tíu tít hỏi tôi bằng những từ tiếng Anh rất đơn giản cùng sự trợ giúp của Google translate. Tối hôm đó, tôi đã trở thành “stalker” đi stalk Facebook của mình, lội comment và album để “show” cho gia đình Asta thấy cuộc sống thường nhật của tôi cùng gia đình, bè bạn. Dominyka ngồi trên trong lòng tôi và không ngớt há mồm vì thích thú. Mẹ Asta cũng mang hết album ảnh gia đình cho tôi xem. Tối hôm đó, thật sự tôi cảm thấy như mình đang ở nhà vậy...

(Còn tiếp)

Vậy là ngày đầu tiên trong hành trình du lịch "bụi" của Thu Thảo đã khép lại đầy ấm áp và tràn ngập không khí gia đình, mặc dù là ở nơi đất khách. Các bạn thấy như thế nào về chuyến đi của chị ý, và có muốn cùng chúng tớ khám phá tiếp những ngày còn lại trong chuyến đi "phượt" đầy thú vị này không? 

Biển Baltic nằm ở Bắc Âu từ 53 đến 66 độ vĩ bắc và 20 đến 26 độ kinh đông, được bao bọc bởi bán đảo Scandinavia, khu vực Trung Âu và Đông Âu và quần đảo Đan Mạch. Biển Baltic nối với biển Trắng bởi kênh đào Biển Trắng và với Biển Bắc bởi kênh đào Kiel. Biển Baltic là một biển nội địa lớn. Các nước tiếp giáp với biển Baltic: Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Latvia, Litva, Ba Lan, Nga, Thụy Điển. Các đảo và quần đảo thuộc khu vực biển Baltic: Aland (khu tự trị thuộc Phần Lan), đảo Bornholm (Đan Mạch), đảo Gotland (Thụy Điển), đảo Hailuato (Phần Lan), đảo Hiiumaa (Estonia), đảo Kotlin (Nga), đảo Muhu (Estonia), đảo Oland (Thụy Điển), đảo Rugen (Đức), đảo Saaremaa (Estonia), quần đảo Stockholm (Thụy Điển), đảo Usedom hay còn gọi là Uznam (phân chia giữa Ba Lan và Đức), đảo Valassaaret (Phần Lan), đảo Wolin (Ba Lan).