Khi teen Ta yêu... teen Tây

Huyền Trang, Theo 00:03 31/05/2010

Teen Tây đến Việt Nam sinh sống và học tập ngày càng đông, đặc biệt tại các trường quốc tế. Vì thế sự gia tăng của các cặp đôi "Tây - Ta" là điều cực kì dễ hiểu.

Tây và Ta không còn là khoảng cách

Thời đại tiến bộ, các teen cũng thoải mái hơn trong chuyện tình cảm. Khoảng cách giữa “anh là Tây còn em là Ta” cũng được rút ngắn rất nhiều. Số du học sinh ngoại quốc đến nước ta tăng cao trong những năm trở lại đây, cụ thể nhất học sinh của Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Mỹ… Những học sinh này luôn là điểm chú ý trong trường, trong lớp và cả khi tham gia những hoạt động mang tính cộng đồng. Ngay cả khi đi ngoài đường, vào một quán ăn, hay đến một quán nước, cứ thấy các cô nàng, anh chàng Tây là… ai cũng dòm.

Một số teengirl còn cho biết rất thích những anh chàng lai, nửa tây nửa ta, số khác lại chia sẻ thích nhìn ngắm những nét đẹp của họ. Đặc biệt, hầu hết các teen hiện đại đều rất thích tiếp xúc, trò chuyện với các teen ngoại quốc. Phần vì teen có thể nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình, muốn biết thêm về “bạn ý”, mặt khác có thể biết thêm đó đây. Đặc biệt, các bạn teen ngoại khi đến Việt Nam đều khá cởi mở, thân thiện. Còn nếu đi du học gặp nhau thì cả hai có thể cùng giúp đỡ nhau.

Chẳng lạ gì hình ảnh của một anh chàng Tây đi giữa một nhóm bạn Việt hay một bạn nữ Việt chơi chung với một nhóm bạn Tây. Họ hầu hết gặp nhau khá tình cờ. Do môi trường làm thêm của một số bạn tại khu Tây, do có điều kiện học chung, hay do tình cờ gặp được nên các bạn ý có điều kiện tiếp xúc nhiều rồi nảy sinh tình cảm.


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Và... bất đồng

Khi còn là bạn thì mọi chuyện rất đơn giản, nhất là với những bạn ngoại quốc. Họ khá phóng thoáng và thoải mái. Thế nhưng khi yêu nhau lại khác. Cả hai phía vẫn giữ những suy nghĩ, thói quen, về phong tục, tập quán của mình nên rất dễ nảy sinh xung đột.

Thanh Mai (18 tuổi) yêu một anh chàng người Đức, tên Stefan, chia sẻ: “Ngày xưa mình làm part-time ở một quán cafe trong khu đô thị Phú Mĩ Hưng nên gặp và quen Stefan. Ban đầu cảm thấy rất vui, rất hợp. Nhưng khi trở thành người yêu của anh chàng được 1 tháng mình bắt đầu cảm thấy khó chịu. Phần vì nhiều khi có những thứ mình nói “hắn không hiểu”, toàn làm trái ngược. Phần vì văn hóa khác nhau nhiều quá. Cả chuyện “tình phí” đôi khi cũng làm mình mệt mỏi”.

Khoảng thời gian yêu ban đầu thường rất thú vị và hanh phúc. Vì do “đằng ấy” ngoại quốc, teen có thể tha hồ giới thiệu những địa điểm thú vị và những điều tuyệt vời của quê hương mình. Thường bạn sẽ dành nhiều thời gian để dắt "đằng ấy" đi đây đó, giới thiệu cái nọ cái kia. Nhưng đi hết thì lại cảm thấy rằng “sau đó sẽ là gì?”. Một số anh chàng ngoại quốc khá song phẳng, mọi thứ đều share đều dù có là người yêu. Nhưng với một số teengirl thì như vậy có phần hơi kém ga-lăng.

Một số teen đi du học thì hiểu và thông cảm được vấn  đề này, nhưng lại trái ngược nhau về ăn uống, sở thích. Thường teen ngoại rất thoáng, họ có thể cởi mở, xã giao khiến cho teen hiểu lầm, hay chuyện thoáng trong suy nghĩ về chuyện “ấy” cũng khiến có nhiều bất đồng giữa cả hai. Đến lúc cần nói chuyện thì “anh nói tiếng anh, tôi nói tiếng tôi, chúng ta nói với nhau cũng thế thôi”. 

Những tác động bên ngoài

Chuyện “yêu Tây” còn khá mới trong suy nghĩ của bậc làm cha mẹ. Đa phần cha mẹ đều không mong con mình yêu Tây. Bởi “người Việt mình còn chưa biết có đối xử tốt với con mình không huống chi là Tây?”. Nhất là với con gái, đa phần bậc cha mẹ chẳng ai muốn “gái phải theo chồng”, chẳng ai muốn con mình lấy Tây rồi đi mất. Một số bậc cha mẹ còn cho rằng như vậy là “mất con” nên khá là ngán ngẩm. Các teen Tây cũng ít có thể trò chuyện với gia đình “đằng ấy” do bất đồng ngôn ngữ và ngược lại.

Đó là về phía gia đình, phía bạn bè thì khi có bạn quen ngoại quốc, chẳng nhiều thì ít cũng có những lời nói ra vào, đồn thổi khiến teen hiểu lầm và khó chịu. Kiểu như: “Hôm qua đi club, tao gặp thằng bồ mày khoác tay, ôm con này con kia. Mày vậy cũng chịu được à?”. Thực ra, đôi khi nó chỉ là nghi thức chào và hôn tạm biệt bạn. Nhưng qua lời kể của một số người thì nó lại thành… to chuyện. Nói về chuyện “thoáng” của teen Tây và Ta thì thật sự có nhiều sự khác biệt.

Hay đơn giản như chuyện ít teen ngoại quốc nào biết đi xe máy. Đa số các bạn í đều đi taxi hay gia đình đưa đi. Thế nhưng khi bạn bè rủ bạn và "người ấy" đi chơi bằng xe máy, hay lâu lâu muốn được chàng chở đi ăn, đi học cũng là cả một vấn đề khó khăn.

Thêm vào đó, một số teen ngoại quốc chỉ đến Việt Nam để học tập hay du lịch một thời gian. Sau đó, họ phải lên đường trở về quê hương mình. Hay khi teen đi du học, hai người gặp nhau ở chung một quốc gia. Nhưng khi khóa học kết thúc, nếu không biết cách giữ gìn thì tình cảm rất dễ tan vỡ. Thế nên khi yêu nhau, cả hai cần chuẩn bị tâm lí với những vấn đề này.

Vì vậy, muốn có một tình cảm bền lâu, cả hai cần thật sự xác định mối quan hệ của mình. Nếu thật sự nghiêm túc và muốn tiến xa thì teen cần cố gắng thay đổi cả bản thân và “đằng ấy” sao cho mọi thứ hòa hợp. Đừng để ngôn ngữ và khoảng cách trở thành rào cản của cả hai và khi thấy teen chính chắn và trưởng thành thì ắt gia đình sẽ luôn ủng hộ thôi.