Mùa hè, teen sốt trào lưu khởi nghiệp kinh doanh ở các hội chợ

, Theo Trí Thức Trẻ 00:15 31/05/2014

Với một số vốn nhỏ và niềm đam mê, bạn hoàn toàn có thể thử khả năng kinh doanh của mình một cách dễ dàng tại các hội chợ vào mùa hè này.

Hội chợ hay chợ phiên là một dạng kinh doanh đã không còn xa lạ gì nữa. Nơi đây tụ họp rất nhiều shop, với đủ mọi mặt hàng khác nhau, từ quần áo, trang sức, các vật dụng handmade,... các sản phẩm sale (giảm giá), cho đến đồ ăn, nước giải khát. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, hình thức kinh doanh này bắt đầu thịnh hành trở lại, đặc biệt là ngày càng phát triển, đa dạng và có hướng trẻ trung hơn, do chính những người trẻ thành lập và cải tạo.

Hiện ở Sài Gòn có đến hơn 10 hội chợ như thế này, trong đó có một vài hội chợ đã dần trở nên quen thuộc với giới trẻ nơi đây như: Sale4share, Saigon Flea Market, Hello Weekend,... Có nơi được tổ chức từ 1 lần/tuần, có khi 1 lần/tháng hoặc 2 đến 3 lần/tháng tùy vào sự quyết định của người tổ chức. Nhưng bạn nào đã quen và là "tín đồ" của các dạng hội chợ, garage sale như thế này thì chắc cũng biết, những nơi này thường rất đông khách, đồ đạc đa dạng, mà dường như giá cả lại rất phải chăng, nên nhiều bạn trẻ đã tranh thủ đến đây khởi nghiệp, tập tành kinh doanh với một nguồn vốn bỏ ra không quá nhiều.


Toàn cảnh một buổi hội chợ ngoài trời tại Sài Gòn.

Khởi nghiệp từ hội chợ, tại sao lại không!?

Cách đây hơn 1 năm, chỉ với những thông tin cơ bản về hội chợ mà bản thân tự trải nghiệm và tự lùng sục được, cô bạn trẻ tên Kỳ Duyên (20 tuổi), sinh viên ngành Công nghệ thông tin đã đánh liều thử sức với một sạp hàng nhỏ tại đây. 

Trước đó, Duyên chưa hề kinh doanh lần nào mặc dù lớn hay nhỏ. Nhưng mùa hè năm ấy, Duyên đã muốn thay đổi một chút, tìm thêm trải nghiệm, cộng thêm suy nghĩ "nếu may mắn liệu đâu còn có thêm chút thu nhập". Thế là Duyên đã nhập về một ít quần áo của Thái Lan, cùng hàng phụ kiện với vốn đầu tư tổng cộng là 3 triệu đồng. 

Giải quyết được nguồn hàng nhưng đã "lủng túi", không còn tiền và cũng không tìm được nơi để bày bán, thế là Duyên nhớ ngay hội chợ mà hàng tháng mình hay đến lùng sục đồ. Duyên liên hệ với chị chủ và được cho thuê một góc nhỏ tại đây, được hỗ trợ một chiếc bàn và vài chiếc ghế nhỏ với mức giá khi đó là 500.000 đồng/lần cho cả ngày bán.

"Ngày thường mình bán trên mạng, còn tới khi có hội chợ thì mình tha đồ ra, bày bán ở đây để kiếm thêm khách và cũng là cách quảng cáo cho cửa hàng. Ở các hội chợ này đã có nguồn khách sẵn khá đông, nên mình chẳng phải lo gì nhiều, chỉ đặt đồ tại đó và bán" - Duyên cho biết.

Rất nhiều bạn trẻ đã tự khởi nghiệp buôn bán như thế này.

Nơi đây thật sự rất lý tưởng dành cho những bạn muốn kinh doanh mà gặp hạn chế về mặt tiền bạc, không thuê được mặt bằng. Đặc biệt vào hè, rất nhiều bạn trẻ muốn tập buôn bán nhỏ mà đến đây quả là một sự lựa chọn khá tốt. Đúng như cô bạn Duyên chia sẻ, ở các hội chợ thì việc bạn đi tìm khách hàng không cần đặt nặng quá nhiều. 

Theo cập nhật giá cả chung của việc thuê sạp tại các hội chợ hiện nay đã cao hơn một chút, ở mức từ 700.000 - 800.000 đồng một gian. Thường mỗi gian chỉ là một sạp nhỏ, được ban tổ chức hỗ trợ bạt che, bàn ghế, máy quạt,... có nơi hỗ trợ luôn cả hàng treo đồ khá tiện nghi. Tuy nhiên đối với những hội chợ lớn, có tiếng thì việc hàng hóa phải được ban tổ chức kiểm duyệt trước khi đồng ý cho thuê cũng rất hay xảy ra. "Đồ ở các hội chợ ngoài việc rẻ ra thì quan trọng là phải đa dạng và chất. Ở đây thì chẳng phân biệt shop lớn hay shop nhỏ, quan trọng là đồ của các cửa hàng có chất hay là không. Nếu không có điểm nhấn cho riêng mình và đại trà, hoặc tương tự với quá nhiều shop khác thì sẽ ảnh hưởng chung tới cả hội chợ.

Nói chung tiêu chuẩn thường là: Hàng chất, có gu thẩm mỹ, giá mềm (đa số phải dưới 500.000/món và giá bán tại hội chợ phải rẻ hơn giá bán tại shop).

Một điều không thể quên nữa là trước đó, các gian hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ của shop để đảm bảo uy tín và dễ quản lý hơn" - chị Trinh người tổ chức của hội chợ Hello Weekend cho biết.







Thường các loại mặt hàng tại hội chợ chủ yếu là handmade, hàng lạ và độc.





Mỗi shop đều có một gu và phong cách riêng biệt.


Ngoài trang sức, quần áo thời trang tại đây bạn còn có thể kinh doanh nhiều loại khác nhau như làm nail, làm tóc, đồ ăn và cả nước giải khát,... rất nhiều.

Về việc đối với các shop online, các bạn học sinh, sinh viên có thể thuê để tập kinh doanh hay không thì chị cũng chia sẻ: "Các bạn trẻ có máu kinh doanh và có sản phẩm độc, giá cả hợp lý thì chị rất ủng hộ. Bằng chứng là hiện nay với gần 50 shop đang buôn bán tại hội chợ, gần nửa trong số đó là shop online, các bạn bán không có mặt bằng, đều là người trẻ và đam mê kinh doanh. Thật sự với hơn 1.000 lượt khách đến mỗi lần tổ chức thì hoàn toàn có thể đảm bảo được doanh thu của các bạn".

Cũng chính vì có quá nhiều điểm lợi, nguồn khách lại rất được đảm bảo nên việc thuê gian hàng tại các hội chợ cũng hơi "căng". Quan trọng là bạn phải tranh thủ được cơ hội, nhanh tay nhanh chân. Nhiều cửa hàng đặt liên tục trong nhiều tháng, nên nếu có chỗ tốt và trống thì thường rất nhiều shop tranh nhau.

Không chỉ là các bạn trẻ, mà các hot boy, hot girl nổi tiếng cũng chọn những nơi này buôn bán, giới thiệu hàng hóa của chính mình. Một vài cái tên quen thuộc và thường hay xuất hiện ở các hội chợ là: Kelbin, Ngọc Thảo, Helly Tống,...


Á hậu Hoàng Oanh cũng là một "tín đồ" của các hội chợ tại Sài Gòn.



Ngọc Thảo nổi tiếng với danh hot girl biết kinh doanh.


Hội chợ cũng thường là điểm đến của các ca sĩ, điển hình là Đào Bá Lộc.




Kelbin với gian hàng của mình. 

Midu

Phở, Ngọc Thảo và Helly Tống.


Thảo Tiên - em chồng Tăng Thanh Hà.

Những điều cẩn thận cũng không ít

Do hội chợ thường rất đông, ngoài các shop bày hàng san sát nhau thì khách thường xuyên đi đi, lại lại. Vì thế việc "người hại mình" và "tự ta hại ta" cũng xảy ra không ít.

Theo bạn Jolie (19 tuổi) hiện đang bán phụ hiện và quần áo tại nhiều hội chợ khác nhau ở Sài Gòn cho biết: "Mình đây kinh nghiệm đầy mình trong việc bán ở mấy hội chợ nhưng việc hàng hóa thỉnh thoảng bị mất là chuyện khó mà tránh được. Có rất nhiều trường hợp. Thứ nhất là lợi dụng lúc chen lấn, người này xem hàng người kia đến chọn thì mất một hai món là thường xuyên. Thứ hai là rất dễ bán nhầm, tính nhầm giá. Thứ ba là tự bản thân mình nhầm đồ hoặc khách lấy nhầm mà quên. Vì thế thường mỗi hàng mình thấy phải ít nhất 2 đến 3 người cùng quản lý thì may ra mới không mất đồ".

Việc đông khách và không gian hẹp là cơ hội thuận tiện cho việc trộm.


Vào hè, việc thử khả năng và cái duyên kinh doanh của mình đến đâu là chuyện rất đáng ủng hộ. Tuy nhiên việc kinh doanh dù lớn hay nhỏ cũng không đơn giản một chút nào, rất nhiều thứ phải tư duy và tính toán cẩn thận. Vì thế bạn hãy biết cách lựa chọn sao cho phù hợp với túi tiền của chính mình, quan trọng giá cả bán ra cũng phải hợp lý, vừa phải, những vẫn đảm bảo được tiền lời của chính mình.