Người cha nghèo khuyết tật 2 lần “hộ tống” con trai đi thi Đại học

Lê Nam, Theo Trí Thức Trẻ 11:03 08/07/2014

Đây là lần thứ 2 người đàn ông khuyết tật đầu hai thứ tóc đảm nhận nhiệm vụ đưa người con trai út đi thi Đại học tại Hà Nội trong kì thi Đại học năm nay.

Bác Chu Mạnh Hải (Sinh năm 1964), quê ở xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên lần thứ 2 đảm nhiệm vai trò “hộ tống” con trai út ra Hà Nội dự thi Đại học, mặc dù bản thân ông là một người khuyết tật.

Lần thứ 1, bác Hải đưa em Chu Văn Anh (sinh năm 1996), dự thi khối A vào trường Đại học khoa học tự nhiên tại điểm thi trường trung học cơ sở Việt Nam – Angieri (Thanh Xuân, Hà Nội). Vốn gia đình làm nông, kinh tế khó khăn, bản thân bác là người khuyết tật nhưng vợ bác cũng ốm đau triền miên nên khi đưa con xuống Thủ đô dự thi Đại học, cả nhà phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để có ít đồng bạc lẻ làm lộ phí đi đường.

May mắn là ở trong đợt thi thứ 1, hai bố con bác Hải đã sớm gặp được đội thanh niên tình nguyện mùa hè xanh và được tá túc, ăn ở tại chùa Bằng nên chi phí sinh hoạt giảm đi đáng kể. Sau khi kết thúc đợt 1, hai bố con cảm ơn nhà chùa và các bạn thanh niên đã giúp đỡ nhiệt tình rồi khăn gói trở về quê nhà ngay đầu giờ chiều.

Khi đợt thi đại học đợt 2 sắp diễn ra, người cha nghèo khuyết tật lại tiếp tục khăn gói quả mướp, chuẩn bị vài bộ quần áo đơn sơ, ít sách vở, một ít tiền tích góp thêm vào lần trước để lần thứ 2 đưa con trai đi thi Đại học.

Vào chiều nay, hai bố con đã có mặt ở Thủ đô để chuẩn bị cho kì thi lần thứ 2. Chúng tôi cũng sớm có mặt cùng thanh niên tình nguyện, đồng hành với hai bố con trên cuộc hành trình về nhà trọ khá xa xôi.


Em Chu Văn Anh (áo trắng) và bác Chu Mạnh Hải (ngồi phía sau) có mặt tại bến xe Mỹ Đình từ 3h chiều.


Đón em là bạn Nguyễn Văn Đại, sinh viên tình nguyện của đội Mùa hè xanh. Văn Đại là người trực tiếp giúp đỡ hai bố con trong đợt thi lần thứ 1 rất nhiệt tình tại chùa Bằng và tiếp tục hỗ trợ cho bố con bác Hải bằng cách chia sẻ căn phòng trọ mà mình đang thuê.


Trong lúc chờ xe ôm tình nguyện đến đón, bác Hải kể qua về cuộc hành trình bắt xe chiều nay của hai bố con. Đồng thời cho biết về cả cuộc đời vất vả của bác.


 Khi xe đã đến nơi, mọi người di chuyển ra xe để về nhà trọ của Đại.


Bác Hải là người khuyết tật nên di chuyển khó khăn.


Đại giúp đỡ bác di chuyển ra phía ngoài bến xe.

Với lần thi thứ 2, em Chu Văn Anh đăng ký dự thi khối B vào Học viện y học cổ truyền và địa điểm thi tại Đại học Mỏ.

Cuộc hành trình kéo dài hơn 6 cây số với nhiều đoạn đường giao thông ùn tắc và lòng đường xóc khiến cho đôi chân và lưng bác Hải tê cứng khi đến nhà trọ của Đại.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, bác Hải cho biết: “Tôi là người khuyết tật bẩm sinh, lưng gù còn chân thì teo lại từ nhỏ. Hồi học lớp 5, đang đi bộ thì chúng bạn trêu đùa ngáng chân rồi ngã, chân lại gãy tiếp.”

Gia đình ở quê có 6 sào ruộng, bản thân bác Hải sức khỏe yếu, đi lại khó khăn nên về ở nhà cũng không làm được gì nhiều. Vợ bác cũng không khá hơn nhiều lắm, hồi trẻ cô mắc bệnh đúng vào đợt dịch sốt xuất huyết nên giờ hay ốm vặt, trái gió trở trời lại tái bệnh lúc nào không biết.

Trong gia đình, Văn Anh là con trai út, trên còn có một chị gái sinh năm 1990 nhưng sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã sớm đi làm tại một công ty lắp ráp linh kiện điện thoại ở Hưng Yên. Chị gái nhường cho em trai phần học hành, đi làm đỡ đần cha mẹ và nuôi em bằng cách làm kinh tế.


Hai bố con đã có mặt tại căn phòng trọ rộng khoảng 16m2 của Đại – cậu thanh niên tình nguyện nhiệt tình và tốt bụng.


Bác Hải chia sẻ câu chuyện với phóng viên.


Bác Hải liên tục phải bóp chân sau cuộc hành trình với nhiều đoạn đường ùn tắc và xóc nảy.

Theo chia sẻ, gia đình bác Hải vốn là một gia đình có cha là liệt sĩ. Ngoài số tiền hưởng trợ cấp từ tiền hỗ trợ liệt sĩ ít ỏi của người cha đã quá cố, gia đình bác Hải hầu như không có thêm bất kì khoản thu nhập cũng như hỗ trợ nào... vì chưa được công nhận là hộ nghèo mặc dù gia cảnh đơn xơ đến tiều tụy?!

Tạm quên đi chuyện nghèo khó của gia đình, bác Hải nhắc đến con trai bằng cả sự hy vọng và tự hào cao cả: “Cùng với chị nó thì cháu Văn Anh chính là động lực lớn nhất mà gia đình kỳ vọng vào nó. Nhà quá nghèo rồi, Văn Anh cũng không phải người sức vóc vạm vỡ nên không thể làm mãi những công việc chân tay như người ta... Chỉ có học con đường là duy nhất để thoát nghèo, mong thay đổi cuộc sống để đầy đủ và hạnh phúc hơn”.

“Ở nhà, nó cũng thương bố mẹ lắm. Bố ốm yếu, mẹ đi làm đồng nên mọi công việc ở nhà nó đều thay chị đỡ đần bố mẹ hết. Từ lớp 6, 7 nó đã giấu bố đi hái cúc cho người ta làm thuốc từ 1, 2 giờ đêm trong trời mùa đông rét buốt. Mỗi lần thế nó được người ta trả mấy chục bạc rồi về gửi cha mẹ. Tôi thương nó quá nên dặn con cứ tập trung học hành đã, kiếm vài đồng bạc thế cũng tốt nhưng vất vả quá con à.”


 Chu Văn Anh ngồi cạnh lắng nghe tâm sự của người bố.

Nhận thức được bản thân là trụ cột, con trai duy nhất trong gia đình. Văn Anh là một đứa con ngoan, học trò giỏi trên lớp. Nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi cháu ngoan bác Hồ, năm cấp 2 còn được đi thi HSG cấp huyện. Năm lớp 12, tổng kết cả năm của em được 8,1.

Ngồi cạnh bố, Văn Anh chia sẻ: “Em đăng ký hai trường, nếu may mắn đỗ đạt thì em sẽ chọn vào học trường HV Y học cổ truyền. Lý do chính gia đình em quá nghèo khổ, bố mẹ đều lam lũ, chịu vất vả với bệnh tật cả đời rồi. Bố cũng chính là tấm gương, là động lực để em phấn đấu bởi khi đi học bố cũng học rất giỏi, chỉ vì sức khỏe mà chuyện học hành của bố gián đoạn. Em sẽ tiếp nối và giúp bố thực hiện ước mơ của mình!”.


Chiếc quạt duy nhất trong phòng cho cả 3 người trong những ngày thi tới đây.


Nguyễn Văn Đạt, thanh niên tình nguyện vừa đi chợ về chuẩn bị cơm tối cho mọi người. Ngày mai, cậu cũng sẽ chở em Văn Anh đi thi bằng chính chiếc xe đạp này.


 Sau buổi trò chuyện, hai anh em chuẩn bị bữa tối.


Hai anh em sớm làm quen và thân thiết với nhau.