Dù có học lực giỏi, nữ sinh vẫn bức xúc vì hàng tá áp lực bủa vây: Cân hết bài nhóm, bạn hỏi bài sau đó bạn lại chê mình keo kiệt!

Vũ Trịnh, Theo Trí Thức Trẻ 21:11 29/04/2020

Những tưởng học giỏi thì không có nỗi khổ gì, nhưng những chia sẻ của sinh viên này đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.

Chuyện điểm số luôn là đề tài mà học sinh, sinh viên nào cũng quan tâm khi còn đi học. Áp lực học tập, bài vở, chuyện lên lớp hay thi cử là những điều luôn được các sinh viên nhắc đến. Theo quan điểm của nhiều người, một người có học lực khá hơn sẽ ít gặp phải những vấn đề nêu trên vì vốn dĩ với năng lực của họ không khó để có thể vượt qua các bài kiểm tra một cách dễ dàng. Nhưng ít ai biết rằng, với những người thường được đánh giá cao về mặt học tập cũng có những trăn trở, khó khăn riêng mà hầu hết là nằm ở định kiến của mọi người xung quanh dành cho họ, những người luôn có điểm số cao.

Mới đây, trên confessions của Đại học Bách khoa Hà Nội đã đăng tải những dòng chia sẻ của một bạn sinh viên khi có học lực tương đối tốt. Theo đó, học lực tốt của bạn từng gây cho bạn không ít áp lực từ phía bạn bè, trường lớp. Sinh viên này cho biết, trong khi bạn cố gắng bỏ thời gian và công sức ra học tập để đạt được kết quả tốt, thì nhiều bạn chung lớp chỉ việc ngồi chờ và xin chép bài của bạn để nộp cho giảng viên. Đôi lúc bạn bè của sinh viên này còn cao điểm hơn cả chính bạn nhưng vẫn hay bị nói là ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân. Nhiều lần, được bạn hỏi bài nhưng với thái độ không thể chấp nhận, thậm chí nghi ngờ vào bài tập của mình khiến sinh viên này bức xúc. Điều này làm chủ nhân đoạn chia sẻ cảm thấy không công bằng với những nỗ lực mình bỏ ra.

Dù có học lực giỏi, nữ sinh vẫn bức xúc vì hàng tá áp lực bủa vây: Cân hết bài nhóm, bạn hỏi bài sau đó bạn lại chê mình keo kiệt! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhân vật chính trong câu chuyện còn chia sẻ thêm: "Học khá mà tự công nhận khả năng của mình thì thể nào cũng bị coi là tự kiêu; nhưng nếu than mình dốt thì chắc chắn cũng bị nói là làm màu. Cố gắng chăm học để chứng tỏ bản thân thì bị nói giả tạo; đôi khi mệt mỏi không học, không làm bài thì bị cho là sa sút. Có điểm thi, điểm kiểm tra muốn hỏi thăm bạn bè xung quanh cũng bị cho là kiếm cớ hỏi để khoe điểm, còn im ỉm không hỏi ai thì cũng bị nói là "giấu giếm". Nói chung sống sao cũng chả vừa lòng thiên hạ."

Còn về vấn đề làm bài tập nhóm, sinh viên này cũng tỏ ra bức xúc và cảm thấy như cực hình khi phải cân hết bài tập của nhóm. Bạn không ngừng phẫn nộ: "Những người đồng đội luôn mặc định cho rằng thể nào em cũng sẽ là người cân team, vậy là tất cả mọi việc họ cứ phó mặc cả cho em. Điển hình như hôm nọ, em bị ốm nên không thể hoàn thành deadline, và em đã nhắn rõ ràng vào trong nhóm bảo mọi người hãy hoàn thành nốt nhé. Thế nhưng không một ai làm cả, người nọ phó mặc người kia, người kia nghĩ người kìa làm rồi, vậy là không một ai trong số họ đụng tay vào làm. Để rồi đến sáng hôm sau, nhóm em thiếu bài và bị điểm thấp. Và mọi người biết không, tất cả bọn họ đều chĩa mũi vào đổ lỗi cho em."

Dù có học lực giỏi, nữ sinh vẫn bức xúc vì hàng tá áp lực bủa vây: Cân hết bài nhóm, bạn hỏi bài sau đó bạn lại chê mình keo kiệt! - Ảnh 2.

Bạn sinh viên trong câu chuyện mong muốn được các bạn trong nhóm một lần thử đặt mình vào vị trí của bạn để cảm nhận những sức ép mà người bạn này phải chịu. Dẫu biết việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong học tập là điều cần thiết, nhưng mỗi người cần phải biết chủ động và không nên ỷ lại quá nhiều vào đồng đội. Chủ nhân của dòng trạng thái này nhắn nhủ: "Đừng bao giờ lấy cái lí do "vì cậu giỏi nên cậu làm đi, tớ học kém nên không biết làm, tớ còn bận nhiều việc lắm..." để làm cái cớ ngụy biện cho bản thân nữa."