Đừng chỉ trích nếu xung quanh có ai xót thương cho một tòa nhà họ chưa từng đặt chân tới

Thịnh Joey / Design: Hoàng Anh, Tuấn Maxx, Theo Helino 22:51 16/04/2019

Mỗi lần có một thảm kịch/sự kiện đáng tiếc nào đó xảy ra ở nước ngoài, thông thường dòng ý kiến trên Facebook sẽ có ít nhất hai luồng ý kiến. Một bày tỏ sự tiếc thương, một... chỉ trích những người ở phe đầu tiên.

Chúng ta có nên xót thương?

Mỗi lần có một thảm kịch/sự kiện đáng tiếc nào đó xảy ra ở nước ngoài, thông thường dòng ý kiến trên Facebook sẽ có ít nhất hai luồng ý kiến. Một bày tỏ sự tiếc thương, một... chỉ trích những người ở phe đầu tiên. Lập luận của vế sau thường nói rằng "khóc mướn", rằng "tại sao khi chuyện ABC xảy ra thì không lên tiếng, trong khi việc XYZ này thì lại post status".

Thực ra việc này hoàn toàn... bình thường, xét theo góc độ cảm xúc. Một nghiên cứu năm 1986 của giáo sư William C. Adams tại Đại học George Washington cho thấy một vụ động đất khiến 4000 người thiệt mạng tại Guetemala chỉ được truyền thông nhắc tới bằng 1/3 một vụ động đất tại Italy cướp đi sinh mạng của gần 1000 người. Số lượng nạn nhân chỉ bằng ¼, song lại được nhắc tới nhiều hơn tới ba lần!

Đừng chỉ trích nếu xung quanh có ai xót thương cho một tòa nhà họ chưa từng đặt chân tới - Ảnh 1.

Nhiều người nổi tiếng Việt Nam cũng đồng loạt đăng status bày tỏ sự tiếc thương khi nhà thờ Đức Bà bị cháy

Năm 2015, hẳn nhiều người còn nhớ vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris, kéo theo nhiều người thay hình đại diện theo cờ Pháp và đặt hashtag #PrayforParis. Những công trình biểu tượng như tòa Empire State, London Eye hay tháp Tokyo đều đổi màu đỏ, trắng và xanh da trời như một cách ủng hộ nước Pháp.

Nhưng gần như cùng thời điểm đó, một thảm kịch khác cũng xảy ra tại Beirut (Lebanon) và khiến 40 người thiệt mạng, lại không nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ rộng rãi như vậy tới từ cộng đồng quốc tế. Nhiều người ở khu vực Trung Đông có lý do để bày tỏ sự phẫn nộ: "Hashtag, cờ và nút bấm an toàn trên Facebook của chúng tôi đâu?".

Sự thiên vị này của cộng đồng quốc tế có thể được gọi là "Selective Empathy" (Cảm thông có chọn lọc). Theo chuyên gia tâm lý Emma Seppala của Đại học Stanford thì việc con người thường có sự cảm thông hơn với thảm họa, con người tại những nơi họ cảm thấy quen thuộc hay có sự liên kết là một điều tự nhiên. Cô chia sẻ trên tờ The Huffington Post: "Rất nhiều người từng tới Paris, và có thể tưởng tượng bản thân mình đặt chân tới đó. Về nhiều mặt, Paris thân thuộc với số đông hơn Beirut nhiều". Lấy nước Mỹ làm ví dụ: Có 1,6 triệu người Mỹ tới thăm Paris mỗi năm, trong khi lượng khách du lịch của Lebanon trong cả năm 2013 là 1,3 triệu lượt.

Đừng chỉ trích nếu xung quanh có ai xót thương cho một tòa nhà họ chưa từng đặt chân tới - Ảnh 2.

Còn nhiều lý do khác dẫn tới sự "cảm thông có chọn lọc trên". Nhiều người có thể chưa từng đặt chân tới Paris, song đã biết tới thủ đô nước Pháp từ lâu qua văn học, phim ảnh, hội họa, ẩm thực và âm nhạc. Và khả năng họ có người thân sinh sống, làm việc hay ghé thăm tại Paris cũng cao hơn rất nhiều so với khu vực không an toàn khác.

Ấy là chưa kể việc một thành phố nổi tiếng, nhiều khách du lịch như Paris bị tấn công chẳng khác gì hồi chuông cảnh báo tới nền anh ninh của lục địa già nói riêng và châu Âu nói chung... Nói tóm lại, việc có sự "thiên vị" nhất định với những nơi chúng ta quen thuộc hơn - trong trường hợp này là Paris - là điều tự nhiên, logic và không có nghĩa là chúng ta vô cảm với những thảm kịch xảy ra ngày ngày ở khắp nơi trên thế giới.

Quay trở lại sự việc được nhiều người nhắc tới hôm nay: tòa Notre Dame bị cháy phần tháp và khiến nhiều chính trị gia bày tỏ sự xót xa, truyền thông thế giới không ngừng đưa tin. Tôi chưa từng tới Paris, nhưng tôi có thể hiểu được tâm trạng của nhiều người khi thấy hình ảnh Nhà thờ Đức Bà chìm trong khói lửa.

Đừng chỉ trích nếu xung quanh có ai xót thương cho một tòa nhà họ chưa từng đặt chân tới - Ảnh 3.

Xin trích lại chia sẻ của anh Marcus Manh Cuong Vu, một người từng có thời gian sinh sống tại Paris: "Chỉ là một khách du lịch, bạn sẽ đến Notre Dame như một trong vô vàn địa điểm khác của Paris. Nhưng nếu bạn từng có thời gian sống tại Paris, bạn sẽ xây dựng một mối quan hệ với những hình tượng của thành phố, và Notre Dame chắc chắn là nơi chốn nhiều kỷ niệm nhất.

Thời sinh viên, tôi thường cùng các bạn của mình ngồi bên phía bờ sông mé đảo Île Saint-Louis để hướng sang đảo Île de la Cité có Notre Dame nhìn từ phía sau. Chúng tôi ngồi đó, mang theo bia rượu và đồ nhắm, hay là một cái bánh mì, dõi sang ngọn tháp cao vút và thon. Mùa xuân cũng như mùa hè. Mùa thu cũng như mùa đông. Đôi lúc, tôi cũng không hiểu tại sao lại chọn vị trí đó, và vì sao phải ngắm nhìn Notre Dame nữa. Có lẽ, đó là nơi trái tim của thành phố đập.

Hiểu được điều này, có lẽ ta sẽ thấy niềm tiếc thương của mọi người cho Notre Dame không chỉ là tiếc thương cho lịch sử và một công trình kiến trúc quan trọng, mà còn có những tiếc thương cho một thời tuổi trẻ của mình. Như là tôi."

Người ta có nhiều lý do để buồn trước việc một tòa nhà cổ kính bị cháy (xin lưu ý là chỉ cháy phần ngọn tháp chứ không phải bị thiêu rụi) bởi đó là một công trình lịch sử, gắn với nhiều kỷ niệm, nhiều chuyến đi của biết bao người. "Phượng Hoàng sẽ hồi sinh từ đống tro tàn". Có thể lắm chứ, nếu nhìn hình ảnh những người tới bên Notre Dame để hát vang Ave Maria...

Quan điểm cá nhân tôi là đừng khắc nghiệt, đừng chỉ trích nếu xung quanh có ai xót thương cho một tòa nhà họ chưa từng đặt chân tới, hay đưa câu chuyện ra xa hơn.

Đừng chỉ trích nếu xung quanh có ai xót thương cho một tòa nhà họ chưa từng đặt chân tới - Ảnh 4.

Thế giới này sẽ thật buồn nếu chúng ta chỉ có thể bày tỏ lòng thương tiếc với những người giống như ta, đúng không?