Được cứu khỏi "vòng tay" sói mẹ, 2 bé gái mất hết bản năng con người và hành trình hòa nhập xã hội loài người khó khăn đến tận lúc chết đi

Thái Anh, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 12:45 26/11/2020

Đây là một trong những câu chuyện về các em bé hoang dã nổi tiếng nhất thế giới.

Cứ mỗi 10 giờ tối, 2 bé gái lại trèo ra khỏi giường bên trong một trại trẻ mồ côi ở Midnapore, Ấn Độ, để nhìn về phía ánh trăng và tru lên. Theo lời của người chăm sóc, hai em được gọi là "những đứa trẻ sói". Không hiểu vì sao mà chúng không hề đổ mồ hôi, chỉ thích ăn nội tạng và thịt sống. Đôi mắt của 2 đứa trẻ ánh lên một màu xanh thẫm trong bóng tối. Chúng là con người nhưng trông không phải người và lý do được người chăm sóc đưa ra là bởi vì trong quá khứ, cả hai được nuôi lớn bởi bầy sói.

Được cứu khỏi vòng tay sói mẹ, 2 bé gái mất hết bản năng con người và hành trình hòa nhập xã hội loài người khó khăn đến tận lúc chết đi - Ảnh 1.

Bức ảnh được cho là chụp 2 bé Kamala và Amala được công bố bởi ông Singh

Đó là câu chuyện của 2 bé gái Kamala và Amala được truyền thông kể lại. Theo lời của người đứng đầu trại trẻ mồ côi, ông Joseph Amrito Lal Singh, lần đầu tiên ông gặp 2 bé gái là vào tháng 10/1920 trong lúc đang làm nhiệm vụ ở gần khu vực Midnapore, cách thành phố Kolkata không quá xa.

Theo những gì mà tác giả Michael Newton viết trong cuốn sách Savage Girls and Wild Boys: A History of Feral Children, ông Singh bị tiếp cận bởi một nhóm người khi đi vào rừng sâu. Một người trong số đó nói rằng anh nhìn thấy hồn ma và yêu cầu ông Singh đi cùng anh để "trừ tà". Nhưng khi đến nơi, ông Singh lại nhìn thấy cảnh tượng kinh dị hơn: Một bầy sói đang di chuyển và theo sau chúng là 2 bóng dáng kì lạ, đầu tóc màu đen láy rũ rượi. Người đi cùng với Singh định bắn chết tất cả nhưng bị vị hiệu trưởng này ngăn lại. Ông Singh nhận ra chúng không phải là "hồn ma" mà là 2 bé gái.

Những đứa trẻ cùng bầy sói đi vào một cái hang trong khi Singh cùng cộng sự của ông lại muốn dụ chúng ra ngoài. Một con sói đã gầm gừ, thể hiện thái độ khi 2 bé gái cùng những con sói con chui rúc bên trong hang, rõ ràng đó là sói mẹ, mẹ của sói con và cả 2 bé gái. Trong lúc Singh đang cảm thán khi chứng kiến cảnh tượng đầy đặc biệt này thì người đi cùng anh đã giương tên bắn chết sói mẹ. Sau đó, 2 bé gái được đưa đến trại trẻ mồ côi do vợ chồng ông Singh thành lập trong khi sói con được bán đi.

Ông Singh đặt tên cho 2 đứa trẻ lần lượt là Kamala và Amala. Ông đoán Kamala khoảng 8 tuổi trong khi Amala chỉ 1 tuổi rưỡi. Ông tin rằng chúng đã bị tách rời khỏi gia đình ruột thịt vào những thời điểm khác nhau và có vẻ như Kamala đã sống với bầy sói được 7 năm.

Ông Singh ghi lại hành trình hòa nhập với xã hội loài người của Kamala và Amala trong một cuốn sách. Cả hai được tắm rửa sạch sẽ và chải chuốt mái tóc gọn gàng sau khi được đưa đến trại trẻ mồ côi nhưng trông chúng vẫn chưa ra hình dáng con người. 2 em di chuyển bằng 4 chi và tỏ thái độ xa lánh con người.

Nếu có ai đó cố gắng tiếp cận, chúng sẽ nghiến răng, cào cấu và thậm chí là cắn đối phương. Cả hai không thể nói chuyện. Có ngày, chúng đi vào bụi rậm trong khu vườn của trại trẻ mồ côi và cứ thế nằm lì trong đó.

Giống như những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi động vật, Kamala và Amala chỉ muốn ở bên cạnh các con vật. Người bạn đầu tiên của 2 bé gái là một đứa bé sơ sinh nhưng ngày hôm sau, chúng đã tấn công đứa trẻ.

Được cứu khỏi vòng tay sói mẹ, 2 bé gái mất hết bản năng con người và hành trình hòa nhập xã hội loài người khó khăn đến tận lúc chết đi - Ảnh 2.

Nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ đối với câu chuyện của Kamala và Amala. Vào năm 1943, một nhà nhân chủng học khẳng định ông tin rằng 2 "đứa bé sói" hoàn toàn là câu chuyện thêu dệt bằng nhiều luận điểm, một trong số đó là chi tiết Kamala được cho là nuôi dưỡng bởi sói trong 7 năm nhưng thực tế, loài vật này không bao giờ ở bên cạnh con của chúng một khoảng thời gian dài như vậy. 2 người mà ông Singh nói là đi cùng ông, chứng kiến vụ giải cứu Kamala và Amala thì 1 là không tìm thấy và người còn lại đã chết. Đôi mắt xanh thẫm trong bóng tối và 2 đứa trẻ không đổ mồ hôi cũng là những chi tiết siêu thực đối với nhà nhân chủng học này.

Năm 1959, một nhà xã hội học bày tỏ quan điểm cho rằng 2 bé gái thực chất chỉ mắc bệnh tự kỷ. Một giả thiết khác được đưa ra vào năm 2007 nói rằng Kamala mắc hội chứng Rett, một rối loạn phát triển thần kinh bẩm sinh dẫn đến nhiều triệu chứng giống như những gì mà các em bé hoang dã thể hiện ra bên ngoài. Nhà nghiên cứu này không loại trừ khả năng ông Singh đã dựng nên câu chuyện của Kamala và Amala để gây quỹ từ thiện.

Theo lời ông Singh, đầu tháng 9/1921, khoảng 1 năm sau khi giải cứu Kamala và Amala, 2 bé gái đột ngột bị bệnh dạ dày và rơi vào hôn mê nhiều ngày liền. Sau đó, chúng cũng khỏe lại nhưng rồi một ngày Amala bị sốt cao. Em qua đời vào sáng ngày 21/9/1921.

Ông Singh kể lại, Kamala đã nhiều lần tìm đến bên thi thể của Amala và cố lay em gái dậy bằng cách chạm vào tay đứa trẻ và thậm chí là lôi em ra khỏi giường. Kamala chạm vào mặt, dùng tay mở mắt và miệng của Amala ra cho đến lúc nhận ra Amala đã qua đời. Thế là 2 hàng nước mắt lăn dài trên má Kamala, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mà ông Singh nhìn thấy Kamala khóc. Không lâu sau khi Amala qua đời, Kamala bò lên nằm trên đống đồ vật còn sót lại của đứa trẻ nhỏ hơn và ngửi chúng.

Vài năm sau, Kamala bắt đầu học được cách xâu chuỗi từ vựng lại với nhau nhưng thường đứa trẻ chỉ lẩm bẩm trong miệng và gặp khó khăn trong việc nghe hiểu. Kamala bắt đầu đứng thẳng và đi bằng 2 chân mặc dù thỉnh thoảng khi gặp căng thẳng, cô bé vẫn trở lại trạng thái bò bằng 4 chi.

Một ngày nọ, ông Singh bắt gặp Kamala đứng bên cạnh một cái cây và trò chuyện với nó. Lần khác, ông nhìn thấy Kamala cố gắng hát theo ca đoàn trong nhà thờ. Trong quá khứ, đó là âm thanh khiến Kamala chán ghét nhưng giờ đây, em lại hòa quyện giọng hát của mình vào các bài hát.

Năm 1928, Kamala bước sang tuổi 16 thì sức khỏe đột ngột lao dốc không phanh khiến bác sĩ cũng không rõ chuyện gì đang xảy ra với đứa trẻ. Kamala được Hiệp hội Tâm lý học mời đến New York. Dù Kamala đã có nhiều cải thiện, hoàn toàn tách biệt với loài vật và biết hành xử giống con người hơn nhưng ông Singh từ chối lời mời bởi vì bệnh tình của đứa trẻ. Ngày 14/11/1929, Kamala qua đời.

Dù câu chuyện về Kamala và Amala chưa được xác thực nhưng nó vẫn được truyền thông nhắc đến và là một trong những câu chuyện về những đứa trẻ hoang dã nổi tiếng nhất thế giới.

Nguồn: Timeline

Được cứu khỏi vòng tay sói mẹ, 2 bé gái mất hết bản năng con người và hành trình hòa nhập xã hội loài người khó khăn đến tận lúc chết đi - Ảnh 3.