Euro 2016 và bóng ma hooligan đang trở lại

Mạnh Hào, Theo Trí Thức Trẻ 19:38 12/06/2016

Hình ảnh những CĐV Anh cởi trần người đầy máu me tưởng như chỉ được thấy cách đây 10-15 năm trước giờ bỗng xuất hiện trở lại và tất cả đang hỏi tại sao.

Ngược thời gian về tháng 11 năm ngoái, khi các CĐV Anh hát vang bài Le Marseillaise trước trận giao hữu với Pháp, tờ L’Equipe ngày hôm sau đã in dòng tít bằng tiếng Anh: "Thank you" có nghĩa là "Cảm ơn".

Chỉ dòng chữ đó thôi đủ nói lên sự ghi nhận với CĐV xứ sở sương mù, sau 17 năm họ làm giới truyền thông Pháp phản ứng theo một cách khác.

Euro 2016 và bóng ma hooligan đang trở lại - Ảnh 1.

"Biến đi, bọn hooligan!", tờ La Dépêche du Midi đã viết như vậy vào ngày 16/6/1998, một ngày sau trận mở màn World Cup của đội tuyển trước Tunisia tại Marseille. Cơn giận dữ của báo chí Pháp bắt nguồn từ những gì xảy ra trong 48 giờ trước đấy. Đó là những màn rượt đuổi giữa CĐV và cảnh sát trang bị hơi gas trước trận đấu, những trận chiến bên bờ biển giữa các nhóm CĐV Anh và Tunisia trong lúc bóng đang lăn. Vào thời điểm này, đấy là những hình ảnh quá quen thuộc của CĐV mỗi khi ra nước ngoài.

Vậy mà giờ đây, những hình ảnh đó bỗng xuất hiện trở lại. Đành rằng số CĐV gây rối trước trận đấu giữa Anh và Nga tại Marseille có thể không có những người từng hát vang Le Marseillaise ở Wembley vào năm ngoái, câu hỏi đặt ra là tại sao CĐV Anh lại trở nên hung bao như vậy?

Euro 2016 và bóng ma hooligan đang trở lại - Ảnh 2.

Trước khi đưa ra đưa ra những giả thuyết, có một vấn đề cần phải nói là trong 10-15 năm qua, bóng đá Anh đã rất nỗ lực để xóa bỏ hình ảnh hooligan trong tâm trí của mỗi người và làm giảm đi nỗi lo của lực lượng an ninh tại bất cứ giải đấu nào mà họ tham dự. Nghĩa là Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và chính phủ Anh đang sử dụng những biện pháp rất mạnh để kiềm chế và loại bỏ các nhóm đối tượng có nguy cơ gây bạo động cao.

Để thấy rõ hơn thì trước trận Anh gặp Đức ở Euro 2000, David Davies, giám đốc điều hành FA, có nói rằng "Chúng tôi có thể bị loại khỏi giải và không có chỗ đứng tại châu Âu. Tôi nhớ rất rõ ông Gerhard Aigner, lúc đó là tổng thư kí UEFA, có chỉ tôi và nói rằng, ‘Các ông sẽ làm gì với những hooligan người Anh của các ông?’"

16 năm qua, bằng những biện pháp mạnh, trong đó có việc chính phủ Anh cho phép cấm CĐV ra nước ngoài cổ vũ, người Anh đã dần khôi phục lại hình ảnh bóng đá của mình. Vì thế, khi câu hỏi tại sao CĐV Anh lại trở nên hung bao như vậy đặt ra, người ta đã đưa ra một số giả thuyết để trả lời vấn đề này.

Euro 2016 và bóng ma hooligan đang trở lại - Ảnh 3.

Thứ nhất, Euro 2016 là giải đấu mà đội tuyển Anh được kì vọng sẽ tiến xa và việc CĐV phản ứng thái quá, dẫn đến những cuộc đối đầu với CĐV Pháp và cảnh sát Pháp, có thể được giải thích là vì họ quá phấn khích và lạc quan.

Thứ hai, 18 năm sau những trận chiến ở Marseille, họ muốn quay lại để phục thù và để nhắc nhở tất cả rằng, chủ nghĩa hooligan không biến mất hoàn toàn.

Thứ ba, sự xuất hiện của những hooligan hung bạo từ Nga và nhằm vào CĐV Anh giống như một cuộc chiến để khẳng định ai mới thực sự xứng đáng là nỗi khiếp sợ tại châu Âu. Có thể bọn họ muốn gửi đi một thông điệp cho World Cup 2018 sắp diễn ra ở Nga nhưng lực lượng Ultras này đã được cảnh báo từ trước. Chúng là liên minh từ các nhóm CĐV của Spartak Moscow và CSKA Moscow, được những lực lượng quân sự cánh hữu ủng hộ. Không chỉ tại Pháp, những ultras này sẵn sàng tấn công cảnh sát và các nhóm CĐV khác.

Euro 2016 và bóng ma hooligan đang trở lại - Ảnh 4.

Bên cạnh đó, với tư tưởng phân biệt chủng tộc, những ultras của Nga đều nhằm vào các CĐV da màu hoặc châu Á.

Rốt cuộc, trong khi Pháp đã tăng cường lực lượng an ninh để phòng chống các âm mưu tấn công khủng bố, giờ họ sẽ phải dẹp yên chủ nghĩa hooligan bỗng dưng xuất hiện trở lại. Và không chỉ trận Anh - Nga, những trận Thổ Nhĩ Kỳ - Croatia, Đức - Ba Lan, Ukraine - Ba Lan đã được dự báo là ngòi nổ cho các cuộc xung đột sắp tới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày