Những quả "bóng rêu" Marimo - linh vật của người Nhật có một vũ điệu rất đặc biệt mà đến giờ khoa học mới hiểu tại sao

J.D, Theo Helino 12:42 27/08/2018

Marimo - những quả bóng rêu của người Nhật Bản có một vũ điệu hết sức đặc biệt: sáng nổi, chiều lặn. Và hóa ra, bí mật của nó thâm sâu hơn chúng ta tưởng.

Nhắc đến Nhật Bản, chúng ta nghĩ đến hoa anh đào (sakura), đến núi Phú Sĩ, đến những cây cầu đỏ thắm và những còn tàu chật ních người. Nhưng kỳ thực, Nhật Bản vẫn còn rất nhiều biểu tượng kỳ lạ khác, và một trong số đó là marimo - những quả "bóng rêu".

Có lẽ bạn cũng từng nhìn thấy nó rồi. Đây là loài sinh vật có dạng như những quả bóng rêu - tròn, mịn màng, xinh xắn đến kỳ lạ. Nhưng dù gọi là bóng rêu, thực chất đây là Aegagropila linnaei - một loại tảo xanh thân mềm. Và người Nhật thì yêu thích chúng đến mức có hẳn 3 ngày lễ trong năm dành riêng cho tảo marimo.

Những quả bóng rêu Marimo - linh vật của người Nhật có một vũ điệu rất đặc biệt mà đến giờ khoa học mới hiểu tại sao - Ảnh 1.

Giống bao loại tảo khác, A. linnaei xuất hiện ở mọi kẽ đá ẩm ướt. Nhưng tại một số hồ nước thuộc Nhật Bản và Iceland, chúng là những linh vật cần được bảo tồn. Lý do là vì tác động của nước đã giúp chúng trở thành những quả bóng rêu marimo độc nhất vô nhị.

Điểm đặc biệt nhất - và cũng bí ẩn nhất của marimo đến từ cái gọi là "vũ điệu của tảo". Mỗi sáng, chúng nổi lên trên mặt nước, và khi Mặt trời lặn thì chìm xuống đáy. Và bí ẩn là vì chẳng ai biết tại sao chúng làm được như vậy cả. 

Cơ chế lặn - nổi của marimo đã khiến giới khoa học tranh cãi từ rất lâu. Nổi bật nhất là ý kiến của các chuyên gia đến từ ĐH Bristol. Họ cho rằng nó có liên quan đến quá trình quang hợp, rằng khi Mặt trời chiếu vào, bọt khí oxy tạo ra sẽ bị giữ lại bên trong "quả bóng". Chúng tạo thành một cái phao, giúp tảo nổi lên mặt nước.

Những quả bóng rêu Marimo - linh vật của người Nhật có một vũ điệu rất đặc biệt mà đến giờ khoa học mới hiểu tại sao - Ảnh 2.

Bọt khí tạo ra giúp marimo nổi lên

Và để kiểm tra giả thuyết ấy, họ đã thử nuôi một ít marimo trong phòng thí nghiệm. Các chuyên gia chia chúng thành 2 nhóm, trong đó có một nhóm được phủ lớp hóa chất ngăn quá trình quang hợp. 

Đúng như mong đợi, nhóm này không tạo ra được bóng khí, và chịu cảnh nằm im lìm dưới hồ, trong khi nhóm còn lại nổi như bình thường.

Nhưng không chỉ có vậy đâu

Hóa ra, chỗ bong bóng khí ấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, là một yếu tố nhỏ bé cho một cơ chế thông minh hơn. Bởi vì qua các khám nghiệm, hóa ra tảo marimo còn có cái gọi là "nhịp sinh học".

Những quả bóng rêu Marimo - linh vật của người Nhật có một vũ điệu rất đặc biệt mà đến giờ khoa học mới hiểu tại sao - Ảnh 3.

Cụ thể thì sau thí nghiệm "bong bóng", các chuyên gia đã để nhóm tảo có khả năng quang hợp vài ngày dưới ánh sáng đỏ.

Và sau đó thì một kết quả khác đã xuất hiện. Khi các chuyên gia chiếu sáng vào những khoảng thời gian khác nhau, họ nhận thấy marimo sẽ nổi nhanh hơn nếu ánh sáng được chiếu cùng lúc với thời gian Mặt trời mọc, và ngược lại.

Điều này chứng tỏ rằng cơ chế lặn-nổi của marimo được kiểm soát bởi 2 yếu tố: khả năng quang hợp và nhịp sinh học. Theo các chuyên gia phát hiện này có thể hỗ trợ rất tốt trong công cuộc bảo tồn marimo.

Những quả bóng rêu Marimo - linh vật của người Nhật có một vũ điệu rất đặc biệt mà đến giờ khoa học mới hiểu tại sao - Ảnh 4.

Bóng rêu marimo tại hồ Akan (Nhật Bản)

"Marimo đang gặp nguy hiểm. Chúng giờ chỉ tồn tại ở phân nửa số hồ so với trước kia" - trích lời Dora Cano-Ramirez, tác giả nghiên cứu từ ĐH Bristol.

"Nguyên nhân có thể là vì ánh sáng đang ngày càng yếu đi vì tác động của ô nhiễm không khí. Bằng cách hiểu được phản ứng của marimo với tác động từ môi trường, chúng tôi tin rằng việc bảo tồn và nhân giống marimo ở các quốc gia khác sẽ sớm thành hiện thực."

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.

Nguồn: Science Alert