Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: "Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE"

Minh Khôi | Ảnh: Lương Khải, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 11/05/2021

Khán giả đại chúng có lẽ rất ít biết đến cô nhưng với "người trong nghề", cô là một cái tên được biết đến rộng rãi với tư cách một giảng viên thanh nhạc "mát tay".

Chúng tôi gặp cô Nguyễn Hoàng Mỹ Ngọc vào một buổi tối, tại chính căn phòng ấm cúng nơi cô giảng dạy rất nhiều những nghệ sĩ trẻ hàng đầu Vpop như Hoàng Thuỳ Linh, Tóc Tiên, Erik, AMEE, Quân A.P, Lena, Hoàng Yến Chibi, nhóm MONSTAR, Cara, JSol, Hứa Kim Tuyền,... Gần như hỏi 10 nghệ sĩ trẻ đình đám hiện tại của Vpop, hết 4-5 người đã hoặc đang theo học thanh nhạc nơi cô, từ những nghệ sĩ đã có chỗ đứng vững vàng trong lòng công chúng cho đến những nghệ sĩ trẻ đang lên. Khán giả đại chúng có lẽ rất ít biết đến cô Ngọc nhưng với "người trong nghề", cô là một cái tên được biết đến rộng rãi với tư cách một giảng viên thanh nhạc "mát tay".

Không phải tất cả học trò của cô đều sở hữu một giọng hát "khủng" mà ngược lại, một số người còn từng đối diện với những bình luận tiêu cực của cộng đồng mạng về giọng hát. Trước những luồng ý kiến trái chiều, cô Ngọc đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm của học trò tuy nhiên vẫn giữ vững quan điểm: Một giọng hát hay là chưa đủ với một nghệ sĩ trong thời điểm hiện tại, một giọng hát "chuẩn chỉnh" về kĩ thuật nhưng không có màu sắc riêng mới chính là điều gây cản trở con đường phát triển của họ.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 1.

Ý kiến của cô có thể gây ra những luồng tranh cãi với những người theo trường phái "tôn sùng" một giọng hát hay và chuẩn mực, song đã được đúc kết từ chính quá trình giảng dạy rất nhiều nghệ sĩ trẻ thành công, phản ánh rõ nét xu hướng phát triển của Vpop trong thời điểm hiện tại.

- NGÀY NAY NGƯỜI NGHỆ SĨ CẦN NHIỀU HƠN NGÀY XƯA -

Được biết cô Mỹ Ngọc là giảng viên thanh nhạc của rất nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng của Vpop hiện tại, từ đâu cô bén duyên với một công việc mang tính đặc thù đến vậy?

Sau khi tốt nghiệp tại Nhạc viện, tôi không bắt đầu giảng dạy ngay như các bạn đồng nghiệp mà bén duyên với công việc sản xuất tại phòng thu: Từ thu âm, mix/ master, sáng tác. Sau đó, tôi đã có quãng thời gian 3 năm cộng tác tại Soul Academy của Nhạc sĩ Thanh Bùi với nhiều vai trò đa dạng: Giảng viên Thanh nhạc, Quản lý Phòng thu, Vocal Producer, kiểm tra các bản mix/ master và cả các công việc liên quan đến kĩ thuật phòng thu. Bên cạnh đó, ngay từ năm 2 ở Nhạc viện, tôi cũng đã xây dựng cho mình một phòng thu riêng. Tính ra, tôi đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phòng thu, sản xuất âm nhạc.

Chính nhờ kinh nghiệm làm việc trong môi trường sản xuất âm nhạc, tôi có thể giúp cho các bạn trẻ đem thanh nhạc vào trong âm nhạc ứng dụng khiến nó trở nên gần gũi với mọi người, không quá xa cách với các thể loại âm nhạc mới, có phần khác biệt so với âm nhạc hàn lâm. Tất nhiên, tôi vẫn phải dạy các bạn học trò của mình dựa trên những điều cơ bản của âm nhạc hàn lâm vì rõ ràng có những thứ thuộc về nền tảng không thể làm khác được.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 2.

Ngày xưa, chỉ cần đứng trên sân khấu và hát thật hay còn ngày nay, người nghệ sĩ yêu cầu nhiều hơn thế. Giờ đây, bạn phải có ngoại hình đẹp, vừa phải nhảy đẹp, biết chơi nhạc cụ, có khả năng sáng tác, vừa trả lời phỏng vấn tốt, giao tiếp giỏi với khán giả và có tư duy âm nhạc mới mẻ, sáng tạo... Âm nhạc hiện tại có nhiều tiêu chuẩn mới so với thời của các cô chú, anh chị, vì thế tôi nghĩ chỉ dạy thanh nhạc thôi là không đủ. Thanh nhạc mà tôi đang giảng dạy cho các nghệ sĩ trẻ không chỉ có luyện thanh mà trước hết, tôi phải làm việc kĩ càng với nghệ sĩ hoặc công ty đào tạo để biết được con đường mà họ muốn xây dựng là gì, dòng nhạc theo đuổi là gì, hình ảnh hướng đến ra sao,...

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 3.

Sau khi biết rõ được đường hướng của một nghệ sĩ, tôi mới ngồi lại và đề ra kĩ thuật thanh nhạc nào sẽ phù hợp với bạn này. Nếu bạn này đánh vào giọng hát, chú trọng kĩ thuật và hơi “hàn lâm” một tí sẽ có một giáo án khác, đặt giọng hát làm yếu tố trọng tâm và tiên quyết. Nếu là một “nàng thơ” nhẹ nhàng trong trẻo thì kĩ thuật bỏ vào phải vừa đủ để giữ được màu sắc của bạn ấy. Nếu bạn chọn thể loại âm nhạc phóng khoáng, cá tính, hiện đại thì giọng hát cất lên đâu thể theo trường phái “thính phòng” được,...

Tôi cũng ngồi lại với nghệ sĩ và các công ty để thiết kế chặng đường của một nghệ sĩ mới. Ví dụ có người đặt ra kế hoạch 5 năm, trong 5 năm đó nghệ sĩ sẽ trải qua bao nhiêu hình ảnh trong âm nhạc và tôi cũng sẽ dựa vào từng hình ảnh để có thể vạch ra một giáo trình đào tạo thích hợp, về phong cách, giọng hát, kỹ năng biểu diễn…

Những lứa học trò đầu tiên của cô giờ ra sao? Cô có khắt khe trong việc tuyển chọn ở khâu “đầu vào”?

Thú thật ban đầu tôi không hề thích việc giảng dạy vì lúc ấy còn trẻ, không nghĩ sẽ phù hợp với cá tính của mình. Nhưng vào thời điểm ấy có những bạn nhỏ dự thi The Voice Kids năm 2016 có đến làm việc với tôi. Phụ huynh thấy tôi làm việc với các bạn hợp quá nên nhờ tôi giúp luôn trên hành trình dự thi của các bạn, có thể kể đến Á quân The Voice Kids Thuỵ Bình, Công Quốc,... đó là lúc tôi chính thức bén duyên với nghề dạy thanh nhạc.

Sau đó, những nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi làm việc có Hoàng Thuỳ Linh và Hứa Kim Tuyền. Đó là giai đoạn Hoàng Thuỳ Linh đang làm một album với anh Thanh Bùi nhưng vì nhiều lí do nên duyên chưa tới, sản phẩm ấy vẫn chưa thể giới thiệu đến công chúng.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 4.

Có nghệ sĩ khi tôi tiếp nhận thì phải debut sau 6 tháng đến 1 năm đào tạo, họ không thể đi một con đường như sinh viên Nhạc viện tu nghiệp ròng rã 4 năm, 6 năm, 9 năm được. Chính vì thế, khi họ tìm đến tôi, họ phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu. Có lúc tôi cũng họp bàn với phía công ty để điều chỉnh thời gian debut cho phù hợp hơn. Tôi tự nhận mình rất khắt khe khi nhận học trò khiến nhiều người trong nghề còn nhận xét tôi quá khó khăn.

Tôi nhận học trò dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất nằm ở tư duy âm nhạc có phù hợp với tôi hay không. Thứ hai nằm ở giọng hát, tôi phải cảm thấy phát triển được, cũng như bản thân tôi có thể làm được điều gì đó cho bạn ấy. Và cuối cùng nằm ở yếu tố con người xem tính cách, lối cư xử của bạn ấy có phù hợp với mình hay không. Điều này tưởng chừng không hợp lý nhưng yếu tố “con người” rất quan trọng với con đường làm nghề sau này. Nhiều trường hợp tìm đến tôi buộc phải từ chối vì chẳng biết phải làm gì để bạn này phát triển hơn nữa. Có thể do chúng tôi chưa phù hợp lắm với nhau.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 5.

Dạy cho nghệ sĩ thì khó nhất vẫn là sắp xếp được thời gian để các bạn có thể tham dự lớp học, khác hẳn với các bạn chưa vào nghề khi đi học. Cô trò đều bận rộn và các bạn đều nổi tiếng, có lịch trình hay thay đổi mỗi ngày nên không sắp xếp cố định được. Các bạn còn trẻ, thậm chí về cả tâm sinh lý đôi lúc vẫn chưa hoàn thiện nhưng phải đối diện với một lịch trình cực kì áp lực, ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ. Bên cạnh đó tất nhiên là áp lực từ nghề nghiệp, từ dư luận, từ khán giả,... đổ dồn lên các bạn trẻ mới 17, 18 tuổi thôi.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 6.

- GIỌNG CỦA ERIK BỊ TỔN THƯƠNG TRẦM TRỌNG. TÔI RẤT NGHIÊM KHẮC KHI AMEE DIỄN CHƯA TỐT -

Dạy các bạn nghệ sĩ trẻ khác với việc dạy các học trò bình thường như thế nào?

Lớp của tôi thú thật là “điên khùng” lắm, vừa khắt khe lại vừa hài hước, vì phải phù hợp với các bạn nghệ sĩ có cá tính lẫn tư duy khác biệt. Các lớp học của tôi không đơn thuần chỉ là luyện thanh khô cứng mà còn lồng ghép qua nhiều trò chơi và các hoạt động nhằm tạo cảm hứng, khai thác màu sắc âm nhạc riêng của mỗi nghệ sĩ.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 7.

Kinh nghiệm phòng thu hơn 10 năm của tôi đủ giúp tôi hiểu rõ các bạn cần những gì với dòng nhạc theo đuổi, thị hiếu của khán giả đang ra sao, phải làm gì để vừa học vừa ứng dụng được khi trình diễn và thu âm thực tiễn chứ không để xuất hiện cảnh học một đằng nhưng khi hát “thực chiến” lại một nẻo.

Tôi cũng phải làm sao để các bạn nhận ra điểm chưa hay mà không làm các bạn bị tổn thương vì các bạn nghệ sĩ tất nhiên ai cũng có "cái tôi". Đặc biệt, phải dạy làm sao để các bạn vừa vững vàng về mặt kĩ thuật, vừa giữ được chất riêng biệt trong phong cách, nghĩa là phải cân bằng giữa nhiều yếu tố.

Tôi luôn nhắn nhủ các học trò, mỗi sáng thức dậy biết mình cần phải hoàn thiện điều gì để chạm đến trái tim của khán giả thì đó là điều hạnh phúc. Việc liên tiếp ra sản phẩm mà bản thân thì thấy “tâm đắc” nhưng mãi vẫn chưa khiến khán giả yêu thích bài hát của mình mới là điều bế tắc. Nên cứ tích cực nhìn nhận và học hỏi tiếp tục thôi.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 8.

Tôi đọc rất nhiều bình luận từ các trang cộng đồng về đánh giá thanh nhạc rộ lên gần đây, tôi không hề cảm thấy tổn thương mà tự thấy càng phải nên tỉnh táo. Tôi khẳng định mình học được rất nhiều những kiến thức và tài liệu hay ho từ các trang thanh nhạc nhưng bên cạnh đó, đó là những trang mà bạn khó có thể biết được ai là người đứng sau, ai là người chịu trách nhiệm với những phát ngôn đó hay có sự kiểm chứng về chuyên môn nào cho những thông tin đăng tải hay không. Thế nên khán giả cũng cần chọn lọc thông tin và kiến thức để học cho đúng.

Những trang tôi nói ở trên có nhiều điều hay nhưng bên cạnh đó là nhiều trường hợp khá “toxic”, mang yếu tố vùi dập thực sự rất nguy hiểm. Bạn mới vào nghề mà đã nghe người ta chê trách: “Thôi bỏ nghề đi, hát làm cái gì” thì bạn sẽ nghĩ gì? Tôi “huấn luyện” các bạn học trò rất kĩ: Hãy nghe, hãy tiếp nhận nhưng nhất định không được mất đi ý chí vì những lời khen - chê.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 9.

Không thể mang những tiêu chuẩn của âm nhạc “hàn lâm” để áp đặt máy móc vào dòng nhạc đại chúng hiện tại được. Nếu thật sự gặp lỗi gây cản trở giọng hát, ảnh hưởng về lâu dài thì rõ ràng là nên sửa, nhưng không có nghĩa bạn phải hướng đến việc sở hữu giọng ca “hoàn hảo ai cũng giống ai”. Ví dụ như một trong những lỗi bị nhắc đến nhiều nhất là việc lạm dụng giọng mũi (nasal voice), thì đúng là điều này nên được điều chỉnh để không gây tổn hại giọng hát về lâu dài.

Và rõ ràng, những học trò nổi tiếng nhất của cô hiện tại như AMEE, Erik, Hoàng Duyên... lại đang gặp áp lực lớn từ dư luận xoay quanh vấn đề giọng hát. Có gì đó bất ổn trong cách các nghệ sĩ trẻ này học thanh nhạc không?

Hoàng Duyên đúng là đang đi trên con đường âm nhạc theo hướng thực lực, sở hữu một màu giọng đẹp nhưng chỉ mới dừng ở mức chúng ta nên khuyến khích, động viên vì em còn phải bước một con đường rất dài và cần cố gắng nhiều.

Nói về Erik, chia sẻ thật lòng thì lối hát sai suốt nhiều năm đã làm ảnh hưởng đến giọng hát bạn ấy rất nhiều. Không chỉ Erik mà nhiều bạn nghệ sĩ trẻ khác vì vẫn còn rất trẻ, bị cuốn vào vòng xoáy hăng say của công việc nên quên mất việc luyện tập. Không thể trách được các bạn khi đặt trường hợp bỏ ra vài tiếng luyện thanh nhạc với tôi, trong thời gian ấy có thể kiếm thêm được bao nhiêu tiền, đến khi nhận ra thì cũng khá trễ rồi. Người trẻ thường nghĩ về cái trước mắt nhiều hơn.

Erik suốt những năm qua bị cậy nhờ vào giọng cổ quá nhiều. Vừa sai kĩ thuật lại vừa phải hát nhiều gây ảnh hưởng lớn đến giọng, đây là một “ca khó” đối với tôi. Khi tôi gặp Erik thì giọng đã tổn thương khá nghiêm trọng: Run bần bật khi hát, bị lạc hết cả giọng,... nhưng đó vẫn chưa phải là lúc tồi tệ nhất đâu. Tôi cảm thấy may mắn khi gặp Erik không quá trễ, chỉ cần chậm thêm một chút nữa thôi thì sẽ rất mệt mỏi. Có quãng thời gian Erik đã ngừng nhận tất cả các show để chữa giọng vì cậu ấy nhất định không đồng ý hát nhép.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 10.

Giờ đây bạn có thể thấy Erik khi hát cũng đã đỡ phần nào rồi. Erik nhận thức rõ vấn đề của mình nên học hành rất chăm chỉ, tiếp thu mọi ý kiến một cách tích cực. Không chỉ “chữa giọng” mà tôi cũng kết hợp các bài thuốc dân gian, kết hợp các bài tập, điều chỉnh lại cách ăn ngủ sinh hoạt, tránh để các bạn lạm dụng thuốc kháng sinh. Tôi từng nghe nói có rất nhiều bạn có vấn đề ở cổ họng thì tiêm trực tiếp thuốc kháng sinh vào cổ họng để kịp ngày mai đi diễn, thực sự khi ấy nhìn các bạn rất tội.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 11.

Về AMEE, nhiều trang đánh giá cho rằng việc “cố tình nũng nịu” của bạn ấy sẽ làm ảnh hưởng đến giọng hát, thậm chí tôi còn bị quy chụp là “gò” giọng AMEE theo hướng ấy. Đây là điều chưa chính xác vì đó chính là cá tính thật ngoài đời của bạn ấy, “bánh bèo” một cách khủng khiếp không hề diễn. Nhưng điều này cũng tạo ra một AMEE rất khác biệt trong âm nhạc.

AMEE quả thật gặp lỗi giọng, nhưng là về những kĩ thuật khác và đó là điều tôi đang làm việc với cô bé rất nhiều. 2 năm sau debut, lịch trình AMEE dày đặc và chúng tôi gần như không gặp mặt nhau để có thể luyện tập, điều này dẫn đến việc giọng hát của AMEE đi xuống rất nhiều so với thời gian đầu. Sức khoẻ AMEE rất yếu, khi diễn cũng kết hợp vũ đạo nếu không có một kĩ thuật chuẩn để làm nền thì bạn ấy sẽ chịu không nổi.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 12.

Tuy nhiên, đã là một nghệ sĩ sẽ không thể lấy lí do sức khoẻ hay thực hiện vũ đạo để bao biện mãi cho giọng hát được. Tóc Tiên là một nghệ sĩ tôi rất thích thú khi giảng dạy, rõ ràng lên sân khấu Tiên vừa hát live vừa nhảy vẫn cực kì nội lực, hát không hề bị lạc nốt. Tôi thấy các bạn trẻ cũng phải nhìn vào những bậc đàn anh, đàn chị để học hỏi: Bắt buộc phải nghiêm túc luyện giọng hơn, bỏ bớt show đi và chăm tập thể dục.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 13.

Tôi rất khắt khe với mỗi lần AMEE đi diễn về không tốt vì chính bạn đã không giữ sức khoẻ thông qua những bài tập luyện. Chính nhờ những lời “chê bai” từ công chúng đã khiến AMEE tự nhận ra mình không thể để chất giọng đi xuống một cách khủng khiếp đến vậy.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 14.

- NHIỀU BẠN SINH VIÊN HỌC NHẠC VIỆN CÓ KĨ THUẬT TỐT NHƯNG RỒI MÀU GIỌNG AI CŨNG GIỐNG AI - 

Cô có cảm thấy một sự bất công khi rất nhiều sinh viên Nhạc viện được đào tạo chính quy nhiều năm lại không thể nổi tiếng bằng nhiều ca sĩ chỉ qua đào tạo trong thời gian ngắn hoặc những trường hợp “tay ngang” rẽ hướng đi hát?

Dư luận đã nhiều lần bức xúc về vấn đề này và đã không ít lần lên án. Nhưng với góc độ cá nhân, tôi thấy chẳng có gì là không công bằng ở đây. Chúng ta đang trong một thế giới phẳng, thời đại ai cũng có cơ hội như nhau. Có nhiều bạn học trò của tôi xuất phát từ giới Underground, không hề nổi tiếng sẵn mà tự tìm kiếm cơ hội mình, điển hình là Lena. Nhiều người đang tự giới hạn bản thân, tự đóng cánh cửa của mình lại khi suy nghĩ: “Tôi không có cơ hội bằng người khác”. Tôi cũng hay thường nghe câu “Cứ có tiền là nổi”, vậy nếu bây giờ bạn có 1 cọc tiền, bạn có chắc biết cách dùng số tiền đó để nổi và thành công được không?

Nổi tiếng ở thời đại này không phải là vấn đề quá khó, ví dụ bạn không mặc áo quần chạy vòng vòng Sài Gòn bạn cũng nổi được. Quan trọng là bạn nổi tiếng vì cái gì và duy trì điều đó được trong bao lâu. Người mẫu lấn sân ca hát ư? Nếu không có sản phẩm tốt thì để xem duy trì được bao lâu?

Vấn đề ở đây không phải việc những bạn học từ Nhạc viện ra có ít cơ hội hơn mà là bạn đã sử dụng những cơ hội của mình như thế nào. Về kiến thức và kĩ thuật thanh nhạc, các bạn có thể làm tốt, nhưng điều chưa tốt nằm ở chỗ ai cũng giống ai, mọi người không biết cách làm cho bản thân trở nên đặc biệt.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 15.

Vấn đề rất lớn của những người “đi học nhiều” là hay phán xét: “Như vậy mới đúng”, “Cái này mới đúng”, “Điều kia là sai”,... dẫn đến sự hạn chế trong sáng tạo và tự hạn chế chính cơ hội của mình khi suy nghĩ như vậy. Dẫn đến những cách hát theo lối mòn, sản phẩm âm nhạc lỗi thời hay quá nhàm chán, không linh hoạt khi làm việc với các producer, nhạc sĩ trong ngành. Giọng hát tiềm năng cần đi với một ekip tốt, một tư duy âm nhạc mới, một hình ảnh phù hợp, khả năng hiểu được công chúng cần gì.

“Ngọc phải mài mới sáng” nhưng trước hết phải là ngọc đã thì mới mài được. Nhiều trường hợp không phải “ngọc” nhưng vẫn “chịu đấm ăn xôi” lấn sân làm ca sĩ và mang mác “thảm hoạ”, cô nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Một số trường hợp đang như vậy thật. Thực ra, các bạn ấy vẫn còn trẻ và có quyền mở rộng con đường nghệ thuật của mình sang những lĩnh vực khác nhau, có thể thử sức, tìm thêm cơ hội hoặc kiếm thêm thu nhập,... đó là quyền tự do, không thể ngăn cấm. Tôi luôn dạy học trò của mình rất kĩ: Bạn có thể chưa hoàn thiện về mặt kĩ năng, kĩ thuật nhưng phải hiểu rằng bạn là một nghệ sĩ. Chữ “nghệ sĩ” rất đáng trân trọng.

Những gì bạn đưa ra thị trường bạn phải tự hiểu nó có trách nhiệm đến rất nhiều người. Những sản phẩm “thảm hoạ” được lan truyền rộng rãi tác động tiêu cực đến cách nhìn nhận của người ngoài về nền nghệ thuật của Việt Nam. Những khán giả nhỏ tuổi lại dễ bị tác động, nghĩ thế là hay, tạo nên những tiền đề rất nguy hiểm. Bạn có thể chưa hay, chưa giỏi nhưng sản phẩm đưa ra thị trường bắt buộc phải chỉn chu, phải có tư duy tiến bộ, phải có thẩm mỹ. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn ấy một điều: Nổi tiếng ai cũng mong muốn cả nhưng hãy có trách nhiệm của một người nghệ sĩ.

Giảng viên thanh nhạc đứng sau loạt tên tuổi Vpop: Giọng Erik bị tổn thương nghiêm trọng, tôi rất khắt khe với AMEE - Ảnh 16.

Những trường hợp “thảm hoạ” này theo cô nghĩ có “cứu vãn” được không, ví dụ đặt vào tay cô thì cô có nhận?

Một thiên tài 1% là năng khiếu, 99% là khổ luyện. Đương nhiên những trường hợp trên sẽ được thôi (cười). Nhưng mà với người có khả năng, họ có thể lên được mức 9, mức 10. Còn các bạn còn hạn chế như chúng ta đã đề cập, theo tôi có thể lên được mức 6, mức 7.

Nhiều học trò của tôi có giọng hát bẩm sinh nói thẳng ra là chưa tốt, nếu một ngày các bạn trên có tìm đến tôi, tôi sẽ xem cách mà bạn làm nghề và muốn được làm nghề như thế nào để quyết định. Nếu bạn “thảm hoạ” mà tư duy âm nhạc cũng “thảm hoạ” nốt thì chắc chắc tôi không cổ suý. Tôi không muốn nhìn trên các BXH âm nhạc xuất hiện những bài hát lời lẽ rất kinh khủng, những trường hợp “chịu đấm ăn xôi” để nổi tiếng, những cá nhân làm việc hời hợt.

Cảm ơn cô vì những chia sẻ này, chúc cô thành công trong sự nghiệp dạy học đặc biệt này!