Giáo viên đang dạy online bỗng nhiên xuất hiện clip nhạy cảm, clip chửi bậy: Học trò đừng vô ý thức nữa, hãy thương lấy thầy cô

Vân Trang - Design: Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 12/04/2020

Hành động của một bộ phận học sinh vô ý thức đã gây ảnh hưởng đến việc học trực tuyến, thậm chí làm ảnh hưởng nặng nề tâm lý của những thành viên trong lớp.

Sau khi có thêm những quyết định mới về việc nghỉ học, nhiều trường đã kịp thời thích nghi với những buổi học online được hỗ trợ qua ứng dụng, điển hình như các phầm mềm như Zoom Cloud Meeting, Microsoft Team... Người ta cũng thấy được học trò sáng tạo như thế nào trong việc học, nhưng đáng buồn thay nhiều trường hợp lại tiếp tay cho kẻ xấu quấy rối khiến cả thầy cô và người trong cuộc phải lên tiếng phẫn nộ.

Học sinh móc nối với kẻ lạ để quậy phá chính thầy cô

Thời gian gần đây, những lớp học online bất ngờ xuất hiện những kẻ lạ mặt xuất hiện gây phá rối tình hình lớp học. Những kẻ này thường chia sẻ những hình ảnh gây khó chịu, sử dụng nền ảo để truyền bá clip nóng, thông tin bậy bạ hay la hét suốt buổi khiến việc học bị gián đoạn.

Chúng xâm nhập nhờ chính hành động tiếp tay trắng trợn của các học sinh. Khi học online, giáo viên sẽ cấp cho mỗi học sinh một mã ID để đăng nhập vào nhóm lớp do chính thầy cô giáo quản. Nhưng nhiều học trò lại chia sẻ mã ID công khai trên mạng xã hội, thậm chí gửi thẳng dưới những video phá lớp để mong các đối tượng xấu vào xử lý hộ mình.

Bức xúc học trò đưa clip tục tĩu vào phá lớp học online

Điều đáng nói, hành động này không chỉ xuất hiện ở 1-2 cá nhân mà đang trở thành trào lưu "phá lớp" rất thịnh hành, thậm chí có cả group hàng nghìn bạn trẻ theo đuổi chuyên share ID lớp học để các kẻ xấu vào tiếp tay. Vậy là chúng càng có cớ lộng quyền khi chính những người trong lớp không biết tôn trọng việc học của chính mình.

Bạn Huyền Trang (sinh viên lớp D1AK6) chia sẻ nỗi ám ảnh bị kẻ xấu nhảy vào phá lớp: "Lớp mình hay bị phá vào sáng thứ 4. ID thì lớp trưởng đăng trong trong group kín nên chỉ có thể là thành viên trong lớp tuôn ra. Chúng bật mic, bật video, gây ồn kiểu quán bar và cô cứ giảng được một lúc thì chúng lại vẽ bậy trên màn hình. Chúng còn sẵn giọng chửi lại thầy cô khi bị giáo viên dọa kick. 

Sau đấy cả lớp mình phải thoát ra, lập mật khẩu mới rồi cả lớp vào lại. Nhưng người trong lớp lại cho chúng vào nên cô mình đành ngồi lọc thủ công, mất gần 1 tiếng mới ổn định việc học. Kỳ lạ là cứ môn này mới có người phá, như thể sinh viên nào ghét môn nên tìm cách chọc tức giáo viên vậy".

Giáo viên đang dạy online bỗng nhiên xuất hiện clip nhạy cảm, clip chửi bậy: Học trò đừng vô ý thức nữa, hãy thương lấy thầy cô - Ảnh 2.

Việc giao bán ID và mã lớp trở nên ngày càng công khai.

Giáo viên đang dạy online bỗng nhiên xuất hiện clip nhạy cảm, clip chửi bậy: Học trò đừng vô ý thức nữa, hãy thương lấy thầy cô - Ảnh 3.

Đối tượng xấu vẽ bậy lên màn hình ngăn học sinh và giáo viên học tập.

Tất cả sinh viên và giáo viên đều bày tỏ sự khó chịu khi phải tiếp đón những kẻ lạ mặt. Không đơn giản chỉ quậy phá bằng việc hét ầm ĩ trong lớp những kẻ này ngày càng lộng hành khi sẵn sàng đôi co chửi thẳng mặt giáo viên, phát clip khiêu dâm hay dọa đánh những ai có ý định kick chúng. Nhiều học trò cung cấp cả thông tin cá nhân của thành viên trong lớp để các tội phạm xấu có thể dùng đe dọa lại. Không chỉ dừng lại ở việc phá lớp mà việc này  thực sự đã thành vấn nạn, đe dọa tinh thần của người học.

Người phải xử lý toàn bộ việc này không ai khác là giáo viên. Do nhiều thầy cô chưa quen với công nghệ nên gặp những trường hợp này thường khó đối phó. Đặc biệt với những giáo viên cao tuổi, không quen dùng máy tính lại càng loay hoay mất hàng tiếng đồng hồ để kick đám người xấu. Thậm chí đã có thầy cô phải bật khóc ngay trên lớp vì bị những kẻ vô ý châm chọc và đùa cợt.

Cô Trần Thị Thùy Linh (giáo viên trường cấp 3 ở TP.HCM) cho biết: "Đồng nghiệp tôi mấy hôm nay đều bị. Không những để tên ID linh tinh, vội đổi khóa phòng nhưng chỉ sợ thiệt thòi các bạn sinh viên mạng yếu thường bị out ra nên đến giờ vẫn phải chấp nhận sống chung với lũ. Trường có cô dạy Văn đã ngoài 54 tuổi, cô mở Zoom đã khó huống chi biết dùng nhiều chế độ. Cô đã phải cố hết sức để học công nghệ nên mong học sinh không học cũng đừng quậy phá người khác".

Việc share ID được chia sẻ công khai và dễ dàng trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, những kẻ quấy rối này đáng trách một thì những học sinh ý thức kém chủ động chia sẻ ID và mật khẩu phòng lại càng đáng trách hơn. Vì chính những học sinh này đã tiếp tay cho kẻ xấu cho cơ hội phá lớp học. Dù vì bất kỳ lý do nào thì hành động gây ảnh hưởng đến người khác là hoàn toàn không thể chấp nhận được!

Một phút lười biếng hay sự đùa cợt thiếu kiểm soát?

Đây không phải là lần đầu tiên học trò tìm cách phá việc học. Mọi việc bắt đầu từ những ảnh chế đùa vui, những cách trốn học hài hước như in ảnh ra rồi dán vào màn hình máy tính. Nhưng mọi việc ngày càng đi quá xa khi học sinh bình luận tục tĩu, body shaming, chê giáo viên dạy kém dưới video học trực tuyến hay đồng loạt rate 1 sao để các ứng dụng học tập bị gỡ bỏ.

Sự phá hoại ngày càng tăng ở các cấp độ chứng tỏ học sinh đã dần đầu tư hơn vào việc chống phá người dạy. Dường như việc dạy online ẩn danh lại càng tiếp tay cho sự lộng quyền của học sinh. Chỉ bằng một cái nick ảo, một lần share ID ra bên ngoài là học trò có thể khiến công sức học của bao người khác đổ bể. Nếu học truyền thống, ai làm gì trên lớp tất cả đều biết thì với học online, ai bán thông tin, ai chia sẻ mật khẩu lại rất khó phát hiện.

Học sinh bình luận tục tĩu, chê bai thầy giáo trên các lớp học truyền hình.

Nhiều bạn trẻ đùa cợt bằng việc dùng những hình ảnh và trích dẫn của các cá nhân có hình ảnh xấu trên mạng xã hội như Huấn Hoa Hồng, Ngô Bá Khá. Đây hầu hết là các đối tượng đều đã bị đi tù hoặc đang trong thời gian cải tạo, cai nghiện. Việc tung hô họ như một hình thức phá lớp lại càng chứng tỏ sự a dua của một lớp người học, ảnh hưởng tư duy và có thể khiến nhiều người đổ xô suy nghĩ theo chiều hướng xấu.

Việc đùa có thể khiến bạn vui nhưng khi để lợi ích cá nhân chà đạp lên người khác thì việc đó lại chẳng hề vui vẻ chút nào. Vân Hải (sinh viên năm 2) chia sẻ: "Không hiểu ai ghét nhau mà đã cho người lạ thông tin của một nữ sinh trong lớp rồi trà trộn tung clip khiêu dâm khi bạn nữ không online học. Không ít người đã buông lời gièm pha, giễu cợt cho đến khi bạn đó phải nhiều lần lên tiếng đính chính".

Hãy thương lấy thầy cô, những người đã quá vất vả với việc dạy online

Khi bước vào một kiểu học online mới, người vất vả nhất nhất định chính là các giáo viên. Lần đầu, các thầy cô phải tự tìm hiểu và mày mò về các phần mềm công nghệ mới như Google Meet, Zoom, Microsoft Team, LMS,...để xây dựng một lớp học trực tuyến, cách tạo video meeting, cách cài đặt, hiệu chỉnh các lựa chọn trên phần mềm khi giảng bài, ghi hình lại bài giảng...

Họ cũng phải thay đổi tư duy giảng dạy, tự lên kịch bản sư phạm phù hợp với đặc thù môn. Thế hệ giáo viên bao năm vốn quen với bảng đen phấn trắng thì giờ đây đứng trước những điều toàn gắn với công nghệ bối rối là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, nếu những thầy cô giáo trẻ có thể dễ dàng tiếp cận thì những nhà giáo lâu năm rất khó học những nút kiến thức kỹ thuật mới. Khi đứng trước những lời giễu cợt về việc dạy, không ít người đã phải xoay xở rất lâu và thậm chí phải bật khóc.

Giáo viên đang dạy online bỗng nhiên xuất hiện clip nhạy cảm, clip chửi bậy: Học trò đừng vô ý thức nữa, hãy thương lấy thầy cô - Ảnh 6.

Nhiều thầy cô đã phải cố gắng thay đổi rất nhiều để tiếp cận với kiểu học mới.

Cuối cùng, dù cho bất kỳ phương án giải quyết răn đe nào thì điều quan trọng nhất vẫn phải đến từ sự tự ý thức của chính người học. Biện pháp phạt chỉ là nhất thời, không thể cải thiện việc phá lớp nếu vẫn nhiều học trò mang tư tưởng như vậy. Bằng chứng là khi Đài truyền hình tuyên bố sẽ truy tìm những người bình luận tục tĩu dưới video truyền hình thì học trò lại chuyển hướng sang các hình thức phá hoại học khác.

Sự cố gắng của tập thể có thể bị đổ bể bởi hành động của một cá nhân. Bởi các kỳ thi vẫn phải diễn ra, nhiều người vẫn phải duy trì việc học cho tương lai của mình. Vậy nên hãy học cách thích nghi, hồi đáp thay vì phản ứng theo cảm xúc cá nhân. Nếu có vấn đề gì với việc học hãy thẳng thắn chia sẻ với thầy cô, đề cập giải pháp thay vì ích kỷ làm theo ý mình.