Giới trẻ Việt tự tin trình diễn “vũ trụ ảo” tại MWC 2023

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 16/03/2023

Lần đầu bước chân ra nước ngoài, chàng kỹ sư 24 tuổi của Viettel tự tin thuyết trình công nghệ Digital Twin ngay tại hội nghị công nghệ lớn bậc nhất hành tinh.

Tháng 5/2022, Trần Huy Hoàng gia nhập team phát triển sản phẩm Viettel Social Digital Twin (VSDT) khi còn là sinh viên. Thử thách "đầu đời" với công nghệ tái tạo bản sao số phức tạp hàng đầu thế giới, Hoàng được anh chị em Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) vừa cổ vũ, vừa hướng dẫn nhiệt tình.

Mỗi ngày, Hoàng chỉ dành 3-4 tiếng để ngủ, thời gian còn lại dành cho đam mê. Sau 9 tháng, chàng kỹ sư phần mềm sinh năm 1999 nhanh chóng được tin tưởng đại diện cho Viettel giới thiệu sản phẩm này tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023.

"Đây là lần đầu tiên ra nước ngoài, nên em rất hồi hộp, lo lắng nhiều thứ", Hoàng chia sẻ khi bắt đầu hành trình đưa "con cưng" của Viettel đến Tây Ban Nha trình diễn.

Giới trẻ Việt tự tin trình diễn “vũ trụ ảo” tại MWC 2023 - Ảnh 1.

Trần Huy Hoàng (bên trái) tại MWC 2023

Tự tin về công nghệ

VSDT là 1 trong 6 sản phẩm Viettel mang đến trình diễn tại MWC 2023. Công nghệ bản sao số (Digital Twin) tạo ra một "bản sao" đối tượng trên không gian số. Dữ liệu từ thế giới thực sẽ được cập nhật vào thế giới ảo, đồng thời có thể mô phỏng những tình huống giả lập để phục vụ việc dự báo và lên kế hoạch xử lý. Ở đó, con người có thể tương tác, làm việc, học tập, giao thương giống như cuộc sống bình thường.

"Trước khi đi, em cũng không biết tiếng Anh của mình có đủ tốt để giao tiếp, hay các câu hỏi của khách hàng sẽ là như thế nào. Em tự chuẩn bị rất nhiều câu hỏi và luyện trước cách trả lời", chàng kỹ sư GenZ chia sẻ. "Có nhiều câu hỏi em cũng đã nghĩ đến, và may mắn khi giải thích được cho khách hàng hiểu, thích sản phẩm của Viettel".

Hoàng tự hào vì VSDT chứa đựng hàm lượng công nghệ cao, tích hợp nhiều thứ IoT, Big Data, AI, GIS, Simulation… Toàn bộ sản phẩm được phát triển bởi anh chị em kỹ sư công nghệ rất trẻ của Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC).

Thành phố ảo được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, hướng tới quảng bá du lịch. Dữ liệu từ thực tế của mỗi công trình, mỗi căn nhà, tình hình thời tiết... được cập nhật từ vệ tinh đến VSDT hàng ngày. Từ đó, những vị khách du lịch có thể trải nghiệm chi tiết từng góc phố, từng con đường của một thành phố nào đó, trong điều kiện thời tiết ở một ngày cụ thể.

Trực tiếp trải nghiệm những giải pháp Digital Twin từ các hãng công nghệ lớn như Vodafone, Microsoft, Orange tại MWC 2023, Hoàng khẳng định thành phố ảo của Viettel hoàn toàn có thể "so găng" các sản phẩm quốc tế. Thực tế, quá trình phát triển của VSDT luôn có sự song hành của các đối tác quốc tế trong việc liên kết công nghệ, hoàn thiện sản phẩm.

Giới trẻ Việt tự tin trình diễn “vũ trụ ảo” tại MWC 2023 - Ảnh 2.

Tuy nhiên, với tầm nhìn phổ cập công nghệ đến với tất cả mọi người, sản phẩm "vũ trụ ảo" của Viettel có khác biệt thú vị. Phần lớn các hãng công nghệ thế giới đang ứng dụng Digital Twin cho việc tái lập các thành phần, thiết bị trong không gian nhỏ. Các bản sao số đó kết hợp công nghệ thực tại ảo (AR/VR) mô phỏng hoạt động phục vụ đào tạo, y tế, thiết kế sản phẩm. Rất hiếm giải pháp như VSDT mô phỏng quy mô cả một thành phố, vùng dân cư phục vụ quy hoạch, quản lý, du lịch.

Chia sẻ tầm nhìn

Trong lần đầu đến với MWC, Hoàng thú nhận có chút bất ngờ bởi quy mô của triển lãm. Hơn 2.000 hãng công nghệ trên toàn cầu tập trung trình diễn những công nghệ mới nhất, tốt nhất của mình để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. "Có giải pháp hoành tráng như điều hành nhà máy thông minh bằng 5G, nhưng cũng có giải pháp thú vị từ những startup nhỏ như nhận diện chó - mèo", Hoàng nói.

Cách tiếp cận khác biệt của Viettel cũng tạo nên sự độc đáo của VSDT. Công nghệ xuất phát từ sự đồng cảm, quan tâm, mong muốn mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người, một thế giới tốt đẹp hơn trong tương lai. Đó cũng là thông điệp "Công nghệ từ trái tim - Technology with Heart" của người Viettel đưa đến với Hội nghị Di động thế giới.

Theo Hoàng, sản phẩm của Viettel cần 3-4 năm nữa để hoàn thiện, ánh xạ vào thế giới ảo cũng như phân tích xử lý dữ liệu. Hiện tại, VSDT mới là một nền tảng để lưu trữ dữ liệu xây dựng thành phố ảo. Nhưng khi tham dự MWC, đội ngũ Viettel rất tự hào khi chứng minh được rằng: doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hoàn toàn làm được những điều mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang làm - chàng kỹ sư sinh năm 1999 chia sẻ.

"Trong 10 năm tới, tầm nhìn của VSDT là sẽ trở thành một bản sao số thực sự, giúp người dùng có thể thực hiện mọi thứ trên đó: từ thủ tục hành chính cho đến mua bán, và với định dạng 3D chứ không phải 2D. Khối lượng công việc khá lớn, nhưng em nghĩ xứng đáng để chinh phục", Hoàng hào hứng nói.

Chàng kỹ sư GenZ cảm thấy vui bởi muốn thể hiện bản thân cần có khát vọng và cơ hội. Ở Viettel có cả 2 điều đó. Bên cạnh cơ hội trong núi việc "khó không tưởng", còn có cả những người dẫn đường, đồng nghiệp đủ tài năng đồng hành. Và công việc của GenZ là "cháy" hết mình.