GV Toán trường Lương Thế Vinh: “Giao 50 bài tập Toán về nhà thì chỉ có là câu hỏi trắc nghiệm thôi!”

Lê Ái, Theo Trí Thức Trẻ 00:59 27/09/2017

Thầy T. cho rằng các học sinh vào trường Lương Thế Vinh đã có sẵn ý thức học tập, nhưng vẫn còn nhiều em phải ép mới chịu làm bài tập. Nếu thầy cô thực sự quan tâm đến học sinh, sẽ tìm cách để học sinh phải làm bài về nhà, kể cả là áp dụng hình phạt.

Vụ việc trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) bị phụ huynh tố hà khắc với học sinh vẫn đang là đề tài nóng, thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên MXH. Dù những người có liên quan trực tiếp đến câu chuyện đã lên tiếng, song những chi tiết mà vị phụ huynh nêu ra trong tâm thư "Chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt" vẫn khiến người đọc không khỏi băn khoăn, đặt nhiều câu hỏi.

Liệu có giáo viên nào ra 50 bài tập về nhà bắt học sinh phải làm hết nếu không muốn viết bảng kiểm điểm? Tại sao mỗi năm số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH Sư phạm nhiều như thế mà nhà trường lại chỉ có 40% giáo viên tại chỗ, còn lại phải mời giáo viên ở các trường khác về dạy? Những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy tại trường Lương Thế Vinh - họ nghĩ gì trước những lời bàn tán đang hướng về môi trường sư phạm của mình?

GV Toán trường Lương Thế Vinh: “Giao 50 bài tập Toán về nhà thì chỉ có là câu hỏi trắc nghiệm thôi!” - Ảnh 1.

Trường THPT Lương Thế Vinh.

Để trả lời cho những thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy L.T (sinh năm 1981). Thầy T. đã có 14 năm theo nghề Sư phạm và 12 năm giảng dạy môn Toán tại trường Lương Thế Vinh.

Chào thầy, trước những sự việc vừa qua tại trường Lương Thế Vinh, trong vị trí của một người đã công tác tại đây lâu năm, thầy có suy nghĩ gì khi nhiều phụ huynh và học sinh lên tiếng cho rằng trường quá hà khắc?

Tôi không bảo vệ cái sai, cái gì đúng tôi bảo vệ. Sự thật là kỷ luật trường tôi tương đối nghiêm khắc, nhưng không phải hà khắc. Những yêu cầu đặt ra cho các con mục đích là tạo cho các con một môi trường sạch. Học sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy đó.

Tôi có thể ví dụ như đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, không nhuộm tóc đến trường, không nói tục chửi bậy, đi học phải đúng giờ, đúng đồng phục nhà trường quy định, không hút thuốc, không nghỉ học không lí do. Học sinh đi học là phải hoàn thành đầy đủ bài tập.

Thưa thầy, có nguồn tin cho biết thầy chính là giáo viên ra 50 bài tập Toán về nhà cho học sinh sau giờ học, việc này có đúng không?

Tôi là giáo viên dạy bộ môn Hình học. Tôi chưa bao giờ giao quá nhiều bài cho học sinh như vậy. Tôi có thể giao 10 bài nhưng yêu cầu học sinh làm trong một tuần. Vì một tuần có 2 tiết hình. Phải đúng một tuần sau các em mới có tiết tiếp theo.

Một tuần các con không làm hết thì tôi có nhắc nhở và báo giáo viên chủ nhiệm về ý thức học bài của các con, để giáo viên chủ nhiệm và gia đình kết hợp đôn đốc con học bài. Tuổi học trò bây giờ ý thức tự học và tự tìm hiểu cao chứ không còn như thời trước. Tuy nhiên, ngoài một số con thật sự có ý thức học tập, thì đa phần đều phải ép các con mới chịu làm. Nên nếu thầy cô thực sự quan tâm đến học sinh, thầy cô sẽ tìm cách để học sinh phải làm bài về nhà.

Chuyện ra 50 bài tập Toán về nhà là có nhưng đó là 50 câu trắc nghiệm, còn tự luận thì không!

GV Toán trường Lương Thế Vinh: “Giao 50 bài tập Toán về nhà thì chỉ có là câu hỏi trắc nghiệm thôi!” - Ảnh 2.

Thầy L.T nghĩ chuyện ra 50 bài tập Toán về nhà là có nhưng chắc chắn đó phải là câu trắc nghiệm.

Vậy chuyện chép phạt có thường xuyên diễn ra? Thầy có bao giờ phạt những học sinh cá biệt chưa?

Ngày trước tôi cũng có vài lần yêu cầu học sinh chép phạt, nhưng dần dần tôi thấy không hợp lý lắm nên cũng không yêu cầu chép phạt nữa. Học sinh cá biệt tôi có xử lý, nhưng theo cách riêng của mình. Đó là mình tâm sự và trở thành bạn của học sinh, để cho học sinh ấy thể hiện cái tôi của mình. Tôi sẽ phân tích và góp ý chứ không áp đặt kỷ luật lên học sinh ý, rồi lâu dần sẽ uốn học sinh theo nếp của mình.

Vì sao nhà trường lại thiếu giáo viên trong khi hàng năm có rất nhiều sinh viên Sư phạm tốt nghiệp chưa tìm được việc làm?

Vấn đề ra trường nhiều nhưng thất nghiệp nhiều là do đào tạo. Trường tôi có rất nhiều giáo viên trẻ mới tốt nghiệp, nhưng đó đều là các giáo viên phải đáp ứng được chuyên môn của nhà trường. Nhiều em khác đến phỏng vấn nhưng không qua được kì kiểm tra nên nhà trường không nhận.

Trường tôi chưa bao giờ là không đủ giáo viên, chỉ có không nhận thêm thôi, chứ giờ nếu tính số tiết giống bên công lập thì trường tôi thừa giáo viên nhiều lắm.

GV Toán trường Lương Thế Vinh: “Giao 50 bài tập Toán về nhà thì chỉ có là câu hỏi trắc nghiệm thôi!” - Ảnh 3.

Làm nghề giáo nhiều năm tâm huyết với học trò, thầy cô nào cũng sợ gặp phải những phụ huynh quá sức nhạy cảm.

Qua sự việc lần này, thầy có lo ngại một ngày nào đó bỗng dưng cách dạy học của mình bị phụ huynh lên tiếng phản đối?

Nhiều phụ huynh bây giờ quá nhạy cảm! Thực ra giáo viên cũng có người tốt, người chưa tốt. Nhưng đa phần đều muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học sinh của mình.

Còn cách xử lý các vấn đề của học sinh là việc mà giáo viên và gia đình phải tương tác với nhau, khi sự việc bế tắc hay đi quá xa thì mới đưa lên Ban giám hiệu. Tôi theo nghề giáo cũng được 14 năm rồi, cũng tiếp xúc với nhiều phụ huynh, nhưng chưa gặp phụ huynh nhạy cảm như thế.

Là một giáo viên trong trường, thầy nghĩ gì về cách xử lý vấn đề của cô giáo chủ nhiệm trong câu chuyện này?

Tôi có dạy lớp 10A1.1 nên tôi hiểu cách xử lý của cô, cũng như ủng hộ cách làm này. Cũng phải nhìn nhận là tại sao các lớp khác lại rất yêu quý cô, còn lớp 10A1.1 chỉ có một số ít học sinh là không ủng hộ cách làm ấy. Để hiểu thêm, bạn có thể tìm đọc một số bài học sinh đã ra trường viết về cô.

Thầy có điều gì muốn nhắn nhủ đến quý phụ huynh và các bạn học sinh đang theo học tại trường Lương Thế Vinh?

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ phụ huynh nên quan tâm đến con cái nhiều hơn nữa, đừng bênh vực con quá, nên tìm hiểu kĩ khi đặt con vào một môi trường mới.

Tôi thực sự rất buồn vì có những câu chuyện như thế. Bởi công sức và những điều giáo viên chúng tôi làm cho các em ở trường sẽ là vô nghĩa khi phụ huynh đánh giá sai vấn đề.

Cảm ơn những chia sẻ của thầy!