Hái rau chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình, người đàn ông bị rắn lục đuôi đỏ cực độc cắn suýt chết

HOÀNG LÊ, Theo Pháp luật và bạn đọc 15:38 23/09/2020

Nhập viện sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc hái rau, người đàn ông phải truyền hàng chục lọ huyết thanh kháng nọc để cấp cứu.

Đó là trường hợp của anh N.P.T. (SN 1977). Trước đó, anh T. ra vườn nhà hái rau để chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình thì bất ngờ cảm thấy đau nhói ở bàn tay trái.

Anh vội rút tay lại thì thấy ngón tay giữa của mình có 2 lỗ nhỏ chảy máu, trông giống vết cắn của rắn nên đã cùng mọi người lục tìm khắp vườn.

Sau khoảng 10 phút truy tìm thì người nhà anh bắt được một con rắn lục đuôi đỏ. Đây là loại rắn cực độc trong số các loại rắn lục với mình xanh và có đuôi màu đỏ. Ngay lập tức, anh được người nhà buộc dây garo vùng bị cắn và đưa đến Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM).

Hái rau chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình, người đàn ông bị rắn lục đuôi đỏ cực độc cắn suýt chết - Ảnh 1.

Con rắn lục đuôi đỏ cắn bệnh nhân

Xác định được loại rắn và qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có tổn thương tại chỗ nặng như vết cắn vùng ngón tay sưng, phù nề lan đến giữa cẳng tay.

Ekip trực cấp cứu đã nhanh chóng xử trí bằng cách dùng kháng sinh và rửa vết cắn ngừa nhiễm trùng, ngừa uốn ván, truyền liên tục 5 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục trong vòng 1 tiếng.

Sau đó vì triệu chứng tổn thương tại chỗ nặng hơn lan lên đến khuỷu tay, bệnh nhân được truyền tiếp 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn trong 1 giờ tiếp theo.

Hái rau chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình, người đàn ông bị rắn lục đuôi đỏ cực độc cắn suýt chết - Ảnh 2.

Tay bệnh nhân sưng nề, ngón tay giữa còn in 2 dấu răng rắn cắn

Khi tổn thương tại chỗ ngưng diễn tiến, bệnh nhân tiếp tục được truyền 3 liều huyết thanh kháng nọc rắn duy trì trong 18 giờ tiếp theo.

Nhờ vậy, tổn thương tại vết thương trên tay trái bệnh nhân đã được kiểm soát, giảm sưng nề, không diễn tiến nặng thêm trong vòng 24 giờ sau khi kết thúc truyền huyết thanh kháng nọc rắn.

Bệnh nhân đã được xuất viện với tình trạng sức khỏe ổn định.

Hái rau chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình, người đàn ông bị rắn lục đuôi đỏ cực độc cắn suýt chết - Ảnh 3.

Người nhà bệnh nhân lo lắng khi gặp bác sĩ

Bác sĩ Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa Cấp cứu của BV cho biết, triệu chứng tổn thương tại chỗ của bệnh nhân nặng hơn có thể do người đàn ông garo vùng chi bị cắn khi sơ cứu. Bệnh nhân đến BV muộn nên trì hoãn việc điều trị và sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn. Hoặc liều huyết thanh dùng khởi đầu chưa đủ so với lượng nọc rắn bị cắn.

Theo thống kê, hàng năm BV quận Thủ Đức tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị rắn độc cắn. Đây là tai nạn xảy ra quanh năm.

Ở nước ta, các trường hợp bị rắn độc cắn thường gặp 2 họ rắn chính đó là họ rắn hổ và họ rắn lục. Nếu không xác định được loại rắn độc nào cắn thì bác sĩ có thể dựa trên triệu chứng rắn cắn để nhận diện họ rắn nhằm có hướng điều trị thích hợp.

Đối với họ rắn hổ: 2 nhóm biểu hiện thường gặp là tổn thương mô tại chỗ (đau, phù nề diễn tiến, hoại tử...) và biểu hiện thần kinh (yếu cơ, liệt cơ, liệt dây thần kinh...). Nguyên nhân tử vong trước nhập viện thường gặp do yếu liệt cơ hô hấp do nọc rắn gây nên.

Đối với họ rắn lục: 2 nhóm biểu hiện thường gặp là tổn thương mô tại chỗ và biểu hiện bất thường về huyết học (chảy máu, rối loạn đông cầm máu...). Nguyên nhân tử vong thường do chảy máu, mất máu diễn tiến rất nhanh và nặng.

Bác sĩ Chức nhấn mạnh thực hiện sơ cứu ban đầu và chỉ định dùng huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong xử trí rắn cắn.

Đầu tiên là phải đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường an toàn, bệnh nhân phải hạn chế vận động, rửa, băng ép và nẹp cố định vùng chi bị rắn cắn nhằm hạn chế việc hấp thu nọc độc qua đường bạch huyết.

Sau đó gọi ngay cấp cứu để vận chuyển người bệnh đến BV xử trí.

Một số sai lầm rất phổ biến trong sơ cứu rắn cắn là việc rạch, hút nọc độc, buộc garo, bôi các chất lạ vào vùng bị cắn. Việc sơ cứu không đúng có thể khiến bệnh nhân nhiễm trùng, đoạn chi và thậm chí tử vong.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày