Cái khó của sinh viên thời bão giá

Lumie, Theo 00:01 11/04/2011

Mọi thứ đều tăng giá khiến cuộc sống của các bạn sinh viên cũng "quay" vòng vòng không thể trở tay...!<img src='/Images/EmoticonOng/00.png'>

Sinh viên học đại học đa số đến từ các tỉnh lẻ, tiền sinh hoạt chủ yếu là do phụ cấp của bố mẹ. Mỗi tháng trung bình một sinh viên sẽ được cho 2 – 3 triệu để chi trả tiền nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền nước, rồi cả tiền mua sắm vật dụng học tập… Nếu như là trước đây, với các bạn sinh viên, 2 – 3 triệu có thể chi trả hết số tiền phải chi hàng tháng, thậm chí vẫn còn dư tiền tiêu vặt thì nay thậm chí còn thiếu. Với mức giá sinh hoạt như hiện nay, nhiều sinh viên đang rơi vào hoàn cảnh “chưa hết tháng mà đã hết tiền, méo mặt vì giá cả”.

M.Hương (Đại học Thương Mại) chia sẻ: “Bác chủ nhà vừa thông báo tăng tiền phòng thêm 20.000/tháng với lý do giá điện tăng và đây là giá chung chứ không phải mình nhà bác ấy tăng. Có thể với nhiều bạn 20.000 không là gì, thậm chí chỉ bằng một bát phở với cốc nước buổi sáng nhưng với sinh viên nghèo tụi mình thì 20.000 cũng là vô cùng khó khăn bởi không chỉ tiền phòng mà tiền ăn cũng tăng, rồi tiền nước. 5000, 10000, 20000,… cứ cộng dồn lại, thế là cả tháng mình mất thêm tới cả trăm nghìn. Chỉ khổ bố mẹ”.

Nhiều sinh viên thắc mắc thì cũng nhận được lời giải thích như của Hương. Sau đợt Tết về quê, khi lên thành phố tiếp tục việc học, nhiều sinh viên đã phải chấp nhận việc tiền phòng tăng lên một chút thì hay cứ hễ điện, nước, xăng dầu tăng thì tiền phòng cũng tăng theo như một lẽ hiển nhiên, thậm chí có tháng giá phòng thay đổi tới 2 lần.

M.Quế (Học viện Ngân Hàng) không khỏi bức xúc khi chỉ hôm trước, hôm sau thôi mà giá mớ rau, quả trứng đã thay đổi “Vừa hôm qua mình mua 1 mớ cải 2 nghìn thôi mà hôm nay đã là 3 nghìn; một quả trứng vịt 3 nghìn, nay đã là 4 nghìn. Không ăn thì không được mà mua thì xót hết cả ruột”.


Giá cả cứ tăng lần lượt từ cái bé cho tới cái lớn, từ mớ rau cho tới vật dụng sinh hoạt đang đè nặng lên vai nhiều sinh viên.

Một số bạn có phương tiện đi học là xe máy cũng không khỏi lo lắng.

M.Thắng (Cao đẳng Giao thông) nói :“Gia đình không khá giả nhưng vì thương con phải đi học xa, đi xe bus lại hay bị muộn nên bố mẹ mình tích góp mua cho con xe Wave. Lúc trước, ăn ít đi một chút thì có tiền đổ xăng nhưng nay thì có nhịn cũng không kham nổi, đành phải gọi thêm trợ cấp của bố mẹ. Mà không chỉ mình, nhiều bạn bè cũng mình cũng vậy”.

Với tình hình như này, nhà ai khá giả còn được chứ nhiều bạn gia cảnh đã khó khăn, nay lại càng túng quẫn. Nhiều sinh viên vì thương bố mẹ nên không xin thêm tiền, thay vào đó các bạn cố gắng tiết kiệm tới mức tối đa bằng cách nấu ăn ở nhà chứ không ăn ngoài, tập trung học chung ở phòng một bạn để tiết kiệm điện, kiếm việc làm thêm để trang trải phần nào sinh hoạt phí…