"Đánh bay" những áp lực từ học đường

Angelbaby.nguyenthi, Theo 00:01 26/09/2011

Nhiệm vụ chủ yếu của chúng mình chính là việc học tập. Vậy thì chúng mình thường phải đối mặt với những áp lực nào nhỉ?

Áp lực từ "quá khứ"

Khi nói về áp lực, ai cũng liên tưởng tới những điều có sức ép lớn, quá ngưỡng chịu đựng của một con người và những điều đó thường gắn liền với hiện tại, tương lai (những việc bắt buộc phải hoàn thành theo kế hoạch có trước). Vậy mà trong chuyện học hành vẫn luôn tồn tại những áp lực từ quá khứ đấy!!! Cùng tớ điểm qua một số áp lực mà học sinh chúng ta hay gặp phải nhá!

Áp lực xuất phát từ việc... học giỏi???

M.Anh (lớp 10, THPT B.T.X) tâm sự: "Suốt 9 năm qua mình luôn là người đứng đầu lớp về thành tích học tập, lại nhiều năm làm lớp trưởng ở trường cấp 1, cấp 2 nổi tiếng. Bản thân mang về rất nhiều giải thưởng của thành phố, giải nhì tại tỉnh môn toán, thi chuyển cấp lại với số điểm cao... nên mình được vào thẳng lớp chọn của trường. 

Chính vì từng sở hữu thành tích học tập tốt như vậy nên ngay từ những ngày đầu năm học, các thầy cô, bạn bè trong lớp luôn "chú ý đặc biệt" tới mình. Nói thật, việc học không đáng sợ bằng việc luôn bị mọi người làm cho "ám ảnh". Bởi bảng thành tích làm mình "sợ" - sợ học kém, tụt hạng so với bạn này, bạn kia rồi mọi người sẽ cười, nghi ngờ khả năng của tớ... Đặc biệt khi học trong môi trường lớp chọn, có rất nhiều người giỏi, thầy cô lại luôn yêu cầu cao khiến mình cảm thấy bản thân không thể thoải mái được."



Khi là em của "người nổi tiếng" học giỏi, là con cưng của thầy cô trong trường,...

V.Tuấn (lớp 12, THPT L.L) nhớ lại khi lên lớp 10 cũng là năm anh trai vừa thi đại học, kết quả đại học của anh đạt 29 điểm và là thủ khoa. Ở trường, anh còn nổi tiếng là con cưng của các thầy cô với hàng loạt giải thưởng mang về trong các kì thi học sinh giỏi... L.L lại giống anh mình y đúc về ngoại hình, nên từ năm lớp 10 tới giờ L.L luôn được thầy cô "ưu ái", không ngừng "chăm nom", kiểm tra trình độ học tập. 

Kể ra thành tích học tập của L.L không đến nỗi tệ, năm nào L.L cũng lọt vào top đầu, top hạt giống của trường và thành tích đó có được đều có 1 phần "công lao" của anh trai. Trẻ tuổi, cái tôi cao, không muốn mang tiếng là cái bóng của anh nên ngay từ đầu lớp 10 L.L phải cố gắng phấn đấu học quên ngày quên đêm. Thế rồi lại cảm thấy mệt mỏi, chán nản, muốn buông xuôi khi bao nỗ lực của L.L  cũng chỉ được "ghi nhận" và bị mang ra so sánh với anh trai.

Trót mang tiếng học kém, bỗng dưng thi đỗ trường công

B.Uyên (lớp 11, THPT L.T) tâm sự lực học của bản thân hiện tại ở mức khá, bạn bè cùng lớp thấy đó là điều bình thường, xứng đáng với mình nhưng với bạn bè thời cấp 2 điều đó dường như khó tin! Trước đây L.T chỉ học ở mức trung bình, thậm chí còn yếu một số môn. Tới cuối năm lớp 9 L.T chăm chỉ hơn, việc học cải thiện được rất nhiều và đỗ ngay vào trường cấp 3 công lập. Đó là kì tích của L.T, và cũng là chuyện khó tin với một số người nên đã tạo cho L.T không ít áp lực. Bù lai, nhờ sự nghi ngờ đó đã tạo cho L.T động lực học để chứng minh cho mọi người thấy rằng bản thân mình hoàn toàn xứng đáng với kết quả đó.

o0o

Qua tâm sự của 3 bạn ở trên chúng ta có thể phần nào hiểu được áp lực từ quá khứ có sức mạnh ghê gớm thế nào. Nhưng họ đều lấy nó để làm động lực phấn đấu thay vì bị quá khứ đánh bại!                



Áp lực từ tương lai

Với những học sinh lớp 12, bao giờ cũng sẽ mang nặng tâm lí muốn đậu trường này, trường kia, ôm trong mình hi vọng, mục tiêu và nỗi lo khi suốt 12 năm đèn sách được quyết định bằng 1 kì thi. 
                 
Khi vượt qua "cột mốc đại học", được làm sinh viên, nhiều bạn vẫn không thể nào an tâm khi luôn phải trăn trở với nỗi lo: liệu mình học ngành này có phù hợp không, ra trường có làm được và làm tốt công việc hay không, rồi liệu mức lương thế nào...
                 
Áp lực trong tương lai còn có một góc nhỏ không thể thiếu dành cho áp lực "ngọt ngào" mang tên tình yêu. Những mối tình thời áo trắng luôn là những mối tình đẹp, trong sáng và nhiều kỉ niệm. Đến khi nghĩ về tương lai, không ít bạn bối rối, hoảng loạn rằng liệu ra trường mình có đến được với nhau, có được làm việc gần nhau, tình yêu còn vẹn nguyên khi xa nhau không...? 

Đâu sẽ là giải pháp đánh bay áp lực???

Biết nghĩ về tương lai với những định hướng, mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, cụ thể, có tính thực thi cao ngay từ hôm nay. Không quên học tập tốt để vào được trường đại học mong muốn hay có được tấm bằng "đẹp" để ra trường dễ xin việc. Tìm hiểu, xây dựng các mối quan hệ hữu ích làm nền móng, cơ sở vững chắc khi ta chính thức bước chân vào đời. Thay vì lãng phí thời gian để lo lắng và chuốc lấy áp lực hãy làm tốt mọi việc ngay ở thì hiện tại.

Tóm lại, chỉ cần biết - hiểu rõ nguyên nhân gây ra áp lực học tập của bản thân thì bạn có thể dễ dàng đánh bay nó!