Để có một giờ Văn hứng thú với học sinh

Giáo Dục & Thời Đại, Theo 10:45 10/11/2014

Làm thế nào để có những giờ Văn hứng thú, làm thế nào để có những người yêu Văn có thể thực hiện lý tưởng truyền thụ của mình trong thời đại mới?

Dưới đây là kinh nghiệm giảng dạy của cô Ngọc Phương – Giáo viên Trường THPT Hà Huy Tập (Hà Tĩnh) về môn học này.

Ứng dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Ngữ văn

Theo cô Phương, có thể ứng dụng sơ đồ tư duy trong dạy học Ngữ văn nhằm đánh thức tiềm năng bộ não. Sứ mệnh của văn chương trong nhà trường phổ thông là giúp học sinh rèn luyện cách diễn đạt “nói có sách, mách có chứng”, diễn đạt có đầu, có đuôi, có trước, có sau, có tính logic và giàu sức thuyết phục, xây dựng ý tưởng và cách thức trình bày theo quy trình: luận điểm, luận cứ, luận chứng.

Cho nên việc mô hình hóa tác phẩm văn học theo sơ đồ hình cây (sơ đồ tư duy): Gốc – cành – lá là việc làm tương ứng với tư duy luận điểm (gốc), luận cứ (cành), luận chứng (lá). Sơ đồ tư duy giúp học sinh lớp khối A, B thỏa mãn tính logic (phân cành - nhánh), giúp học sinh khối C thỏa mãn tính tưởng tượng, sáng tạo.

Để có một giờ Văn hứng thú với học sinh 1

Giúp HS trải nghiệm cùng nhân vật trong tác phẩm

Một sứ mệnh tuyệt vời của việc dạy học Ngữ văn đó là rèn luyện cho học sinh cách trình bày ý kiến với một cách thu hút. 

Trong một giờ dạy Văn, ngoài việc tổ chức cho học sinh tham gia xây dựng bài về kiến thức, giáo viên cần chú trọng nhiều đến việc rèn luyện cho học sinh về “phi ngôn từ”, cách điều tiết giọng điệu, biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt: Ánh mắt, nụ cười, cách sử dụng phi ngôn từ “tay”, sự di chuyển sân khấu, giao lưu với người nghe, trang phục.

“Mỗi lần trả lời bài cũ hay trình bày ý tưởng khám phá tác phẩm mới, học sinh không chỉ đơn thuần là trả lời câu hỏi mà đó là một cơ hội thể hiện mình trên sân khấu”- Cô Phương trao đổi.

Điều đặc biệt quan trọng trong giờ dạy Văn là giáo viên giúp học sinh nhập vai vào tác phẩm để trải nghiệm cảm xúc cùng nhân vật trữ tình trong thơ, nhân vật người kể chuyện trong văn xuôi và các nhân vật điển hình trong truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch…

Mỗi khi học sinh diễn đúng các nhân vật trong tác phẩm văn học đồng nghĩa với việc học sinh đang được trau dồi, trải nghiệm kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử.

Hướng HS đến những hành động đẹp

“Bát cháo hành” của Thị Nở có thể thức tỉnh lương tri con quỷ dữ làng Vũ Đại – Chí Phèo. 

Hành động “cho chữ viên quản ngục” của Huấn Cao – thể hiện tấm lòng của một vị anh hùng có thể giúp một người quản ngục biết lánh đục tìm trong, quyết giữ thiên lương cho lành vững. 

Hành động Sơn mang áo ấm cho Hiên trong Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam) đã trở thành những chủ đề bàn luận sôi nổi trong những giờ học sinh thỏa sức lấy ví dụ ngoài đời mà các em nhìn thấy.

“Và hơn hết, giáo viên gợi dẫn học sinh hướng đến những hành động mà các em đã làm và sẽ là giúp ích cho đời. Mỗi một ví dụ, mỗi sự phân tích, lý giải, mỗi hành động, mỗi góc nhìn cuộc đời là những giọt sữa mát, giọt mật ngọt thấm vào tâm hồn, trí óc các em” – Cô Phương bộc bạch.