Tâm sự của những teen thích "lo chuyện thiên hạ"

thuylinh.hse, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 09/06/2012

Teen thường cho rằng làm cán bộ lớp sẽ mất rất nhiều thời gian, lại còn chuyên phải chạy lăng xăng “lo chuyện thiên hạ”, trong khi học hành thì chểnh mảng. Sự thật thì sao nhỉ?

“Trăm dâu đổ đầu tằm”

Mọi người thường nghĩ làm “cán bộ” là oai, được thầy cô quý mến, đi đâu cũng được mọi người chú ý, thích thế cơ mà. Nhưng đối với những teen đã từng được mang chức danh “cao quý” này mới thấu hiểu hết cái sự vất vả của việc “vác tù và hàng tổng” đem lại. Làm sao để lớp hòa đồng, gắn bó và đạt được nhiều thành tích trong học tập và phong trào? Làm sao để thầy cô hài lòng và yêu quý? Ti tỉ câu hỏi được đặt ra và trọng trách giải quyết được đặt lên vai ban cán sự.

“Đầu năm bạn bè còn bỡ ngỡ làm quen với nhau thì chúng tớ đã phải dẹp ngay những ngại ngùng ban đầu để bắt tay vào lên kế hoạch chơ lớp. Dự định nào Tết Trung thu làm gì, 20/11 tổ chức hoạt động gì, tổ chức đi chơi ở đâu để hợp lý và hiệu quả mà lại giúp mọi người nhanh chóng kết thân với nhau, kế hoạch để khuyến khích phong trào học tập sôi nổi ở lớp… mệt lắm cơ!” - Lan (17 tuổi) nói

Nhưng đâu chỉ có nghĩ rồi lên kế hoạch. Để đưa hoạt động từ trên giấy thành hiện thực lại là cả một quá trình hoạt động không ngừng nghỉ của Ban Cán sự lớp. Tỉ dụ như việc tổ chức đi chơi cho lớp để tăng tinh thần đoàn kết giữa những người bạn mới. “Cán bộ” phải họp nhau lại đưa ra sách lược “cưa đổ” Ban phụ Huynh và cô giáo. Sau đó là lấy biểu quyết của lớp về địa điểm có thể đi, rồi dự trù kinh phí, xin tài trợ… từ bố mẹ, thầy cô, đóng góp của cả lớp. Tiếp theo các bạn còn cần phải chuẩn bị đồ ăn, xe cộ cho chuyến đi chơi sắp tới. Tuy chỉ có một vài công việc nhưng lại đòi hỏi sự đoàn kết, hợp tác và sự khéo léo hết sức từ những “đày tớ” của thần dân trong lớp.

Đó là còn chưa kể đến những công việc “thường ngày” như điểm danh, lấy sổ đầu bài, photo bài tập cho lớp và hàng chục công việc không tên khác... mà mặc nhiên được dành cho các “cán bộ”. “Trường phổ biến cách điền thông tin vào Hồ sơ tuyển sinh Đại học, ngay lập tức các lớp trưởng được báo họp khẩn. Vội vàng bỏ ngay tiết học dở, tớ lại phải sấp ngửa “đi họp” rồi về phổ biến cho lớp” - tâm sự của Cường (18 tuổi) khi kì thi ĐH đang tới gần.


Thế mới thấy, làm “cán bộ” cũng chẳng sung sướng gì. (Ảnh minh họa)

Những vất vả khó đong đếm bằng lời

Làm “cán bộ” là đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của lớp trước thầy cô, trước nhà trường. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì quá tốt đẹp, nhưng nếu chẳng may có chuyện xảy ra, “cán bộ” sẽ là những người phải chịu trách nhiệm đầu tiên và nặng nề nhất. 

Tham gia nhiều hoạt động của trường, của Đoàn trường, làm những công việc của lớp chiếm một khoảng to đùng trong quỹ thời gian học tập của lớp trưởng. Có bậc phụ huynh còn phàn nàn rằng: “Làm cán bộ lớp tốn biết bao nhiêu thời gian chẳng học hành được gì? Cũng đâu có được cộng điểm ưu tiên Đại học. Cuối năm, bảng vàng ghi tên của trường cũng chỉ ghi tên những bạn được điểm thi cao chứ đâu có ghi tên cán bộ lớp”. 

Làm “cán bộ” nếu không có cách ứng xử phù hợp sẽ ngay lập tức bị “thần dân” gán cho những biệt danh chẳng hay ho tẹo nào như “hòa thân”, “mách lẻo”, “tay sai”… Vì không ít teen có suy nghĩ rằng Ban cán sự sinh ra để theo dõi và bắt lỗi các thành viên trong lớp! Nặng nề hơn, có khi các bạn ý còn bị tẩy chay vì tội “không bao che” cho lớp. 

“Mấy tên con trai lớp tớ nổi tiếng nghịch ngợm, chẳng mấy khi chịu nghiêm chỉnh học hành mà không bày trò phá quấy. Một hôm có 2 tên viết giấy xin phép giả để trốn học đi chơi game. Tớ kiên quyết không nhận đơn xin phép vì lúc sáng còn thấy khỏe re mà, khiến hai tên đó bị ghi sổ. Từ lúc đó mấy tên con trai tỏ vẻ ác cảm ra mặt với tớ, lúc nào cũng chống đối không chịu thực hiện nội quy của lớp, của trường khiến việc quản lý lớp của tớ khó khăn vô cùng” - Bình (17 tuổi) nói.

Những điều không dễ có được

Vì “lo chuyện thiên hạ”, teen trưởng thành nhanh hơn, năng động hơn, tự tin hơn, khả năng làm việc độc lập và theo nhóm, khả năng chịu áp lực, khả năng thuyết phục đều lên. Các môn học lý thuyết không dạy bạn những điều này, nhưng “chuyện thiên hạ” thì có thể.

Bận rộn với công việc họp hành, phổ biến kiến thức rồi lên kế hoạch hoạt động cho cả lớp, có thể khiến Cường bị sụt 1 - 2 điểm so với việc Cường ngồi ôn bài thật tập trung. Nhưng Cường lại được rất nhiều: Khả năng tổ chức, làm việc dưới áp lực cao, xử lý tình huống… Và khi quen với những chuyện này, Cường sẽ lại áp dụng vào việc học tập của mình.

“Thực ra, lo chuyện thiên hạ là một cách tự rèn mình. Và nếu biết tự sắp xếp thời gian thì bạn sẽ biết cân đối để không làm ảnh hưởng đến học lực của mình” - Kim Ngân (lớp 11, THPT LTV) chia sẻ.

Hãy tập “lo chuyện thiên hạ” bởi vì sớm muộn bạn cũng sẽ phải trải nghiệm điều ấy trong cuộc sống sau này!