Teen đối phó với bạo lực học đường bằng... công nghệ

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 20/03/2012

Các bạn học sinh ngày nay dường như quá lạm dụng vào chiếc điện thoại, khiến bạo lực học đường càng ngày trở nên rắc rối.

"Cán cân" nghiêng về bên nào?

Có thể dễ dàng nhận ra, hiện nay đang tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều về vấn đề “quyền của giáo viên trong việc xử phạt học sinh bằng... bạo lực”. Từ xưa, người ta đã gọi nghề dạy học là "nghề gõ đầu trẻ". Nghĩa là thầy đồ có quyền dùng thước kẻ để răn đe học trò, miễn là trong một giới hạn cho phép. Vậy mới có chuyện, lắm bậc phụ huynh khi đưa con đến trường, thường gửi gắm con mình cho thầy cô bằng những lời căn dặn như: “Cháu nó có sai xin thầy cứ phạt!”, “Đòn đau nhớ lâu, trăm sự nhờ ở cô!”... 

Thùy Dương (THPT Lương Thế Vinh) cũng kể: “Hồi bé, đến trường, tập viết chữ, viết chính tả, sai tứ tung, cô chẳng la nhiều mà đưa ra hình phạt. Đó là ai viết sai quá số chữ quy định sẽ bị tét một thước vào tay. Gọi là tét thôi nhưng cũng không đau lắm. Nhưng đứa nào cũng sợ và xấu hổ trước mặt bạn bè nên cắm mặt vào tập viết. Rõ ràng chữ tiến bộ hơn nhiều!”

Nhiều năm đã trôi qua, cụm từ “gõ đầu trẻ” vẫn được sử dụng để chỉ nghề giáo, nghề mà Bác Hồ của chúng ta vẫn gọi “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Song, sự phát triển của xã hội cũng đòi hỏi sự biến chuyển trong nhận thức mỗi người và cả các bạn học sinh ngày nay. Theo bác Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: “Chữ gõ đầu trẻ là một hình tượng chứ không ai bây giờ mà còn tiếp tục dạy trẻ theo kiểu thầy đồ xưa”.


Một đoạn clip thầy giáo trẻ đánh trò không nương tay từng bị cộng đồng mạng mang ra bàn tán.

Đồng tình với bác Thi, rất nhiều bạn học sinh phản ánh rằng họ không hề thích thú nếu mỗi ngày đến trường phải mang theo nỗi lo... bị đánh. H (17 tuổi, THPT THĐ) chia sẻ: “Em họ tớ học trường ở quê, kêu suốt ngày bị thầy hành quá trời. Khi thì bằng lời nói mỉa mai, lúc thì bằng cây thước. Em ý còn kể mấy bạn nam trong lớp còn bị thầy véo tai xách lên bảng. Đau mà chẳng dám kêu. Mới thấy mình học ở thủ đô là may mắn rồi!”

Nguyên nhân của vấn nạn bạo lực trong lớp học đó, theo bác Thi là do: “Thứ nhất, một số vụ việc xuất phát từ nhận thức chưa đúng của giáo viên chưa được đào tạo chu đáo về phương pháp sư phạm. Thứ hai, cũng có những giáo viên cố ý bạo hành đối với các em.” Bác cũng nói ngành Giáo dục nhất định sẽ có những biện pháp thích hợp để thay đổi, cải thiện tình trạng này. 

Nhưng dường như các bạn học sinh của chúng ta không thể chờ đợi. Các bạn ấy đã nghĩ ra một cách phản pháo có một không ai.

"Trả đũa" bằng công nghệ

Việc các clip, các bức ảnh ghi lại cảnh thầy cô có những cách hành xử không đúng với học sinh đã lần lượt được đăng tải và nhận được sự phẫn nộ của tất cả mọi người. Gần đây, một đoạn clip được cho là có nguồn gốc ở Bà Rịa Vũng Tàu, trong đó cô giáo đã dùng thước kẻ đánh hàng loạt học sinh.

Mới nghe đến thông tin như vậy, nhiều bác phụ huynh đã lắc đầu lo sợ: “Chẳng rõ con mình đến trường có bị như vậy không nữa. Thường xuyên hỏi thăm con, nhưng chỉ sợ con bị đánh cũng không dám nói” (cô Thùy – Thanh Xuân, Hà Nội).




Đến đoạn clip mới khiến nhiều người lo lắng trước kiểu học sinh "đối phó" với thầy cô của mình bằng công nghệ.

Câu chuyện cô đánh trò, thầy tát trò đã trở nên cũ và chưa có hướng giải quyết thì một vấn đề mới lại nổi lên. Nếu bạn để ý một chút sẽ thấy trong đoạn clip đó có những tiếng cười khúc khích của những bạn học sinh ngồi bên dưới. Họ không những không lo lắng cho bạn bè mình, không cảm thấy lo sợ, hối hận vì đã bị cô giáo phạt tức là có lỗi, mà còn... giục nhau quay lại để về nhà tung lên mạng. 

Và thật đáng ngỡ ngàng khi điều đó không hề “mới” đối với thế hệ học trò ngày nay. Thanh Minh (16 tuổi, Bắc Ninh) cho biết: “Đọc báo thấy những vụ thầy cô đánh học trò ghê quá, đứa nào lớp mình cũng được bố mẹ sắm cho chiếc điện thoại xịn, nhưng ngoài việc dùng nó liên lạc ra, các bạn còn phục vụ cho việc quay lại những cảnh học sinh bị đánh phạt đó. Chẳng ai dám mang lên Ban giám hiệu phản ánh, mà tung lên mạng và chờ đợi vào sự giúp đỡ của tất cả mọi người và từ dư luận lại là điều đơn giản hơn nhiều. Hơn nữa, up lên mạng, hoàn toàn vô danh, nên không sợ bị thầy cô phạt. Mình nghĩ cũng vì thế mà các bạn học sinh đã quá quen với công dụng quay phim của chiếc điện thoại”.

Thùy Linh (18 tuổi, Hà Nội) lại nghĩ rằng: “Đôi khi, việc ghi lại cảnh sai trái và tung lên mạng lại chẳng được các bạn cho rằng là việc làm đúng đắn. Họ chỉ nghĩ đơn giản là quay lại, up lên Youtube hoặc một trang mạng nào đó để câu like. Các bạn ấy muốn trở thành người hùng, hoặc cũng có thể chỉ là ăn theo làn sóng bạo lực học đường này”.

Thay lời kết

Đúng là chẳng có gì đáng bàn nếu thầy cô luôn biết cách làm đúng trách nhiệm của mình, trò luôn biết phản ánh đúng cách đối với nhà trường. Đến bao giờ, chúng ta mới tìm ra được một hướng đi đúng cho cả hai bên?